Đức TGM Giuse Nguyễn Năng: Những việc Đạo đức bình dân & sùng kính Lòng Chúa Thương Xót
TGPSG -- Khi cử hành Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót vào chiều Chúa nhật 11.4.2021 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã có những lời nhắn nhủ về 'những việc đạo đức bình dân và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót'. Dưới đây là nguyên văn những lời nhắn nhủ ấy của Đức TGM Giuse.
Những công việc đạo đức bình dân là những điều rất tốt, đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc nên thánh của cộng đồng dân Chúa, nhưng đôi khi cũng có một vài sai lệch. Chúng ta cần phải nói với nhau để đi cho đúng hướng.
Tôi thấy rất nhiều anh chị em có lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Điều ấy rất quý, rất là tốt và có cơ sở trong Kinh Thánh: Thiên Chúa là Tình Yêu, Lòng Thương Xót là Tình Yêu cho nên chúng ta tôn sùng LCTX rất là đúng, đi vào đúng trọng tâm Kinh Thánh, đúng trọng tâm của đạo.
Qua lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy: lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa đã phát triển từ lâu đời rồi, từ thời Thánh Phaolô và các thời kỳ đều có. Đặc biệt gần đây, các thánh - như Thánh Faustina, Thánh Gioan Phaolô II - đã cổ võ việc sùng kính LCTX, rồi Huấn quyền - tức Giáo lý của Giáo Hội - cũng cổ võ chuyện đó. ĐTC Phanxicô cũng nói: Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót. Cho nên việc chúng ta sùng kính LCTX rất đúng, rất cần, rất hợp pháp.
Khi tôn sùng LCTX, chúng ta tôn sùng và tạ ơn về lòng thương xót của Chúa đối với con người chúng ta, nhất là đối với các tội nhân và những người nghèo khổ về tâm hồn, tinh thần và thể xác. Chúa thương xót tất cả chúng ta, nhất là các tội nhân và những người nghèo khổ, đặc biệt là qua cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa Giêsu đã chịu chết, chịu đau thương, vác Thánh giá. Đó là cách Chúa biểu lộ LTX và nhờ đó mà chúng ta được ơn cứu độ, cho nên chúng ta tuyệt đối tín thác vào Chúa. Chúng ta cảm nhận chính chúng ta cần được Chúa thương xót, và chúng ta thực hành lòng thương xót bằng cách tha thứ cho nhau. Chúa tha thứ cho chúng ta, ta tha thứ cho người khác; Chúa thương xót chúng ta, ta cứu giúp những người khác - những người đau khổ, ốm đau, bệnh tật, nghèo khổ, bị thiểu năng... - ta thương xót và giúp đỡ họ.
Cách riêng, đối với linh đạo LTX theo thánh Faustina, thánh nhân có nhấn mạnh với chúng ta mấy điều (để có thể nói về điều này, tôi đã đọc kỹ cuốn nhật ký thật dày của thánh Faustina):
- Thánh Faustina mời gọi chúng ta tôn kính ảnh LTX là hình Chúa Giêsu có những tia đỏ, tia xanh (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 742)1.
- Ngoài việc tôn kính ảnh, tượng LCTX, ngài cũng mời gọi chúng ta làm Tuần cửu nhật - từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến hôm nay - để suy niệm, suy gẫm LTX của Chúa (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 476)2.
- Điều thứ ba, ngài mời gọi chúng ta lần hạt LCTX mà nhiều nơi đã thực hiện (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 474-476)2.
Thánh Faustina cũng nói: Lần hạt LCTX lúc nào cũng được - chứ không câu nệ là phải 3 giờ chiều, mà lúc nào thuận tiện cũng được.
