Đón và ‘tri ân’ 76 tu sĩ Công giáo phục vụ tuyến đầu (đợt 4)
TGPSG -- Khi phục vụ bệnh nhân, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận lãnh…
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã phát biểu như thế trong lễ “Đón và Tri ân các tình nguyện viên Công giáo” vào lúc 9g ngày 13-10-2021 tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình (2F Nguyễn Hiến Lê, Phường 13, Tân Bình).
Buổi lễ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP HCM tổ chức để đón 76 tình nguyện viên (TNV) Công giáo kết thúc một tháng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 và tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định:
- Phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu) có 73 TNV thuộc các Tu hội / Hội dòng: Anh Em Hèn Mọn (1 linh mục (Lm) và 35 tu sĩ (Ts)), Ngôi Lời (1 Lm), Dòng Tên (1 Lm và 1 Ts), Đức Mẹ người nghèo (4 Ts), Thương Khó Chúa Giêsu (1 Ts), Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (3 Ts), Thánh Phaolô Nhật Bản (1 Ts), Đaminh Rosa Lima (3 Ts), Con Đức Mẹ Phù Hộ (13 Ts), Con Đức Mẹ Đi Viếng (6 Ts), Foyer Bình Triệu (1 Ts), Mến Thánh Giá Khiết Tâm (1 Ts).
- Phục vụ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có 3 nữ tu (Nt) của Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn.
Trước buổi lễ ‘Tri ân’
Trước khi buổi lễ ‘Tri ân’ diễn ra, một số TNV đã chia sẻ về “những dấu ấn” khi phục vụ bệnh nhân covid-19 trong một tháng qua.
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên) tâm sự:
Dấu ấn sâu đậm nơi tôi: đó là ‘khuôn mặt các bệnh nhân’ khi tôi trao ban các bí tích, đặc biệt là bí tích Xức Dầu - khoảnh khắc của ân sủng mà Chúa mời gọi tôi đồng hành với họ trong những lúc rất khó khăn của cơn bệnh. Tôi nhận thấy ánh mắt họ gửi gắm rất nhiều điều. Họ đặt tin tưởng nơi lời cầu nguyện của tôi. Tôi sẽ nhớ họ, nhớ những người thân của họ, những người đã xin tôi cầu nguyện…
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên)
Sau khi đọc Kinh Sáng cuối cùng trước lúc rời khỏi khách sạn Minh Tâm, Nt Maria Đào Thị Phượng - Dòng Đaminh Rosa Lima - nhớ lại một tháng thiện nguyện đã trôi qua:
Tôi ngồi thinh lặng mà lòng trào dâng tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Mân Côi, vì tình thương của Chúa thật lạ lùng ở nơi này, đặc biệt vì trong các bệnh nhân, có một cụ bà năm nay 97 tuổi và là bệnh nhân lớn tuổi nhất tại bệnh viện hồi sức Covid 19. Sau khi biết được tình hình sức khỏe của cụ khá hơn rất nhiều và sắp được xuất viện, người nhà của bà cụ vô cùng vui sướng và ngạc nhiên vì biết được các TNV đã chăm sóc cụ rất chu đáo. Con trai cụ là cán bộ hưu trí, rơm rớm nước mắt nói với tôi: "Các sơ đúng là thiên thần của các cụ già và các bệnh nhân. Chú không ngờ bà lại được chăm sóc ân cần đến thế. Chú và gia đình không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn." Lúc bà được xuất viện, chú nhắn tin cho tôi và nói: "Đúng phép lạ do các cháu – những người của Chúa cử đến giúp Bà, cháu nhỉ? Cảm ơn cháu nhiều, rất nhiều!”
Khi nghe những lời đó, tôi thầm nghĩ ngay đến Chúa và Mẹ Mân Côi chính là nguồn cội tình thương đã ban cho bà được như tình trạng hôm nay. Quả thật, trong suốt thời gian làm việc và chăm sóc bà, tôi thường thì thầm kêu xin Chúa và đọc lời kinh Mân Côi xin Mẹ chữa bà cụ. Tôi tin Chúa đã qua Đức Mẹ làm phép lạ chữa lành, vì ở độ tuổi 97 của bà mà chiến thắng được căn bệnh Covid, bình phục trở về là điều ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của tất cả các y bác sĩ và mọi người.
