Đức Thánh Cha Phanxicô: Gặp các Giám mục Pêru

Đức Thánh Cha Phanxicô: Gặp các Giám mục Pêru

Đức Thánh Cha Phanxicô: Gặp các Giám mục Pêru
WHĐ (23.01.2018) -- Bước sang ngày cuối cùng, 21-01, trong chuyến tông du Chilê và Pêru, vào buổi sáng, lúc 10g30, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các giám mục Pêru tại Tòa Tổng giám mục Lima.
 
 
Trước đó, lúc 9g15, ngài đã có buổi cầu nguyện với các tu sĩ chiêm niệm tại Đền thánh Señor de los Milagros, tiếp theo, lúc 10g30, ngài cầu nguyện tại nơi đặt thánh tích các thánh Pêru trong nhà thờ Chính tòa Lima.
 
Tại cuộc gặp, Đức Thánh Cha chia sẻ với các giám mục Pêru những suy tư về Thánh Turibiô Mogrovejo, Tổng giám mục giáo phận Pêru và là bổn mạng của hàng giám mục châu Mỹ Latinh, tấm gương về một mục tử hết lòng vì đoàn chiên, chuyên chăm “xây dựng sự hiệp nhất của Hội thánh” và không ngừng suy tư, sáng tạo những phương cách truyền giáo mang lại hiệu quả cao nhất.
 
Sau đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha.
 
Thưa anh em,
 
Xin cảm ơn Đức hồng y Tổng giám mục Lima, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pêru, nhân danh tất cả anh em đang có mặt nơi đây, đã dành cho tôi những lời chào mừng quý mến. Tôi đã mong mỏi được đến đây gặp gỡ anh em. Tôi vui mừng nhớ lại chuyến ad limina của anh em năm ngoái.
 
Những ngày vừa qua được sống giữa anh em quả rất ấn tượng và vui sướng. Tôi có thể học hỏi và cảm nghiệm những thực tại khác nhau đang làm nên khuôn mặt đất nước này, và trước hết có thể chia sẻ niềm tin của dân thánh thiện và trung tín của Thiên Chúa, đang tác động tích cực đối với chúng ta. Cảm ơn anh em về cơ hội được “chạm vào” niềm tin của đoàn dân Chúa đã trao phó cho chúng ta.
 
Đề tài chuyến tông du này là hiệp nhất và hy vọng. Đề tài này là cả một chương trình tuy đầy thách đố nhưng lại thôi thúc chúng ta, khiến chúng ta nhớ đến những thành tựu đầy quả cảm của Thánh Turibiô Mogrovejo, Tổng giám mục của giáo phận này và là bổn mạng của hàng giám mục châu Mỹ Latinh, tấm gương “xây dựng sự hiệp nhất của Hội thánh”, như Thánh Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của tôi, đã nói về ngài trong chuyến tông du đầu tiên của ngài đến đất nước này.
 
Đặc biệt, vị thánh giám mục này vẫn được mô tả là một “Môsê mới”. Như anh em biết, tại Vatican có bức họa Thánh Turibiô băng qua một con sông lớn, nước rẽ ra trước mặt ngài như trong biến cố Biển Đỏ, nhờ đó ngài sang được bờ bên kia, nơi có đông đảo sắc dân bản địa đang đợi ngài. Đằng sau Thánh Turibiô là cả một đoàn người đông đảo, tượng trưng cho đoàn dân trung tín bước theo vị mục tử thực thi sứ mạng Phúc âm hóa. Hình ảnh này có thể dùng làm điểm tựa cho suy tư tôi muốn chia sẻ với anh em. Thánh Turibiô, một con người muốn tới được bờ bên kia.
 