Theo Thánh Faustina: 3 giờ chiều, chúng ta dành ra một vài giây phút ngắn gọn để tưởng niệm việc Chúa chịu chết trên cây Thánh giá, chứ Thánh Faustina không nói 3 giờ chiều phải vào nhà thờ. Nếu có điều kiện thì chúng ta vào nhà thờ đi đàng Thánh giá, chầu Thánh Thể, suy gẫm cuộc thương khó (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 1572)3. Nhưng nếu cứ phải vào nhà thờ, thì những anh chị em làm công nhân làm sao vào nhà thờ được? Chỉ có những người rỗi rãi mới vào nhà thờ vào lúc ấy được. Vì thế, 3 giờ chiều, ta chỉ cần dành một vài giây suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa để cầu nguyện cho những người hấp hối và những người tội lỗi. Thánh Faustina nói như vậy, nhưng chúng ta cứ thêm thắt vào, rồi làm sai đi. Vâng, đừng câu nệ như một số người - cứ 3 giờ chiều bỏ hết mọi công việc để vào nhà thờ!??...
Chúng ta hãy sống đức tin một cách trưởng thành. Năm ngoái, thư mục vụ của HĐGMVN đã nhắc đến chuyện này rồi. Xin tất cả chúng ta hãy sống đức tin một cách trưởng thành. Vậy khi chúng ta thực hành linh đạo việc tôn sùng LCTX thì anh chị em phải làm cho đúng.
Điều chúng ta sai là ở chỗ này: LTXC được biểu lộ cách đặc biệt đối với những người tội lỗi và những người hấp hối và chúng ta cầu nguyện cho chúng ta được ơn ăn năn hối cải (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 1577-1578) 4. Thánh Faustina không bao giờ nói chúng ta thực hiện LTX của Chúa để cầu nguyện cho những người ốm đau bệnh tật, nhưng tập trung vào việc hoán cải và cầu nguyện cho những người tội lỗi (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 1602) 5. Không biết từ lúc nào, khi nói tới LTX thì là chỉ xin ơn chữa bệnh thôi. Cái đó là chúng ta đi lệch. Thánh Faustina không nói chuyện đó.
LTX là để nhớ đến Chúa chịu chết trên cây Thánh giá, để ăn năn, để hối cải cho mình và cho những người khác. Vậy mà, cứ nói đến LTX là nghĩ ngay đến chuyện cầu xin ơn chữa bệnh, xin cho được ơn này, ơn kia!?? Tôi xin nói, khi ốm đau, chúng ta phải cầu nguyện. Khi bị đau ốm, tôi cũng vẫn cầu nguyện để xin Chúa thương xót. Chúng ta gặp khó khăn, hãy chạy đến với Chúa. Chúa thương xót chúng ta. Anh chị em hãy cầu nguyện xin cho con được ơn khỏi bệnh, là đúng rồi. Chúng ta hãy đến với Thánh Tâm Chúa, tín thác vào Chúa. Nhưng đồng thời cũng phải đi bác sĩ. Những gì về y khoa mình phải giữ. Đi khám bệnh và cầu nguyện là hai việc song song cần phải giữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng được ơn chữa lành như mong muốn. Cầu nguyện cho chúng ta được khỏi bệnh, cứ cầu nguyện và tín thác vào Chúa, nhưng không phải cứ cầu nguyện là được khỏi bệnh đâu!
Chạy đến hết các chỗ này, chỗ kia để xin được ơn khỏi bệnh! Sai! Bởi vì, có thể Chúa ban cho chúng ta được ơn khỏi bệnh, nhưng cũng có thể Chúa để chúng ta bị bệnh để chúng ta thông hiệp với Chúa đã chịu chết trên cây Thánh giá. Chúng ta góp phần mình vào trong công cuộc cứu độ của Chúa. Anh chị em nhớ: tôi vừa giảng trong bài giảng: Con Thiên Chúa mà còn phải chết thì chúng ta không phải là luật trừ đâu. Chúng ta làm sao hơn Chúa Giêsu được. Chúa Giêsu chịu chết mà chúng ta cứ muốn được ơn theo ý mình mong muốn, được sung sướng, được đủ mọi sự tốt lành theo ý riêng mình là sai. Chúng ta đừng quên mầu nhiệm Thánh giá trong cuộc đời chúng ta. Chúa chịu chết trên cây Thánh giá, chúng ta cũng phải chịu để thông hiệp với mầu nhiệm của Chúa (Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi, số 1612) 6.