Nt Maria Đào Thị Phượng - Dòng Đaminh Rosa Lima
Đệ tử Phêrô Nguyễn Đức Cảnh - Dòng Phanxicô - bày tỏ tâm tình:
Đối với con, chuyến đi này thật đặc biệt. Một tu sĩ thường sẽ đi mục vụ khắp nơi như giúp xứ, giúp cộng đoàn, giúp mái ấm... nhưng không nghĩ lại có ngày lại được phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid. Đây không chỉ là một trải nghiệm, mà là một cơ hội để lan tỏa yêu thương của chính mình cho mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Nt Têrêsa Nguyễn Thị Dung - Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế - cảm nhận:
Khi nhìn bệnh nhân đau khổ như hình ảnh Chúa Giêsu chịu trên Thập Giá, mình phải làm gì đó để chia sẻ sự đau khổ của anh chị em mình đang chịu…
Nt Maria Nguyễn Thị Thùy Linh - Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm:
Tôi học được nơi bệnh nhân sự kiên trì chống chọi với căn bệnh, kiên trì để tập thở khí trời, kiên trì để tập luyện, kiên trì để được sống.
Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn - Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời - đã chia sẻ nỗi xúc động khi lần đầu tiên chứng kiến một bệnh nhân nhiễm Covid qua đời:
Con đã quỳ gục xuống vì cảm nhận nỗi bất lực trước dịch bệnh. Khi các điều dưỡng đưa ông bệnh nhân ra thang máy xuống nhà xác, con bần thần không biết làm gì. Một bác sĩ đến vỗ vai con và nói: ‘Cụ ông đã điều trị tại đây gần 3 tháng rồi sơ ơi, sơ bình tĩnh lại đi. Điều cần làm bây giờ là cầu nguyện cho ông’. Khi nghe vị bác sĩ nói như thế, con có phần an tâm hơn đôi chút. Tuy nhiên con vẫn không thể tiếp tục làm bất cứ một việc gì vào lúc đó được. Và ca trực hôm đó, con đã phải ra về sớm hơn…
Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn - Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời
Lm Phêrô Trần Ngọc Niên - Dòng Anh Em Hèn Mọn - cho biết:
Tỉnh dòng đã gửi đi 37 tu sĩ, trong đó có các em mới tìm hiểu, một số là thỉnh sinh. Cảm thương các bệnh nhân không được chăm sóc, anh em đã đăng ký và xin phép gia đình tạm dừng việc học để bước vào ‘thực tế’. Qua một tháng, các em trưởng thành lên rất nhiều. Các em mang tinh thần của Thánh Phanxico Assisi, phục vụ bệnh nhân rất tận tình…
Lm Phêrô Trần Ngọc Niên - Dòng Anh Em Hèn Mọn
Tu sĩ Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Văn Hải - Dòng Đức Mẹ Người Nghèo - nhận định:
Khi chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi vĩnh viễn, ta sẽ muốn nhắn nhủ với nhau rằng: Cuộc sống con người rất mong manh, nên hãy tận dụng thời gian mà sống với nhau cho tốt để đem lại hạnh phúc cho nhau...
Lễ ‘Tri ân’
Khởi sự buổi lễ ‘Tri ân’ vào lúc 9g, nhóm các TNV đã cùng múa cử điệu bài “Đưa con đi” của Phan Mạnh Quỳnh, khiến cho bầu khí buổi lễ thật sôi động.
Tiếp theo, Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid 19 – trình bày:
Ba tháng vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 3.800 bệnh nhân nhiễm Covid rất nguy kịch. So với các Trung tâm hồi sức khác, thì cơ sở này lớn nhất. Qua 3 tháng, có 2.500 bệnh nhân được xuất viện, 2/3 xuất viện thẳng (từ bệnh viện về thẳng nhà), 1/3 bệnh nhẹ hơn chỉ cần thở oxy, nên chuyển về bệnh viện tầng dưới. Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân không may, vì chúng ta là bệnh viện tuyến cuối.
Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn
Cuối tháng Tám, số bệnh nhân tử vong đã giảm rất nhiều. Trước đó, có ngày ký tới 50 ca qua đời. Bây giờ còn khoảng 8 đến 10 ca, hay còn thấp hơn nữa. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể lực lượng nhân viên bệnh viện.
Số tử vong toàn thành phố đã giảm. Thời gian cao điểm cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, có những ngày toàn thành phố có từ 5 đến 6 ngàn ca một ngày, trung bình tử vong hơn 2 ngàn ca 1 tuần, có đỉnh điểm lên 300 ca tử vong trong 1 ngày. Hiện tại, như ngày hôm qua, chỉ có khoảng hơn 1 ngàn người mới mắc Covid. Số tử vong trong tuần qua là 600 ca (30%).
Hiện nay tại Bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19, bệnh nhân chỉ còn phân nửa so với trước đây. 2.800 lượt cán bộ, nhân viên đã đến công tác tại bệnh viện Bệnh viện trung ương, thành phố, các trường đại học, các tổ chức thiện nguyện.
