ĐTC Phanxicô: Chúa mời gọi chúng ta khiêm nhường và ngoan ngoãn lắng nghe Ngài

ĐTC Phanxicô: Chúa mời gọi chúng ta khiêm nhường và ngoan ngoãn lắng nghe Ngài

VATICAN - Thiên Chúa không theo những định kiến và lý luận của con người. Mầu nhiệm Nhập Thể là sự vấp ngã của con người khi họ không hiểu và chấp nhận một Thiên Chúa cao cả lại mang lấy thân xác con người, sống và hoạt động như con người, yêu thương và cứu độ qua con người. Thiên Chúa đã đảo lộn cách suy nghĩ lý luận đó của con người. Đó là ý tưởng được Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong bài huấn dụ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 08 tháng 7 vừa qua. Ngài mời gọi các tín hữu khiêm nhường và ngoan ngoãn lắng nghe tiếng Chúa. Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ:

“Trang Tin mừng hôm nay (x. Mc 6,1-6) kể lại việc Chúa Giêsu trở về làng quê Nadarét và Ngài giảng dạy trong hội đường Do thái vào ngày Sabát. Từ khi Chúa Giêsu rời khỏi Nadarét và bắt đầu rao giảng tại các làng và các làng mạc lân cận, Ngài chưa bao giờ đặt chân trở lại quê hương của mình. Hôm nay Ngài đã trở về. Do đó, có cả làng đến lắng nghe người con của xứ sở, người con mà danh tiếng của vị thầy khôn ngoan và người chữa lành quyền năng đã lan khắp vùng Galilê và xa hơn nữa. Nhưng điều có thể được xem như là một sự thành công, thì lại trở thành một sự từ chối mạnh mẽ, đến nỗi Chúa Giêsu không thể thực hiện phép lạ nào tại đó, mà chỉ chữa lành được một ít người (Mc 6,5).

Thánh Mác-cô đã xây dựng cách chi tiết tiến trình của ngày hôm đó: đầu tiên dân làng Nadarét lắng nghe, rồi ngạc nhiên; sau đó họ bối rối tự hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao?”; và cuối cùng, họ vấp ngã vì Ngài, khi biết Ngài chỉ là người thợ mộc, con bà Maria và họ đã nhìn thấy Ngài lớn lên giữa họ (Mc 6,2-3). Bởi thế Chúa Giêsu kết luận với một thành ngữ đã trở thành ngụ ngôn: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6,4).”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: “Chúng ta tự hỏi mình: tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu lại từ ngạc nhiên trở nên không tin? Họ đã so sánh giữa nguồn gốc khiêm nhường của Chúa Giêsu và các khả năng hiện có của Ngài: một thợ mộc, không học hành, nhưng giảng dạy hay hơn các kinh sư ký lục và thực hiện các phép lạ. Và thay vì mở lòng mình trước thực tại, họ lại vấp ngã. Theo dân thành Nadarét, Thiên Chúa quá cao cả để có thể hạ mình nói qua một con người đơn hèn như thế! Đó là sự vấp ngã của mầu nhiệm nhập thể: sự kiện khó chấp nhận khi  một Thiên Chúa nhập thể làm người, suy nghĩ với tâm trí của con người, làm việc và hành động với đôi tay con người, yêu thương bằng trái tim con người, một Thiên Chúa lao nhọc, ăn uống ngủ nghỉ như một người trong chúng ta. Con Thiên Chúa đảo lộn kế hoạch của con người: không phải các môn đệ rửa chân cho Chúa, nhưng chính Chúa đã rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-20). Đây là lý do của sự vấp ngã và không tin, không chỉ của thời đại đó, mà của mỗi thời đại, ngay cả ngày nay.

Sự đảo lộn mà Chúa Giêsu thực hiện giúp cho các môn đệ ngày xưa và cả ngày nay kiểm tra chính cá nhân mình và cộng đoàn. Thật ra, ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng có thể có những định kiến ngăn cản chúng ta đón nhận thực tế. Nhưng hôm nay Chúa mời chúng ta có thái độ khiêm nhường lắng nghe và ngoan ngoãn chờ đợi, bởi vì ơn Chúa thường đến với chúng ta theo cách bất ngờ, không giống như chúng ta chờ mong.

Ví dụ, chúng ta cùng suy nghĩ về Mẹ Têrêsa Calcutta. Một nữ tu bé nhỏ - không ai cho mẹ 10 lia – mà mẹ đã đi khắp các con đường để đón những người hấp hối để họ có một cái chết xứng đáng. Người nữ tu bé nhỏ này với lời cầu nguyện và hành động của mình đã thực hiện những điều kỳ diệu! Sự bé nhỏ của một phụ nữ đã cách mạng hoạt động bác ái trong Giáo hội. Đó là một mẫu gương cho chúng ta ngày nay.

Thiên Chúa không theo những định kiến. Chúng ta phải cố gắng mở tâm hồn và tâm trí để đón nhận thực tại thần linh xảy đến với chúng ta. Nó đòi phải có đức tin: thiếu đức tin là một cản trở đối với ơn của Thiên Chúa. Rất nhiều Kitô hữu sống như thể Thiên Chúa không hiện diện: họ lặp đi lặp lại các cử chỉ và dấu hiệu của đức tin, nhưng chúng không tương hợp với sự gắn bó thật sự với con người của Chúa Giêsu và Tin Mừng. Ngược lại, mỗi Kitô hữu – tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta -  được mời gọi đào sâu sự thuộc về căn bản này khi tìm cách làm chứng cho nó với một lối sống thích hợp luôn được hướng dẫn bởi tình bác ái.

Chúng ta cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, cởi bỏ sự cứng cỏi của trái tim và sự chật hẹp giới hạn của tâm trí, để chúng ta mở lòng ra với ân sủng, với chân lý và với sứ vụ thiện hảo và thương xót, được ban cho tất cả, không trừ một ai. (Rei 08/07/2018)

(Nguồn: Đài Vatican)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top