ĐTC Biển Đức 16 đã đề cao sự nghiệp và giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô 10

ĐTC Biển Đức 16 đã đề cao sự nghiệp và giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô 10

CASTEL GANDOLFO. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 18-8-2010 dành cho các tín hữu hành hương, ĐTC Biển Đức 16 đã đề cao sự nghiệp và giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô 10.

Giống như thứ tư tuần trước (11-8-2010), vì số tín hữu hành hương ít, nên ĐTC không về Roma để tiếp kiến chung theo thói quen, nhưng ngài đã tiếp hơn 1 ngàn tín hữu tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo. Hàng trăm tín hữu khác theo dõi buổi tiếp kiến này từ quảng trường bên ngoài dinh Tông Tòa.

Buổi tiếp kiến có hình thức đơn sơ hơn, như một buổi đọc kinh Truyền Tin. Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, các giám chức tại phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã giới thiệu tên các phái đoàn lên ĐTC, từ các nhóm tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan. Đặc biệt phái đoàn thuộc giáo phận Eisenstadt bên Áo có một ban nhạc trong y phục cổ truyền tháp tùng.

Sự nghiệp Đức Piô 10

Trong bài huấn dụ ngắn tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày về thân thế, sự nghiệp và ảnh hưởng của thánh Piô 10 giáo hoàng, lễ kính ngày thứ bảy, 21-8 tới đây, và nêu bật một vài nét hữu ích cho các mục tử và tín hữu ngày nay. Ngài nói:

”Giuseppe Sarto - đó là tên của Thánh Nhân - sinh tại làng Riese, tỉnh Treviso năm 1835 trong một gia đình nông dân, sau khi học tại chủng viện Padova, thụ phong linh mục năm 23 tuổi. Ban đầu làm cha phó tại Tombolo, rồi làm cha sở tại Salzano, sau đó làm kinh sĩ Nhà thờ chính tòa Treviso, với nhiệm vụ làm chưởng ấn tòa Giám Mục và linh hướng chủng viện giáo phận. Trong những năm giầu kinh nghiệm phong phú về mục vụ ấy, vị Giáo Hoàng tương lai tỏ ra lòng yêu mến sâu đậm đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, lòng khiêm nhường và đơn sơ, cũng như lòng bác ái sâu đậm đối với những người túng thiếu nhất. Đó cũng là những đặc tính suốt trong cuộc đời của Người. Năm 1884, Người được bổ nhiệm làm GM giáo phận Mantova, và năm 1893 làm Thượng Phụ thành Venezia. Ngày 4-8-1903, Người được bầu làm Giáo Hoàng, một sứ vụ mà ngài do dự chấp nhận, vì nghĩ mình không xứng đáng với công tác cao cả như thế.

Triều đại giáo hoàng của Đức Piô 10 đã để lại một dấu hiệu không thể phai mờ trong lịch sử Giáo Hội và với nhiều cố gắng cải tổ, có thể tóm tắt trong khẩu hiệu của người là ”Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô”. Thực vậy, những can thiệp của Người nhắm tới nhiều lãnh vực trong Giáo Hội. Ngay từ đầu thánh nhân tận tụy tổ chức lại giáo triều Roma, rồi khởi sự công trình soạn bộ giáo luật, sau đó được ĐGH Biển Đức 15 công bố. Rồi, Đức Piô 10 xúc tiến việc duyệt lại việc học và chương trình đào tạo các linh mục tương lai, thành lập nhiều chủng viện miền, trang bị các thư viện đầy đủ và các giáo sư được chuẩn bị. Một lãnh vực quan trọng khác, đó là việc huấn luyện đạo lý cho Dân Chúa. Ngay từ những năm còn làm cha sở, chính Người đã soạn sách giáo lý và trong khi làm GM ở giáo phận Mantova, Người đã hoạt động để tiến tới một cuốn sách giáo lý duy nhất, tuy không có tính chất hoàn cầu, nhưng ít là chung cho Italia. Như một mục tử chân chính, thánh Piô 10 đã hiểu rằng tình hình hồi ấy, cũng do hiện tượng di dân, cần có một cuốn sách giáo lý mà mỗi tín hữu có thể tham khảo dù hợp ở nơi chốn hoặc hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Trong tư cách là Giáo Hoàng Đức Piô 10 cho soạn một sách giáo lý cho giáo phận Roma rồi phổ biến trên toàn Italia cũng như trên thế giới. Đây là cuốn giáo lý được gọi là của ĐGH Piô 10, đối với nhiều người, đó là một tài liệu hướng dẫn chắc chắn trong việc học hỏi các chân lý đức tin bằng ngôn ngữ đơn sơ, rõ ràng, chính xác, và trình bày hữu hiệu.

