Đối thoại và Canh tân: Ấn tượng ngày họp định kỳ Ban MVĐTLT quý I/2011
Trung Tâm Mục vụ TGP – Sáng Thứ năm, ngày 17 tháng 3 năm 2011, Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn (MVĐTLT) họp định kỳ quý một. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ và đúng giờ tại Phòng họp TTMV, Cha Trưởng Ban giới thiệu thành phần tham dự, lý do và chương trình buổi họp, rồi tất cả cùng xin Chúa Thánh Thần đồng hành, hướng dẫn các thành viên biết đối thoại với nhau cũng như với tha nhân, theo gương Thánh Phanxicô Assisi.
Thuyết trình
Cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm và Soeur Anna Nguyễn Thị Phượng chia sẻ cho các thành viên “Một thoáng nhìn lại Đại Hội các Bề Trên thượng cấp Đông Nam Á lần thứ XIV tại Bali - Indonesia” (16-22/11/2010). Chúng tôi ghi nhận được một số nội dung chính yếu như sau:
1. Hai tu sĩ này đại diện nhà dòng tham dự với tư cách chuyên viên ĐTLT.
2. Chủ đề của Đại hội (ĐH): “CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI TU SĨ CHO CUỘC ĐỐI THOẠI HIỆU QUẢ TẠI Á CHÂU ĐA TÔN GIÁO VÀ ĐA VĂN HÓA”
3. Tuyên Bố chung cuối ĐH có tựa đề là: “ĐỐI THOẠI: một hướng canh tân đời sống tu trì ngày nay tại Á châu”
4. Vài suy nghĩ từ SEAMS XIV.
Nội dung chi tiết của ĐH này đã được đăng trên WGP [1], nên người viết không ghi lại đây, nhưng qua lời chứng tá của hai tu sĩ DCCT và Phaolô thành Chartres cùng với những hình ảnh minh họa về ĐH, chúng tôi xin nêu ra vài tâm tư-tình cảm sau đây:
a. Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần Thiên quốc vì “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (…)
b. Xin chúc mừng quốc gia Indonexia, vì đã có những địa danh nổi tiếng hoàn cầu, cụ thể là "thiên đường" Bali với môi trường sinh thái biển tuyệt vời và nền văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống Đông Nam Á cũng như văn hóa Ấn giáo. Đồng thời xin cảm ơn các nhà lãnh đạo phần đạo cũng như phần đời, và dân đảo Bali đã nhiệt tâm tổ chức một ĐH đầy ý nghĩa.
c. Dù cư dân Bali đa số là tín đồ Ấn giáo, nhưng những kỷ niệm tốt đẹp từ quý vị đem lại, do hai thành viên trong Ban tường thuật cách hào hứng và bồi hồi, đã khiến chúng tôi cảm phục và thương mến quý vị vô cùng. Ai nấy đều mong đến một ngày được hạnh ngộ.
d. Nghe thuyết trình xong, lòng chúng tôi bừng sáng lên niềm vui vì nhận ra và thêm xác tín rằng: “Đối thoại liên tôn là một hoạt động thuộc về bản chất và sứ vụ của Hội Thánh, đến nỗi không có đối thoại thì không có sứ vụ”. Vì vậy, anh chị em chúng tôi “còn chờ gì nữa mà không lên đường!”.
e. “Trông người rồi nghĩ đến ta”. Nhìn biết hoạt động của các nước láng giềng, để rút kinh nghiệm cho Giáo hội mình …
Phản hồi
Kết phần thuyết trình, một tràng pháo tay vang lên cám ơn hai thuyết trình viên đã đưa các thành viên, một cách nào đó, đến dự ĐH… nhưng chưa xong, vì mới chỉ có “một chiều”. Giờ đến lượt phản hồi của các dự thính viên:
Hỏi: Việc “làm chứng cách ngôn sứ” trong số 4 của Tuyên bố chung SEAMS là thế nào?
