Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với giới đại học: “Khát vọng tự do và chân lý là một phần không thể chuyển nhượng của nhân loại chúng ta”

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với giới đại học: “Khát vọng tự do và chân lý là một phần không thể chuyển nhượng của nhân loại chúng ta”

WHĐ (29.09.2009)Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ Giáo Hội tại Cộng Hòa Séc, vào cuối buổi chiều ngày 27-09-2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gặp gỡ giới đại học tại sảnh đường Vladislav, lâu đài Praha.

Sau đây là toàn văn bài diễn văn của ĐTC trong buổi gặp gỡ này.

Kính thưa ông Chủ tịch

Kính thưa Quý vị Hiệu trưởng và Giáo sư,

Sinh viên và các bạn thân mến,

Cuộc gặp gỡ của chúng ta tối nay cho tôi cơ hội tốt đẹp để bày tỏ tất cả lòng quý mến của tôi đối với vai trò không thể thiếu của các đại học và cao đẳng. Tôi cám ơn sinh viên đã có lời chào mừng tôi một cách nhã nhặn nhân danh quý vị, các thành viên của ca đoàn Đại học về phần trình diễn tốt đẹp, và ngài Viện trưởng Đại học Charles, giáo sư Václav Hampl vì lời giới thiệu giàu ý tưởng của ngài. Vai trò của các trường đại học, qua việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa và tinh thần của xã hội, đang làm phong phú kho tàng trí thức của dân tộc và củng cố các nền tảng của sự phát triển tương lai của dân tộc. Các thay đổi lớn vốn đã ghi dấu ấn trên xã hội Séc, cách đây hai mươi năm, đã được thúc đẩy đặc biệt bởi các phong trào cải tổ có nguồn gốc tại Đại học và trong giới sinh viên. Sự tìm kiếm tự do này đã tiếp tục hướng dẫn công việc của các sinh viên. Sự phục vụ [diakonia] chân lý của họ không thể thiếu đối với lợi ích của toàn thể xã hội.

Tôi xin được ngỏ lời cùng quý vị với tư cách người cũng đã từng là giáo sư, quan tâm tới quyền tự do của đại học và tới trách nhiệm trong việc sử dụng lý trí một cách đúng đắn, và ngày nay đang là giáo hoàng, người - trong vai trò mục tử - được nhìn nhận là một tiếng nói trong suy tư đạo đức của nhân loại. Trong khi có người cho rằng các vấn đề do tôn giáo, lòng tin và đạo đức nêu lên không có chỗ trong khuôn khổ của lý tính tập thể, quan điểm này dù thế nào cũng không thể mang tính cách tiên đề. Sự tự do làm cơ sở cho việc sử dụng lý tính –dù là trong đại học hay trong Giáo hội– có một mục tiêu: sự tự do được dành để tìm kiếm chân lý, và với tính cách ấy, diễn tả một chiều kích của Kitô giáo vốn, trong thực tế, là nguồn gốc của Đại học. Thực vậy, sự khát khao tri thức ở nơi con người thúc đẩy mỗi thế hệ mở rộng khái niệm về lý tính và được thỏa mãn nơi nguồn suối tốt lành của lòng tin. Đó chính là kho tàng phong phú của sự khôn ngoan cổ điển, được đồng hóa và đặt vào việc phục vụ Tin Mừng, mà các thừa sai Kitô giáo đầu tiên đem đến trên vùng đất này và thiết lập làm nền tảng của sự thống nhất tinh thần và văn hóa tồn tại đến ngày nay. Cũng tinh thần ấy đã dẫn vị tiền nhiệm của tôi, Đức giáo hoàng Clêmentê VI, thành lập nên Đại học Charles nổi tiếng này vào năm 1347 vốn tiếp tục có một đóng góp quan trọng cho giới đại học, tôn giáo và văn hóa rộng lớn nhất tại châu Âu.

