Đối thoại liên tôn nhằm hướng đến hợp tác liên tôn

Đối thoại liên tôn nhằm hướng đến hợp tác liên tôn

Bài phỏng vấn linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng ban Mục vụ Đối thoại liên tôn của TGP. TPHCM, nhân dịp ban này vừa tròn một tuổi.
 
Cha Bảo Lộc giảng dạy môn Thần học Kitô giáo về các tôn giáo tại Đại chủng viện và các Học viện trong Tổng giáo phận Tp. HCM.
 
Mục đích của ban mục vụ đối thoại liên tôn?
 
Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn do Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thành lập ngày 5-12-2009. Ban hiện có 20 thành viên gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân có kinh nghiệm làm việc và hiểu biết về các tôn giáo khác. Cũng có nhiều cộng tác viên làm việc với chúng tôi.
 
Ban này nhằm cổ vũ người Công giáo địa phương gặp gỡ và tìm hiểu về giáo thuyết và thực hành tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo lớn đang có mặt trong giáo phận như Phật giáo, Cao Đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Baha’i theo tinh thần Công đồng Vatican II.
 
Các thành viên cũng thăm viếng và tiếp xúc với các tín đồ tôn giáo khác để xây dựng tình bằng hữu-huynh đệ, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau trong lĩnh vực từ thiện và ích lợi cộng đồng trong tương lai. Các cuộc gặp gỡ đó là cơ hội cho chúng tôi trao đổi kinh nghiệm sống đạo, chia sẻ niềm tin Kitô giáo của mình cho người khác đạo, và nhất là xua tan ngộ nhận như theo đạo Công giáo là bỏ thờ kính ông bà.
 
Chúng tôi cũng phổ biến giáo lý và giáo huấn của Giáo hội Công giáo cho tín đồ các tôn giáo khác để họ hiểu đúng về Kitô giáo.
 
Giáo hội có đào tạo nhân sự cho mục vụ đối thoại liên tôn không?
 
Trong ba năm qua, chúng tôi đã tổ chức các khóa học về mục vụ đối thoại liên tôn tại Học viện mục vụ của Tổng giáo phận. Hàng chục học viên tham dự các khóa học về các tôn giáo, giáo huấn của Giáo hội về đối thoại liên tôn và kỹ năng thực hành đối thoại liên tôn. Những người này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động liên tôn tại các xứ đạo và cộng đoàn.
 
Ban mục vụ đã có những hoạt động nào?
 
Hôm 15-12-2010, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm cùng một số linh mục và tu sĩ đã tiếp đón những đại diện của bốn Hội thánh Tin Lành, cùng các chức sắc của bốn tôn giáo Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Baha’i tại tòa Tổng Giám mục. Các lãnh đạo Giáo hội địa phương đã chúc mừng Giáng sinh và Năm Mới 2011 cùng tặng quà lưu niệm cho họ. Các lãnh đạo tôn giáo còn cùng nhau dùng bữa cơm chay bày tỏ tình liên đới với nhau.
 
Cuộc gặp gỡ như thế lần đầu tiên đã diễn ra năm ngoái (19.12.2009), do sáng kiến của Đức Hồng Y Gioan Baotixita .
 
Chúng tôi được mời tham dự một số ngày lễ của các tôn giáo và còn thăm viếng một số thánh thất Cao Đài, ngôi chùa, học viện Phật giáo và đền thánh Hồi giáo.
 
Nữ tu sinh viên thuộc Học viện liên dòng nữ Phaolô Nguyễn Văn Bình thăm và giao lưu với các đạo tỷ Cao Đài và một đền thánh Hồi Giáo.
 
Chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse cũng thăm viếng và trao đổi với các chư tăng Phật giáo.
 
Chúng tôi đã viếng thăm một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, nhiễm HIV và phòng khám bệnh phát thuốc miễn phí của Phật giáo. Cũng có vài Kitô hữu làm việc ở nơi này. Giáo hội địa phương còn ủy lạo một cơ sở cho trẻ mồ côi, đường phố do Phật giáo điều hành.
 
Các tu sĩ Cao Đài và Phật giáo cũng được mời đến nói chuyện về thực hành tôn giáo với các học viên Công giáo tại Trung tâm Mục vụ.
 
