Đức Thánh Cha tưởng niệm 65 năm giải phóng trại Auschwitz

Đức Thánh Cha tưởng niệm 65 năm giải phóng trại Auschwitz

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 tưởng niệm 65 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz và kêu gọi làm tất cả những gì có thể để các tội ác diệt chủng khỏi tái diễn.

Ngỏ lời với hơn 5 ngàn tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 27-1-2010, tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican, ĐTC nói:

”Cách đây 65 năm, ngày 27-1-1945, các cánh cổng của trại tập trung Đức quốc xã được mở rộng tại thành phố Oswiecim Ba Lan, quen được biết với tên tiếng Đức là Auschwitz, và một ít người sống sót được giải thoát. Biến cố ấy và chứng từ của những người sống sót kể lại cho thế giới tội ác kinh khủng, tàn bạo chưa từng có, xảy ra tại các trại tàn sát do Đức quốc xã thành lập.

Hôm nay, là Ngày Tưởng Niệm, nhớ đến tất cả các nạn nhân của các tội ác ấy, đặc biệt là sự tiêu diệt người Do thái một cách có kế hoạch. Ngày này cũng ghi ơn tất cả những người bất chấp nguy hiểm tới tính mạng đã bảo vệ những người bị bách hại, chống lại sự giết hại điên rồ. Với tâm hồn xúc động, chúng ta nghĩ đến vô số các nạn nhân của sự oán ghét chủng tộc và tôn giáo một cách mù quáng ấy, họ đã bị phát lưu, cầm tù và sát hại tại những nơi kinh hoàng và vô nhân đạo. Ước gì việc nhớ lại những sự kiện đó, đặc biệt là thảm trạng Shoa đã xảy ra cho dân tộc Do thái, khơi dậy một sự tôn trọng ngày càng có tính chất xác tín về phẩm giá của mỗi người, để tất cả mọi người nhận thức mình thuộc về một đại gia đình duy nhất. Xin Thiên Chúa toàn năng soi sáng tâm trí mọi người, để những thảm trạng như thế không tái diễn nữa!”

Hôm 27-1-2010, các vị bộ trưởng giáo dục và phái đoàn 35 nước đã nhóm tại trại tập trung Auschwitz để thảo luận về việc thông truyền cho giới trẻ ký ức về cuộc diệt chủng Do thái. Tại trại này 1,1 triệu người đã bị tiêu diệt, hầu hết là người Do thái.

Lễ kỷ niệm cuộc giải phóng đã được cử hành từ ban sáng với nghi thức đặt vòng hoa và đốt nến sáng cạnh khu 11 của trại, nơi xảy ra các vụ xử bắn. Người ta cũng truy điệu 231 binh sĩ Liên Xô đã chết để giải phóng trại này và thành phố lân cận.

Ban chiều, nhiều vị lãnh đạo chính trị lên tiếng tại trại này, trong đó có thủ tướng Benyamin Netanyahu của Israel, và Bộ trưởng giáo dục Nga Andrei Fursenko, tổng thống và thủ tướng Ba Lan. Buổi lễ kết thúc với kinh nguyện chung của các tín hữu Kitô và Do thái, với sự tham dự của 150 người sống sót tại trại này và 200 thành viên quốc hội Âu Châu và các quốc hội khác (SD 27-1-2010)

G. Trần Đức Anh OP

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top