Đức Thánh Cha gặp gỡ các Hồng y và Giám mục của Giáo Triều Roma

Đức Thánh Cha gặp gỡ các Hồng y và Giám mục của Giáo Triều Roma

VATICAN. Lúc 11 giờ 10 phút sáng ngày 20-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến Hồng y đoàn và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh cũng như của Quốc gia thành Vatican, đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Ngài tái bày tỏ quyết tâm của Giáo Hội không để nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em tái diễn trong Hội Thánh.

Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh tông tòa có 45 HY và trên 50 GM cùng với một số giám chức khác.

Ngỏ lời với mọi người sau lời chúc mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn, ĐTC đã trình bày những suy tư về một số biến cố nổi bật trong năm sắp kết thúc. Trước tiên là Năm Linh Mục đã tiến hành không như sự mong ước của nhiều người vì những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục được khơi lên ồ ạt tại nhiều nơi. Tiếp đến là Thượng HĐGM Trung Đông và tình trạng đau khổ, bách hại và đàn áp các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng. Sau cùng, ngài nhắc đến cuộc viếng thăm mục vụ tại Anh quốc và lễ phong chân phước cho ĐHY Newmann. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị một số đoạn nổi bật trong diễn văn dài 35 phút của ĐTC.

Bài trừ nạn lạm dụng tính dục

Ngài bắt đầu bằng một lời nguyện mùa vọng ”Excita, Domine, potentiam tuam, et veni”, Lạy Chúa, xin khơi dậy quyền năng Chúa và hãy đến”. Lời cầu này có lẽ được hình thành trong thời kỳ Đế Quốc La Mã đang tàn lụi. Sự băng hoại của những hệ thống vốn nâng đỡ luật pháp và của những thái độ luân lý nền tảng vốn mang lại sức mạnh cho chế độ, đã tạo nên ”sự tan vỡ những con đê” vốn bảo vệ sự sống chung hòa bình giữa con người cho đến bấy giờ. Một thế giới đang suy tàn. Những thiên tai thường xuyên càng gia tăng kinh nghiệm bất an...

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay cũng vậy, chúng ta có nhiều lý do để liên kết với kinh nguyện ấy của mùa vọng. Thế giới ngày nay có tất cả những hy vọng mới mẻ và khả thể của mình, nhưng đồng thời lại lo âu vì cảm tưởng sự đồng thuận về luân lý đang tan rã, một sự đồng thuận mà nếu thiếu thì những cơ cấu pháp luật và chính trị sẽ không hoạt động được; vì thế, những lực lượng được động viên để bảo vệ các cơ cấu ấy dường như sẽ không thành công”.

Từ nhận định tổng quát trên đây, ĐTC đề cập đến nét nổi bật trong năm sắp kết thúc, đó là Năm Linh Mục và tệ nạn lạm dụng tính dục đã vùi dập Giáo Hội:

”Lạy Chúa, xin khơi dậy quyền năng Chúa và hãy đến”: giữa những lo âu lớn lao mà chúng ta gặp phải trong năm nay, kinh nguyện này của mùa vọng lại trở lại với tôi trong tâm trí và trên môi miệng. Chúng ta đã rất hoan hỉ khai mạc Năm Linh Mục, và cám tạ Chúa, chúng ta đã có thể kết thúc năm này trong niềm biết ơn sâu đậm, mặc dù năm này đã diễn ra khác với cách thức chúng ta đã mong đợi. Nơi chúng ta, các tư tế và các giáo dân, và cả nơi giới trẻ, đã có sự tái ý thức về chức linh mục của Giáo Hội như hồng ân được Chúa ủy thác cho chúng ta. Chúng ta tái ý thức rằng thật là đẹp dường nào vì con người được phép nhân danh Thiên Chúa và với trọn quyền năng tuyên bố lời tha thứ, và nhờ đó có thể thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống; thật là đẹp dường nào vì con người được phép đọc lời thánh hiến, qua đó Chúa lôi kéo vào trong Ngài một mảnh thế giới, và tại một số nơi, Ngài biến đổi nó trong bản chất...”

