Đức giáo hoàng Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos

Đức giáo hoàng Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos

Đức giáo hoàng Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos

WHĐ (25.10.2017) – Hôm thứ Hai 23-10-2017, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp Đức Thượng phụ Theophilos III, Thượng phụ Chính thống Hy Lạp ở Giêrusalem trong dịp nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống này đang ở thăm Roma từ ngày 22 đến ngày 25 tháng Mười.

Tại buổi gặp gỡ, Đức giáo hoàng kêu gọi chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử với những người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau ở Thánh Địa.

Trước hết, Đức giáo hoàng nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài đến Giêrusalem vào năm 2014 và bày tỏ niềm vui về việc ngôi mộ của Chúa Giêsu trong Vương cung thánh đường Mộ Thánh mới được trùng tu; đây là một dự án có sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo hội Chính thống, Giáo hội Armenia và Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa.

Kêu gọi thực thi công lý và hoà bình

Đức giáo hoàng cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài với tất cả những ai phải gánh chịu đau khổ vì cuộc xung đột đang diễn ra giữa người Do Thái và người Palestine. Ngài cho rằng sự thiếu cảm thông giữa hai bên đã gây ra “những bất an, hạn chế các quyền cơ bản và làm cho nhiều người phải rời bỏ quê hương mình”. Vì thế, Đức giáo hoàng kêu gọi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng hoà bình dựa trên công lý và công nhận quyền của tất cả mọi người.

Đức giáo hoàng nhấn mạnh: Hiện trạng của Giêrusalem phải được bảo vệ và duy trì, đồng thời phải dứt khoát loại bỏ bạo lực, phân biệt đối xử và bất khoan dung đối với những nơi thờ tự của Do thái giáo, Kitô giáo hay Hồi giáo.

Kêu gọi các Kitô hữu hoà hợp với nhau

Đức giáo hoàng cũng gửi lời chào thăm các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau ở Giêrusalem, và nói rằng ngài hy vọng họ sẽ vẫn được nhìn nhận là những công dân và tín hữu có những  đóng góp cho thiện ích chung. Ngài nhấn mạnh rằng sự đóng góp này càng hiệu quả hơn nếu các Giáo hội khác nhau hoà hợp với nhau.

Giúp đỡ người trẻ

Đặc biệt, Đức giáo hoàng kêu gọi gia tăng hợp tác trong việc trợ giúp các gia đình Kitô hữu và người trẻ, để họ không bị buộc phải rời khỏi đất nước. Vì chúng ta không thể thay đổi quá khứ hoặc quên đi những thất bại nặng nề của việc sống tình bác ái trong nhiều thế kỷ qua, nên người Kitô hữu phải nhìn đến một tương lai hoà giải và hiệp thông, để thực hiện lời nguyện của Chúa “xin cho họ được nên một”.

(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Radio)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top