Tất cả các hoạt động của chúng tôi nhằm xây dựng cuộc sống hài hòa, hiểu biết giữa tín đồ các tôn giáo và thắt chặt tình liên đới với nhau, hướng tới  việc cộng tác với nhau phục vụ công ích.
 
Ban mục vụ đối thoại còn có những hoạt động gì nữa?
 

Tập san Nhịp cầu Tâm giao

Tập san Nhịp cầu Tâm giao
Chúng tôi phát hành Tập san Nhịp cầu Tâm giao ba tháng một số. Số thứ ba với chủ đề "Chữ hiếu trong truyền thống văn hóa Việt Nam" vừa ra mắt đầu tháng ba này với số lượng 1.200 bản. Vài giáo xứ địa phương sẽ tặng tập san này cho các tín đồ tôn giáo bạn như quà tặng dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Một số tín đồ Cao Đài và Phật giáo cũng tham gia viết bài trong tập san này.
 
Tập san là nơi chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ tín đồ các tôn giáo khác và thu tập thư mục, tài liệu giúp hiểu biết cơ bản về các tôn giáo, đồng thời tạo một diễn đàn đối thoại liên tôn qua văn bút giữa người Kitô hữu và các đạo hữu khác. Đây là một hoạt động cộng tác thiết thực giữa tín đồ các tôn giáo.
 
Chúng tôi lập tủ sách liên tôn để mọi người có nhu cầu hiểu biết thêm về Kitô giáo và các tôn giáo bạn có thể tham khảo tại văn phòng mục vụ đối thoại liên tôn.
 
Chúng tôi còn trao đổi sách tôn giáo với một số tôn giáo bạn nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; giới thiệu sách của các tác giả đạo Cao Đài cho các học viên hay một số người Công giáo muốn tìm hiểu.
 
Các tôn giáo có xung đột với nhau không?
 
Nói chung tín đồ các tôn giáo sống hòa hợp với nhau và tôn trọng sự khác biệt của nhau dù không khỏi có vài bất đồng về tư tưởng.
 
Quan hệ giữa một số người Công giáo và Phật giáo có căng thẳng với nhau vào những năm 1960 nhưng nay không còn nữa. Hiện nay, các tu sĩ Công giáo và Phật giáo ở Huế đang cộng tác với nhau để chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS và phục vụ người nghèo.
 
Trong giáo phận chúng tôi có một linh mục có bố là một chức chắc Cao Đài và mẹ là một Phật tử.
 
Tình hình đối thoại liên tôn hiện nay thế nào?
 
Đối thoại liên tôn là một hoạt động mục vụ mới trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam.
 
Một số lãnh đạo Giáo hội địa phương bắt đầu nhận thấy được tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn.
 
Tại Đại hội Dân Chúa 21-25/11, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, GM Phụ tá GP. Xuân Lộc, đã đề nghị các giám mục thành lập một tiểu ban đối thoại liên tôn cấp quốc gia và cấp giáo phận. Đây là một tin vui.
 
Chương trình đối thoại liên tôn được dạy tại một số Đại chủng viện và Học viện từ năm năm qua. Tuy nhiên, nhiều giáo phận chưa có ban Mục vụ đối thoại liên tôn và thúc đẩy các hoạt động đối thoại liên tôn.
 
Trong thời gian tới ban mục vụ đối thoại liên tôn có những dự định gì?
 
Tiếp tục đào tạo thêm những Kitô hữu và giáo lý viên dự tòng (kết hợp với Ban Giáo lý Giáo phận) về việc loan báo Tin Mừng qua con đường đối thoại liên tôn.
 
Mở rộng sự cộng tác, trao đổi với các chuyên viên của các tôn giáo trong việc xây dựng giáo trình đào tạo về tôn giáo và tập san nghiên cứu liên tôn giáo, giúp các tín đồ hiểu biết lẫn nhau.
 
Tham dự các lễ hội tôn giáo và thăm viếng các cơ sở tôn giáo bạn.
 
Hướng đến việc cộng tác tại một số cơ sở trong việc phục vụ người nghèo.

------------------------------

Xem thêm: Sự kiện đối thoại liên tôn trong Giáo phận năm 2010

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top