Chúng ta cần tập để khao khát những ơn trọng đại hơn. Nếu theo Chúa, chúng ta chỉ nhắm những ơn chữa phần xác thôi thì đó chưa phải là đức tin tinh tuyền, còn là đức tin vụ lợi lắm. Chúng ta tin vào Chúa để Chúa ban cho chúng ta sự sống sung mãn tức là sự sống phần xác, sự sống phần hồn, sự sống đời này, sự sống đời sau, chứ không phải theo Chúa để được giàu sang, để được sự sống an lành. Không có đâu! Anh chị em nhớ: sau khi Chúa làm phép lạ bánh hóa ra nhiều, người ta đi theo Chúa, Chúa bảo: Các ngươi đi theo ta vì các ngươi được ăn no thôi chứ có tin gì đâu! Cho nên chúng ta cầu nguyện nhưng đừng mong phép lạ. Có phép lạ đấy, Chúa làm khi Chúa muốn chứ đừng mong phép lạ (Mc 8,11-13) và đừng đi quảng cáo phép lạ (Mc 1,40-45; Mt 8,1-4; Lc 5.12-14). Chúa có làm phép lạ nhưng có ít thôi: từ khi Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức cho đếm bây giờ là 160 năm rồi mà mới có 70 phép lạ được nhìn nhận, chứ không phải nay phép lạ, mai phép lạ, chỗ nào cũng phép lạ. Sai! Đánh lừa nhau! Chúa có làm phép lạ nhưng rất ít.
Điều cuối cùng, chúng ta hãy tập để biết phân định, để biết sống đức tin một cách trưởng thành. Khi nào chúng ta nghe nói: chỗ này có phép lạ, chỗ kia được ơn chữa lành, được ơn trừ quỷ, thì đừng bao giờ vội tin chuyện đó. Hãy bình tĩnh xét xem đúng hay sai, có kiểm chứng rõ ràng, đừng đồn thổi nhau. Để phân định, có một vài tiêu chuẩn rất dễ:
- Xét xem điều người ấy làm, việc người ấy nói có đúng Phúc âm không? Chúng ta nghe đồn trên Bảo Lộc có trừ quỷ, trên mạng đầy những video clip… Thậm chí bây giờ có một vài linh mục, tu sĩ cũng đi theo nữa. Anh chị em thấy có đúng Phúc âm không? Không đúng, bởi vì: nào là 'nhà Chúa Cha', 'lời Chúa Cha' mà bây giờ lại có thêm 'mẹ Đức Chúa Cha' nữa!??... Đức Chúa Cha là nhất rồi, mà bây giờ lại có ‘mẹ Đức Chúa Cha’ nữa, hiện thân ở trong cái bà gì đó!??... Sai Phúc âm và Giáo lý của Hội Thánh rồi (Ga 6,46)! Thế mà cũng có những người tin và quảng cáo nữa! Phúc âm là Chúa Ba ngôi, Con Thiên Chúa chịu chết và sống lại. Phúc âm là Tám mối phúc thật, là bác ái, là sự hợp nhất, là Chúa chịu đau khổ, vác Thánh giá...
- Xét xem có đúng với Giáo huấn của Hội Thánh không? Giáo huấn dạy cái gì? Và có vâng phục Giáo quyền không? Có vâng phục bề trên không? Có tu sĩ tìm vào nơi ấy: đã là sai! Rồi Bề trên gọi về, cũng không về. Không vâng lời, là sai rồi! Ví dụ ở Đà Lạt, Đức Giám mục đã lên tiếng rồi, không chịu nghe theo mà còn lên tiếng phản đối Đấng Bản Quyền. Rõ ràng là sai: chúng ta cần phải phân tích như thế.
