Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Sáng ngày 9-1-2012, theo thông lệ, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm đại diện của 179 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mừng của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ của Honduras, Phó niên trưởng là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh, các thiên tai và khát vọng tự do của nhiều dân tộc, sự di cư của hàng triệu người nam nữ và trẻ em.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

ĐTC lên tiếng chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài đặc biệt nhắc đến nước Malaysia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh trong năm qua. ĐTC nói:

“Cuộc đối thoại của quí vị với Tòa Thánh tạo điều kiện dễ dàng cho sự chia sẻ những cảm tưởng và thông tin, cũng như sự cộng tác trong các lãnh vực song phương hoặc đa phương, được đặc biệt quan tâm. Sự hiện diện của quí vị tại đây hôm nay nhắc nhớ sự đóng góp quan trọng của Giáo hội cho xã hội của quí vị, trong các lãnh vực như giáo dục, y tế và từ thiện. Những dấu chỉ sự cộng tác giữa Giáo hội Công giáo và các Quốc gia là các hiệp định đã được ký kết trong năm 2011 với Azerbaigian, Monténégro và Mozambique. Hiệp định với Azerbaigian đã được phê chuẩn và tôi cầu mong hai hiệp định còn lại cũng sẽ được mau lẹ phê chuẩn như vậy và những hiệp định đang trong vòng thương thảo sẽ sớm được kết thúc. Cũng vậy, Tòa Thánh mong ước thiết lập cuộc đối thoại hiệu quả với các tổ chức quốc tế và miền, và trong viễn tượng này, tôi hài lòng ghi nhận sự kiện các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á, ASEAN, đã đón nhận việc bổ nhiệm một vị Sứ thần Tòa Thánh cạnh tổ chức này. Tôi không thể bỏ qua không nhấn mạnh đến điều này là trong tháng 12 vừa qua, Tòa Thánh đã tăng cường sự cộng tác lâu dài với Tổ chức Quốc tế về Di dân, và trở nên thành viên trọn vẹn của tổ chức này. Đó là một bằng chứng về sự dấn thân của Tòa Thánh và của Giáo hội Công giáo cạnh cộng đồng quốc tế, trong việc tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho hiện tượng di cư, với nhiều khía cạnh, bảo vệ phẩm giá con người, mưu ích chung cho các cộng đoàn tiếp cư và những cộng đoàn nguyên quán của người di dân.

Các cuộc khủng hoảng

Sau khi lược qua các cuộc gặp gỡ với các vị quốc trưởng và đại diện các nước, cũng như các cuộc viếng thăm của ngài trong năm qua, ĐTC nói đến tình trạng thế giới ngày nay đang chịu nhiều cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội:

“Về vấn đề này, trước tiên tôi không thể không nhắc đến những diễn biến trầm trọng và đáng lo âu của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này không những gây tổn hại cho các gia đình và các xí nghiệp thuộc những quốc gia tân tiến nhất, nơi nó phát sinh, tạo nên tình trạng nhiều người, nhất là giới trẻ, cảm thấy bị lạc hướng và bất mãn trong các khát vọng của họ mong một tương lai thanh thản, nhưng nó còn ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc sống của các nước đang trên đường phát triển. Chúng ta không thể nản chí thất vọng, nhưng cần quyết liệt hoạch định lại hành trình của chúng ta với những hình thức dấn thân mới. Cuộc khủng hoảng này có thể và phải là một kích thích suy tư về cuộc sống con người và tầm quan trọng của chiều kích luân lý đạo đức trong cuộc sống, trước khi bàn tới những cơ cấu điều hành đời sống kinh tế: không những để tìm cách ngăn chặn những mất mát cho cá nhân hoặc cho nền kinh tế quốc gia, nhưng để mang lại cho chúng ta những qui luật mới đảm bảo cho mọi người khả năng sống xứng đáng và phát huy khả năng của họ để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn.