Quyền tự trị riêng của đại học, hay của mọi cơ sở giáo dục có ý nghĩa ở chỗ biết lệ thuộc quyền uy của chân lý. Tuy nhiên, sự tự trị này có thể bị hiểu lầm theo nhiều cách khác nhau. Truyền thống giáo dục lớn, mở rộng trước sự siêu việt, vốn là nền tảng của các đại học ở châu Âu, đã bị lật đổ một cách có hệ thống tại đất nước này và ở các nơi khác, bởi ý thức hệ giản lược hóa của chủ nghĩa duy vật, bởi sự kềm chế tôn giáo và sự phủ nhận tinh thần của con người. Mặc dù vậy, vào năm 1989, thế giới đã được chứng kiến, trong các hoàn cảnh thảm thương, sự sụp đổ của một ý thức hệ độc tài phá sản và sự toàn thắng của tinh thần con người. Khát vọng tự do và chân lý là một phần không thể chuyển nhượng của nhân loại chúng ta. Khát vọng ấy không thể bị loại trừ và như lịch sử đã chứng minh, khi khát vọng ấy bị phủ nhận, thì đó sẽ là hiểm họa của chính nhân loại. Lòng tin tôn giáo, các hình thức khác nhau của khoa nghệ thuật, triết học, thần học và các khoa học khác, mỗi ngành theo phương pháp riêng của mình, tìm cách thỏa mãn chính khát vọng này, vừa trên bình diện suy tư có tổ chức vừa trên bình diện thực hành lành mạnh.

Thưa quý vị Hiệu trưởng và Giáo sư, cùng với việc nghiên cứu, quý vị còn dấn thân vào một khía cạnh khác của sứ mạng của đại học, đó là trách nhiệm soi sáng tâm trí người trẻ ngày nay. Phận sự quan trọng này, dĩ nhiên rồi, không phải là mới mẻ. Từ thời Platon, giáo dục đã không hề bị thu hẹp trong sự thu thập đơn thuần kiến thức hay hiểu biết kỹ thuật, mà là sự đào tạo [paideia], một nền đào tạo nhân bản từ những kho tàng của truyền thống trí thức quy về một cuộc sống đức hạnh. Trong khi các đại học lớn phát triển khắp châu Âu vào thời Trung đại, được thúc đẩy bởi lý tưởng thực hiện một tổng hợp các tri thức, thì sự hoàn hảo của cá nhân bên trong sự thống nhất của một xã hội được sắp xếp một cách đứng đắn lúc nào cũng nhằm phục vụ cho một xã hội con người [humanitas] đích thực. Ngày nay cũng vậy: một khi trí óc của người trẻ được kích thích để đi tới sự toàn vẹn và tới sự thống nhất của chân lý, họ thích thú khám phá ra rằng vấn đề học hỏi của họ lại mở ra trước cuộc mạo hiểm lớn của con người họ phải trở thành và của điều họ phải làm.

Cần phải lấy lại ý tưởng về một nền giáo dục bao quát, đặt nền tảng trên sự thống nhất của tri thức có cơ sở là chân lý. Điều này cần thiết để chống lại khuynh hướng, quá rõ ràng trong xã hội đương thời, dẫn tới việc cắt xẻ sự hiểu biết ra thành từng mảnh. Với sự phát triển dày đặc của thông tin và kỹ thuật, người ta bị cám dỗ giải thoát lý tính khỏi việc tìm kiếm chân lý. Tách khỏi khát vọng căn bản của con người đối với chân lý, lý tính bắt đầu đánh mất sự định hướng của mình: lý tính trở nên héo tàn, dù dưới cái nhãn hiệu của tính đúng mức bằng lòng với cái vụn vặt và tạm thời, hoặc dưới cái vẻ bề ngoài của sự chắc chắn, bằng cách đòi hỏi phải từ bỏ mọi kháng cự đối với các yêu cầu của những người đưa ra một cách mù quáng một giá trị tương đương với mọi thứ. Chủ nghĩa tương đối, vốn từ đó mà ra, tạo nên một bối cảnh thuận lợi để làm nơi ẩn núp của những đe dọa mới đối với sự tự trị của các cơ sở đại học. Trong khi thời của những can thiệp chồng chéo của chủ nghĩa chuyên chế chính trị qua đi, thì việc thực thi lý tính và việc nghiên cứu ở đại học trên thế giới lại chẳng bị buộc, một cách tế nhị hay lộ liễu, phải khuất phục trước các sức ép của các nhóm có tính cách ý thức hệ hay phải nhượng bộ trước những lôi cuốn của các mục tiêu vị lợi hay thực dụng nhất thời đó ư ? Điều gì sẽ xảy ra nếu như nền văn hóa của chúng ta chỉ được xây dựng trên những luận chứng đang được ưa chuộng, với một sự quy chiếu mong manh về một truyền thống trí thức đích thực và lịch sử hay trên những quan điểm được khuyến khích một cách rất rộng rãi và cắm rễ sâu? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong mối lo lắng duy trì một chủ trương tục hóa cực đoan, nền văn hóa tách mình ra khỏi những cội nguồn vốn cung cấp cho nó sự sống? Các xã hội chúng ta sẽ không trở thành lý tính hơn, khoan dung hơn, hay có khả năng thích nghi hơn, nhưng trái lại, sẽ trở nên mỏng manh hơn, kém bao quát và luôn luôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nhận ra điều gì là đúng, là thật, là cao quý và tốt lành.

