ĐTC Phanxicô: Trong Kinh Lạy Cha không có từ “tôi”

ĐTC Phanxicô: Trong Kinh Lạy Cha không có từ “tôi”

ĐTC Phanxicô: Trong Kinh Lạy Cha không có từ “tôi”
Chúa Giêsu không muốn đạo đức giả, trong Kinh Lạy Cha không bao giờ có từ "Tôi". Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng lại ở lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong lời chào thăm các tín hữu hiện diện tại buối tiếp kiến chung Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người hãy dấn thân cho sự trở lại của "những người ở xa" và những người gần gũi với chúng ta.

Trên đây là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi giáo lý dành cho các tín hữu tại Đại thính đường Phaolô VI. Bài giáo lý được ĐTC khởi đi từ Tin Mừng của Thánh Luca: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10, 21-22).

Chúa Giêsu không muốn giả hình

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện, như thế chúng ta luôn luôn học cầu nguyện một cách tốt hơn điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện như Ngài đã dạy chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha, kêu lên “Cha ơi”. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài không như bọn đạo đức giả: thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy (Mt 6,5). Chúa Giêsu không muốn giả hình. Lời cầu nguyện đích thực là những gì đang diễn ra trong nơi sâu thẳm của nội tâm, không thể dò thấu, chỉ có Thiên Chúa thấy.Tôi và Chúa. Cầu nguyện không có sự giả dối: Đối với Thiên Chúa không thể giả dối. Trước mặt Chúa không mưu mẹo nào có sức mạnh, Chúa biết chúng ta như thế, trần trụi trong lương tâm và giả vờ là không thể. Tại căn của cầu nguyện, của cuộc đối thoại với Thiên Chúa là một cuộc thưa chuyện trong thinh lặng, giống như điểm gặp nhau của ánh mắt giữa hai người đang yêu nhau: con người và Thiên Chúa. Ánh mắt gặp nhau và đó là lời cầu nguyện. Nhìn Chúa và để Chúa nhìn, đó là cầu nguyện. "Nhưng thưa cha, con không nói lời nào". Nhưng hãy nhìn Thiên Chúa và để Ngài nhìn. Đó là một lời cầu nguyện, đó là một lời cầu nguyện đẹp!

Tuy nhiên, mặc dù lời cầu nguyện của người môn đệ là riêng tư, nhưng nó luôn thân mật. Trong bí mật của nội tâm, người Kitô hữu không để thế giới bên ngoài cánh cửa phòng mình, mà mang theo mình mọi người và hoàn cảnh của họ, những vấn đề, nhiều điều, tất cả đưa vào lời cầu nguyện.

Một từ “thiếu” trong Kinh Lạy Cha

Nếu tôi hỏi anh chị em trong bản văn Kinh Lạy Cha có một điều gì thiếu? câu trả lời là không dễ... Một từ còn thiếu... Mọi người suy nghĩ: điều gì thiếu trong Kinh Lạy Cha? Anh chị em hãy suy nghĩ, từ nào thiếu? Một từ. Một từ mà trong thời đại của chúng ta - nhưng có lẽ luôn luôn - tất cả đều quan tâm, từ nào thiếu trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta cầu nguyện mọi ngày? Để không làm mất thời gian tôi sẽ nói: thiếu từ "tôi". Không bao giờ có từ “tôi”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trên môi từ "Cha", bởi vì lời cầu nguyện Kitô giáo là đối thoại: "nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện". Không phải danh tôi, nước của tôi, ý muốn của tôi. Tôi, tôi, không phải như vậy. Và sau đó đi đến "chúng con". Toàn bộ phần thứ hai của "Kinh Lạy Cha" được xưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sử dữ”. Ngay cả những lời cầu xin căn bản nhất của con người - như có thức ăn để làm dịu cơn đói - đều là số nhiều. Trong lời cầu nguyện Kitô giáo, không ai xin cơm bánh cho chính mình: xin cho con lương thực hôm nay; không, xin cho chúng con, cầu xin cho tất cả, chúng ta cầu xin cho tất cả người nghèo trên thế giới. Nhưng không được quên điều này, thiếu từ “tôi. Chúng ta cầu xin với ngôi thứ hai: “Cha” và với ngôi thứ nhất số nhiều: “chúng con”. Đây là lời dạy tốt lành của Chúa Giêsu, không được quên điều này. 

