ĐTC: Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Giáng Sinh
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 23-12-2009 trong đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã nói về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Anh chị em thân mến, với tuần Cửu Nhật mừng lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang cử hành trong các ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống sâu đậm việc chuẩn bị cho biến cố Đấng Cứu Thế sinh ra, đang rất gần rồi. Ước mong mà tất cả chúng ta mang trong tim đó là lễ Giáng Sinh sắp tới ban cho chúng ta niềm vui thanh bình và sâu thẳm, giữa sinh hoạt cuồng nhiệt, để làm cho chúng ta sờ mó được lòng lành của Thiên Chúa và trao ban cho chúng ta niềm can đảm mới.
Đề cập tới nguồn gốc của lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha nói: thật ra Năm Phụng Vụ của Giáo Hội đã không phát triển với biến cố Chúa Kitô sinh ra, mà từ niềm tin vào sự phục sinh. Vì thế ngày lễ cổ xưa nhất của Kitô giáo không phải lễ Giáng Sinh mà là lễ Phục Sinh; sự phục sinh của Chúa Kitô thành lập đức tin Kitô và là nền tảng của việc loan báo Tin Mừng làm nảy sinh ra Giáo Hội. Như vậy là tín hữu Kitô có nghĩa là sống một cách phục sinh, để cho mình được lôi cuốn vào trong năng động nảy sinh từ bí tích Rửa Tội và dẫn đưa tới chỗ chết đi cho tội lỗi và sống với Thiên chúa (x. Rm 6,4).
Người đầu tiên khẳng định rõ ràng rằng Chúa Giêsu sinh ra ngày 25 tháng 12 là Ippolito thành Roma, trong tác phẩm chú giải sách ngôn sứ Daniel viết ra vào năm 204. Rồi vài nhà chú giải kinh thánh ghi nhận rằng: trong ngày đó, người ta cũng mừng lễ Thánh Hiến đền thờ Giêrusalem do Macabây thành lập năm 164 trước Chúa Kitô. Sự trùng hợp ngày ấy có nghĩa là với Chúa Giêsu xuất hiện như là ánh sáng của Thiên Chúa trong đếm tôi, Thiên Chúa đến trên trái đất này và việc thánh hiến đền thờ được thực hiện thật sự.
Trong Kitô giáo, lễ Giáng Sinh đã có hình thái vĩnh viễn vào thế kỷ thứ IV, khi nó thay thế lễ của ”Mặt trời không thể chiến thắng được” của người Roma, và như thế nó minh nhiên rằng: biến cố Chúa Kitô sinh ra là chiến thắng của ánh sáng thật trên bóng tối của sự dữ và tội lỗi. Tuy nhiên, bầu khí thiêng liêng chung quanh lễ Giáng sinh đã phát triển vào thời Trung Cổ, nhờ thánh Phanxicô thành Assisi, là người đã say mê con người Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta một cách sâu đậm.
Tommaso da Celano người viết tiểu sử thánh nhân cho biết: thánh Phanxicô long trọng sốt sắng cử hành lễ Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu trên hết mọi lễ trọng khác, và gọi ngày Thiên Chúa trở thành trẻ thơ và bú nơi lòng của một người mẹ là lễ của các lễ (Fonti Francescane, s. 199, tr.492). Từ lòng tôn sùng mầu nhiệm nhập thế đó nảy sinh ra việc cử hành lễ Giáng Sinh tại Greccio. Chắc hẳn thánh Phanxicô đã được gợi hứng bởi chuyến hành hương Thánh Địa và từ hang đá tại đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Điều đã linh hoạt thánh nhân là ước muốn sống kinh nghiệm cụ thể sống động và thời sự cái cao cả khiêm hạ của biến cố Hài Nhi Giêsu giáng sinh và thông truyền niềm vui cho tất cả mọi người.