Đáp: Đó là không chỉ bằng lời nói mà là những “dấn thân” đối thoại và hợp tác của Hội Thánh với những anh chị em thuộc tôn giáo khác.
Hỏi: Khi theo học về các tôn giáo tại Thái Lan và được nghe kinh nghiệm của anh em Indonesia chia sẻ rằng việc sống Đạo và đối thoại liên tôn rất khó ở Jakarta. Vậy ta chỉ tương quan với các thành phần trong cộng đoàn mình thôi hay vẫn cố gắng sống với anh chị em Islam ở đó?
Đáp: Phải cố gắng xây dựng tương quan với người khác, cho dù đòi hỏi phải “hy sinh chính mình!”… Các soeur bên Phi Luật Tân kể: “Giáo dân nước họ sống Đạo với niềm tin rất mạnh dù họ gặp rất nhiều khó khăn bởi vì họ ý thức được vai trò ngôn sứ của mình”.
Hỏi: Trong bài tường thuật, có bài phát biểu của một giáo sư người Ấn nêu lên sự tương phản giữa Ấn giáo và Kitô giáo, vậy đó là nói đến sự khác biệt hay là thế nào?
Đáp: Kitô giáo là độc thần còn Ấn giáo thì đa Thần, vậy có tương phản và khác biệt là tất nhiên. Vì vậy trong các mối tương quan nên có cái nhìn tôn trọng lẫn nhau.
Hỏi: Giáo Hội Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các Giáo hội Đông Nam Á chung quanh về đối thoại liên tôn?
Đáp: Kinh nghiệm của các nước Bạn là: họ xây dựng một đời sống văn hóa hài hòa với nhau. Từ nhỏ, người ta đã cùng học tập, sinh hoạt chung trong một môi trường giáo dục giữa các em không cùng tôn giáo, nên sự kỳ thị tôn giáo hầu như không là vấn đề khi họ trưởng thành … Ví dụ khác nữa là người Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác đã có một kinh nghiệm liên đới trong việc giải quyết các vấn đề của quốc gia một cách hiệu quả.
Ở Singapore, giới lãnh đạo các tôn giáo hội họp nhau một lần một tháng, họ góp lời cầu nguyện theo một chủ đề, rồi cùng đưa ra những hành động cụ thể. Một trong những kết quả là tập sách cầu nguyện giữa các tôn giáo. Nhân đây cũng xin đề nghị Ban MVĐTLT nên tổ chức cầu nguyện tự phát và chung thường xuyên.
Tại Thái Lan, chính Chính phủ đã qui tụ tín đồ các tôn giáo lại với nhau và giới Công giáo là thành phần năng động trong việc tham gia hoạt động liên tôn vì ích lợi chung này.
Hỏi: Trong Tuyên bố chung của SEAMS [2] vừa qua có đề cập đến ba đối tác đối thoại của Giáo hội tại Á châu: người nghèo, văn hóa và các tôn giáo; vậy có bàn về việc thực hành hoặc đào tạo cho khu vực Đông Á không?