Chúng ta gặp ngài từ lúc ngài nhận bài sai đến những vùng đất này với sứ mạng làm một người cha và vị mục tử. Ngài rời bỏ sự an toàn của khung cảnh cuộc sống quen thuộc để bước vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ, chưa từng biết đến và đầy thử thách. Ngài lên đường đến vùng đất hứa dưới sự hướng dẫn của đức Tin “một bảo đảm cho những niềm hy vọng” (Dt 11, 1). Đức Tin và sự tín thác vào Chúa đã thôi thúc ngài, khi ấy và suốt quãng đời còn lại, để sang tới bờ bên kia, nơi chính Chúa đang đợi ngài giữa cả một đoàn người đông đảo.
 
1. Thánh nhân muốn sang bờ bên kia để tìm người xa lạ và kẻ lạc lối. Như vậy, ngài phải bỏ lại đằng sau cuộc sống tiện nghi ở tòa giám mục và ngược xuôi khắp lãnh thổ được trao phó cho mình trong những chuyến đi thăm mục vụ; ngài cố gắng đến thăm và ở lại bất cứ nơi nào đang cần đến ngài! Ngài đi ra gặp gỡ mọi người men theo những con đường, theo lời kể của cha bí thư, dê rừng nhiều hơn người. Turibiô phải đương đầu với khí hậu thất thường và địa hình đủ loại, “trong 21 năm làm giám mục, thì 18 năm sống bên ngoài thành phố, ba lần rảo khắp giáo phận”. Ngài biết đây là cách duy nhất để làm một chủ chăn: sống gần gũi đoàn chiên của mình, ban các bí tích, và không ngừng khuyến khích các linh mục của mình cũng làm như vậy. Ngài không chỉ dùng lời nói, mà còn qua chứng từ, bằng cách đi đầu trong công cuộc Phúc âm hóa. Ngày nay chúng ta có thể gọi ngài là giám mục “đường phố”. Một giám mục mang đôi giày cũ sờn vì cuốc bộ, di chuyển không ngừng, bước ra ngoài để “rao giảng Tin Mừng cho mọi người: ở mọi nơi, trong mọi dịp, không chút chần chừ, miễn cưỡng và sợ hãi. Niềm vui Tin Mừng thì dành cho mọi người: không thể gạt ai ra ngoài”. Thánh Turibiô thấu hiểu điều đó biết bao! Không chút sợ hãi và chần chừ, ngài để mình chìm vào lục địa của chúng ta để loan báo Tin Mừng.
 
2. Ngài muốn sang tới bờ bên kia không chỉ về mặt địa lý mà còn về phương diện văn hóa. Vì thế, ngài làm nhiều cách để Phúc âm hóa bằng ngôn ngữ của người bản địa. Với Công nghị Lima lần thứ ba, ngài soạn sách dạy giáo lý và dịch sang tiếng Quechua và Aymara. Ngài khuyến khích hàng giáo sĩ học ngôn ngữ của đoàn chiên mình coi sóc để ban các bí tích cho họ cách nào họ hiểu được. Tuy thường thăm viếng và sống với đoàn chiên, nhưng ngài thấy thế vẫn chưa đủ, vì mới chỉ hiện diện bằng thể xác, mà còn phải học ngôn ngữ của mọi người, vì chỉ bằng cách này, họ mới hiểu Tin Mừng và để Tin Mừng chạm vào cõi lòng họ. Đường hướng này cần thiết cho chúng ta biết bao, những mục tử của thế kỷ hai mươi mốt! Bởi vì chúng ta đang phải học những ngôn ngữ hoàn toàn mới, chẳng hạn, ngôn ngữ kỹ thuật số của thời đại chúng ta. Học để biết ngôn ngữ hiện nay của giới trẻ, của các gia đình, của con cái chúng ta… Như Thánh Turibiô, không những phải hiểu rõ, hiện diện và chiếm lĩnh không gian, mà còn phải có khả năng xây dựng phương pháp tiếp cận cuộc sống con người, để đức Tin có thể bén rễ và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Để làm điều đó, chúng ta phải nói được ngôn ngữ của họ. Chúng ta phải đến được những nơi có những câu chuyện và những loại hình mới đang sinh sôi nảy nở, để mang lời Chúa Giêsu đến tận trái tim các thành phố và người dân chúng ta. Việc Phúc âm hóa nền văn hóa đòi hỏi chúng ta phải bước vào tận thâm sâu của nền văn hóa đó, khai sáng nó tận bên trong bằng Tin Mừng.
 