Đêm diễn tả lại một cách sống động biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá tại Greccio đã góp phần phổ biến truyền thống giáng sinh hay đẹp nhất là hang đá. Thật thế, nó đã tái trao ban cho Kitô giáo sự sâu đậm và vẻ đẹp của lễ Giáng Sinh, và giáo dục Dân Thiên Chúa tiếp nhận ý nghĩa đích thật nhất, sự nồng ấm đặc biệt của nó và yêu thích thờ lạy nhân tính của Chúa Kitô. Việc cử hành lễ Giáng Sinh như vậy cũng cho đức tin Kitô một chiều kích mới. Lễ Phục Sinh chú ý tới quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng cái chết, khai mào sự sống mới và dậy hy vọng vào thế giới sẽ đến. Thánh Phanxicô và hang đá minh nhiên tình yêu, sự khiêm hạ và lòng nhân từ của Thiên Chúa, tự tỏ hiện cho con người trong biến cố nhập thể, và dậy họ một kiểu sống và yêu thương mới.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: tiểu sử thánh Phanxicô cũng kể lại rằng trong đêm đó thánh nhân có một thị kiến tuyệt diệu. Người trông thấy một em bé bất động nằm trong máng cỏ bị đánh thức khi thánh nhân đến gần. Thị kiến đó không trái nghịch với các sự kiện, bởi vì do ơn thánh của Ngài tác động qua con người của thánh Phanxicô, Hài Nhi Giêsu được phục sinh nơi con tim của nhiều người đã quên Ngài và được in sâu trong ký ức yêu thương của họ (Vita prima, Sđd., s. 86. tr.307). Tất cả cho thấy đức tin sống động và tình yêu mà thánh Phanxicô có đối với nhân tính của Chúa Kitô đã được ngài thông truyền cho lễ Giáng Sinh. Nhờ thánh nhân, dân Kitô đã có thể nhận thức rằng: trong lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đã thực sự trở thành ”Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Trong Hài Nhi đó, Thiên Chúa đã trở thành gần gũi với mỗi người chúng ta, đến độ có thể nói chuyện thân tình với Chúa, và có tương quan tín cẩn yêu thương trìu mến sâu thẳm với Ngài như với một trẻ sơ sinh. Đức Thánh Cha đã khai triển thêm điểm này như sau:
Thật thế, nơi Trẻ Thơ đó, Thiên Chúa Tình Yêu tự tỏ hiện: Thiên Chúa đến không khí giới, không sức mạnh, vì Ngài không cố ý chinh phục từ bên ngoài, nhưng muốn được con người lắng nghe trong tự do. Thiên Chúa trở thành trẻ thơ vô phương tự vệ để chiến thắng sự kiêu căng, bạo lực và sự ham muốn chiếm hữu của con người. Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã lãnh nhận điều kiện nghèo nàn và không khí giới để chiến thắng chúng ta với tình yêu và dẫn đưa chúng ta về với căn tính đích thực của mình. Chúng ta không được quên rằng: tước hiệu lớn lao nhất của Chúa Giêsu là tước hiệu ”Con”, Con Thiên Chúa; phẩm giá thiên linh được diễn tả với một từ nối dài việc quy chiếu về máng cỏ Bếtlehem tương ứng một cách duy nhất với thiên tính của Ngài là thiên tính của ”Con”.
Ngoài ra, điều kiện là Trẻ em còn chỉ cho thấy chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và nếm hưởng sự hiện diện của Ngài như thế nào. Dưới ánh sáng của lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể hiểu lời Chúa Giêsu nói: ”Nếu các con không hoán cải và trở thành trẻ em, các con sẽ không vào đươc Nước Trời” (Mt 18,3). Ai không hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh, cũng không hiểu yếu tố định đoạt của cuộc sống Kitô. Ai không tiếp nhận Chúa Kitô với con tim của một trẻ em, thì không thể vào Nước Trời: đó là điều mà thánh Phanxicô đã muốn nhắc nhở cho Kitô giáo thời ngài và thuộc mọi thời, cho tới ngày nay, biết. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha để Ngài ban cho con tim chúng ta sự đơn sơ nhận biết Chúa nơi Con Trẻ, như thánh Phanxicô đã nhận biết tại Greccio. Và khi đó cũng sẽ xảy ra cho chúng ta điều mà Tommaso da Celano kể lại trong biến cố thánh Phanxicô diễn lại hang đá sống động tại Greccio: ”mọi người ra về tràn ngập niềm vui không tả nổi” (Vita prima, Sđd., s.86, tr.479).
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc mọi người mừng lễ Giáng Sinh tươi vui sốt sắng, tràn đầy ánh sáng, tình yêu của Chúa cũng như tràn đầy an bình và hy vọng.
Ngài khích lệ các bạn trẻ gia tăng ước mong phục vụ tha nhân. Đức Thánh Cha cầu mong lễ Giáng Sinh là nguồn ủi an và thanh bình cho các anh chị em đau yếu, và là dịp củng cố lời hứa yêu thương và trung thành của các cặp vợ chồng mới cưới.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19