ĐTC: Đối thoại là yếu tố then chốt cho nền hòa bình lâu dài

ĐTC: Đối thoại là yếu tố then chốt cho nền hòa bình lâu dài

Ngài nói: Đối thoại sẽ cổ võ lòng tin và sự hòa thuận giữa các dân tộc

WGPSG/ZENIT -- NICOSIA, Cyprus, ngày 05 tháng 6 năm 2010 .- Đức Bênêdictô XVI giải thích cho một cộng đoàn Công Giáo nhỏ ở Sýp hôm nay rằng việc đối thoại giữa các tôn giáo là một yếu tố cần thiết cho nền hòa bình lâu dài vì nó cổ võ cổ võ lòng tin và sự hòa thuận giữa các dân tộc thuộc các quốc gia, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau.

Đức Giáo Hoàng nói điều này tại một cuộc họp mặt với các nhà lãnh đạo của cộng đoàn Công Giáo tại trường Thánh Maron ở Nicosia. Người Công Giáo chỉ chiếm có 3,15% trong tổng dân số đảo Sýp.

Khởi đầu, Đức Thánh Cha nói: “Nhân dịp chuyến viếng thăm đầu tiên của Giám mục Rôma đến đảo Sýp mang tính lịch sử này, Cha đến để củng cố niềm tin của các con vào Đức Giêsu Kitô và khuyến khích các con đồng tâm hợp ý trung thành với truyền thống tông đồ. Là người kế vị Thánh Phêrô, Cha đứng giữa các con hôm nay để bảo đảm rằng các con luôn nhận được sự nâng đỡ, lời cầu nguyện thân thương và sự khích lệ của Cha.”

Rồi Đức Thánh Cha hướng đến “phần quan trọng của sứ vụ và đời sống Hội Thánh, đó là tìm kiếm sự hiệp nhất lớn lao hơn trong bác ái với các Kitô hữu khác và đối thoại với những người chưa phải là tín hữu.”

Ngài nói tiếp: “Đặc biệt là kể từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội dấn thân xúc tiến đường lối hiểu biết sâu rộng hơn với các Ki tô hữu bạn bè dưới góc nhìn ràng buộc yêu thương và thân hữu mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa những người đã chịu Phép Rửa.” 

“Trong hoàn cảnh của các con, các con có thể đóng góp vào mục tiêu hiệp nhất Kitô hữu nhiều hơn trong đời sống hằng ngày của các con. Cho phép Cha khích lệ các con làm điều đó, hãy tin tưởng rằng Thánh Thần Thiên Chúa, là Đấng cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài nên một, sẽ đồng hành với các con trong nhiệm vụ quan trọng này.”

Về việc đối thoại với những niềm tin khác như Hồi Giáo, Đức Bênêđictô XVI thừa nhận rằng “còn nhiều việc phải làm trên khắp thế giới.”

“Đây là một lãnh vực khác mà những người Công giáo tại Sýp thường sống trong những hoàn cảnh đem lại cho họ những cơ hội để hành động đúng và khôn ngoan,” Ngài nói. “Chỉ bằng việc làm kiên nhẫn, sự tin tưởng nhau mới có thể xây dựng được, gánh nặng lịch sử mới khắc phục được, và những dị biệt về chính trị và văn hóa giữa các dân tộc mới trở thành động cơ làm việc để hiểu biết nhau sâu xa hơn.

“Cha hối thúc các con hãy giúp phần tạo nên sự tin tưởng nhau như thế giữa các Ki tô hữu và những người không là Ki tô hữu, như là một nền tảng cho việc xây dựng nền hòa bình lâu dài và sự hòa thuận giữa các dân tộc thuộc các tôn giáo, các vùng chính trị, và các nền văn hóa khác nhau."

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top