Lời cầu nguyện của cộng đoàn

Tại sao? Tại sao? Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong khi đối thoại với Thiên Chúa. Không có sự phô trương của những vấn đề của chính mình như thể chúng ta là những người duy nhất trên thế giới phải chịu đựng. Không có lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa mà không phải là lời cầu nguyện của một cộng đoàn anh chị em, chúng ta: chúng ta ở trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em, chúng ta là một dân cầu nguyện, chúng ta. Có lần một cha tuyên úy nhà tù hỏi tôi: "Xin nói cho con biết, thưa Đức Thánh Cha, từ nào ngược với từ 'tôi'? Và tôi, ngây thơ nói: từ "Bạn". “Bắt đầu cuộc chiến”. Từ ngược với từ 'Tôi' là 'chúng ta', nơi đâu có hòa bình, tất cả cùng nhau". Đó là một giáo lý đẹp mà tôi nhận được từ vị linh mục đó.

Trong lời cầu nguyện, người tín hữu mang đến tất cả những khó khăn của những người sống bên cạnh mình: khi chiều đến, người Kitô hữu thưa với Chúa về những nỗi đau mà mình đã trải qua trong ngày đó; đặt mình trước mặt Chúa nhiều khuôn mặt của bạn bè và thậm chí của thù địch; người kitô hữu không xua đuổi chúng như những điều phiền nhiễu nguy hiểm. Nếu một người không nhận ra rằng có nhiều người xung quanh mình đang đau khổ, nếu chúng ta không động lòng thương những giọt nước mắt của người nghèo, nếu chúng ta quen tất cả những điều này, điều đó có nghĩa là trái tim chúng ta ….như thế nào? Khô héo chăng? Không, tồi tệ hơn: trở thành đá. Trong trường hợp này, thật tốt khi chúng ta cầu xin Chúa chạm vào chúng ta qua Thánh Thấn của Ngài và làm mềm tâm hồn chúng ta. "Xin chạm vào trái tim con, lạy Chúa". Đây là một lời cầu nguyện đẹp: "Xin Chúa làm mềm lòng con để con có thể hiểu và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề, mọi nỗi đau của người khác". Chúa Kitô đã không đi qua một cách dửng dưng trước những đau khổ của thế giới: bất cứ khi nào Ngài cảm thấy một sự cô đơn, một nỗi đau của cơ thể hoặc tinh thần, Ngài cảm thấy một lòng trắc ẩn mạnh mẽ, giống như cung lòng của người mẹ. "Lòng trắc ẩn" này là một trong những động từ chính của Tin Mừng: đó là điều thúc đẩy người Samaritano nhân lành đến gần người bị thương ở bên vệ đường, không giống như những người khác có trái tim chai cứng.

Chúng ta có thể tự hỏi: khi tôi cầu nguyện, tôi có mở lòng cho tiếng khóc của nhiều người gần xa không? Hay tôi nghĩ cầu nguyện như một loại thuốc mê, đem lại cho tôi sự yên tỉnh hơn? Tôi để câu hỏi này cho mỗi người tự trả lời. Trong trường hợp này tôi sẽ là nạn nhân của một sự hiểu lầm khủng khiếp. Tất nhiên, lời cầu nguyện của tôi sẽ không còn là một lời cầu nguyện Kitô giáo. Bởi vì từ "chúng con" mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta không cho phép tôi yên bình một mình và khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của mình.

Có những người dường như không tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì Thiên Chúa tìm kiếm những người này trên hết. Chúa Giêsu không đến vì người khỏe mạnh, nhưng vì người đau yếu và cho người tội lỗi (Lc 5,31) - nghĩa là đối với mọi người, bởi vì những người nghĩ rằng họ khỏe mạnh, thực tế không phải vậy. Nếu chúng ta làm việc vì công lý, chúng ta sẽ không cảm thấy mình tốt hơn những người khác: vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, (Mt 5,45). Chúa Cha yêu thương tất cả! Chúng ta học được điều này từ Chúa Ngài luôn tốt với mọi người, không như chúng ta, chúng ta chỉ có thể tốt với một số người, những người chúng ta thích.

Các thánh và những người tội lỗi, tất cả đều là anh em được cùng một Cha yêu thương. Và, vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ được xét xử về tình yêu, chúng ta đã yêu thương thế nào. Không phải là một tình yêu chỉ thiên về tình cảm, mà là lòng thương xót và cụ thể, theo quy tắc Tin Mừng, không quên điều này: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40)
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top