Đúc kết 11 năm làm Giám đốc Caritas Italia

Đúc kết 11 năm làm Giám đốc Caritas Italia

Phỏng vấn Đức ông Vittorio Nozza, nguyên Giám đốc Caritas Italia về kết quả 11 năm hoạt động.

Ngày 19-2-2012, Đức ông Vittorio Nozza, Giám đốc Caritas Italia đã mãn nhiệm kỳ hai, sau 11 năm làm việc. Ngày 27-1-2012, Hội đồng Giám mục Italia đã chỉ định Linh mục Francesco Soddu thay thế Đức ông Vittorio Nozza trong chức vụ này.

Đức ông Nozza năm nay 63 tuổi, đã được Ban Thường vụ của Hội đồng Giám mục Italia chỉ định làm Giám đốc Caritas quốc gia ngày 26 tháng Giêng năm 2001.

Tổ chức Caritas Italia đã được thành lập hồi năm 1971 theo ước muốn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong tinh thần canh tân do Công đồng Chung Vaticăng II đề ra. Mục đích và nhiệm vụ của tổ chức là cộng tác với các Giám Mục để thăng tiến việc linh hoạt bác ái trong các cộng đoàn giáo xứ, và thực hiện nó qua các can thiệp cụ thể; phát động, tổ chức và phối hợp các trợ giúp trong các trường hợp khẩn cấp tại Italia và hải ngoại; cộng tác với các tổ chức Kitô khác để thực hiện các nghiên cứu tìm hiểu các nhu cầu để trợ giúp và khám phá ra các lý do của các nhu cầu đó; thăng tiến phong trào thiện nguyện, tạo thuận tiện cho việc đào tạo các nhân viên mục vụ Caritas và nhân viên dấn thân phục vụ xã hội; góp phần vào việc phát triển nhân bản và xã hội tại các quốc gia nghèo miền Nam bán cầu, kể cả việc gây ý thức cho dân chúng.

Caritas Italia thường xuyên liên lạc với 220 Caritas giáo phận trong nỗ lực linh hoạt cộng đoàn xã hội và dân sự, thăng tiến các phương tiện mục vụ và phục vụ tại các trung tâm lắng nghe, quan sát tình trạng nghèo túng và các tài nguyên, phối hợp các Caritas giáo xứ, các trung tâm tiếp đón vv... Caritas Italia là thành viên của tổ chức Caritas quốc tế bao gồm 162 Caritas quốc gia. Mục đích của các tổ chức Caritas là thăng tiến tình liên đới trên toàn thế giới, giáo dục hòa bình, đối thoại và phát huy tinh thần đồng trách nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức ông về 11 năm hoạt động đã qua.

Hỏi: Thưa Đức ông Nozza, trong 11 năm qua Caritas Italia đã có các thay đổi nào?

Đáp: Đối tượng phục vụ của Caritas Italia là các người nghèo, các cộng đoàn và các tình trạng khó khăn trên toàn nước. Trong 10 năm qua, Caritas Italia đã đưa ra một chương trình phát triển ưu tiên chú ý tới việc thăng tiến và linh hoạt đức tin trong các cộng đoàn, và các vùng miền. Bắt đầu từ việc phát triển các Caritas giáo xứ, là các cơ cấu đầu tiên trả lời cho các nhu cầu; tiếp đến là củng cố các Caritas giáo phận với các toán làm việc ổn định, nhằm mục đích lắng nghe và nhận định các hiện tượng nghèo túng để có thể can thiệp. Cách làm việc này của các Caritas giáo phận cho phép đồng hành với các tình trạng khác nhau cần được trợ giúp. Rất tiếc là thiếu các đường lối chính trị xã hội có cấu trúc trong lãnh vực trợ giúp các người nghèo, nên bên cạnh các tình trạng nghèo túng cũ, còn có thêm các tình trạng nghèo túng mới nữa. Tất cả các điều này trở thành gánh nặng cho những tổ chức dấn thân trong việc phụ đới như tổ chức Caritas Italia.

Hỏi: Và các tổ chức Caritas giáo phận đã trụ được với các nhu cầu cần trợ giúp, có phải thế không thưa Đức ông?

Đáp: Vâng, đúng thế, vì trong các năm qua các giáo phận đã tìm cách gia tăng nhiều sáng kiến và có thêm các phương tiện. Chẳng hạn, như chương trình tài trợ các dự án nhỏ, dưới hình thái cho vay vốn, và trợ giúp các gia đình. Ngoài ra, còn có việc lấy lại các hình thái trợ giúp trước kia như các gói thực phẩm cho các gia đình nghèo. Xem ra trong mọi tình trạng khó khăn, kể cả tình trạng cuộc khủng hoảng kinh tế tái chánh hiện nay, Caritas Italia đã biết đáp ứng các nhu cầu của người nghèo một cách thích đáng và được mọi người thừa nhận.

Hỏi: Điều gì khiến cho Đức ông lo lắng nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đúng lúc mà Đức ông rời chức vụ giám đốc Caritas Italia?

Đáp: Điều khiến cho tôi lo lắng đó là tình trạng bấp bênh của giới trẻ, không tìm ra công ăn việc làm. Chúng tôi thấy có quá nhiều người trẻ đã bỏ học tìm đến các trung tâm lắng nghe của chúng tôi để xin các lời khuyên và sự trợ giúp. Cần phải chú ý nhiều hơn đến việc đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ, dựa trên các kinh nghiệm đào tạo và làm việc của các nước Âu châu.