Các bạn thân mến, tôi ước mong được khuyến khích các bạn trong tất cả những gì các bạn thực hiện để đáp lại cơn khát lý tưởng và đáp lại sự quảng đại của các người trẻ hiện nay, không chỉ với những chương trình học tập cho phép họ đạt tới sự xuất sắc, mà còn bởi một sự trải nghiệm về các lý tưởng được chia sẻ và về sự tương trợ trong nỗ lực lớn để rèn luyện. Tài năng phân tích cũng như tài năng cần thiết để đặt ra những giả thuyết, kết hợp với tài khéo léo để phân biệt, sẽ cung cấp một phương thuốc hiệu nghiệm chống lại thái độ thu mình lại, thoái thác và thậm chí tha hóa mà đôi khi chúng ta bắt gặp trong các xã hội thịnh vượng của chúng ta và có thể tác động đặc biệt trên người trẻ. Trong bối cảnh của một nhãn quan có tính nhân văn cao về sứ vụ của đại học, tôi muốn nêu lên một cách vắn tắt rằng việc khôi phục sợi dây đã chùng đi giữa khoa học và tôn giáo đã là một mối quan tâm lớn của vị tiền nhiệm của tôi, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Như quý vị biết, ngài đã cổ vũ cho sự thông hiểu đứng đắn hơn về quan hệ giữa lòng tin và lý tính khi ngài trình bày hai thực tại này như đôi cánh cho phép trí tuệ con người có thể vươn tới sự chiêm ngắm chân lý (cf. Fides et ratio, Proemium). Hai cánh hỗ trợ nhau và mỗi cánh có lĩnh vực hoạt động riêng của mình (cf. ibid., n. 17), cho dù có một số người muốn tách rời hai thực tại này. Những kẻ chủ trương sự loại trừ nhau có tính cách thực chứng chủ nghĩa giữa lĩnh vực thần thiêng và lĩnh vực lý tính phổ quát, không chỉ phủ nhận điều vốn là một trong những xác tín thâm sâu nhất của các tín hữu, họ còn tạo cản trở cho cuộc đối thoại đích thực giữa các nền văn hóa mà họ hô hào. Sự thấu hiểu của lý tính vốn bịt tai trước lĩnh vực thần thiêng và xếp các tôn giáo vào hàng những văn hóa cấp thấp, không có khả năng đi vào cuộc đối thoại giữa các văn hóa mà thế giới chúng ta cần đến một cách khẩn thiết. Nói tóm lại, “sự trung thành đối với con người đòi buộc sự trung thành với chân lý, vì chỉ có chân lý là điều bảo đảm cho tự do” (Caritas in Veritate, số 9). Sự tin tưởng vào khả năng của con người trong việc đi tìm chân lý, tìm thấy chân lý và sống theo chân lý đã dẫn tới việc thành lập các đại học lớn tại châu Âu. Chúng ta cần phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ điều này ngày nay để đem lại dũng cảm cho những năng lực trí thức vốn cần thiết để hoạt động cho một tương lại thực sự xứng với con người, một tương lai trong đó con người có thể nảy nở.

Các bạn thân mến, với những suy nghĩ này, tôi khẩn thiết cầu xin ơn trên cho công việc tìm tòi của các bạn. Tôi cầu xin để công việc này luôn được gợi lên và được hướng dẫn bởi một sự khôn ngoan của con người vốn thực sự tìm kiếm chân lý đem lại tự do cho chúng ta (x. Ga 8, 28). Tôi xin cầu Chúa chúc lành và ban niềm vui và an bình cho các bạn và gia đình các bạn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top