Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm Santiago di Compostella Tây Ban Nha
Sáng thứ Bảy mùng 6-11-2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lên đường viếng thăm Tây Ban Nha hai ngày và dừng lại hai thành phố là Santiago de Compostella thủ phủ vùng Galizia, nhân kết thúc Năm Thánh Giacôbê, và Barcelona, nơi Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ thánh hiến nhà thờ Thánh Gia. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 18 ngoài Italia, với khẩu hiệu là ”Người hành hương đức tin. Một chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh”.
Đức Thánh Cha đã đi trực thăng từ Vaticăng tới phi trường Fiumicino để lấy máy bay đi Tây Ban Nha. Chuyến bay A 320 của hãng hàng không Alitalia chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh rời phi trường lúc 8.30 sáng và đến phi trường quốc tế Santiago de Compostella sau 3 giờ bay.
Santiago de Compostella có 93 ngàn dân, là thành phố gốc Celtic. Tên thành phố phát xuất từ truyền thuyết ”cánh đồng sao”, theo đó có ngôi sao xuất hiện tại đây chỉ chỗ cất giữ hài cốt thánh Giacôbê, tử đạo và được chôn cất tại Giêrusalem, nhưng được đưa tới đây một cách lạ lùng. Năm 813 Alfonso II, vua vùng Asturia và Galizia cho xây một nhà thờ tại nơi tìm thấy hài cốt và giao cho các đan sĩ Biển Đức trông coi. Năm 997 nhà thờ và thành phố bị đạo binh hồi của al Manssùr tàn phá, nhưng được vua Bermudo II tái thiết và biến thành nơi hành hương nổi tiếng thứ ba sau Giêrusalem và Roma. Vào thế kỷ XVI có một đại học được thành lập tại đây và vẫn còn tồn tại cho tới nay. Năm 1985 thành phố và Lộ trình hành hương Santiago được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc tuyên bố là ”Gia sản của nhân loại”. Năm 1993 Santiago de Compostella đã cử hành Năm Thánh Giacôbê.
Tổng giáo phận Santiago de Compostella rộng hơn 8.500 cây số vuông có hơn 1,3 triệu dân, 92% theo công giáo, với 1.069 giáo xứ và 3 cứ điểm truyền giáo. Nhân lực của giáo phận gồm 593 linh mục triều, 203 linh mục dòng, 301 tu huynh và 1090 nữ tu, 4 phó tế và 25 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 849 cơ sở giào dục và 17 trung tâm bác ái.
Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có hoàng thái tử Filipe Tây Ban Nha, và công nương Letizia Ortiz Rocasalano, Đức Cha Julián Barrio Barrio, Tổng Giám Mục Santiago de Compostella, và các giới chức chính quyền trung ương, vùng và địa phương, cũng như các Hồng Y Tây Ban Nha và vài trăm tín hữu không ngừng hoan hô Đức Thánh Cha.
Hoàng thái tử Filipe sinh năm 1968 đậu tiến sĩ luật và kinh tế tại đại học Madrid, rồi theo học ngành liên lac quốc tế tại đại học Georgetown bên Hoa Kỳ. Từ năm 1996 hoàng thái tử hiện diện thay thế vua cha Juan Carlos trong các lễ nghi tiếp đón, khi nhà vua không thể hiện diện được. Năm 2004 hoàng tử thành hôn với nữ nhà báo Letizia Ortiz Rocasalano và có hai con gái.
Hoàng Thái Tử và công nương đã đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay. Ban nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và Tây Ban Nha. Trời Santiago de Compostella nhiều sương mù. Tại khán đài hoàng thái tử đã giới thiệu với Đức Thánh Cha các giới chức chính quyền quốc gia vùng miền và địa phương cũng như các Hồng Y và Giám Mục tới chào Đức Thánh Cha.