3. Thánh Turibiô muốn sang tới bờ bên kia của đức ái. Đối với vị thánh bổn mạng của chúng ta, không thể Phúc âm hóa mà không có đức ái. Ngài hiểu rằng hình thức cao nhất của Phúc âm hóa là cuộc sống chúng ta phải noi theo gương Chúa Giêsu tự hiến mình vì yêu thương mọi người nam nữ. Bằng cách này sẽ nhận ra được con cái Thiên Chúa và con cái sự dữ: tất cả những ai không thực hành sự công chính đều không xuất phát từ Thiên Chúa, và những ai không yêu thương anh em, chị em mình, thì cũng vậy (x. 1 Ga 3, 10). Trong những chuyến thăm viếng mục vụ, ngài thấy những lạm dụng và hà khắc mà người bản địa phải gánh chịu, nên vào năm 1585, ngài đã không chùn tay ra vạ tuyệt thông cho viên Corregidor (quan Án sát) ở Catajambo, tự đặt mình vào thế chống lại toàn bộ hệ thống tham quan nhũng lại và cả một mạng lưới lạm quyền, chính vì thế “ngài lãnh đủ sự thù hằn của nhiều người”, trong đó có viên Phó vương. Chúng ta thấy, người mục tử là thế đó, là người hiểu rằng không bao giờ điều tốt đẹp phần hồn lại tách khỏi điều tốt đẹp phần xác, hơn nữa, khi danh dự và phẩm giá con người bị đe dọa. Tinh thần ngôn sứ của vị giám mục là: không sợ tố cáo những lạm dụng và sự hà khắc đối với dân mình. Qua đó, Thánh Turibiô lưu ý toàn thể xã hội và từng cộng đồng rằng đức ái bao giờ cũng đi đôi với công bình. Đồng thời không thể thật sự Phúc âm hóa nếu không vạch trần và lên án mọi tội lỗi chống lại sự sống của anh chị em mình, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất.
 
4. Thánh Turibiô muốn sang tới bờ bên kia trong việc đào tạo hàng linh mục của mình. Ngài thành lập chủng viện đầu tiên theo tinh thần hậu công đồng Triđentinô tại phần đất này của thế giới, nhờ đó đã khuyến khích việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Ngài nhận thấy việc đi thăm khắp nơi và nói cùng một ngôn ngữ thì không đủ: Giáo hội cần gầy dựng các mục tử người địa phương của mình và từ đó trở thành người mẹ sinh nhiều con cái. Để đạt mục tiêu này, ngài bảo vệ việc truyền chức linh mục cho các mestizos (thổ dân lai da trắng) – một vấn đề gây tranh cãi hồi đó – và tìm cách cho mọi người thấy rằng: nếu hàng giáo sĩ cần phải trổi vượt trong bất cứ lĩnh vực nào, thì vì sống thánh thiện chứ không phải do nguồn gốc chủng tộc. Việc đào tạo này không giới hạn trong việc học hành ở chủng viện, mà còn được tiếp tục qua những cuộc thăm viếng mục vụ không ngừng của ngài. Tại những nơi đến thăm, ngài có thể thấy tận mắt “tình trạng các linh mục của mình” và nói cho họ biết những lưu ý của mình. Người ta thuật lại câu chuyện vào đêm Vọng Giáng sinh, người chị gái tặng ngài một chiếc áo mặc trong các dịp lễ. Ngay hôm đó, ngài đi thăm một linh mục, và thấy hoàn cảnh sống của vị linh mục này, ngài đã lấy chiếc áo vừa được tặng đem biếu vị linh mục. Từng làm cha sở, nên ngài hiểu các linh mục của mình. Vị mục tử cố gắng đi thăm các linh mục, đồng hành, khích lệ và góp ý với các ngài. Ngài nhắc các linh mục nhớ mình là mục tử chứ không phải người trông coi cửa hàng, vì vậy phải chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên indios như con mình. Ngài không ngồi bàn giấy mà thực hiện điều đó, nên biết rõ đoàn chiên của mình và đoàn chiên nhận ra tiếng ngài, đó là tiếng của người mục tử nhân lành.
 