- Xét xem mục tiêu nhắm tới là gì? Phải nhắm sự hoán cải, nhắm sự nên thánh, nhắm bác ái, nhắm sự hợp nhất. Chúng ta thấy Đức Mẹ ở Lộ Đức, Đức Mẹ ở Fatima thỉnh thoảng cũng làm phép lạ cho bệnh nhân được khỏi, nhưng Đức Mẹ đâu có bảo hãy đến đây để Đức Mẹ làm phép lạ cho được khỏi bệnh, mà Đức Mẹ bảo: Con sám hối đi, con sửa mình đi, con ăn năn đền tội đi! Đấy, Đức Mẹ dạy như vậy đấy: nhắm nên thánh, nhắm hoán cải, chứ không phải nhắm theo ý của chúng ta; cho nên đương sự - những người làm phép lạ hay trừ quỷ gì đó - chính đương sự phải có đời sống thánh thiện. Có nhiều người đánh lừa người ta. Không được, phải nên thánh vô vị lợi! Rồi một điều này nữa: việc Chúa làm phải kín đáo, âm thầm, không quảng cáo. Ngày xưa, Chúa trừ quỷ, Chúa làm phép lạ xong, Chúa dặn: về đừng nói với ai, đừng quảng cáo nhé! Chúa làm là như vậy, Đức Mẹ làm như vậy, các Thánh cũng như vậy; âm thầm lắm, kín đáo lắm, không quảng cáo. Bây giờ chưa trừ quỷ đã có video sẵn sàng rồi, tung lên khắp thế giới để quảng cáo. Nguyên chuyện đó thôi, đã là sai rồi! Người ta quảng cáo bản thân mình chứ đâu có vì danh Chúa!
- Điều cuối cùng, việc Chúa làm thì luôn luôn có kết quả tốt đẹp: sự bình an. Còn mình, nói là làm việc Chúa và Đức Mẹ, mà lại làm xáo trộn tưng bừng, làm xáo trộn cả Giáo hội. Như thế không phải việc của Chúa đâu! Việc của Chúa thì đem lại hiệu quả là bình an, đem lại sự hiệp nhất, yêu thương trong cộng đoàn. Việc Chúa làm và việc Đức Mẹ, mà cứ tách riêng ra, không hợp nhất với cộng đoàn giáo hội, mà lại bảo là việc của Chúa, thì là sai! Việc của Chúa luôn luôn đem lại sự thánh thiện thật sự, làm cho dân Chúa được nên thánh, chứ không làm cho cá nhân mình được nổi danh: bệnh ‘sao thời đại’ đấy!
Hôm nay tôi muốn nói chuyện này để anh chị em - là người tứ phương, thuộc nhiều giáo xứ - sẽ về nhắc nhở nhau sống đạo một cách chắc chắn, trưởng thành. Còn nếu chúng ta cứ chạy theo những phong trào đó thì coi chừng chúng ta xây nhà trên cát và có lúc chúng ta sụp đổ hết.
Và tôi muốn nói như vậy vì càng ngày càng phát minh ra nhiều sự như: 'lời Đức Chúa Cha', 'nhà Đức Chúa Cha', rồi lại còn 'mẹ Đức Chúa Cha' nữa; dám mai mốt lại có 'mẹ Đức Chúa Thánh Thần' nữa! Giáo Hội chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta có Giáo hội hướng dẫn, chúng ta cần cân nhắc và sống đạo một cách chắc chắn với đức tin trưởng thành.
Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam, cho anh chị em chúng ta nữa. Và chúng ta cũng xin phó thác tất cả đời sống chúng ta với những đau khổ: tín thác nơi Chúa! Xin Chúa chữa lành cho chúng ta và cho anh chị em chúng ta!
Chú thích: về những nội dung liên quan đến cuốn 'Nhật ký LTXC nơi linh hồn tôi' của Thánh Faustina
(1) số 742 Ái nữ của Cha ơi, nếu Cha muốn qua con mà đòi mọi người tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, thì con phải là người trước tiên trổi vượt trong niềm tin tưởng vào lòng thương ấy. Cha đòi hỏi con những hành vi nhân ái được thực hiện vì mến yêu Cha. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy.
