Đức Thánh Cha mời lãnh đạo các tôn giáo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình tại Assisi

Đức Thánh Cha mời lãnh đạo các tôn giáo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình tại Assisi

Đức Thánh Cha Bênêđictô vừa mời đại diện tất cả “các tôn giáo lớn” trên thế giới cùng ngài “long trọng lặp lại cam kết sống đức tin phục vụ hòa bình của tín đồ thuộc mọi tôn giáo” tại Assisi, Ý, vào tháng 10 tới.

Ngài thông báo điều này trong ngày đầu năm sau khi dâng Thánh lễ tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân kỷ niệm Ngày Hòa bình thế giới, trước sự hiện diện của các đại sứ đến từ 177 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

Giải thích lý do triệu tập cuộc họp thượng đỉnh như thế, ngài nói: “Các tôn giáo lớn có thể tạo ra nhân tố hiệp nhất và hòa bình quan trọng cho gia đình nhân loại.”

Ngài đã nhấn mạnh điểm này trước đây trong thông điệp nhân Ngày Hòa bình thế giới năm nay, tập trung vào “tự do tôn giáo – con đường dẫn đến hòa bình.”

Ngài tiếp tục kể lại cách vị tiền nhiệm vĩ đại của ngài là Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã triệu tập cuộc họp thượng đỉnh như thế đầu tiên cách đây 25 năm vào tháng 10-1986 tại Assisi, thành phố nổi tiếng nhờ Thánh Phanxicô, và nói ngài muốn kỷ niệm sự kiện lịch sử đó bằng cách mời gọi đại diện các tôn giáo lớn cùng ngài đến Assisi lặp lại cam kết sống đức tin phục vụ hòa bình thế giới.

Đức Thánh Cha thần học gia khẳng định: “Một người đang hành trình theo Chúa không thể nào không truyền lại hòa bình; một người kiến tạo hòa bình trên trái đất không thể nào không đến gần Chúa hơn.”

Rõ ràng ngài đã gửi lời mời đại diện các Giáo hội và Cộng đồng Kitô hữu khác và các tôn giáo lớn trên thế giới cũng như “những người thiện chí” cùng ngài tham dự sự kiện đặc biệt này tại Assisi.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã triệu tập cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Assisi vào tháng 10-1986 vào lúc đầy xúc động khi mà thế giới thực sự nổi lên nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tin chắc các tôn giáo chính trên thế giới có thể là lực lượng nòng cốt mang lại hòa bình trên thế giới nếu sống đức tin theo đúng niềm tin cơ bản của họ, Đức Thánh cha người Ba Lan đã triệu tập cuộc họp lịch sử đó.

Đức Gioan Phaolô II còn triệu tập các cuộc họp tương tự như thế với quy mô nhỏ hơn vào hai dịp khác: vào năm 1993 cầu nguyện cho hòa bình ở Yugoslavia cũng vào lúc đầy xúc động nữa trong lịch sử, và vào năm 2002 sau vụ tấn công Tòa tháp Đôi ở New York dường như báo trước sự xung đột giữa các nền văn minh.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger lúc đó không tham dự cuộc họp thượng đỉnh Assisi đầu tiên; ngài dè dặt cho là người ta có thể hiểu sai và xem đó như là thuyết hổ lốn, xem tất cả các tôn giáo như nhau. Tương tự, ngài cũng không tham dự cuộc họp năm 1992, nhưng có tham dự cuộc họp năm 2002.

Sau đó, Đức Hồng y Ratzinger có viết các cuộc họp như thế nên được tổ chức “như là một dấu chỉ vào các dịp đặc biệt là những lúc mọi người lên tiếng kêu van đau đớn đánh động lòng người và đồng thời đánh động tình thương của Thiên Chúa.”

Dường như Đức Bênêđictô đang muốn triệu tập cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo tôn giáo mới này vì ngài nhận thấy lần này cũng là lúc đầy xúc động trong lịch sử, khi mà tín đồ các tôn giáo khác nhau – và đặc biệt là Kitô hữu – đang chịu đau khổ và thử thách nặng nề do thiếu quyền tự do tôn giáo, và còn bị ngược đãi ở các nước trên khắp địa cầu, và đặc biệt là ở Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Thật vậy, vào lúc này trong lịch sử, Kitô hữu là nhóm tôn giáo thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới như Đức Thánh cha khẳng định trong thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới, mặc dù theo số liệu thống kê hiện nay cứ trong ba cư dân trên thế giới là có một Kitô hữu, trong khi trong sáu người có một người Công giáo.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top