ĐTC đặc biệt nhắc đến một thị kiến của thánh nữ Ildegarda di Bingen hồi năm 1170 về hình ảnh một phụ nữ tươi đẹp, nhưng có khuôn mặt phủ đầy bụi và áo bị xé rách bên phải.. và thánh nữ nghe thấy từ trời có tiếng nói: ”Hình ảnh này tượng trưng Giáo Hội, hỡi con người đang thấy tất cả những điều đó và đang nghe những lời than trách, hãy loan báo điều đó cho các linh mục được đặt lên để hướng dẫn và giáo huấn dân Chúa và họ đã nhận được mệnh lệnh như các tông đồ: ”Hãy đi khắp thế gian và công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15)” (The gửi Werner von Kirchheim và cộng đoàn linh mục của Người: PL 197, 269ss).

ĐTC ghi nhận rằng trong thị kiến của thánh Ildegarda, khuôn mặt Giáo Hội phủ đầy bụi, và chúng ta cũng đã thấy như thế. Áo của Giáo Hội bị xét rách vì lỗi của các linh mục. Như thánh nữ đã thấy và diễn tả, chúng ta cũng thấy điều ấy trong năm nay. Chúng ta phải đón nhận sự tủi nhục này như một lời nhắn nhủ về sự thật và một lời kêu gọi hãy canh tân. Chỉ có sự thật mới cứu thoát. Chúng ta phải tự hỏi xem có thể làm gì để sửa chữa tối đa những bất công xảy ra. Chúng ta phải tự hỏi đâu là điều sai lầm trong việc rao giảng của chúng ta, trong toàn thể cách thức của chúng ta hình thành con người Kitô, đến độ điều ấy đã có thể xảy ra. Chúng ta phải có khả năng làm việc thống hối. Chúng ta phải cố gắng làm tất cả những gì có thể trong việc đào tạo lên chức linh mục, để điều ấy không thể xảy ra nữa. Ở đây tôi cũng chân thành cám ơn tất cả những người dấn thân để giúp đỡ các nạn nhân và mang lại cho họ niềm tín thác nơi Giáo Hội, khả năng tin nơi sứ điệp của Giáo Hội. Trong các cuộc gặp gỡ của tôi với các nạn nhân của tội này, tôi cũng luôn thấy có những người rất tận tụy, ở cạnh những người đau khổ và bị thiệt hại. Đây là dịp để cám ơn bao nhiêu linh mục tốt lành đang khiêm tốn và trung thành thông truyền lòng từ nhân của Chúa, và giữa những tàn phá, các vị làm chứng về vẻ đẹp không bị mất mát của chức linh mục.

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúng ta ý thức về tính chất trầm trọng đặc biệt của tội do các linh mục phạm và trách nhiệm tương ứng của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không thể im lặng về bối cảnh thời đại chúng ta trong đó chúng ta thấy những biến cố ấy. Có một thị trường mại dâm trẻ em, một cách nào đó, ngày càng được xã hội coi là một điều bình thường. Sự tàn phá trẻ em về mặt tâm lý, trong đó con người bị biến thành một hàng hóa, chính là một dấu chỉ kinh khủng của thời đại ngày nay. Từ các GM ở thế giới thứ ba, tôi thường nghe nói rằng ngành du lịch tình dục đe dọa cả một thế hệ và gây thiệt hại cho thế hệ ấy trong tự do và phẩm giá của họ. Sách Khải Huyền của Thánh Gioan liệt kê vào số những tội trọng của thành Babylone - biểu tượng những thành thị lớn vô đạo trên thế giới - việc buôn bán thân xác và linh hồn, biến nó thành một hàng hóa (Xc Kh 18,13). Trong bối cảnh này, cũng có vấn đề ma túy được đề ra, nó đang gia tăng mạnh và đang giang rộng nanh vuốt của nó bao trùm toàn thể trái đất - một thành ngữ hùng hồn về chế độ độc tài của tiền bạc làm băng hoại con người. Mỗi khoái lạc trở thành thiếu thốn và sự thái quá trong sự lừa đảo của tình trạng ngây ngất trở thành bạo lực tàn phá nhiều miền, và điều này nhân danh quan niệm sai lầm tai hại về tự do, trong đó chính tự do của con người bị băng hoại và sau cùng bị hoàn toàn hủy bỏ.