Cha ban cho con ba phương thế để sống nhân ái với người chung quanh: thứ nhất - bằng hành vi, thứ hai - bằng ngôn từ, thứ ba - bằng cầu nguyện. Trong ba cấp độ này hàm chứa lòng nhân ái sung mãn và là bằng chứng không thể nghi ngờ về tình yêu dành cho Cha. Bằng cách này, một linh hồn sẽ tôn vinh và sùng kính Lòng Thương Xót Cha. Đã hẳn Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót của Cha, nhưng vẫn còn phải có những hành vi nhân ái, và Cha đòi phải tôn thờ Lòng Thương Xót Cha qua việc cử hành trọng thể ngày đại lễ ấy và tôn kính bức hình Thương Xót. Qua bức hình này, Cha sẽ quảng phát nhiều ân sủng cho các linh hồn. Đó sẽ một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ (163) đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo. Lạy Chúa Giêsu của con, chính Chúa phải giúp đỡ con trong mọi sự, vì Chúa thấy con mọn hèn chừng nào, và vì vậy, con hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân lành của Chúa, ôi Thiên Chúa.
+ Xét Mình Đặc Biệt
Kết hợp với Chúa Kitô nhân lành. Tôi ôm ấp toàn thế giới trong trái tim mình, nhất là những đất nước kém văn minh hoặc đang có cuộc bách hại. Tôi cầu xin Lòng Thương Xót cho họ.
(2) số 474 Vào buổi tối, đang khi ở trong phòng, tôi nhìn thấy một thiên thần thi hành cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa. Ngài mặc trang phục trắng tinh sáng láng, dung mạo phương phi rạng rỡ, với một đám mây bao phủ dưới chân. Từ giữa đám mây, những luồng sấm sét chớp giựt từ tay vị thiên thần phát ra; và từ đó, những tai ương chực giáng thẳng xuống địa cầu. Khi nhìn thấy dấu hiệu cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sắp sửa giáng xuống thế giới và nhất là xuống một địa điểm - mà vì ý ngay lành, tôi không tiện nói ra đây - tôi liền nài nỉ thiên thần trì hoãn thêm chút nữa cho thế giới kịp hối cải. Nhưng lời khẩn nài của tôi chẳng là gì trước mặt vị sứ thần thực thi cơn thịnh nộ. Ngay lúc đó, tôi được nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Sự cao sang uy linh của Người xuyên thấu người tôi, tôi không dám lặp lại những lời kêu xin. Khi ấy, tôi cảm thấy có sức mạnh ánh sáng Chúa Giêsu trong linh hồn. Và khi ý thức được ánh sáng này, tôi lập tức được cất lên trước ngai toà Thiên Chúa. Ôi, sự cao trọng của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta và sự thánh thiện vô cùng của Người! Tôi không cần nói lên sự cao trọng này, bởi vì không bao lâu nữa, tất cả chúng ta sẽ được chiêm ngắm Người như thế. Tôi thấy mình đang khẩn cầu cho thế giới (197) bằng những lời nghe được trong lòng.
Khi đang cầu nguyện bằng cách ấy, tôi thấy vị thiên thần trở nên bất lực: không thể thực hiện án phạt công thẳng xứng với tội lỗi thế giới. Trước kia, tôi chưa bao giờ cầu nguyện bằng một sức mạnh nội tâm như lần này.
số 475 Những lời tôi khẩn nài Thiên Chúa như thế này: Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, Con rất yêu dấu Cha, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới; vì cuộc Khổ Nạn thảm thương của Người, xin Cha thương xót chúng con.
số 476 Sáng hôm sau, khi vào nhà nguyện, tôi đã nghe những lời này trong tâm hồn: Mỗi lần vào nhà nguyện, con hãy lập tức đọc lời kinh Cha đã dạy hôm qua. Khi đọc xong lời kinh ấy, tôi nghe trong lòng những lời này: Lời kinh này có thể làm nguôi cơn nghĩa nộ của Cha. Con hãy đọc kinh ấy trong chín ngày, lần theo tràng chuỗi Mân Côi, và đọc theo cách này: trước tiên, con hãy đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và kinh Tin Kính. Sau đó, với những hạt kinh Lạy Cha, con hãy đọc: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô, Con rất yêu dấu Cha, là Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Khi gặp những hạt kinh Kính Mừng, con hãy đọc: “Vì cuộc Khổ Nạn thảm thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Để kết thúc, con hãy đọc ba lần câu: “Lạy Thiên Chúa Chí Thánh, Toàn Năng, Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. [3]
(3) số 1572 Hỡi ái nữ của Cha, Cha nhắc cho con nhớ rằng mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi (145) linh hồn. Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới - Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng.