Riêng về TNV, có 387 lượt TNV đến từ Công Giáo, chiếm một tỉ lệ rất lớn. Thành công của bệnh viện là ở mô hình chăm sóc toàn diện. Bệnh nhân nặng phải chăm sóc 24/24. Tất cả đều làm việc theo nhịp độ 3 ca 4 kíp (hôm nay ca sáng, ngày mai ca chiều, ngày tới buổi tối, ngày tiếp nghỉ). Về mặt sinh học, giờ giấc làm việc như thế rất khó khăn cho chúng ta.
Ngoài chăm sóc điều dưỡng, còn phải chăm sóc về tâm lý, vật lý trị liệu, vệ sinh cá nhân. Vì thế, nếu không có lực lượng TNV tôn giáo thì bệnh viên không thể trụ nổi cho đến ngày hôm nay.
Kết thúc phần trình bày của mình, bác sĩ Lê Anh Tuấn đã cảm ơn các TNV và các lãnh đạo các cấp.
Tiếp lời bác sĩ Tuấn, Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - phát biểu:
Lời bài hát và những cử điệu mà các TNV vừa trình bày đã mang đến sứ điệp lan tỏa tình yêu của Chúa, nhờ sự hiến dâng tuổi trẻ với bao khát vọng, trong từng bước chân yêu thương. Kết quả của hành trang yêu thương ấy là sự vững tin cho đến ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta ra về với kết quả là bệnh nhân xuất viên nhiều hơn, số tử vong giảm đi. TNV là mắt xích quan trọng, nói lên trách nhiệm của người công dân. TNV không ngại dấn thân. Đặc biệt, các TNV đã cầu nguyện cho các bệnh nhân không may qua đời, làm ấm lòng người nhà của các bệnh nhân.
Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM
Nt Matta Hoàng Thị Thúy - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ - thay mặt các TNV đã nói lên lời cảm ơn:
Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, với tấm lòng mục tử của Chúa Kitô, đã có quyết định táo bạo là mở rộng cánh cửa Giáo Hội đến biên cương phục vụ mới, qua việc mời gọi anh chị em tu sĩ chúng con làm thiện nguyện để giúp đỡ các bệnh nhân Covid. Chúng con cảm nhận thật sâu sắc rằng: từng người chúng con đang được sống dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu cách sống động, khi được là người thân, là người nhà các bệnh nhân, trong khi hiện diện kề bên để chăm sóc, ủi an nâng đỡ họ.
Nt Matta Hoàng Thị Thúy - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ
Chúng con cũng xin cảm ơn cha Giuse Đào Nguyên Vũ, cha Giuse Trần Hòa Hưng, sơ Minh Nguyệt và các vị đại diện Đức Tổng đã luôn quan tâm đến thăm hỏi và động viên chúng con trong suốt hành trình phục vụ.
Còn về phần các anh chị em trong nhóm TNV chúng con, chắc hẳn mỗi người đều trở về với tâm tình biết ơn sâu sắc dành cho nhau. Trong thời gian qua, chúng con đã cùng nhau nỗ lực sống lời kinh Lạy Cha cách thâm sâu nhất khi phục vụ mọi người như phục vụ chính anh em ruột thịt, con của cùng một Cha trên trời. Chúng con đã trải qua đủ mọi thứ cung bậc xúc cảm trên vùng đất thánh của Bệnh viện Dã chiến. Có người chị em trong nhóm thiện nguyện đã chia sẻ: tất cả mọi bệnh nhân đều như là người thân của chúng con. Là người thân, chúng con chẳng muốn từ chối bất cứ nhu cầu nào. Là người thân, chúng con không có thời gian để suy nghĩ, tính toán sạch dơ, nhưng chỉ muốn làm mọi sự “để họ được sống và sống dồi dào”.
Lời cảm ơn cuối cùng và đặc biệt, chúng con xin gửi đến các bệnh nhân Covid mà chúng con được trực tiếp phục vụ. Trong khi cùng họ đối diện trước cửa tử, thấy được những quằn quại đau đớn, những ánh mắt lo lắng sợ hãi, những chiến đấu ngoan cường vì sự sống, được chia sẻ những trăn trở, hối tiếc, và cả biết bao dự định còn dở dang..., chúng con chạm đến sự linh thánh của mầu nhiệm sự sống, hiểu được ý nghĩa đời người. Chúng con mang trong mình những câu chuyện buồn và cảm giác bất lực khi phải liên tục chứng kiến các bệnh nhân lần lượt ra đi… Tuy nhiên, chúng con cũng được ban niềm hạnh phúc khi được chứng kiến các bệnh nhân chiến thắng tử thần, trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Bởi sự sống là một quà tặng, nên đời sống là một lời tạ ơn, đời Kitô hữu là một lời tri ân. Chúng con thấy mình được nhận biết bao ơn lành và đời sống của chúng con cần phải tiếp tục được lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, lòng tín thác và hy vọng. Chúng con tiếp tục cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, và xin phó thác họ cho lòng thương xót Chúa.