ĐGH Piô 10 đặc biệt để ý đến việc cải tổ phụng vụ, nhất là thánh nhạc, để dẫn đưa các tín hữu tới một đời sống cầu nguyện sâu xa hơn và tham gia trọn vẹn hơn vào các bí tích. Trong Tự Sắc ”Tra le sollecitudini” giữa những mối quan tâm (1903) trong năm đầu tiên làm Giáo Hoàng, Đức Piô 10 khẳng định rằng tinh thần Kitô chân chính có nguồn mạch đầu tiên và thiết yếu nơi sự tích cực tham gia các mầu nhiệm thánh và việc cầu nguyện công khai, long trọng của Giáo Hội (Xc ASS 36[1903], 531). Vì thế, ngài cổ võ sự siêng năng lãnh nhận các bí tích, tạo điều kiện dễ dàng cho việc rước lễ hằng ngày, được chuẩn bị kỹ lưỡng, cho phép các trẻ em được rước lễ lần đầu sớm hơn, khoảng 7 tuổi, khi trẻ em bắt đầu có trí khôn (Xc Thánh Bộ bí tích, Sắc lệnh Quam singulari: AAS 2[1910], 582).

ĐTC nói thêm rằng: ”Đứng trước một số xu hướng xảy ra trong lãnh lực thần học vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Đức Piô 10, trung thành với nghĩa vụ củng cố các anh em mình trong đức tin, đã can thiệp quyết liệt, lên án chủ thuyết ”duy tân”, để bảo vệ các tín hữu khỏi những quan niệm sai lầm và đẩy mạnh việc đào sâu Mạc Khải về phương diện khoa học, phù hợp với Truyền Thống của Giáo Hội. Ngày 7-5-1909, qua Tông thư ”Vinea electa” (Vườn nho được tuyển chọn) Đức Piô 10 thành lập Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh. Những năm cuối đời ngài, chiến tranh tàn phá. Lời ngài kêu gọi các tín hữu Kitô trên thế giới, gióng lên ngày 2-8-1914 để bày tỏ nỗi đau đớn khôn tả bấy giờ, chính là tiếng kêu đau thương của một người cha thấy con cái mình hợp thành những nhóm chống lại nhau. Đức Piô 10 qua đời ít lâu sau đó, ngày 20-8, và tiếng thăm thánh thiện của Người bắt đầu lan tỏa ngay sau đó nơi dân Kitô giáo.

Và ĐTC kết luận: ”Anh chị em thân mến, Thánh Piô 10 dạy tất cả chúng ta rằng nơi nền tảng hoạt động tông đồ, trong các lãnh vực khác nhau, cần phải luôn luôn có sự kết hiệp nồng nhiệt và bản thân với Chúa Kitô, sự kết hiệp ấy cần phải được vun trồng và tăng trưởng mỗi ngày. Đó chính là nòng cốt giáo huấn của thánh Piô 10, của tất cả hoạt động mục vụ của Người. Chỉ khi nào chúng ta say mê yêu mến Chúa, chúng ta mới có thể mang con người về cùng Thiên Chúa và mở rộng tâm hồn họ đón nhận tình yêu thương từ bi của Chúa, và qua đó chúng ta mở rộng thế giới đón nhận lòng từ bi Chúa.

Chào thăm các nhóm

Sau bài huấn dụ trên đây, ĐTC đã chào thăm các nhóm theo ngôn ngữ của họ.

Khi chào thăm các tín hữu bằng tiếng Hungari, ĐTC đặc biệt chắc đến một nhóm tu sĩ dòng Ngôi Lời và ngài nói thêm rằng: ”Ngày kia, 20-8, anh chị em sẽ cử hành lễ thánh vương Stephanô. Ước gì niềm tin vững mạnh của thánh nhân và lòng gắn bó của Người với Tòa Thánh là một tấm gươgn cho tất cả chúng ta”.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở rằng: Thánh Piô 10 giáo hoàng mời gọi ”hãy canh tân mọi sự trong Chúa Kitô” và chỉ dạy rằng sự canh tân này diễn ra trong tâm hồn con người nhờ sự kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Giáo huấn này vẫn luôn có tính chất thời sự. Ước gì sự chăm chỉ rước lễ và thờ lạy Mình Thánh Chúa cũng là một nguồn mạch đức tin và tình thương vô biên cho anh chị em!”

Với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm các đại diện của dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm đang nhóm tổng tu nghị của dòng ở Roma, các tham dự viên cuộc hành hương bằng xe đạp từ giáo phận Brescia bắc Italia chạy về đây vượt hơn 500 cây số. ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: ”Tôi mời gọi tất cả mọi người ngày càng dành nhiều thời giờ hơn cho việc học hỏi về đạo lý Kitô giáo để trở thành những môn đệ trung thành của Chúa Kitô, là Đừng, là Sự Thật và là Sự Sống.

Trước khi kết thúc, ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi cứu trợ và liên đới với các nạn nhân bị lụt trầm trọng tại Pakistan, như quí vị đã nghe trong phần tin tức trên đây.
Buổi tiếp kiến kéo dài nửa tiếng đồng hồ và kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top