Khát vọng của người trẻ

“Tiếp đến, tôi muốn nhắc lại rằng những hậu quả của thời điểm bất định hiện nay đặc biệt đè nặng trên người trẻ. Do sự khó chịu của họ trong những tháng gần đây đã nảy sinh những men nhiều khi ảnh hưởng mạnh tại các miền. Trước tiên tôi muốn nói đến Bắc Phi và Trung Đông, tại đó người trẻ đau khổ vì nạn nghèo và thất nghiệp, và họ lo sợ thiếu những viễn tượng được bảo đảm, họ đã phát động phong trào đòi cải tổ và tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị và xã hội. Hiện nay thật khó phác họa kết toán chung kết những biến cố gần đây và hiểu trọn vẹn những hậu quả của chúng đối với những quân bình trong vùng. Nhưng sự lạc quan ban đầu đã nhường chỗ cho sự nhìn nhận những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp và thay đổi, tôi thấy điều hiển nhiên là con đường thích hợp để tiếp tục hành trình đã khởi sự, phải tiến qua việc nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của mọi người và các quyền căn bản của con người. Sự tôn trọng con người phải ở trung tâm các tổ chức và luật lệ, nó phải dẫn đến sự chấm dứt mọi bạo lực và phòng ngừa nguy cơ theo đó, sự quan tâm thích đáng đối với những đòi hỏi của các công dân và tình liên đới xã hội cần thiết bị biến thành những công cụ để duy trì hoặc chinh phục quyền hành. Tôi mời gọi cộng đồng quốc tế đối thoại với những tác nhân của các tiến trình hiện nay, trong niềm tôn trọng các dân tộc và ý thức rằng việc xây dựng xã hội bền vững và hòa giải, chống lại mọi kỳ thị bất công, và đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, tạo nên chân trời rộng lớn và đi xa hơn những dịp tuyển cử. Tôi cảm thấy rất lo âu đối với các dân tộc trong đó vẫn còn những căng thẳng và bạo lực, đặc biệt là Syrie, nơi mà tôi cầu mong tình trạng máu đổ sớm được chấm dứt và bắt đầu một cuộc đối thoại hiệu quả giữa các tác nhân chính trị, được dễ dàng hơn nhờ sự hiện diện của các quan sát viên độc lập.

Tình hình Trung Đông

“Tại Thánh địa, nơi mà những căng thẳng giữa người Palestine và Israel có ảnh hưởng trên sự quân bình của toàn vùng Trung Đông, các vị hữu trách của hai dân tộc cần chấp nhận những quyết định can đảm và sáng suốt để bênh vực hòa bình. Tôi hài lòng được biết là do sáng kiến của Vương quốc Giordani, cuộc đối thoại đã được mở lại; tôi cầu mong cuộc đối thoại này được tiếp tục để đạt tới một nền hòa bình lâu bền, bảo đảm quyền của các quốc gia có chủ quyền và ở trong ranh giới chắc chắn, được quốc tế nhìn nhận. Về phần mình, cộng đồng quốc tế phải đẩy mạnh sáng kiến của mình và khích lệ những sáng kiến thăng tiến tiến trình hòa bình như thế, trong niềm tôn trọng quyền của mỗi bên. Tôi cũng rất quan tâm theo dõi những diến biến tại Irak, lên án những vụ khủng bố gần đây vẫn còn gây ra những tổn hại nhiều nhân mạng, và tôi khuyến khích chính quyền nước này tiếp tục cương quyết theo đuổi con đường hòa giải hoàn toàn cho đất nước.

Giáo dục người trẻ

“Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại rằng “Con đường hòa bình cũng là con đường của người trẻ” (1), vì những người này chính là “sự trẻ trung của các quốc gia và xã hội, sự trẻ trung của mọi gia đình và của toàn thể nhân loại” (2). Vì thế, người trẻ thúc đẩy chúng ta nghiêm túc cứu xét những yêu cầu của họ về sự thật, công lý và hòa bình. Do đó, tôi đã dành Sứ điệp hằng năm nhân ngày Hòa bình thế giới để nói về người trẻ, với tựa đề “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”. Giáo dục là một đề tài chủ yếu đối với mọi thế hệ, vì sự phát triển lành mạnh của mỗi người và tương lai của toàn thể xã hội cũng tùy thuộc việc giáo dục người trẻ. Vì thế, việc giáo dục ấy chính là một trách vụ quan trọng hàng đầu trong một thời đại khó khăn và tế nhị. Ngoài một mục tiêu rõ ràng, như dẫn dắt người trẻ nhận biết trọn vẹn về thực tại, và về chân lý, việc giáo dục còn cần có môi trường. Trong số những môi trường này, trước tiên có gia đình, dựa trên hôn nhân của một người nam và một người nữ. Gia đình không phải chỉ là một qui ước xã hội, nhưng còn là tế bào cơ bản của toàn thể xã hội. Vì vậy, nhà chính trị nào làm thương tổn gia đình thì cũng đe dọa phẩm giá con người và chính tương lai của nhân loại. Khung cảnh gia đình là cơ bản trong hành trình giáo dục và phát triển của cá nhân cũng như của các quốc gia; vì thế, các nhà chính trị cần đề cao giá trị hành trình ấy và giúp đạt tới sự hòa hợp xã hội và đối thoại. Chính trong gia đình mà người ta cởi mở đối với thế giới và cuộc sống, và như tôi đã có dịp nhắc nhở trong cuộc viếng thăm của tôi tại Croát, “cởi mở đối với sự sống là một dấu hiệu sự cởi mở đối với tương lai” (3). Trong bối cảnh cởi mở đối với sự sống, tôi hài lòng đón nhận phán quyết mới đây của Tòa Công lý của Liên hiệp Âu Châu, cấm cấp bằng sáng chế những tiến trình liên quan tới các tế bào gốc rút từ phôi thai người, cũng như Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu lên án sự tuyển chọn về phái tính trước khi sinh ra.