Để chống lại các thế lực đó, chúng ta cần nhìn xem những nền tảng ý thức hệ của chúng. Trong thập niên 1970, việc loạn dục trẻ em được người ta coi như một điều hoàn toàn thích hợp với con người và với cả trẻ em nữa. Nhưng đây là điều thuộc về một quan niệm sa đọa về phong hóa. Thậm chí trong lãnh vực thần học Công Giáo, người ta đi tới chỗ khẳng định rằng không có gì tự nó là ác hoặc là thiện. Chỉ có điều gọi là ”tốt hơn” và một điều ”xấu hơn”. Không có gì tự bản chất là tốt hay xấu. Tất cả tùy thuộc hoàn cảnh và mục đích mà người ta nhắm tới. Tùy theo mục đích và hoàn cảnh, tất cả đều có thể là thiện hoặc là ác. Luân lý bị thay thế bằng một sự tính toán các hậu quả và như thế, không còn luân lý nữa. Những hậu quả của các lý thuyết như vậy thật là hiển nhiên ngày nay. Chống lại những lý thuyết ấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, trong thông điệp Ánh quang Chân Lý (Veritatis splendor) công bố năm 1993, đã chỉ rõ những nền tảng nòng cốt và trường kỳ của hành động luân lý với tất cả sức mạnh ngôn sứ của đại truyền thống phong hóa Kitô hợp với lý trí. Thông điệp này ngày nay phải được đặt lại nơi trung tâm của hành trình huấn luyện lương tâm. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao để các tiêu chuẩn ấy có thể được người ta tái lắng nghe và hiểu được như những con đường của nhân loại đích thực, trong bối cảnh những quan tâm đối với con người, mà chúng ta gặp phải.

Chống bách hại các tín hữu Kitô

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn dài, ĐTC nhắc đến Thượng HĐGM Trung Đông: bắt đầu từ đảo Chypre nơi ngài trao tài liệu của Công nghị GM này cho các GM Trung Đông tụ họp tại đó. Ngài nhận xét rằng những xáo trộn trong những năm gần đây đã làm tổn thương lịch sử chia sẻ giữa các Giáo Hội, những căng thẳng và chia rẽ gia tăng, vì thế chúng ta ngày càng cảm thấy kinh hoàng khi chứng kiến những hành vi bạo lực trong đó người ta không còn tôn trọng điều là thánh thiêng đối với tha nhân, trong những hành vi đó, cả những qui luật sơ đẳng nhất của nhân loại cũng bị sụp đổ. Trong tình trạng hiện nay, các tín hữu Kitô là thiểu số bị áp bức và hành hạ nhất.

ĐTC đặc biệt gợi lại cuộc viếng thăm của ngài tại Anh quốc và nhấn mạnh hai điểm liên hệ tới đề tài: trách nhiệm của các tín hữu Kitô ngày nay và nghĩa vụ của Giáo hội loan báo Tin Mừng. Trong cuộc gặp gỡ giới văn hóa tại Westminster Hall ở Luân Đôn, ĐTC đã nói đến sự đóng góp của Giáo Hội cho xã hội ngày nay bằng cách nhắc nhở cho mọi người về sự cần thiết phải có đồng thuận về điều thiết yếu, về luân lý, nếu không thì các hiến pháp và luật pháp không thể tiến hành được. Sự đồng thuận ấy, đến từ gia sản Kitô, đang bị lâm nguy tại những nơi mà người ta thay thế lý do luân lý bằng tiêu chuẩn hoàn toàn là duy mục đích. Đây là thái độ làm cho lý trị trở nên mù quáng không còn thấy đâu là điều thiết yếu nữa. Chiến đấu chống sự mù quáng như thế của lý trí và bảo tồn cho lý trí khả năng thấy được điều thiết yếu, thấy được Thiên Chúa và con người, điều gì là tốt, là chân thật, chính là mối quan tâm chung phải liên kết tất cả những người thiện chí với nhau. Tương lai của thế giới cũng tùy thuộc điều đó.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến lễ tôn phong ĐHY John Henry Newman lên bậc chân phước và nêu bật những bài học mà vị Chân Phước còn dành cho con người thời nay, nhất là sự hoán cải của chân phước, trở về với niềm tin nơi Thiên Chúa hằng sống.

Sau bài diễn văn, ĐTC lần lượt bắt tay chào thăm từng vị Hồng y và GM hiện diện. (SD 20-12-2010)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top