Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trả lời phỏng vấn của báo chí trên đường đến Mexico
WHĐ (24.03.2012) – Trên chuyến bay sáng ngày 23-03, từ Rôma đến Mexico, mở đầu chuyến tông du 6 ngày viếng thăm Mexico và Cuba, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay.
Hãng thông tấn AFP đã thuật lại nội dung chính phần trả lời của ĐTC trong cuộc phỏng vấn này. Báo La Croix dẫn lại bài tường thuật vừa nêu.
WHĐ trích thuật theo La Croix.
Mexico: Lo âu và hy vọng
Trước hết ĐTC bày tỏ ưu tư về nạn buôn bán ma túy tại Mexico. Ngài nói cần phải “phơi bày mọi điều dối trá của nạn buôn lậu ma túy”.
ĐTC cũng lưu ý về trách nhiệm của Giáo Hội trước tệ nạn này: “Vấn đề buôn lậu ma túy và tình trạng bạo lực đặt ra cho Giáo hội tại một quốc gia có hơn 80% dân số là người Công giáo trách nhiệm phải góp phần giải quyết”.
Nhân đó, ĐTC kêu gọi: “Phải phơi bày mọi lời hứa hẹn không thật và những điều dối trá” của những kẻ buôn lậu ma túy trong đó có người tự xưng mình là Công giáo. Được biết trong 5 năm vừa qua, tại Mexico, có đến hơn 50.000 người chết trong những thương vụ buôn bán ma túy, những cuộc thanh toán giữa các tập đoàn và băng đảng.
Hướng đến những nỗ lực hiện tại và nhìn đến tuơng lai Mexico, ĐTC nói: “Tôi chia sẻ niềm vui và hy vọng, và cả những đau buồn và âu lo của người dân Mexico”.
Cuba: Giáo Hội luôn bênh vực tự do lương tâm và tự do tôn giáo
Trả lời các phóng viên báo chí về chuyến tông du Cuba, ĐTC bày tỏ mối quan ngại về chế độ cộng sản tại Cuba và hy vọng “sẽ góp phần vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với chế độ này.
Nói về ý thức hệ mácxít, ĐTC nói: “Ý thức hệ này đã được đưa vào đất nước Cuba nhưng không còn đáp ứng với hiện thực. Cần phải tìm những mô hình mới”.
ĐTC nhấn mạnh, người Công giáo mong “góp phần vào cuộc đối thoại xây dựng để tránh mọi đổ vỡ”. Quả thật, Giáo Hội tại Cuba đã trở thành một đối tác chính trong cuộc đối thoại chính trị với nhà cầm quyền La Habana.
ĐTC nêu cao vai trò của các tín hữu Công giáo Cuba trong tiến trình xây đắp tương lai của Cuba: “Rõ ràng Giáo Hội luôn đứng về phía tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Các tín hữu Công giáo đang đóng góp vào tiến trình này”.
Đề cập đến những nỗ lực của Giáo Hội trước những vấn đề thời đại đặt ra cho châu Mỹ latinh nói chung, và Cuba nói riêng, về việc giáo dục thế hệ trẻ, ĐTC nói cần phải tố cáo “Thói tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc đang biến giới trẻ thành nô lệ”. ĐTC mong muốn Giáo Hội: “Phải ra sức chống lại thói tôn sùng tiền bạc đang hủy hoại thế hệ trẻ của chúng ta. Giáo Hội cần nhận lấy trách nhiệm lớn lao là giáo dục lương tâm, đào luyện tinh thần trách nhiệm về luân lý. Con người có nhu cầu về sự vô biên. Nếu Thiên Chúa không phải là vô biên đối với con người, thì con người sẽ tạo ra thiên đường riêng cho mình. Vì vậy chúng ta phải làm hết sức để vạch trần sự dữ”.
Tiếp bước Đức Gioan Phaolô II
Nhắc đến chuyến tông du lịch sử đến Cuba vào tháng Giêng 1998 của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II, một chuyến viếng thăm đánh dấu sự “tan băng” trong mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cuba, đồng thời nhắc đến câu nói bất hủ của vị chân phước này: “Mở cửa cho Cuba đến với thế giới và mở cửa cho thế giới đến với Cuba”, ĐTC nói chuyến tông du của ngài “tuyệt đối mang tính kế thừa” chuyến tông du lịch sử của Đức Gioan Phaolô II.
Sau 40 năm đối đầu với cuộc Cách mạng của Fidel Castro, ngày nay Giáo Hội tại Cuba cho thấy ý muốn sẵn sàng tham gia vào công cuộc cải cách hiện đại hóa của chính quyền, đồng thời chính quyền cho phép Giáo hội từng bước mở rộng các hoạt động văn hóa và xã hội.
Về vấn đề tìm ra những điểm gặp gỡ giữa người Công giáo và những người không theo tôn giáo, ĐTC kêu gọi sự phát triển “một lý tính chung nhờ đó sẽ giáo dục lương tâm và mọi người”.
Giáo hội không phải là một thế lực chính trị
Tuy không trả lời trực tiếp câu hỏi đặt ra về thần học giải phóng và sự bênh vực “ưu tiên đối với người nghèo”, nhưng ĐTC nêu rõ Giáo Hội “cần tự vấn mình đã làm đủ cho công lý xã hội tại lục địa lớn (tức châu Mỹ latinh) này chưa”.
ĐTC lưu ý: “Giáo Hội không phải là một thế lực chính trị, một đảng phái, nhưng là một thực tại đạo lý luôn tự vấn mình cần phải làm gì và không được làm những gì”. ĐTC nêu rõ bổn phận hàng đầu của Giáo Hội là “Giáo dục lương tâm về đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội”. ĐTC kêu gọi: “Cần tìm một nền luân lý mang tính lý trí mọi người có thể chấp nhận được, kể cả những người không theo tôn giáo”.
(Nguồn: La Croix)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19