Đáp: SEAMS XIII đã bàn vể “Đào tạo” nên ở ĐH lần thứ XIV này thì trao đổi chính yếu về “Đối thoại”. Cũng cần nói thêm, các Chủng viện, Học viện dòng tu ở Việt Nam đã đưa vào chương trình đào tạo các môn Thần học tôn giáo và đối thoại liên tôn. Cụ thể là ở Học viện Mục vụ TGP, ngành Mục vụ ĐTLT có 3 giảng khóa: (1) Kitô giáo và các Tôn giáo khác, (2) Giáo huấn Giáo Hội vể ĐTLT, và (3) Thực hành ĐTLT. Về việc đối thoại trong cuộc sống, thì đòi hỏi chúng ta phải sống đúng “căn tính của người Kitô hữu” trong đời thường, nơi các cuộc gặp gỡ tha nhân, môi trường chức nghiệp cũng như tại các nơi thờ tự. Cần phải có thời gian để tiến trình đối thoại liên tôn sinh hoa kết quả, vì hiện tại ở Dòng chúng tôi mặc dù cũng có văn phòng về hoạt động này, nhưng xem ra số người quan tâm chưa nhiều. Chúng ta hy vọng vào lớp người tu sĩ trẻ đang đươc đào tạo và hướng dẫn về ĐTLT…
Cần nâng cao trình độ hiểu biết cho người hoạt động ĐTLT, tìm thêm người tham gia, mời các nhà chuyên môn từ các nước đến chia sẻ kinh nghiệm cho phong phú hơn…
Hỏi: ở TGP Tp HCM, công việc ĐTLT do Đức cố TGM Phaolô chủ xướng và Đức Hồng Y Gioan Batixita tiếp nối, không biết trong khu vực Đông Nam Á đã có bao nhiêu nước hoặc Giáo Phận đã có hoạt động này?
Đáp: Ở các nước châu Á thì hoạt động ĐTLT đã có từ nhiều chục năm qua, như ĐH ghi nhận, và trong cơ chế của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) cũng đã có Văn phòng đặc trách việc Đối thoại liên tôn và Đại kết. Còn trong Giáo hội nhà, thì gần đây đã có những tín hiệu của “vui mừng và hy vọng” cho lĩnh vực ĐTLT:
- Đề nghị chính thức của Đức Gm Phụ tá GP. Xuân Lộc tại Đại Hội Dân Chúa 2010: “xin Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thành lập tiểu Ban MVĐTLT”. Do hoàn cảnh và những điểm nhắm ưu tiên mục vụ của từng Giáo phận có nét đặc thù riêng, hiện nay, Ban Mục Vụ ĐTLT chỉ mới được thành lập tại TGP Tp. HCM.
- Một trong những hoạt động của Ban là xây dựng tập san “Nhịp Cầu Tâm Giao”, nhằm truyền đạt hiểu biết về niềm tin và thực hành của các tôn giáo, đồng thời cũng là một văn đàn để tín đồ các tôn giáo trao đổi với nhau.
Tội nghiệp hai thành viên liên dòng của Ban trả lời "mệt nghỉ"!
Cảm tạ
Chúng con xin cảm ơn Giáo Hội-Mẹ Hiền đã chăm nuôi cho “No căng cái Trí”.
Xin phép dừng ở đây để đi dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể cho “Tròn đầy cái Tâm” đã, vì hôm nay tân linh mục Phêrô của Ban chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn và mừng Quan Thầy các thành viên Giuse mà! Chúng ta cũng nhớ đến anh chị em Nhật Bản đang gánh chịu hậu quả của thiên tai nữa nhé …
“Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con trông cậy nơi Ngài”.
“Xin cho chúng con biết đối thoại bên trong (giữa mọi thành viên trong Ban, trong Hội Thánh) và mở ra đối thoại với muôn dân trong tinh thần canh tân và sám hối”
“Thánh lễ đã hết”, nhưng chúng con không về, vì chương trình còn phần ba La Mã. Các thành viên Ban ĐTLT được chia sẻ niềm vui lễ thánh Giuse qua bữa cơm với Đức Cha Phêrô, quý thành viên Ủy Ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN và các linh mục Trung Tâm Mục vụ.
Trong tinh thần liên đới giữa các ban Mục vụ trong Giáo phận, anh chị em đã chúc mừng lễ bổn mạng hai cha trưởng Ban MV Truyền Thông và trưởng Ban MV Ơn gọi.
Cảm tạ ơn Chúa Cả Ba Ngôi vì cả tâm thân chúng con đều được “NO ĐẦY”!
------------------------------------------------------
[2] Tuyên bố chung của Đại Hội Bề Trên Thượng Cấp XIV tại Indonesia
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020