Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường: Công lý cho trái đất
Sau khi đọc lại Tông huấn Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhân kỷ niệm 5 năm (24/5/2015-24/5/2020), ngày ban hành Thông điệp này, tôi có một vài suy nghĩ sau đây:
1.TRÁI ĐẤT BỊ TÀN PHÁ
Ngày nay, bất cứ ai, dù là những người ở thành thị hay thôn quê, đều biết hay đều cảm nhận các hiện tượng thất thường về thời tiết, khí hậu, mưa gió, bão táp, lụt lội, ô nhiễm không khí cũng như ô nhiễm nguồn nước, biển cả và sông ngòi. Không những nhận biết, cảm nhận mà đôi khi còn là nạn nhân nữa. Thật vậy, cứ nhìn vào con suối, dòng sông, chúng ta thấy hiện tượng ô nhiễm: đen ngòm, hôi thối do rác rưởi mà con người xả ra, nước thải từ các nhà máy… Cứ nhìn vào những cánh rừng, ta thấy cây cối bị đốn chặt bừa bãi, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp dần… Cứ nhìn vào không khí ta thấy bụi bặm, không trong lành do khói từ xe cộ, từ các nhà máy bốc cao …Cứ nhìn vào những cánh đồng bạt ngàn không thể cày cấy do bị nhiễm mặn. Và còn nữa: nhiệt độ nóng dần lên, hạn hán, lụt lội, nhiều sinh vật và động vật bị giảm thiểu, thậm chí bị tuyệt chủng, dịch bệnh gia tăng…
2.TRÁI ĐẤT ĐÒI CÔNG LÝ
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng vũ trụ, muôn loài muôn vật do Thiên Chúa dựng nên và tất cả đều tốt đẹp, thiên nhiên và con người sống hài hòa với nhau. Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho con người làm cho vũ trụ này, trái đất này tốt hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn nữa (x. St 1,1-2,4a).
Phải thành thật công nhận rằng, qua các thế hệ kế tiếp nhau, con người đã góp công làm cho vũ trụ này đẹp hơn, đáng sống hơn qua các công trình xây dựng, qua các phát minh khoa học như làm cho thế giới có nhiều lương thực hơn - quần áo đầy đủ hơn, đẹp hơn - giao thông thuận lợi hơn - thông tin mau lẹ hơn, làm cho con người gần gũi nhau hơn … Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật hiển nhiên là trái đất bị tàn phá nhiều hơn là được xây dựng như chúng ta đã nói ở trên.
Trước hiện tượng này, nhiều cá nhân, đoàn thể, các vị lãnh đạo các nước và tôn giáo đã lên tiếng nhắc nhở và kêu gọi mọi người quan tâm và gìn giữ vũ trụ, ngôi nhà chung của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô , trong Thông Điệp Laudato Si, lên tiếng rằng đã đến lúc chúng ta phải chăm chú lắng nghe trái đất bị hủy hoại đang lên tiếng đòi công lý: “Chị Đất đang kêu trách(1) chúng ta đã gây tổn hại cho chị… chị đang bị áp bức và bị hủy hoại nên chị rên siết và quằn quại”. (số 2). Kêu trách là phản kháng và đòi hỏi chúng ta thay đổi cách sống đối với trái đất (x. số 53).
Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng, con người chúng ta đã sử dụng và lạm dụng trái đất một cách vô trách nhiệm. Vì muốn phát triển kinh tế, nhiều người tự cho mình là sở hữu chủ với quyền hủy hoại trái đất. Bạo lực nằm sâu trong trái tim con người, vốn bị tội lỗi làm tổn thương, cũng gây ra bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, không khí và các sinh vật (x. số 2).
3. LÀ KITÔ HỮU, CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
Trái Đất đòi công lý. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, công lý đòi buộc mỗi người chúng ta phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, bằng cách tôn trọng và biết ơn trái đất (x. số 2), bảo vệ thế giới chứ không hủy diệt, gieo trồng vẻ đẹp chứ không gây ô nhiễm và phá hủy (x. số 246, lời cầu nguyện 1). Bổn phận chăm sóc trái đất là của mọi người, các tổ chức quốc gia và quốc tế, đặc biệt của những người lãnh đạo và người làm kinh tế: Công lý đòi buộc “những ai đang nắm quyền lực và của cải tránh xa thái độ vô tâm, để họ yêu mến những thiện ích chung, thăng tiến người yếu đuối và chăm sóc cho thế giới (x. số 246, Lời cầu nguyện 2).
Là Kitô hữu, chúng ta lại càng phải quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và làm cho thế giới mỗi ngày mỗi đẹp hơn, đáng sống hơn vì đó là trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta. Theo Đức Giáo Hoàng, công lý đòi buộc cả cộng đoàn (Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo hội địa phương) chứ không chỉ mỗi cá nhân phải hoán cải sinh thái (số 219).
