Đóng góp của giáo dân cho Mục vụ Truyền Thông Tổng Giáo phận
WGPSG -- Trong Buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 tại TGP.TPHCM, Ông Giuse Nguyễn Văn Quýnh đã thay mặt giáo dân có bài chia sẻ như sau:
Qua Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐTC Bênêđíctô XVI, người giáo dân chúng con ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.
Chúng con nhận ra được 2 mặt tích cực & tiêu cực của mạng lưới truyền thông Internet. Nó là hiện tượng đặc trưng của thời đại chúng ta. Nó điều khiển những phát triển quan trọng về văn hóa & xã hội. Nó làm thay đổi cả sự giao tiếp và tạo ra sự biến đổi văn hóa rộng lớn.
- Mặt tích cực của Internet là góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát muốn hiểu biết về ý nghĩa cuộc đời, muốn khám phá sự thật và tạo sự hiệp nhất. Bởi lẽ, khi tham gia mạng xã hội, người ta không chỉ trao đổi dữ liệu, mà còn tạo ra những tương quan liên vị mới mẻ.
- Nhưng việc tham gia này lại có mặt tiêu cực của nó, đó là nguy cơ tạo ra tính ảo của chính người tham gia. Họ dễ bị phân mảnh và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới mình đang sống.
Tuy nhiên, không phải vì những điểm bất lợi của nó mà chúng con ngần ngại hay từ chối tham gia mạng xã hội. Bởi vì, nó là một phần của cuộc sống con người, và đóng góp tích cực vào sự phát triển của con người. Hơn ai hết, người giáo dân chúng con rất cần phải tham gia mạng xã hội, để:
- Loan báo Chúa Kitô với hình thức truyền thông: vừa tôn trọng vừa truyền cảm.
- Làm cho thế giới mạng không trở thành một công cụ phi nhân cách hóa, thao túng cảm xúc con người hay để kẻ mạnh nắm độc quyền các ý kiến.
- Tìm kiếm chân lý và hiệp thông, truyền thông cách liêm chính và trung thực.
Điều quan trọng là người giáo dân chúng con phải tham gia cách nào cho có hiệu quả nhất? Vấn đề này, ĐTC Bênêđíctô XVI đã soi sáng và hướng dẫn cho chúng con hết sức rõ ràng: Kitô hữu tham gia mạng xã hội internet để loan báo Tin Mừng.
Loan báo Tin Mừng trên internet không chỉ có nghĩa là diễn tả nội dung tôn giáo, nhưng còn là làm chứng một cách kiên định, qua bản lý lịch trên mạng, qua cách thức chia sẻ những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán phù hợp với Tin Mừng.
Khi Đức Thánh Cha nói đến lý lịch trên mạng, là ngài nhắc đến việc chúng con trình bày chính mình trên mạng qua hình ảnh, avatar, nick name, lời trích dẫn, và cả những điều chúng con ưa thích, ý kiến chúng con đưa ra. Tóm lại, chúng con không giấu giếm tên chung của anh em chúng con, đó chính là Giêsu.
Khi vào mạng xã hội facebook chẳng hạn, người giáo dân chúng con sẽ dùng tên Thánh của mình, chọn avatar là ảnh Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay những hình ảnh cao đẹp khác. Chúng con hiên ngang tuyên xưng đức tin bằng những câu trích và những comment tuyệt đẹp.
Điều ấy nói lên rằng Chúa Giêsu thật sự làm chủ cuộc đời chúng con, thật sự chi phối từng phút giây trong đời sống chúng con, và do đó, Chúa Giêsu chính là điểm đến cuối cùng mà không ai có thể thay thế. Ngài là Đấng đã thực sự phục sinh và đang làm chủ thế giới này.
Với Internet, chúng con cùng loan Tin Vui như ĐTC khả kính nhắc nhở. Chúng con cương quyết không để tinh thần thế tục, bóng tối thế gian và những mưu mô len vào trong phương tiện cao quý là Internet. Cũng không lẩn tránh Đấng là ánh sáng trong những giao tiếp của mình. Và không dùng lời lẽ bất xứng với các thực tại thánh thiêng.
Cuối cùng, chúng con phải tôn trọng Sự thật mà mình muốn chia sẻ, Sự thật ấy phải được biết đến một cách toàn vẹn, Sự thật ấy phải trở nên lương thực hằng ngày, Sự thật ấy phải được nối kết với những những anh chị em đang sống chung quanh chúng con.
Ý thức được tầm quan trọng vai trò và trách nhiệm của người giáo dân đối với mạng xã hội internet, trong năm qua, người giáo dân chúng con đã tích cực tham gia vào các công tác mục vụ truyền thông mà ĐHY và ĐC Phụ tá đã đề ra:
1. Tham dự các khóa học Tổng quan về truyền thông, các lớp viết tin, viết blog, lớp PR, lớp dàn dựng sân khấu.
2. Tạo các địa chỉ của giáo xứ trên trang xã hội Titocovn.net và các trang web riêng của giáo xứ mình.
3. Thành lập Gia đình Mục vụ Truyền Thông của 15 giáo hạt để viết bài, quay phim, chụp hình gửi về trang tgpsaigon. net của Tổng Giáo phận và các trang web của giáo xứ.
4. Tĩnh tâm, học hỏi, chia sẻ về mục vụ truyền thông tại Trung tâm Mục vụ TGP hay tại các giáo hạt.
5. Phổ biến “Tuần tin của HĐGMVN” về các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu trong Giáo phận.
Vâng, trên đây là những đóng góp bé nhỏ của người giáo dân chúng con về mục vụ truyền thông trong năm qua. Chúng con thấy mình còn nhiều thiếu sót trước lời mời gọi cấp bách của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, nhất là của Chân phước Gioan Phaolô II, Người đã rất quan tâm đến các phương tiện truyền thông xã hội mới. Thật vậy, ngày 22 tháng 2 năm 2005, không đầy hai tháng trước khi qua đời, Đức Gioan Phaolô II đã cho công bố một tông thư với tựa đề "Sự phát triển nhanh chóng". Trong thư, Ngài kêu gọi "đừng sợ những kỹ thuật mới". Theo ngài, đây là những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã cho phép con người sử dụng để khám phá, và loan truyền chân lý về phẩm giá con người và về định mệnh con người.
Theo Chân phước Gioan Phaolô II, cũng như thánh Phaolô, các tín hữu cũng được sai đến với mọi nền văn hóa để loan báo Sự Thật xuyên qua đối thọai. Ngài khẳng định rằng truyền thông và những kỹ thuật truyền thông hiện đại là một cơ may cho các tín hữu của thời đại.
Tuy nhiên, theo Chân phước Gioan Phaolo II, các kỹ thuật tân tiến là một con dao hai lưỡi: nó có thể mang lại điều thiện mà cũng có thể tạo ra điều ác. Nó có thể đuợc sử dụng để loan báo Tin Mừng giải phóng hoặc để trói buộc người khác trong xiềng xích của tội lỗi và ảo tưởng của sự dữ. Vì thế, Ngài khuyên chúng ta cần thiết phải hoán cải.
Cuối cùng, Ngài khẳng định rằng sử dụng các kỹ thuật truyền thông hiện đại chính là "thông hiệp với Quyền Năng của Chúa Thánh Thần". Dĩ nhiên, khi loan báo Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp rất nhiều phản đối. Nhưng đừng sợ hãi vì bị thế gian đố kị và chống đối.
Với những đòi hỏi cấp thiết phải loan báo Tin Mừng trên mạng lưới truyền thông xã hội, người giáo dân chúng con nguyện sẽ sử dụng đúng đắn sự hiện diện của mình trong thế giới kỹ thuật số.
Xin cầu nguyện cho chúng con được trở nên những người thợ cần mẫn và lành nghề trong ngành truyền thông, luôn thi hành công việc của mình một cách có lương tâm và chuyên nghiệp, hầu góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống trên toàn thế giới hôm nay.
bài liên quan mới nhất
- Billie Eilish: Nội dung khiêu dâm khiến tôi bị tổn thương sâu sắc
-
ĐTC trao huân chương giáo hoàng cho hai nhà báo -
Đức Hồng y Bo sẽ khai trương Ứng dụng điện thoại di động mới của Đài Chân Lý Á Châu -
Văn hóa và Bác ái khi sử dụng Mạng Xã Hội -
ĐTC gửi sứ điệp tới 5.600 nhà truyền thông Công giáo Brazil -
ĐTC Phanxicô thăm trụ sở Vatican News và báo Quan sát viên Roma -
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 55: Những ấn tượng đọng lại -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 55 tại Sài Gòn -
Tín hữu Hoa Kỳ được mời gọi quyên góp giúp hoạt động truyền thông của Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều
- Kết quả Tổng điều tra dân số 2019
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Người Công giáo trong tầm ngắm của Big Tech -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ứng dụng đọc Kinh Mân Côi điện tử “Click to Pray eRosary” -
Thánh lễ tạ ơn 'Thập niên truyền thông' của Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn -
Ủy Ban TTXH / HĐGMVN chúc tết ĐGM Phêrô - thành viên Bộ Truyền Thông Tòa Thánh -
Phát hiện các tin tức giả