Cuối cùng, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn - có đôi lời với TNV:
Hôm nay chúng ta được đón về rất ấn tượng so với các lần trước đi đón các TNV. Chúng ta thấy trên bảng chào đón các anh chị em trở về có chữ “Tri ân”. “Tri ân” là từ Hán Việt: Tri là biết là nhớ. Tôi chắc rằng, chúng ta sẽ mang về nhà rất nhiều kỷ niệm hữu ích cho cuộc đời tu trì và dâng hiến của mình.
Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn
Trong bài báo cáo của CDC Hoa Kỳ, bà Rochelle Walensky - tiến sĩ, giám đốc CDC Hoa Kỳ - có nói: “Với dữ liệu hiện nay, thì chưa biết khi nào đại dịch mới chấm dứt. Điều quan trọng nhất để thích ứng với dịch là phải thay đổi hành vi sống của chúng ta. Không thể sống như trước được nữa, không thể mặc kệ như trước được nữa.”
Như sơ Hoàng Thị Thúy vừa chia sẻ, “Ra tuyến đầu, ta sẽ xác định rõ ai là anh chị em của mình, ai là người thân của mình.” Khi phục vụ họ, chăm sóc họ, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận, mình đang cảm nghiệm được đức tin cao quý chính là yêu thương. Mình muốn cho họ được yêu thương. Cho dù họ giàu hay nghèo, họ có địa vị hay không, họ ở đâu đi nữa, thì khi họ đau bệnh, chúng ta cũng phải yêu thương họ, để họ cảm nhận được yêu thương.
Những dịp gần đây không hiểu vì lý do gì mà Mặt Trận thường chọn thời điểm đón quân và tiễn quân vào những ngày rất là ấn tượng. Hôm nay 13-10, bên Giáo Hội Công Giáo nhớ về Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima khi hoàn cảnh thế giới đang đau khổ, đang chiến tranh loạn lạc. Đức Mẹ an ủi người dân, và gửi đi một thông điệp rất quan trọng cho anh chị em tu sĩ: đó là sám hối. Sám hối không phải là biểu lộ sắc mặt sầu muộn hay túng thiếu, nghèo khó, mà sám hối chính là trở về với bản năng rất đẹp, sống như một trẻ thơ không có tì ố hay tì vết gì. Ngày hôm nay thật ấn tượng: Sám hối là trở về với cuộc sống được xem là “bình thường mới”. Nó bình thường, nhưng chúng ta sống với một tâm thế mới thì gọi là “bình thường mới”, trong sự ý thức những gì đã nhận lãnh được. Bao lâu nay chúng ta hít thở, đi đây đi đó cách tự do mà chúng ta không thấy quý. Kể cả đi lễ cũng không thấy quý. Khi giãn cách thì tất cả trở nên trân quý…
Kết thúc phần chia sẻ của mình, Lm Giuse cho các TNV biết:
Đức Tổng rất là hãnh diện ‘khoe’ về anh chị em, về công việc anh chị em đã làm. Sứ mệnh của anh chị em là đưa tất cả mọi thành phần xã hội đến gần nhau hơn. Khi cần, chúng ta luôn sẵn sàng xả thân gánh vác, chung tay gánh vác với xã hội.
Chúng ta nghe nói Thành phố ta sẵn sàng phục vụ cho cả nước, vì cả nước, nên khi Thành phố này rơi vào tình trạng như hôm nay, cả nước đã hướng về Thành phố ta, ví dụ trong dự án ‘Thương quá Sài Gòn ơi', cả 27 giáo phận đã hướng về Thành phố ta khi chúng ta gặp nhiều khó khăn nhất.
Giáo phận của chúng ta từ ngày 22-7 đã bắt đầu có tu sĩ đi ra tuyến đầu phục vụ. Sau đó, Giáo phận Xuân Lộc, Giáo phận Phú Cường, Giáo phận Bà Rịa... cũng đã có lực lượng anh chị em ra phục vụ nơi tuyến đầu. Chúng ta hãy nhớ những kinh nghiệm rất quý báu này. Hãy ôm ấp những kỷ niệm không mấy ai có. Xin chúc mọi người sống bình an mạnh khoẻ, và hy vọng không còn phải gặp nhau ở Dã Chiến nữa…
Sau khi tham dự buổi lễ, các TNV được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.
Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020