Trước khi đề ra cho người tín hữu chúng ta những việc làm cụ thể để chăm sóc trái đất, Đức Giáo Hoàng đã cho thấy nguyên nhân sâu xa gây ra sự hủy hoại trái đất của con người. Theo ngài, “ Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết”. Tệ hơn nữa “Mô hình này làm cho người ta tin rằng, họ thực sự tự do bao lâu họ được tự do tiêu thụ”(số 203). Để thỏa mãn khuynh hướng tiêu thụ này, người ta lại càng sản xuất nhiều hơn và do đó lại càng hủy hoại môi trường hơn, nhất là mất đi cảm thức đích thực về thiện ích chung và sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau (x. số 203).
Vì thế, để cứu vãn sự toàn vẹn của trái đất và hạnh phúc của con người, nhất là những người nghèo và các thế hệ sau, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những việc làm cụ thể cho Giáo Hội toàn cầu, các Giáo hội địa phương, cũng như các gia đình và mỗi tín hữu như sau: Công lý đòi buộc người tín hữu chúng ta quan tâm tới việc giáo dục về sinh thái ở gia đình, qua truyền thông, trong các bài giáo lý(x. số 213). Đặc biệt, trong các chủng viện, các nhà đào tạo sẽ giáo dục chủng sinh có một đời sống giản dị, đầy trách nhiệm, sự chiêm niệm với lòng biết ơn về thế giới Chúa tặng ban, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường (x. số 214).
Nhìn vào thái độ sống của các tín hữu hiện nay với trái đất, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở: Công lý đòi các tín hữu phải hoán cải nội tâm về vấn đề sinh thái, gọi là hoán cải sinh thái: “Phải nhìn nhận rằng, các Kitô hữu đã không luôn luôn tôn trọng và phát triển những kho tàng thiêng liêng được Thiên Chúa phú ban cho Hội Thánh, trong đó đời sống tinh thần không tách lìa khỏi thân xác, khỏi thiên nhiên hay những thực tại của thế giới, nhưng sống cùng và sống với, trong sự hiệp thông với tất cả mọi sự chung quanh chúng ta” (số 216). Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình do Chúa dựng nên là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức.
4. LỐI SỐNG MỚI
Chăm sóc ngôi nhà chung, từ bỏ lối sống mua sắm và tiêu xài không cần thiết mà Đức Giáo Hoàng đề nghị là một lối sống mới cho mọi người nói chung và người tín hữu nói riêng. Đây là một lối sống trả lại công lý cho trái đất. Lối sống này sẽ có khả năng phát huy tình yêu và xây dựng hòa bình. Lối sống này làm nên hạnh phúc cho đại gia đình nhân loại và thiên nhiên, sống hài hòa với nhau trong ngôi nhà chung là toàn thể vũ trụ bao la, thoát thai từ Bàn Tay Sáng Tạo Toàn Năng của Thiên Chúa là Cha của mọi người và mọi loài thụ tạo với Đức Kitô là Anh Cả (x. Cl 1, 12-20). Lối sống này quả thực không dễ thực hiện, nhưng với niềm tin vào ơn phù trợ của Chúa, Đức Giáo Hoàng khích lệ chúng ta: “ Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong thế giới này. Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước”(số 245). Việc đưa ra những chương trình mục vụ thực hành lối sống mới mà Thông Điệp LAUDATO SI đề ra, là bổn phận của các giáo hội địa phương. Vậy, mỗi giáo phận tại Việt Nam chúng ta sẽ ứng dụng lối sống mới này thế nào vào đời sống cụ thể của giáo phận mình trong các chương trình mục vụ?
Để cảm thấy đây là một vấn đề khẩn thiết, chúng ta hãy để câu hỏi của Đức Giáo Hoàng : “Chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em chúng ta hiện đang lớn lên?”(số 160) chất vấn chúng ta.
__________
(1) X. Cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM, “Không có chỗ cho tiếng khóc trong Laudato Si” - Tài liệu Thường Huấn LM TGP Hà Nội 2016. Ngài đề nghị nên dịch theo chữ La tinh “obiurgat” là “kêu trách, trách móc” thay vì than khóc.
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ của Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình gửi Quốc Hội về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
-
“laudatosi.va”: đề mục mới của trang mạng của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình -
Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình -
Ủy ban Công lý và Hòa bình Việt Nam có tân Thư ký -
Uỷ Ban Công lý và Hòa bình: Khóa tập huấn tham vấn trị liệu chứng nghiện sex -
Lễ ra mắt Uỷ ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN -
Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình -
Văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình/HĐGMVN và Tòa Giám mục Cần Thơ gửi lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng -
Văn thư của Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình / HĐGMVN gửi ông Chủ tịch UBND Đà Nẵng và ông Chánh án Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ -
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm một nữ giáo dân làm Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình
bài liên quan đọc nhiều
- Uỷ Ban Công lý và Hòa bình: Khóa tập huấn tham vấn trị liệu chứng nghiện sex
-
Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình -
Văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình/HĐGMVN và Tòa Giám mục Cần Thơ gửi lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng -
Ủy ban Công lý và Hòa bình Việt Nam có tân Thư ký -
Thư ngỏ của Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình gửi Quốc Hội về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc -
Lễ ra mắt Uỷ ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN -
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm một nữ giáo dân làm Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình -
Văn thư của Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình / HĐGMVN gửi ông Chủ tịch UBND Đà Nẵng và ông Chánh án Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ -
Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình -
“laudatosi.va”: đề mục mới của trang mạng của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình