Đọc Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) - Chương I
Ngay từ khi bắt đầu Năm Đức Tin, nhiều người đã dự đoán và mong chờ một thông điệp về Đức tin. Dự đoán ấy dường như không thành hiện thực khi Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra quyết định từ nhiệm. Thế nhưng cuối cùng Đức giáo hoàng Phanxicô cũng chính thức ban hành thông điệp Lumen fidei vào ngày 29-6-2013, và ngài nói rõ: Đức Bênêđictô XVI “hầu như đã hoàn tất bản thảo đầu tiên” và “tôi thêm vào một ít đóng góp của mình” (số 7). Như thế, thông điệp này ghi dấu ấn của hai vị giáo hoàng, lại được công bố vào ngày kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chọn lựa ấy làm nổi bật sự liên tục và duy nhất trong giáo huấn của Hội Thánh, từ thời các Tông đồ đến ngày nay. Bài viết này không chỉ tóm lược nội dung nhưng mong muốn tìm hiểu diễn tiến tư tưởng của thông điệp.
Tựa đề của thông điệp – Ánh sáng đức tin – đã muốn giới thiệu đức tin như ánh sáng, “ánh sáng soi chiếu toàn bộ hành trình của các tín hữu” (số 1). Thế nhưng ánh sáng ấy đang bị đặt thành nghi vấn, bị cho là vô dụng trong thời đại mới, khi nhân loại đạt đến tuổi trưởng thành của lý trí. Tắt một lời, phải chăng đức tin chỉ là “ánh sáng ảo”, và ảo tưởng ấy “ngăn cản con đường hướng đến tương lai của một nhân loại được giải phóng” (số 2)?
Đối diện thách đố ấy, nhiều người tìm cách cứu vãn đức tin bằng cách trình bày đức tin như thứ ánh sáng chủ quan, dựa trên cảm xúc cá nhân hơn là lý trí. Tuy nhiên, theo cách trình bày đó, đức tin không còn là chân lý khách quan, có thể chia sẻ cho người khác và soi sáng cho đời sống. Hậu quả là một đàng, lý trí ở tự nó không thể soi tỏ tương lai, đàng khác, nó lại phủ nhận đức tin; do đó người ta không còn quan tâm tìm kiếm nguồn sáng vĩ đại nữa (số 3).
Chính vì thế, cần phải tái khám phá đức tin như ánh sáng đến từ Thiên Chúa, “soi chiếu mọi mặt của hiện hữu nhân sinh”. Đức tin ấy phát sinh từ sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi và bày tỏ tình yêu của Ngài với toàn thể tạo thành. Đức tin ban tặng các tín hữu cặp mắt mới để nhìn mọi sự và hướng dẫn hành trình đời sống của họ trong ánh sáng mới. Ánh sáng ấy một đàng đến từ quá khứ vì chúng ta đón nhận từ Chúa Giêsu; đàng khác, ánh sáng ấy lại đến từ tương lai vì Đức Kitô là Đấng Phục sinh và Người dẫn chúng ta vượt qua cả sự chết (số 4). Hiểu như thế, đức tin được ví như một người mẹ đã dẫn chúng ta đến với ánh sáng và sinh hạ chúng ta trong đời sống mới (số 5). Hành trình tái khám phá ánh sáng đức tin được thông điệp khai triển qua 4 chương:
– Chương một: Chúng tôi đã tin vào tình yêu (số 8-22);
– Chương hai: Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu (số 23-36);
– Chương ba: Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận (số 37-49);
– Chương bốn: Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thành đô (số 50-60).
Chương một: Chúng tôi đã tin vào tình yêu (x. 1Ga 4,16)
Hành trình tái khám phá ánh sáng đức tin được thực hiện trước hết bằng cách nhìn lại nẻo đường mà các chứng nhân đức tin trong Cựu Ước đã đi qua. Ở đó nổi bật khuôn mặt của Abraham, tổ phụ của chúng ta trong đức tin (số 11). Với Abraham, tin gắn liền với lắng nghe và bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa. Lời mà Abraham nghe được vừa là tiếng gọi vừa là lời hứa. Đó là tiếng gọi lên đường, hướng đến một tương lai không thấy trước. Đó còn là lời hứa làm cho ông thành cha của một dân đông đảo. Abraham được yêu cầu phải tuyệt đối tín thác vào lời ấy, và tin chính là đón nhận lời ấy như tảng đá vững chắc. Trong Kinh Thánh, từ “đức tin” vừa có nghĩa là sự trung tín của Thiên Chúa vừa có nghĩa là niềm tin của con người. Đấng Thiên Chúa đòi hỏi nơi Abraham sự tín thác tuyệt đối chính là cội nguồn sự sống, cội nguồn mọi hiện hữu.