5. Ngài muốn sang tới bờ bên kia của sự hiệp nhất. Với một cách thức đáng khâm phục và mang tính tiên tri, ngài thực hiện việc mở ra các khả năng cho những thành phần khác nhau trong cộng đoàn dân Chúa được hiệp thông với nhau và tham gia vào việc chung. Thánh Gioan Phaolô II đề cập đến việc này khi nói chuyện với các giám mục Pêru; ngài lưu ý: “Công nghị Lima lần thứ ba chính là kết quả của nỗ lực đó, được thánh Turibiô hướng dẫn, khích lệ và chỉ đạo; công nghị mang lại hoa trái dồi dào là sự hiệp nhất trong đức Tin, những chuẩn mực mục vụ và tổ chức, và quan điểm thiết thực về việc hội nhập châu Mỹ Latinh như từng mong ước”. Chúng ta biết rất rõ sự hiệp nhất và đồng thuận này đạt được từ một bối cảnh căng thẳng với những xung đột gay gắt. Chúng ta không thể phủ nhận những căng thẳng và khác biệt; cuộc sống không thể không có sự xung khắc. Tuy nhiên chúng đòi hỏi chúng ta, là con người và là Kitô hữu, phải đương đầu và đối phó với chúng. Nhưng để đối phó với chúng trong tinh thần hiệp nhất, trung thực và đối thoại chân thành, mặt đối mặt, thì phải lưu ý đừng rơi vào cám dỗ lãng quên quá khứ, hoặc cứ bị giam cầm trong quá khứ, thiếu tầm nhìn để xem xét những con đường dẫn đến hiệp nhất và hòa bình. Công nghị đó là nguồn mang lại sự khích lệ trong cuộc hành trình của Hội đồng Giám mục chúng ta, để biết rằng sự hiệp nhất luôn chiếm ưu thế so với xung đột. Anh em hãy lưu tâm xây dựng sự hiệp nhất. Đừng giam mình mãi trong những chia rẽ phát sinh bè phái và ngăn cản ơn gọi của chúng ta là trở nên bí tích hiệp thông. Anh em hãy nhớ: sức thu hút của Giáo hội tiên khởi là nhờ các tín hữu yêu thương nhau. Đó chính là – hiện tại và mai sau vẫn là – cách tốt nhất để Phúc âm hóa.
 
6. Đã đến lúc Thánh Turibiô tới bến bờ cuối cùng, tới miền đất ngài đã nếm trước tại mỗi bờ bến ngài để lại sau lưng. Nhưng lần này, ngài không một mình rời bến. Như trong bức họa tôi đã nhắc đến trên đây, ngài đi gặp các thánh được cả một đoàn người đông đảo vây quanh. Ngài là vị mục tử chất vào “túi xách của mình” các tên tuổi và những gương mặt. Họ là giấy thông hành đưa ngài về trời. Tôi không muốn bỏ qua giai điệu cuối cùng này, giây phút vị mục tử trao linh hồn mình cho Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện điều đó giữa dân mình, rồi một thổ dân tấu lên khúc sáo chirimíagiúp linh hồn ngài được thư thái bình an. Thưa anh em, mong sao lúc chúng ta bước vào cuộc hành trình cuối cùng này, chúng ta cũng được như vậy. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được hồng phúc ấy.
 
Xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
 
(Nguồn: WHĐ - Theo Libreria Editrice Vaticana)
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top