Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo

Phát biểu với các đại sứ đến từ 178 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Đức Thánh cha Bênêđictô kêu gọi tất cả các chính phủ bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho công dân, không hạn chế tự do tôn giáo và bảo vệ các tôn giáo thiểu số.

Ngài kêu gọi chính phủ Pakistan bỏ luật báng bổ và kêu gọi chính phủ Iraq và các lãnh đạo Hồi giáo ở Iraq bảo đảm Kitô hữu có thể sống trong an ninh. Ngài kêu gọi các chính phủ Trung Đông “áp dụng các biện pháp hữu hiệu” để bảo vệ các tôn giáo thiểu số ở đó, và ngài hy vọng Giáo hội Công giáo có thể thiết lập các cơ cấu mục vụ tại “các nước thuộc bán đảo Ả rập”, nơi có nhiều di dân Kitô hữu làm việc.

“Quyền tự do tôn giáo không được tôn trọng đầy đủ khi chỉ có quyền tự do thờ tự được đảm bảo và kèm theo khống chế” – Đức Thánh cha nhắc nhở các nhà cầm quyền ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Ngài lưu ý tại nhiều quốc gia có hiến pháp công nhận quyền tự do tôn giáo, “cuộc sống của các nhóm thiểu số gặp khó khăn và đôi khi còn nguy hiểm như thế nào do trật tự pháp lý hay xã hội từ các hệ thống triết lý và chính trị kêu gọi nhà nước kiểm soát chặt chẽ xã hội, nếu không nói là độc quyền.”

Ngài kêu gọi chấm dứt “những mâu thuẫn như thế” để “các tín hữu khỏi cảm thấy mình bị ray rứt giữa thành thật với Chúa và trung thành với đất nước.”

Ngài kêu gọi các chính phủ cam kết các cộng đồng Công giáo “được hoàn toàn tự chủ tổ chức và tự do thực hiện sứ mệnh phù hợp với tiêu chuẩn và chỉ tiêu quốc tế trong lĩnh vực này.”

Trong bối cảnh đó, ngài nói: “Tôi lại nghĩ đến Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc đại lục và các mục tử ở đó đang trải qua thời gian khó khăn và thử thách.”

Ngài mạnh mẽ ủng hộ quyền tự do tôn giáo hôm 10-1 khi chúc mừng năm mới các đại sứ tại Vatican. Trung Quốc là nước vắng mặt đáng chú ý nhất.

Bằng tiếng Pháp, ngài khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của quyền tự do tôn giáo đối với tất cả các dân tộc và mọi cá thể, và nói “tự do tôn giáo là con đường cơ bản dẫn đến hòa bình”, và kêu gọi nhà nước có bổn phận bảo đảm và tôn trọng quyền tự do này.

Lướt nhanh qua tình hình toàn cầu, ngài nhấn mạnh các tình cảnh đầy xúc động nơi quyền tự do bị vi phạm, từ chối hay bắt buộc theo những giới hạn nghiêm khắc, hoặc nơi Kitô hữu bị tấn công hay ngược đãi.

Ngài đề cập đến các vụ tấn công gây thiệt mạng, đau khổ và kinh hoàng cho Kitô hữu ở Iraq, Alexandria và Ai cập, và nói “các vụ tấn công liên tiếp” như thế cho thấy các chính phủ trong khu vực “cần cấp bách thông qua các biện pháp bảo vệ các tôn giáo thiểu số cách hữu hiệu.”

Kêu gọi các nhà cầm quyền Pakistan bỏ luật báng bổ, Đức Bênêđictô nói “rõ ràng” luật này “được dùng làm cái cớ cho các hành động bất công và bạo lực chống các tôn giáo thiểu số”. Cái chết bi thảm của thống đốc Punjab cho thấy “cần cấp bách” bãi bỏ, ngài nói thêm.

Ngài lên án “các kiểu đe dọa quyền tự do tôn giáo khác” trong thế giới phương Tây và Mỹ La tinh nơi có những nỗ lực gạt ra bên lề hay hạn chế vai trò của Giáo hội trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, hay áp đặt các khóa giáo dục giới tính và công dân lên học sinh Kitô giáo tại các trường phản ánh một thuyết nhân loại học phi Kitô giáo.

Một số nước phương Tây tán thành tầm quan trọng to lớn của tính đa nguyên và khoan dung, ngài nói, “tôn giáo đang ngày càng bị gạt ra bên lề” hay được xem là “không quan trọng, ngoại lại và thậm chí là gây bất ổn cho xã hội hiện đại.”

Ngài nói đặc biệt Kitô giáo đang bị gạt ra bên lề do “các lễ hội và biểu tượng tôn giáo bị cấm trong đời sống người dân dưới chiêu bài tôn trọng tín đồ các tôn giáo khác hay những người không phải là tín đồ”. Đôi khi “các Kitô hữu còn được yêu cầu làm công tác chuyên môn mà không xem xét đến niềm tin tôn giáo và đạo đức của họ, và thậm chí còn đi ngược lại nữa, chẳng hạn ở những nơi thi hành các luật giới hạn quyền phản đối theo lương tâm đối với các nhà chuyên môn pháp lý và chăm sóc sức khỏe. Đức Bênêđictô nói thừa nhận quyền tự do tôn giáo cũng đồng nghĩa với bảo đảm các cộng đồng tôn giáo có thể tự do hoạt động thông qua những sáng kiến trong các lĩnh vực xã hội, từ thiện hay giáo dục.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top