Đáp lời chào của hoàng thái tử, Đức Thánh Cha đã cám ơn hoàng thái tử công nương, các giới chức đạo đời quốc gia vùng miền địa phương và dân chúng toàn nước Tây Ban Nha, về sự tiếp đón trìu mến dành cho ngài. Đề cập tới con đường hành hương trong cuộc sống con người Đức Thánh Cha nói:
Trong tận cùng thẳm của mình, con người luôn luôn tiến bước, nó kiềm tìm sự thật. Giáo Hội tham dự vào ước vọng sâu thẳm đó của con người, và tiến bước đồng hành với con người đang khát khao đạt tới sự viên mãn của nó. Đồng thời Giáo Hội cũng bước đi trên con đường nội tâm của riêng mình ngang qua đức tin đức cậy và đức mến để phản chiếu trong sáng Chúa Kitô cho thế giới. Luôn ngày càng là sự hiện diện của Chúa Kitô giữa con người: đó là sứ mệnh và con đường của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói ngài cũng đến đây như người hành hương trong Năm Thánh Compostella, và cũng mang trong con tim ước mong của thánh Phaolô muốn du hành đến Tây Ban Nha để loan báo Tin Mừng (Rm 15,22-29). Hiệp ý với hàng ngũ đông đảo tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Tây Ban Nha cũng như từ khắp Âu châu và trên thế giới để được chứng tá đức tin tông đồ của thánh Giacôbê biến đổi. Các vết chân đầy hy vọng của họ đã tạo ra một con đường của nền văn hóa, cầu nguyện thương xót và hoán cải, được cụ thể hóa nơi các nhà thờ và nhà thương, nhà trọ, cầu cống và đan viện. Như thế, Tây Ban Nha và Âu châu phát triển diện mạo tinh thần của mình với dấu vết không phai mờ của Tin Mừng.
Như là sứ giả và chứng nhân Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói ngài cũng viếng thăm Barcelona để củng cố đức tin của người dân tại đây, một đức tin đã được gieo vãi ngay từ đầu trong lịch sử của Kitô giáo, đã lớn lên và sinh nhiều tấm gương thánh thiện, cũng như làm nảy sinh ra biết bao nhiêu cơ cấu bác ái, văn hóa và giáo dục. Đức tin đã khiến cho kiến trúc sư Antoni Gaudi xây cất nhiều công trình trong đó có nhà thờ Thánh Gia tuyệt đẹp được thánh hiến sáng Chúa Nhật 7-11-2010.
Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ niềm vui được viếng thăm Tây Ban Nha lần nữa, là đất nước đã cống hiến cho thế giới đoàn ngũ đông đảo các thánh, các vị sáng lập dòng và thi sĩ như: Ingatio thành Loyola, Terexa của Chúa Giêsu, Gioan Thánh Giá, Phanxicô Xavêriô và biết bao nhiêu vị thánh khác. Trong thế kỷ XX Tây Ban Nha cũng đã khơi dậy biết bao nhiêu cơ cấu mới, các nhóm và cộng đoàn tông đồ kitô; và trong nhiều thập niên qua đã tiến bước trong hòa hợp và hiệp nhất, trong tự do và hòa bình, và nhìn về tương lai với niềm hy vọng và tinh thần trách nhiệm.
Rồi Đức Thánh Cha dưa ra lời khích lệ tín hữu và nhân dân Tây Ban Nha như sau:
Như vị Tôi Tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II từ Compostella đã khích lệ Đại lục già nua củng cố sức mạnh gốc rễ kitô của mình, tôi cũng muốn khích lệ Tây Ban Nha và Âu châu xây dựng hiện tại và dự phóng tương lai, bắt đầu từ chân lý đích thật về con người, từ sự tự do tôn trọng chân lý đó và không bao giờ gây thương tích cho nó, cũng như từ công lý cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những người nghèo túng và bị bỏ rơi nhất. Một Tây Ban Nha và Âu châu không chỉ biết lo lắng cho các nhu cầu vật chất của con người, mà cũng lo lắng cho các nhu cầu luân lý xã hội, tinh thần và tôn giáo nữa.
Đức Thánh Cha đã kết thúc diễn văn bàng tiếng Galiziano bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với sự tiếp đón nồng hậu mà dân chúng vùng Galizia dành cho ngài.
Sau khi kết thúc các lễ nghi chào đón, Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với hoàng thái tử và công nương trong phòng khánh tiết của phi trường. Sau đó lúc 12.20 ngài lên xe đến viếng thăm nhà thờ chính tòa Santiago de Compostella, cách đó 10 cây số.
Bên ngoài phi trường và đặc biệt hai bên đường phố đã có nhiều tín hữu, nhất là người trẻ, vẫy cờ và giơ cao biểu ngữ chào mừng và gọi tên Đức Thánh Cha.
Vào thế kỷ thứ X Đền thánh này đã được nới rộng và hàng năm tiếp đón tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Tậy Ban Nha cũng như từ các nước khác. Bị tàn phá trong hai đợt xâm lăng của người Normand và người Hồi, vào thế kỷ XII đền thánh được tái thiết. Các lễ nghi và lộ trình hành hương được thiết định và có cả một đạo binh thánh Giacôbê được thành lập để bảo vệ tín hữu hành hương. Phong trào hành hương này lan tràn khắp Âu châu cho tới thế kỷ XVI thì giảm bớt.
Năm 1952 phong trào hành hương lại tái sinh do sáng kiến của một số trí thức công giáo thành lập Hiệp hội bạn Lộ trình hành hương Santiago de Compostella.
Nhà thờ hiện nay duy trì kiểu kiến trúc roman trộn lẫn với kiểu barốc, mặt tiền thuộc thế kỷ XVIII. Nhà thờ gồm ba gian dọc hình thánh giá latinh. Mái tròn của đền thánh cao 32 mét có treo một bình xông hương khổng lồ gọi là ”alcachofa”, được sử dụng trong các dịp lễ trọng. Cuối gian giữa là nhà nguyện lớn nơi có mộ và một bức tượng đồng của thánh Giacôbê, được tín hữu có thói quen ôm hôn kính.
Tiếp đón Đức Thánh Cha tại cửa vào có Kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa. Bên trong có khoảng 1.000 người gồm các giới chức chính quyền, các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, đại diện giới cao niên và các bệnh nhân. Đức Thánh Cha đã qùy viếng Mình Thánh Chúa một lát, rồi lên viếng mộ thánh Giacôbê và ôm hôn tượng thánh nhân.
Đáp lời Đức Tổng Giám Mục Julián Barrio Barrio, Đức Thánh Cha nói ngài đến như một người hành hương, và ngài đào sâu ý nghĩa của cuộc hành hương như sau:
Đi hành hương không chỉ đơn sơ là thăm viếng bất cứ nơi nào đó để ca ngợi các kho tàng thiên nhiên, nghệ thuật hay lịch sử. Đi hành hương, đúng hơn, có nghĩa là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi đâu Người tỏ hiện ra, ở nơi đâu ơn thánh được biểu hiện trong ánh quang đặc biệt và đã sinh hoa trái hoán cải và thánh thiện phong phú giữa các tín hữu. Các tín hữu đến hành hương tại những nơi gắn liền với cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa là Thánh Địa, rồi Roma là thành phố nơi Phêrô và Phaolô tử đạo, cũng như Compostella gằn liền với việc tưởng niệm thánh Giacôbê, để củng cố tinh thần với chứng tá đức tin.
Trong năm Thánh Giacôbê này, như Người Kế Vị thánh Phêrô, tôi cũng muốn đến hành hương nhà ”thánh Giacôbê” sắp sửa mừng kỷ niệm 800 năm thánh hiến, để củng cố đức tin của anh chị em và để làm sống dậy niềm hy vọng của anh chị em, cũng như để phó thác các khát vọng, sự mệt nhọc và công việc rao truyền Tin Mừng của anh chị cho sự bầu cử của thánh nhân.
Khi ôm hôn tượng thánh nhân, tôi đã cầu nguyện cho mọi con cái của Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm sự hiệp thông là Thiên Chúa. Qua đức tin, chúng ta được đưa vào mầu nhiệm tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi, và trong một cách thế nào đó, được Thiên Chúa ôm hôn và biến đổi bởi tình yêu của Người. Giáo Hội là vòng ôm hôn đó của Thiên Chúa, trong đó con người tập ôm hôn các anh chị em khác và khám phá ra nơi họ hình ảnh của Thiên Chúa là sự thật sâu xa nhất của bản chất con người và là nguồn gốc của sự tự do đích thật.
Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:
Giữa sự thật và sự tự do có một tương quan chặt chẽ và cần thiết. Việc tìm kiếm liêm chính sự thật, khát vọng chân lý là điều kiện cho sự tự do đích thật. Không thể sống cái này mà không có cái kia. Giáo Hội ước mong phục vụ con người và phẩm giá của nó với tất cả sức lực của mình, và Giáo Hội phục vụ sự thật cũng như sự tự do. Giáo Hội không thể từ chối làm điều đó vì nó liên quan tới con người, vì tình yêu thương con người thúc đẩy Giáo Hội, vì nếu không có khát vọng sự thật, công lý và sự tự do, thì con người cũng sẽ đánh mất chính mình.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã khuyến khích tín hữu tổng giáo phận Santiago de Compostella và toàn Giáo Hội Tây Ban Nha sống dưới ánh sáng chân lý của Chúa Kitô, tuyên xưng đức tin với niềm vui, sự trung thực và đơn sơ, trong gia đình, giữa nơi làm việc và mọi dấn thân xã hội. Đức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện để có nhiều người trẻ tận hiến cuộc đời cho sứ mệnh thừa tác linh mục và đời thánh hiến. Sau cùng Đức Thánh Cha cám ơn tất cả mọi tín hữu công giáo Tây Ban Nha về lòng quảng đại của họ trong việc hỗ trợ các tổ chức bác ái và thăng tiến xã hội, vì chúng đem lại rất nhiều thiện ích cho xã hội, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.
Sau khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã đi bộ về tòa Tổng Giám Mục cách đó 50 mét để dùng bữa trưa với các Hồng Y, Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và đoàn tùy tùng, rồi nghỉ ngơi chốc lát, trước khi đến quảng trường Obradoiro để chủ sự thánh lễ cho tín hữu.
Quảng trường này là nơi xưa kia có các tiệm của thợ đẽo đá xây nhà thờ chính tòa, chứa được khoảng 8.000 người, nằm cách tòa Giám Mục 200 mét. Đức Thánh Cha đã đi xe đến quảng trường và thánh lễ đã bắt đầu lúc 16.30. Tham dự thánh lễ cũng có hoàng thái tử Filipe, công nương Ortiz cũng như các giới chức đạo đời quốc gia, vùng Asturia Galizia và Compostella.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về đề tài hành hương như một cuộc tìm kiếm đức tin nơi Chúa Kitô phục sinh, đã được các Tông Đồ truyền lại, như thánh Giacôbê Cả được tôn kính tại Compostella từ thời rất xa xưa. Đức Thánh Cha nói: ”Với sức mạnh lớn lao các tông đồ đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu” (Cv 4,33). Điểm khởi hành của tất cả những điều này đó là Kitô giáo đã không phải và tiếp tục không phải là sáng kiến của một dự án của con người, nhưng của Thiên Chúa, là Đấng tuyên bố Đức Giêsu công chính và thánh thiện trước lời tòa án nhân loại kết tội Người là phạm thượng và phản loạn. Thiên Chúa đã giật thoát Đức Giêsu Kitô khỏi cái chết, Người sẽ trả lại công lý cho tất cả những người đã bị hạ nhục một cách bất công trong lịch sử.
Đối với những người theo Chúa Kitô, phục vụ người anh em không còn là một lựa chọn đơn thuần nữa, mà là phần cốt yếu của cuộc sống. Một sự phục vụ không được do lường dựa trên các tiêu chuẩn trần gian của cái tức thì, của vật chất, của vẻ bề ngoài, mà là để cho tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người và trong tất cả mọi chiều kích của họ được hiện diện, và làm chứng cho Người, cả với những cử chỉ đơn sơ nhất. Khi đề nghị kiểu tương quan mới này trong cộng đoàn, dựa trên thứ luận lý của tình yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu cũng hướng tới các vị lãnh đạo các dân tộc, bởi vì nơi đâu không có sự dấn thân đối với người khác, thì sẽ nảy sinh ra các hình thức áp bức, khai thác, không dành chỗ cho một việc thăng tiến nhân bản toàn diện đích thực. Và tôi đặc biệt muốn sứ điệp này tới với người trẻ: chỉ khi khước từ suy tư một cách ích kỷ, các bạn mới có thể thực hiện tràn đầy được sứ mệnh là hạt giống của niềm hy vọng.
Từ đó Đức Thánh Cha hướng cái nhìn tới Âu châu và hỏi đâu là các nhu cầu lớn, các lo sợ và hy vọng của nó, đâu là phần đóng góp đặc thù nền tảng của Giáo Hội cho Âu châu đang tiến bước tới các hình thể và dự án mới? Việc đóng góp của Giáo Hội tập trung nơi một thực tại đơn sơ và định đoạt: đó là Thiên Chúa hiện hữu và Người đã ban cho chúng ta sự sống. Chỉ có Người là tuyệt đối, là tình yêu trung thành và không thay đổi, là đích điểm vô biên tỏa rạng đàng sau mọi sự chân thiện mỹ tuyệt diệu của thế giới này... Thật là một thảm kịch, đặc biệt trong thế kỷ XIX, khi Âu châu khẳng định và phổ biến xác tín cho rằng Thiên Chúa chống lại con người và là kẻ thù sự tự do của nó. Làm sao con người phải chết có thể xây dựng trên chính mình, làm sao con người tội lỗi có thể hòa giải với chính mình, làm sao có thể công khai thinh lặng về sự thật đầu tiên và nòng cốt của cuộc sống con người, làm sao có thể đóng kín gạt bỏ điều chính yếu trong bóng tối được?
Loài người chúng ta không thể sống trong bóng tối mà không trông thấy ánh sáng của mặt trời. Như thế, làm sao có thể từ chối với Thiên Chúa, là mặt trời của các sự thông minh, sức mạnh của ý chí, điểm thu hút các con tim, quyền đề nghị ánh sáng đánh tan mọi bóng tối? Vì thế Thiên Chúa cần phải trở lại tươi vui vang lên dưới các bầu trời Âu châu này. Ước chi tên thánh thiện của Người không bị kêu lên vô cớ, ước chi nó không bị sử dụng cho các mục tiêu không phải là mục tiêu của Chúa.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi sau đây: ”Hãy để cho tôi loan báo vinh quang của con người từ nơi đây, con người cảm nhận được các đe dọa đối với phẩm giá của nó, vì việc mất đi các giá trị và sự phong phú nguyên thủy của nó, vì việc gạt bỏ hay cái chết áp đặt trên những người yếu đuối và nghèo nàn nhất. Không thể thờ phượng Thiên Chúa mà không che chở con người là con của Ngài, và không thể sử dụng con người mà không tự hỏi xem ai là Cha của nó và trả lời cho câu hỏi liên quan tới nó. Âu châu của khoa học và kỹ thuật, Âu châu của nền văn minh và văn hóa phải đồng thời là Âu châu rộng mở cho sự siêu việt và tình huynh đệ với các đại lục khác, rộng mở cho Thiên Chúa hằng sống và đích thật từ con người sống động và đích thật.
Đó là điều Giáo Hội ước mong đem tới cho Âu châu: lo lắng cho Thiên Chúa và lo lắng cho con người, bắt đầu từ việc hiểu biết rằng cả hai được cống hiến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô”.
Trước khi lên xe ra phi trường để di Barcelona, Đức Thánh Cha đã chào ông Mariano Rajoy Brey, Chủ tịch đảng Nhân Dân và lãnh tụ khối đối lập và phu nhân. Hoàng thái tử Filipe và công nương Ortiz cũng như các giới chức đạo đời Santiago de Compostella đã ra phi trường tiễn chân Đức Thánh Cha.
Máy bay chở Đức Thánh Cha đã rời phi trường lúc sau 19 giớ để trực chỉ Barcelona cách đó 884 cây số và đã đến phi trường quốc tế Barcelona lúc 21 giờ. Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Hồng Y Lluís Martínez Sistach, Tổng Giám Mục Barcelona và các giới chức đạo đời địa phương.
Từ phi trường Đức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục cách đó 15 cây số để nghỉ đêm kết thúc ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm Tây Ban Nha hai ngày. Chúa Nhật 7-11-2010 lúc 10.00 Đức Thánh Cha chủ sự lễ thánh hiến nhà thờ Thánh Gia sau đó vào ban chiều ngài viếng thăm Trung tâm bác ái xã hội Chúa Hài Đồng trước khi ra phi trường trở về Roma.
Xin xem video: ĐTC viếng thăm TBN
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19