Hỡi ái nữ của Cha, con hãy cố gắng hết sức - miễn là bổn phận cho phép - để suy ngắm Đường Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đường Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầy lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi. Cha đòi mọi thụ tạo phải có lòng tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, nhưng trước tiên phải là con, vì con đã được Cha cho hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm này.
(4) số 1577 Con hãy nói cho các linh hồn đừng dựng trong tâm hồn họ những vật cản cho Lòng Thương Xót của Cha đang rất muốn hoạt động trong họ. Lòng Thương Xót Cha hoạt động trong tất cả những tâm hồn mở cửa cho Cha. Cả các tội nhân lẫn những người công chính đều cần đến (148) Lòng Thương Xót của Cha. Ơn hối cải cũng như ơn bền đỗ đều là những hồng ân do Lòng Thương Xót của Cha.
số 1578 Các linh hồn đang gắng bước trên đường hoàn thiện hãy kính thờ Lòng Thương Xót của Cha cách riêng, bởi vì Cha sẽ ban cho họ dư đầy những ân sủng tuôn tràn từ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn các linh hồn ấy phải trổi vượt về lòng tín thác vô bến bờ vào tình thương Cha. Chính Cha sẽ quán xuyến việc thánh hoá các linh hồn ấy. Cha sẽ lo liệu mọi sự cần thiết cho việc nên thánh của họ. Những ân sủng của tình thương Cha được chỉ kín múc bằng một chiếc bình duy nhất: đó là lòng tín thác. Linh hồn nào càng tín thác, càng được lãnh nhận nhiều. Những linh hồn tín thác vô hạn sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho Cha, bởi vì Cha trào đổ tất cả những báu tàng của Cha cho họ. Cha vui thoả khi họ xin nhiều, bởi vì khát vọng của Cha là được ban phát nhiều, ban phát rất nhiều.
(5) số 1602 Hôm nay Chúa phán với tôi: Hỡi ái nữ của Cha, khi con đi xưng tội, đến với suối nguồn xót thương của Cha, Máu và Nước trào tuôn từ Trái Tim Cha luôn luôn tưới gội và làm cho linh hồn con nên cao trọng. Mỗi lần đi cáo mình, với niềm tín thác, con hãy dìm mình ngập lút trong Lòng Thương Xót của Cha, để Cha có thể quảng phát trào tràn hồng ân Cha cho linh hồn con. Khi đến toà cáo giải, con hãy biết chính Cha đang ngóng chờ con nơi đó. Cha chỉ ẩn thân nơi vị linh mục, nhưng chính Cha hành động trong linh hồn con. Ở đây, nỗi khốn cùng của linh hồn được gặp gỡ Thiên Chúa xót thương. Con hãy nói cho các linh hồn biết họ sẽ được kín múc các ân sủng từ mạch nguồn xót thương này (7) bằng chiếc bình tín thác. Nếu niềm tín thác của họ mãnh liệt, thì lòng quảng đại của Cha không còn giới hạn nào cả. Những dòng thác ân sủng sẽ tưới ngập các linh hồn khiêm hạ. Những kẻ kiêu căng vẫn ở trong tình trạng bần cùng và khốn nạn, bởi vì ơn thánh Cha sẽ khước từ họ để đến với các linh hồn khiêm nhượng.
(6) số 1612 (13) + Ngày 20 tháng 2 [năm 1938]
Hôm nay, Chúa phán với tôi: Cha cần những đau khổ của con để cứu các linh hồn.
Ôi Chúa Giêsu của con, xin hãy sử dụng con tuỳ ý Chúa.
Tôi không có can đảm xin Chúa Giêsu ban những đau khổ lớn hơn, bởi vì tôi đã chịu đau khổ quá nhiều trong đêm hôm trước, đến nỗi không thể chịu hơn những gì Chúa Giêsu đã ban, dù chỉ một giọt nữa.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020