ĐTC Phanxicô: đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo là nhân tố quyết định cho hòa bình

ĐTC Phanxicô: đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo là nhân tố quyết định cho hòa bình

ĐTC Phanxicô: đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo là nhân tố quyết định cho hòa bình
Lần đầu tiên, một vị Giáo hoàng đến bán đảo Ả Rập. Và Thiên Chúa Quan phòng muốn đó là một Giáo hoàng có tên là Phanxicô, 800 năm sau chuyến viếng thăm của thánh Phanxicô Assisi đến vương quốc Al-Malik Al-Kamil. Trong chuyến Tông du này tôi và Đại Imam Al-Azhar đã ký Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, trong đó chúng tôi cùng nhau khẳng định ơn gọi chung của tất cả người nam và người nữ là anh chị em, là con cái của Thiên Chúa.

 

Trên đây là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tín hữu và du khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại Đại thính đường Phaolô VI, sáng thứ tư 06/02. Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha được mở đầu với Lời Chúa trích trong sách Sáng Thế Ký: “Sau trận Đại Hồng Thủy Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê và các con ông, và Người phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Nhưng Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình”. (Sáng Thế Ký, 9, 1.5). Đức Thánh cha nói: “Trong những ngày vừa qua, tôi đã hoàn thành một chuyến Tông du ngắn đến Các tiểu vương quốc Arập. Một chuyến đi ngắn nhưng rất quan trọng, liên kết với cuộc gặp gỡ hồi năm 2017 tại Al-Azhar, Ai Cập, cuộc gặp gỡ đã viết một trang mới trong lịch sử đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo và việc dấn thân thúc đẩy hòa bình trên thế giới dựa trên tình huynh đệ nhân loại”.

Lần đầu tiên, một Giáo hoàng đến bán đảo Ả Rập

Lần đầu tiên, một Giáo hoàng đến bán đảo Ả Rập. Và Thiên Chúa Quan phòng muốn đó là một Giáo hoàng có tên là Phanxicô, 800 năm sau chuyến viếng thăm của thánh Phanxicô Assisi đến vương quốc Al-Malik Al-Kamil. Tôi thường nghĩ về Thánh Phanxicô trong cuộc hành trình này: điều này đã giúp tôi giữ Tin Mừng, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn, trong lúc tôi sống những giờ phút khác nhau của chuyến viếng thăm; trong tâm hồn tôi có Tin Mừng của Chúa Kitô, có lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha cho tất cả con cái của Ngài, nhất là cho những người nghèo nhất, cho những nạn nhân của bất công, chiến tranh, khốn khổ ...; lời cầu nguyện cho cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo, yếu tố quyết định cho hòa bình thế giới ngày nay.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cám ơn Thái tử, Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các Nhà chức trách của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đức Thánh cha nói: “Tôi xin cám ơn tất cả vì đã đón tiếp tôi với sự lịch sự tuyệt vời. Trong các thập kỷ gần đây đất nước này đã phát triển rất nhiều: nó trở thành một giao lộ giữa Đông và Tây, một "ốc đảo" đa sắc tộc và đa tôn giáo, và do đó là nơi thích hợp để thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức cha Paul Hinder, Đại diên Tông tòa Nam Ả Rập, người đã chuẩn bị và tổ chức sự kiện cho cộng đồng Công giáo. Và "lời cảm ơn" chân thành của tôi hướng tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân; họ chính là sự hiện diện năng động Kitô hữu cho vùng đất này.

Tôi đã có cơ hội chào thăm vị linh mục đầu tiên, ngài đã chín mươi tuổi, cha đã thiết lật nhiều cộng đoàn ở đó. Cha ngồi trên xe lăn, bị mù, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi, nụ cười của người đã phục vụ Chúa và đã làm nhiều điều tốt lành. Tôi cũng đã thăm một linh mục chín mươi tuổi khác, nhưng ngài vẫn còn đi được và tiếp tục làm việc; và nhiều linh mục đang phục vụ các cộng đồng Kitô giáo theo nghi lễ Latinh, nghi lễ Syro-Malabar, Syro-Malankara, nghi lễ Maronite đến từ Lebanon, Ấn Độ, Philippines và các nước khác.

Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại

Ngoài các bài phát biểu, tại Abu Dhabi, một bước nữa đã được thực hiện: Tôi và Đại Imam Al-Azhar đã ký Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, trong đó chúng tôi cùng nhau khẳng định ơn gọi chung của tất cả người nam và người nữ là anh em, là con của Thiên Chúa, chúng tôi lên án tất cả các hình thức bạo lực, đặc biệt là bạo lực nhân danh tôn giáo, và chúng tôi cam kết truyền bá các giá trị đích thực và hòa bình trên toàn thế giới. Văn kiện này sẽ được học trong các trường học và các đại học ở một số quốc gia. Nhưng tôi cũng khuyên anh chị em nên đọc nó, biết nó, bởi vì nó mang lại rất nhiều sức đẩy để tiến bước trong cuộc đối thoại về tình huynh đệ nhân loại.

Kitô giáo và Hồi giáo đánh giá cao và bảo vệ các giá trị chung

Trong thời đại của chúng ta, có một cám dỗ mạnh mẽ về một cuộc xung đột giữa các nền văn minh Kitô giáo và Hồi giáo, và cũng coi các tôn giáo là nguồn gốc của xung đột; chúng tôi muốn đưa ra một dấu chỉ rõ ràng và quyết định hơn đó là: chúng ta có thể gặp gỡ nhau, có thể tôn trọng và đối thoại, và mặc dù có sự đa dạng về văn hóa và truyền thống, thế giới Kitô giáo và Hồi giáo đánh giá cao và bảo vệ các giá trị chung: cuộc sống, gia đình, ý thức tôn giáo, tôn trọng người già, giáo dục của người trẻ, và những người khác.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có khoảng một triệu Kitô hữu sinh sống. Họ là những công nhân đến từ nhiều quốc gia châu Á. Sáng thứ ba tôi đã gặp một đại diện của cộng đoàn Công giáo tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Abu Dhabi - một nhà thờ rất đơn giản - sau đó tôi đã cử hành Thánh lễ cho rất nhiều người trong sân vận động thành phố, loan báo Tin Mừng về các Mối Phúc. Trong Thánh lễ, có các Thượng phụ, các Tổng Giám mục và các Giám mục cùng đồng tế với tôi. Chúng tôi đã cầu nguyện một cách đặc biệt cho hòa bình và công lý, với ý chỉ đặc biệt cho Trung Đông và Yemen.

Đức Thánh Cha kết thúc bài Huấn dụ: Anh chị em thân mến, chuyến Tông du này là "những điều bất ngờ, ngạc nhiên" của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cùng ca tụng Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài, và chúng ta cùng cầu nguyện để những hạt giống được gieo sẽ sinh hoa trái theo ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top