Hỏi: Liên quan tới giới trẻ, trong các ngày qua cũng có việc đề nghị tái lập chương trình phục vụ xã hội bắt buộc, thay cho thời gian phục vụ quân dịch. Đức ông có đồng ý không?

Đáp: Tôi đồng ý. Lý do là vì đối với tổ chức Caritas và cộng đoàn Giáo hội Itallia lịch sử dài của việc để cho người trẻ làm việc phục vụ xã hội thay thời gian đi quân dịch đã rất là tích cực. Nó đã tạo thành một gia tài gồm các giá trị, các ý tưởng và các kinh nghiệm làm nảy sinh ra các kinh nghiệm quan trọng của phong trào thiện nguyện, cộng tác và tham dự vào các lãnh vực xã hội và chính trị trong tất cả mọi cộng đoàn. Trong thập niên mà Giáo hội Italia dành cho thách đố giáo dục, thật là điều quan trọng, nếu tái lập việc phục vụ ấy. Vì giới trẻ đáp lại lời mời gọi, nếu có tình trạng khẩn cấp, nhưng ngày nay lại thiếu việc giáo dục người trẻ biết sống giá trị của sự gần gũi và tương quan với tha nhân.

Hỏi: Thưa Đức ông, Caritas Italia là một trong các Caritas sinh động và uy tín nhất thế giới, vì luôn luôn đi tiên phong trong mọi công tác cứu trợ cấp thời, kể cả đối với các người di cư. Một trong những nút thắt khó tháo gỡ của thập niên qua là phong trào di cư. Ngày nay chúng ta đang ở điểm nào đối với vấn đề này?

Đáp: Chúng ta đang trễ tràng. Trong các năm qua càng ngày càng gia tăng nền văn hóa của sự thờ ơ, khó chịu, tẩy chay, bạo lực, tách lìa và loại trừ đối với các anh chị em di cư. Và như thế chúng ta đã có một thái độ chính trị chống lại, thay vì đồng hành với sự hiện diện của khoảng 5 triệu người di cư thuộc 200 quốc gia tìm tới Italia sinh sống. Dĩ nhiên di cư là một hiện tượng phức tạp, giầu viễn tượng lớn, nhưng cũng đem theo các vấn đề, cần phải được duyệt xét với sự quân bình, lòng tôn trọng, tinh thần liên đới, sự công bằng và hợp pháp. Việc đầu tư và giải quyết phải giàu tính cách xã hội và văn hóa hơn là các biện pháp chỉ có tính cách an ninh. Các Caritas quốc gia và giáo phận đã đi tiên phong cả trong việc thăng tiến một nền văn hóa tiếp đón và chung sống nghiêm chỉnh. Giờ đây cũng cần phải có các sáng kiến chính trị khác nhau và hữu hiệu nữa.

Hỏi: Các sáng kiến nào thưa Đức ông?

Đáp: Tôi nghĩ tới các thỏa hiệp giữa các quốc gia từ đó đa số các làn sóng di cư phát xuất, với các chương trình phát triển địa phương. Làm thế nào để người dân có được cuộc sống xứng đáng và bảo đảm, để họ không bị bắt buộc phải tìm ra nước ngoài sinh sống. Thế rồi cũng cần có các hoạt động hướng dẫn đồng hành của việc di cư bên trong các lộ trình được che chở và cai quản, để tránh các tình trạng khai thác bóc lột nặng nề. Ngoài ra cũng cần phải chống lại các tổ chức tội phạm, dễ dàng tìm nhân công rẻ tiền trong số các người di cư tị nạn. Và sau cùng phải có các thỏa hiệp giữa các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu, bởi vì di cư là một hiện tượng có thể quản trị được, với ít khó khăn hơn, nếu nó được tiếp nhận trên bình diện Âu châu, bằng cách che chở các trẻ em, phụ nữ và các người thiểu số như người Rom và đặc biệt là các anh chị em di cư tị nạn xin được tị nạn, khỏi các khai thác lạm dụng gian ác.

Hỏi: Thưa Đức ông Nozza, trong các trường hợp cấp thiết mà Đức ông đã sống như là Giám đốc Caritas quốc gia, Đức ông nhận thấy người dân Italia có tinh thần liên đới không?

Đáp: Có, người dân Italia rất có tinh thần liên đới. Chẳng hạn như khi xảy ra nạn sóng thần Tsunami tại Indonesia hồi năm 2005, hay trận động đất tại Haiti năm 2010, hoặc các trận động đất xảy ra tại Italia như trận động đất trong vùng Abruzzo Trung Italia đã có rất nhiều người dân quảng đại tỏ tình liên đới với các nạn nhân. Đặc biệt là người dân Italia đã không bao giờ giảm sự tin tưởng và tín nhiệm đối với tổ chức Caritas, và như thế cũng là đối với Giáo hội Italia, vì họ biết rằng tất cả những gì họ gửi giúp các nạn nhân đều được Caritas Italia sử dụng đúng đắn nghiêm chỉnh và được chuyển đến tận tay các nạn nhân.

(Avvenire 19-2-2012)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top