Phổ quát hơn, liên quan đặc biệt tới thế giới Tây phương, tôi xác tín rằng những luật lệ không những cho phép, nhưng đôi khi còn tạo điều kiện dễ dàng cho phá thai, vì những lý do thuận lợi hoặc những lý do y khoa đáng tranh luận, đó là những điều chống lại việc giáo dục giới trẻ và do đó chống lại tương lai của nhân loại.

“Tiếp tục suy tư của chúng ta, các tổ chức giáo dục chu toàn một vai trò thiết yếu không kém đối với sự phát triển con người: các tổ chức này là những cơ quan đầu tiên cộng tác với gia đình và chúng không chu toàn phận vụ nếu thiếu sự hòa hợp các mục tiêu với thực tại gia đình. Cần thực hành những chính sách huấn luyện để giáo dục học đường là điều có thể được mọi người sử dụng, và hơn nữa cần thăng tiến sự phát triển tri thức của con người, chăm sóc sự tăng trưởng nhân cách một cách hài hòa, kể cả sự cởi mở đối với Siêu Việt. Giáo hội Công giáo vẫn luôn đặc biệt tích cực hoạt động trong các tổ chức học đường và đại học, chu toàn một công việc được đánh giá cao cạnh các tổ chức của nhà nước. Vì thế, tôi cầu mong rằng sự đóng góp ấy được các luật lệ quốc gia nhìn nhận và đề cao giá trị.

Tôn trọng tự do tôn giáo

Trong viễn tượng ấy, ta hiểu rằng một công trình giáo dục hữu hiệu cũng đòi phải tôn trọng tự do tôn giáo. Tự do này có một chiều kích cá nhân, cũng như một chiều kích tập thể, và một chiều kích cơ chế. Đây là quyền đầu tiên trong các quyền con người, vì nó diễn tả thực tại cơ bản nhất của con người. Quá nhiều khi, vì những lý do khác nhau, quyền tự do tôn giáo bị hạn chế hoặc chà đạp. Tôi không thể nhắc đến đề tài này mà không bắt đầu bằng việc tưởng niệm Bộ trưởng Shahbaz Bhatti của Pakistan, đã tranh đấu không biết mệt mỏi cho quyền của các nhóm thiểu số, và đã thiệt mạng đau thương. Đáng tiếc đó không phải là trường hợp duy nhất. Tại nhiều nước, các tín hữu Kitô bị tước đoạt các quyền cơ bản, bị gạt ra ngoài lề đời sống công cộng; trong một số nước khác, họ phải chịu các cuộc tấn công mạnh mẽ chống lại các thánh đường và gia cư của họ. Đôi khi họ buộc lòng phải rời bỏ đất nước mà họ đã góp phần xây dựng, vì những căng thẳng liên tục và những chính sách nhiều khi biến họ thành những khán giả hạng nhì trong đời sống quốc gia.

Tại các miền khác trên thế giới, người ta thấy có những chính sách nhắm gạt vai trò tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội, như thể tôn giáo tạo ra bất bao dung, thay vì góp phần quý giá vào việc giáo dục tôn trọng phẩm giá con người, công lý và hòa bình. Năm ngoái, nạn khủng bố vì lý do tôn giáo đã đốn ngã nhiều nạn nhân, nhất là tại Á châu và Phi châu, vì thế, như tôi đã nhắc đến tại Assisi, các vị lãnh đạo tôn giáo phải mạnh mẽ và cương quyết lập lại rằng “đó không phải là bản chất đích thực của tôn giáo” (4). Tôn giáo không thể bị sử dụng như một cái cớ để loại bỏ các qui luật về công lý và luật pháp, để biện minh cho điều gọi là “thiện ích” mà nó theo đuổi. Trong viễn tượng ấy, tôi hãnh diện nhắc lại, như tôi đã nói tại quê hương của tôi, rằng đối với những vị sáng lập nước Đức, viễn tượng Kitô về con người thực là một sức mạnh gợi hứng, cũng giống như nó giữ vai trò đó đối với những vị sáng lập Âu Châu thống nhất.

“Tôi cũng muốn nhắc đến những dấu chỉ đáng khích lệ trong lãnh vực tự do tôn giáo. Tôi nói đến sự thay đổi luật lệ nhờ đó pháp nhân của các nhóm tôn giáo thiểu số được nhìn nhận tại Cộng hòa Georgia; tôi cũng nghĩ đến phán quyết của Tòa án Âu châu về nhân quyền nhìn nhận sự hiện diện của Thánh Giá trong các lớp học ở Italia. Và tôi muốn gửi đến Italia một tư tưởng đặc biệt nhân dịp kết thúc năm kỷ niệm 150 năm thống nhất chính trị. Các quan hệ giữa Tòa Thánh và Nhà nước Italia đã trải qua một thời kỳ khó khăn sau khi thống nhất. Nhưng qua dòng thời gian, sự hòa hợp và ý chí cộng tác với nhau đã trổi vượt, mỗi bên trong lãnh vực riêng của mình, để mưu ích chung. Tôi cầu mong Italia tiếp tục thăng tiến quan hệ quân bình giữa Giáo hội và Nhà Nước, như thế nêu gương và các nước khác có thể quan tâm tham chiếu trong sự tôn trọng.

Phi châu

Về đại lục Phi châu, mà tôi mới viếng thăm khi đến nước Bénin gần đây, điều thiết yếu là sự cộng tác giữa các cộng đoàn Kitô và các chính phủ giúp tiến bước trên con đường công lý, hòa bình và hòa giải, trong đó các phần tử của mọi chủng tộc và mọi tôn giáo được tôn trọng. Thật là đau buồn khi thấy rằng tại nhiều nước ở đại lục này, mục đích ấy vẫn còn xa vời. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự gia tăng bạo lực tại Nigeria, như những vụ khủng bố xảy ra chống lại nhiều nhà thờ trong mùa Giáng Sinh, tôi nghĩ đến những hậu quả cuộc nội chiến tại Côte d'Ivoire, tình trạng bất an kéo dài tại vùng Đại Hồ, và tình trạng cấp thiết về nhân đạo tại các nước vùng Sừng ở Phi châu. Một lần nữa tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế ân cần trợ giúp tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay tại Somalia.

Môi Sinh

Sau cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng một nền giáo dục hiểu đúng đắn chỉ có thể tạo điều kiện dễ dàng cho sự tôn trọng thiên nhiên. Ta không thể quên những thiên tai trầm trọng xảy ra trong năm 2011 tại nhiều miền ở Đông Nam Á và những thảm họa môi sinh như tại lò hạt nhân Fukushima bên Nhật. Việc bảo tồn môi sinh, sự hợp lực trong cuộc chiến chống nghèo đói và chống thay đổi khí hậu là những lãnh vực quan trọng đối với sự thăng tiến phát triển con người toàn diện. Vì thế, tiếp theo khóa họp thứ 17 của Hội nghị các nước tham gia Hiệp ước Liên Hợp quốc về sự thay đổi khí hậu, mới kết thúc tại thành phố Durban, Cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị của LHQ về sự phát triển lâu bền (Rio + 20), như một gia đình đích thực của các dân nước, và nhờ đó, với một cảm thức liên đới mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm lớn lao hơn đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.

---------
Chú Thích

1. Gioan Phaolô 2, Tông Thư ”Dilecti amici”, 31-3-1985, n.15
2. Ibidem, n.1
3. Bài giảng thánh lễ nhân ngày Toàn quốc các gia đình Công giáo Croát, Zagreb, 5-6-2011
4. Diễn văn tại Assisi, ngày 27-10-2011

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top