ĐTC chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh

ĐTC chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh

VATICĂNG: Tối thứ Bảy Tuần Thánh 23-4-2011, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự thánh lễ Vọng Phục Sinh và lễ nghi rửa tội cho 6 tân tòng thuộc các nước Thụy Sĩ, Albania, Nga, Perù, Singapore và Trung quốc.

Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ nghi làm phép lửa và rước nến Phục Sinh. Giảng trong thánh lễ ngài đã nêu bật hai dấu chỉ lớn của phụng vụ: thứ nhất là lửa thành ánh sáng, biểu tượng cho Chúa Kitô phục sinh, Sao mai không hề lặn, ánh sáng chiến thắng tối tăm. Dấu chỉ thứ hai là nước nhắc tới nước của Biển Đỏ, sự chìm nghỉm và cái chết, mầu nhiệm của Thập Giá, nhưng trở thành hình ảnh của Bí tích Rửa Tội làm cho tín hữu tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Trước cuộc cải cách, phụng vụ Vọng Phục Sinh gồm 10 bài đọc cựu ước và 2 bài đọc tân ước. Sau cuộc cải cách phụng vụ, còn lại 7 bài đọc cựu ước, nhưng theo tình hình địa phương cũng có thể đọc 3 bài. Qua đó Giáo Hội muốn tín hữu có cái nhìn tổng quát toàn lịch sử cứu độ: từ biến cố tạo dựng cho tới việc tuyển chọn và giải phóng Israel, và các lời tiên tri hướng về Chúa Giêsu Kitô. Trong bối cảnh đó trình thuật tạo dựng quan trọng và cần thiết, vì tất cả đã bắt đầu với việc tạo dựng. Đó cũng là điểm khởi đầu Kinh Tin Kính: ”Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng Đấng tạo thành trời đất”. Thiên Chúa nhìn chúng ta như thụ tạo của Người, và chúng ta có trách nhiệm đối với việc tạo dựng và ngược lên cho tới thời tạo dựng. Cuộc sống trong đức tin của Giáo Hội ôm trọn con người trong sự toàn vẹn của nó, từ khởi đầu cho tới vĩnh cửu.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Sứ điệp chính của việc tạo dựng được minh xác bởi các lời dẫn nhập Phúc Âm của thánh Gioan nói về Ngôi Lời. Trình thuật tạo dựng cho thấy Thiên Chúa tạo dựng bằng ”lời phán”. Thế giới là một sản phẩm của Lời, của Logos. Trong tiếng hylạp ”Logos” có nghĩa là ”lý lẽ”, ”ý nghĩa”, ”lời nói”. Đây không chỉ là lý trí, mà là Lý trí tạo dựng nói và thông truyền chính mình. Như vậy, nguyên lý của sự sống là lý trí, sự tự do và tình yêu thương, chứ không phải là sự vô lý, thiếu tự do và sự tình cờ. Vì thế chúng ta phải đứng về phía lý trí, sự tự do và tình yêu thương, đứng về phía Thiên Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta tới độ đã đau khổ vì chúng ta, để từ cái chết của Người có thể nảy sinh một sự sống mới vĩnh viễn và được chữa lành.

Tiến trình tạo dựng được lồng khung trong một tuần lễ, hướng về ngày sabat ghi dấu sự hoàn tất của việc tạo dựng. Đối với Israel, ngày sabat là ngày mọi người đều tham dự vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa, trong đó người, vật chủ tớ, lớn, nhỏ, đều hiệp nhất trong sự tự do của Thiên Chúa. Như thế, ngày thứ bẩy diễn tả giao ước giữa Thiên Chúa, con người và sự tạo dựng. Giao ước là lý do nội tại của việc tạo dựng. Thiên Chúa đã tạo thành thế giới để có nơi thông truyền tình yêu của Người, và từ đó sự đáp trả tình yêu trở lại với Người.

Trong Giáo Hội thời khai sinh ngày thứ nhất trong tuần thay thế ngày thứ bẩy. Như là ngày của cộng đoàn phụng vụ, nó là ngày của sự gặp gỡ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã gặp gỡ các môn đệ như là Chúa Phục Sinh. Giờ đây, cấu trúc của tuần lễ bị đảo lộn. Nó bắt đầu với ngày thứ nhất như là ngày gặp gỡ Chúa Phục Sinh, và cuộc gặp gỡ đó luôn luôn xảy ra trong việc cử hành Thánh Thể. Việc thay đổi này là một sự kiện ngoại thường, nếu chúng ta coi ngày thứ bẩy như ngày gặp gỡ với Thiên Chúa, được đâm rễ sâu trong Cựu Ước. Thế rồi ngày thứ nhất trong tuần là ngày thứ ba sau cái chết của Chúa Giêsu, và là ngày Người tỏ hiện ra với các môn đệ như Chúa phục sinh. Đã khai mào một hình thức sống mới, một chiều kích mới của việc tạo dựng. Theo trình thuật của sách Sáng Thế, ngày thứ hai là ngày bắt đầu việc tạo dựng. Chúng ta cử hành ngày này như khởi đầu, đồng thời như mục đích cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cử hành nó vì nhờ Chúa Phục Sinh từ nay một cách vĩnh viễn lý trí mạnh hơn sự vô lý, sự thật mạnh hơn dối trá, tình yêu mạnh hơn cái chết.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ban bí tích rửa tội và thêm sức cho 6 tân tòng. Đảm trách thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina còn có ca đoàn Mater Ecclesiae, gồm 100 ca viên, Ca đoàn trường Đức Hungari gồm 65 ca viên và ca đoàn Trường Anh gồm 50 ca viên. Đã có 160 linh mục giúp Đức Thánh Cha trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu (SD 22.23-4-2011).

(Xem video: ĐTC chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top