Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn hợp tác xã Công giáo Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn hợp tác xã Công giáo Italia

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi tiếp tục tăng cường tình liên đới và duy trì tinh thần Kitô trong các hợp tác xã Italia.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-12-2011 dành cho 80 đại biểu của Liên đoàn các Hợp tác xã Italia và Liên hiệp các ngân hàng tín dụng hợp tác xã Italia, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thông điệp Rerum novarum (Tân Sự) của Đức Lêô 13.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến nòng cốt của kinh nghiệm hợp tác xã là phối hợp hài hòa giữa chiều kích cá nhân và cộng đồng; nó biểu lộ cụ thể tính chất bổ túc và phụ đới mà Giáo huấn xã hội Công giáo vẫn luôn cổ vỗ trong quan hệ giữa cá nhân và nhà nước; đó là sự quân bình giữa một bên là bảo vệ các quyền của cá nhân, và bên kia là sự thăng tiến công ích.

ĐTC cũng kêu gọi các thành viên hợp tác xã và ngân hàng tín dụng Italia hãy làm sao để nền kinh tế và thị trường không bao giờ bị tách rời khỏi tình liên đới. Ngài nói: “Anh chị em được kêu gọi thăng tiến một nền văn hóa bênh vực sự sống và gia đình, tạo điều kiện cho việc thành lập các gia đình mới có thể cậy dựa vào công ăn việc làm xứng đáng và tôn trọng thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta chăm sóc. Anh chị em hãy biết đề cao giá trị của con người trong toàn bộ, vượt lên trên mọi khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, quan tâm đến các nhu cầu thực sự và khả năng sáng kiến của họ”.

Trước khi phái đoàn được ĐTC tiếp kiến, 3 ngàn thành viên các Hợp tác xã và ngân hàng tín dụng Italia đã tham dự thánh lễ do ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, chủ sự lúc 10 giờ tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với Đức Hồng y còn có một số giám mục và nhiều linh mục tuyên úy. Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh cũng nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay với những lo âu do nó gây nên và ngài nhận định rằng:

“Bối cảnh xã hội này một đàng là kết quả của sự hoàn cầu hóa, bao gồm sự lệ thuộc lẫn nhau nhiều hơn và những quan hệ phức tạp về kinh tế trên bình diện thế giới, và đàng khác là do sự tách rời kinh tế và tài chánh ra khỏi mọi liên hệ về luân lý đạo đức. Trái lại, Giáo hội tái khẳng định rằng căn cội sâu xa của mỗi cuộc khủng hoảng gây thử thách cho nhân loại luôn luôn có tính chân luân lý và tinh thần. Vì thế, cần phải liên kết tài chánh, chính trị, kỹ thuật với luân lý đạo đức, vì chỉ khi nào có sự can thiệp ở mức độ sâu xa như thế, tại nơi mà người ta chọn lựa sự thiện lớn lao hơn cho con người và xã hội theo các tiêu chuẩn luân lý, thì ta mới có thể tìm được con đường tiến đến một nền kinh tế mới của thế giới công bằng và liên đới hơn”.

Sau cùng, ĐHY Quốc vụ khanh kêu gọi các vị hữu trách các Hợp tác xã và Ngân hàng tín dụng Italia làm sao để các nguyên tắc giáo huấn xã hội Công giáo đi vào thực tại và chiếu tỏa ánh sáng cũng như sức mạnh cho những dấn thân của họ trên thế giới. Ngài nói: “Tương lai tình liên đới về luân lý, xã hội và kinh tế ở trong tay anh chị em” (SD 10-12-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top