Tiếp nối đức tin của Abraham, lịch sử dân Isarel là một hành trình dài được dệt bằng niềm tín thác vào Đấng giải thoát họ khỏi cảnh khốn cùng và dẫn đưa họ đến miền Đất hứa (số 12). Những kỳ công của Chúa được nhắc nhớ, cử hành trong phụng tự và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên lịch sử Israel cũng cho thấy cơn cám dỗ của bất tín, bất trung, qua việc thờ ngẫu tượng (số 13). Sâu xa trong việc thờ ngẫu tượng là ước muốn lấy bản thân mình làm trung tâm và thờ phượng những công trình của chính mình. Đức tin chân chính chống lại các ngẫu tượng, vì đức tin hệ tại ở chỗ chấp nhận để cho tiếng gọi của Thiên Chúa không ngừng biến đổi và canh tân con người chúng ta. Trong lịch sử dân Isarel, Môsê nổi bật lên như vị trung gian (số 14). Cùng với Môsê, Israel tập sống đức tin không chỉ như một hành vi cá nhân nhưng còn như một dân.
Tất cả Cựu Ước dẫn chúng ta đến với Đức Kitô là tâm điểm của đức tin Kitô giáo (số 15). Nơi Đức Kitô, mọi lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, sự khả tín của Thiên Chúa được đóng dấu, và tình yêu của Ngài được bày tỏ trọn vẹn. Chính vì thế, đức tin Kitô giáo là tin vào một tình yêu tuyệt hảo, tình yêu làm nền tảng cho mọi thực tại và dẫn đưa nó đến vận mệnh tối hậu. Bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu tuyệt hảo ấy là Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người đã hiến dâng sự sống cho mọi người, kể cả kẻ thù, để biến đổi con tim của họ. Sự hiến dâng và trao ban trọn vẹn của Đức Kitô vượt lên mọi nghi nan và làm cho chúng ta có thể phó thác hoàn toàn cho Chúa (số 16). Hơn thế nữa, sự phục sinh của Đức Kitô là bằng chứng thuyết phục về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa (số 17). Chính vì thế, thánh Phaolô nói, “Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của anh em thật hão huyền” (1Cor 15,17). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô không phải là chuyện tưởng tượng nhưng đã diễn ra trong lịch sử này, vì thế người Kitô hữu không tin vào một tình yêu mơ hồ, trừu tượng, nhưng là tình yêu đang có mặt trong lịch sử và uốn nắn lịch sử này, một tình yêu được bày tỏ trọn vẹn nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Với các Kitô hữu, Đức Kitô không chỉ là Đấng chúng ta tin, nhưng còn là Đấng mà chúng ta kết hợp với Người để tin. Đức tin cũng không chỉ là nhìn vào Chúa Giêsu mà còn là nhìn mọi sự như Người nhìn. Cho nên tin vào Chúa Giêsu là đón nhận Người vào trong cuộc đời mình, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người (số 18). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, các tín hữu trở thành những tạo thành mới, “những người con trong Chúa Con” và được gọi Thiên Chúa là Cha. Ơn cứu độ nhờ đức tin là ở đây. Niềm tin vào Đức Kitô mang lại ơn cứu độ vì trong Người, cuộc đời chúng ta thật sự mở ra đón nhận một tình yêu vốn có trước chúng ta, một tình yêu biến đổi chúng ta từ bên trong, hoạt động trong và qua chúng ta (số 19,20).
Được tình yêu biến đổi, đời sống Kitô hữu mở rộng ra thành đời sống trong Giáo Hội. Đức Kitô quy tụ tất cả những ai tin vào Người thành một thân thể, trong đó họ kết hợp với Người và với nhau. Cho nên đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích Giáo Hội chứ không chỉ đơn thuần là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân.
(còn tiếp)
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh