Đức Thánh Cha gặp chính phủ và đại diện các giới ở Bangladesh

Đức Thánh Cha gặp chính phủ và đại diện các giới ở Bangladesh

VATICAN. ĐTC cổ võ chính quyền và các giới chức tại Bangladesh dấn thân hoạt động cho hòa bình và ngài cám ơn chính phủ nước này trợ giúp những người tị nạn từ Myanmar.
 
Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 30-11-2017, sau khi đến Dhaka thủ đô Bangladesh, viếng đài tử sĩ và lăng vị Quốc Tổ của nước này, ĐTC đã đến phủ tổng thống, gọi là dinh Bangabhapan, hội kiến với tổng thống Abdul Hamid rồi tiến sang hội trường bên cạnh để gặp gỡ 400 nhân vật gồm chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.
 
Diễn văn của ĐTC
 
Ngỏ lời với các giới chức lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC đã cám ơn Tổng thống Hamid đã mời ngài viếng thăm dân nước Bangladesh ”Bengal Vàng”, là quốc gia xinh đẹp có nhiều sông ngòi và nguồn nước, một quốc gia cố gắng đạt đến sự hiệp nhất tiếng nói và văn hoá, trong sự tôn trọng các truyền thống và cộng đoàn khác nhau, cùng nhau chảy vào và làm giầu cho cuộc sống chính trị và xã hội. Tuy là một quốc gia trẻ Bangladesh đã luôn luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong con tim của các Giáo Hoàng và ngay từ đầu, các ngài đã bầy tỏ tình liên đới với dân tộc này, và đồng hành với nó trong nỗ lực vượt thắng các khó khăn ban đầu và ủng hộ nó trong nhiệm vụ xây dựng quốc gia và sự phát triển. ĐTC Phanxicô nói: "Như người theo gót các vị tiền nhiệm là ĐGH Phaolô VI và Gioan Phaolô II, tôi đến để cầu nguyện với các anh chị em công giáo và cống hiến cho họ một sứ điệp yêu thương và khích lệ."
ĐTC nhận xét rằng ”Trong thế giới này nay không có cộng đoàn nào, không có quốc gia hay nhà nước nào có thể sống còn và tiến triển trong cô lập. Như là thành phần của gia đình nhân loại chúng ta cần đến nhau và tuỳ thuộc nhau. Khi thành lập Bangladesh các vị lập quốc, đặc biệt là Sheikh Mujiburr Rahaman vị tổng thống đầu tiên, đã nghĩ đến một xã hội tân tiến, đa nguyên và bao gồm mọi thành phần, trong đó mỗi người và mỗi cộng đoàn có thể sống trong tự do, hoà bình, an ninh trong sự tôn trọng phẩm giá bẩm sinh và sự bình đẳng quyền lợi của tất cả mọi người. Trung thành với quan niệm này là bảo đảm cho tương lai và sức khoẻ của quốc gia. ĐTC giải thích như sau:
 
Thật thế, chỉ nhờ một cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng sự khác biệt hợp pháp, một dân tộc mới có thể hoà giải các chia rẽ, thắng vượt các viễn tượng đơn phương và thừa nhận giá trị của các quan điểm khác. Bởi vì việc đối thoại đích thực nhìn về tương lai, xây dựng sự hiệp nhất trong việc phục vụ thiện ích chung và chú ý tới các nhu cầu của tất cả mọi công dân, đặc biệt của những người nghèo túng, bị thiệt thòi và của những người không có tiếng nói.
 
ĐTC đã ca ngợi lòng quảng đại hy sinh của xã hội Bangladesh trong việc tiếp đón những nguời tỵ nạn đến từ bang Rakhine của Myanmar và cung ứng các nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống của họ. Không ai có thể thiếu ý thức đối với tình hình nghiêm trọng này, đối với những khổ đau vô biên và các điều kiện sống bấp bênh của biết bao nhiêu anh chị em như thế, đa số là phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc nhau trong các trại tỵ nạn. Cộng đoàn quốc tế cần có các biện pháp hữu hiệu đối với cuộc khủng hoảng trầm trọng này, không chỉ bằng các hoạt động để giải quyết các vấn đề chính trị đã gây ra cuộc di cư ồ ạt này, nhưng còn cống hiến sự trợ giúp vật chất tức thời cho Bangladesh trong nỗ lực đáp ứng các nhu cầu cấp thiết hiện nay.
 
Tiếp tục diễn văn ĐTC cho biết ngài không chỉ đến viếng thăm cộng đoàn công giáo Bangladesh, nhưng cũng để gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác tại Ramna. Ngài nói:
 
"Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình và tái khẳng định dấn thân hoạt động cho hoà bình. Bangladesh nổi tiếng về sự hoà hợp truyền thống  giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Bầu khí đối thoại liên tôn gia tăng này cho phép các tín hữu tự do diễn tả các xác tín sâu xa của mình và góp phần vào việc thăng tiến các giá trị tinh thần là nền tảng vững chắc cho một xã hội công bằng và hoà bình. Trong một thế giới, nơi tôn giáo thường bị sử dụng một cách xấu xa, gây gương mù cho mục đích khích động chia rẽ, chứng tá của sức mạnh hoà giải và hiệp nhất này cần thiết biết bao! Điều này đã được chứng minh qua các phản ứng phẫn nộ chung đối với vụ khủng bố tại Dhaka trong sứ điệp các vị lãnh đạo tôn giáo gửi cho toàn nước và khẳng định rằng không bao giờ được khẩn cầu danh rất thánh của Thiên Chúa để biện minh cho thù hận và bạo lực chống lại đồng loại."
 
ĐTC cũng nhắc đến phần đóng góp của tín hữu công giáo Bangladesh cho việc xây dựng xã hội và nói rằng:
 
"Tuy là thiểu số, các tín hữu công giáo vẫn cố gắng giữ một vai trò xây dựng trong việc phát triển quốc gia, đặc biệt qua các trường học, nhà thương và các trạm xá phát thuốc. Giáo Hội công giáo đánh giá cao sự tự do mà toàn quốc gia được hưởng, thực hành niềm tin của mình và thực hiện các công trình bác ái trong đó có việc cống hiến cho giới trẻ là tương lai xã hội một nền giáo dục phẩm chất và việc tập tành các giá trị luân lý đạo đức và nhân bản lành mạnh."
Trong các trường Công Giáo, Giáo Hội tìm thăng tiến một nền văn hoá của sự gặp gỡ sẽ khiến cho các sinh viên học sinh có khả năng lãnh các trách nhiệm riêng trong cuộc sống xã hội. Thật vậy đại đa số sinh viên học sinh và nhiều giáo sư tại các trường Công giáo thuộc các truyền thống tôn giáo khác. ĐTC hy vọng cộng đoàn công giáo sẽ tiếp tục được hưởng sự tự do tiếp tục các công trình tốt lành ấy như dấn thân cho thiện ích chung, theo tinh thần và văn bản của Hiến pháp."
 
Giã từ phủ tổng thống, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 12 cây số rưỡi để dùng bữa tối và qua đêm.
(Nguồn: VietVatican) 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top