Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO)

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO)

VATICAN. Sáng 16-11-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) ở Roma, nhân dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này về an ninh lương thực. Ngài kêu gọi liên đới giải quyết nạn đói trên thế giới.

Hội nghị tiến hành từ ngày 16 đến 18-11-2009 với với sự tham dự của 67 vị nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ và hàng trăm đại diện của các quốc gia thành viên trên thế giới.

Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, LM Lombardi, nhận xét rằng ”Hội nghị Thượng đỉnh FAO diễn ra trong một bối cảnh người ta dễ quên tính chất thê thảm của nạn đói. Năm 2000, Hội nghị Thượng Đỉnh Ngàn Năm Mới đã tuyên bố rằng số người đói trên thế giới bấy giờ là 800 triệu sẽ giảm xuống 400 triệu người vào năm 2015. Nhưng năm nay, 2009, số người đói lên tới 1 tỷ 200 triệu người. Một thảm trạng kinh khủng, một sức đẩy rất mạnh thúc giục dân nghèo di cư, một đe dọa rất lớn cho nền hòa bình.. Hiển nhiên là con đường chính để đương đầu với tệ nạn này là tạo điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất, giúp cộng động địa phương can dự tối đa, nghĩa là đặt con người ở trung tâm sự phát triển. Đây thực là điều có lợi cho cộng đồng quốc tế. Các tham dự viên Hội nghị Thượng Đỉnh FAO chắc chắn hiểu rõ điều đó, nhưng điều quan trọng là hành động phù hợp sau đó, nếu không số người chết đói sẽ còn tăng thêm”.

Giới báo chí cũng ghi nhận sự vắng bóng của các vị thủ lãnh các nước giàu tại Hội nghị hiện nay của tổ chức FAO. Trong khối G-8, 8 cường quốc kinh tế, chỉ có Ông Silvio Berlusconi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia hiện diện, trong tư cách là chủ nhà. Cả tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, cũng vắng mặt vì bận công du bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Diễn văn của ĐTC

Khi đến nơi vào lúc 11 giờ 30, ĐTC đã được Ông Tổng thư ký LHQ Ban Kimoon, và Ông Tổng Giám Đốc tổ chức FAO, Jacques Diouf tiếp đón, và hướng dẫn vào đại thính đường. Chủ tịch Hội nghị là Ông Silvio Berlusconi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, đã chào mừng ĐTC, tiếp đến là lời cám ơn của Ông Diouf vì ngài đã nhận lời đến thăm và phát biểu tại Hội nghị này.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhấn mạnh đến thảm trạng nạn đói trên thế giới và những nguyên nhân sâu xa gây ra tệ trạng này. Ngài cũng đề ra một số nguyên tắc góp phần giải quyết. ĐTC nói:

”Trong những năm gần đây, Cộng đồng quốc tế đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh. Các thống kê cho thấy sự gia tăng thê thảm số người bị đói. Góp phần vào tình trạng này có sự tăng giá lương thực, sự suy giảm khả năng kinh tế của những người dân nghèo nhất, sự thu hẹp khả năng gia nhập thị trường và lương thực. Tất cả những điều ấy xảy ra giữa lúc người ta xác nhận rằng trái đất có khả năng nuôi sống tất cả mọi người dân trên thế giới. Thực vậy, cho dù tại một số miền, mức sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, đôi khi vì sự thay đổi khí hậu, nhưng nói chung nông sản trên thế giới đủ để thỏa mãn nhu cầu hiện nay cũng như nhu cầu có thể dự kiến trong tương lai của nhân loại. Những dữ kiện đó chứng tỏ nạn đói không phải do sự gia tăng dân số, và người ta càng thấy rõ điều đó qua sự kiện đáng tiếc lương thực bị phá hủy để bảo tồn lợi tức. Trong thông điệp ”Bác ái trong chân lý”, tôi đã nhận xét rằng ”Nạn đói không tùy thuộc sự thiếu tài nguyên vật chất cho bằng thiếu các tài nguyên xã hội, trong số này quan trọng hơn cả là sự thiếu sót trong lãnh vực cơ chế. Thực vậy, hiện đang thiếu sự tổ chức các cơ cấu kinh tế có khả năng bảo đảm lương thực và nước một cách thường xuyên và thích hợp, cũng như có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản và cấp thiết do cuộc khủng hoảng lương thực gây ra”. Và tôi viết thêm rằng ”Vấn đề thiếu an ninh lương thực phải được cứu xét và giải quyết trong viễn tượng dài hạn, loại bỏ các nguyên nhân cơ cấu gây ra tình trạng ấy, đồng thời thăng tiến sự phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất, qua sự đầu tư vào những cơ cấu hạ tầng ở nông thôn, hệ thống dẫn thủy nhập điền, chuyên chở, tổ chức thị trường, huấn luyện và phổ biến các kỹ thuật canh tác thích hợp, nghĩa là có khả năng sử dụng tốt đẹp nhân lực, cũng như các tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên kinh tế xã hội dễ tìm thấy nhất tại địa phương, làm sao bảo đảm cho chúng được nguồn lợi kinh tế lâu bền dài hạn” (n.27). Trong bối cảnh đó, cũng cần phản đối một số hình thức tài trợ nông phẩm gây xáo trầm trọng cho lãnh vực nông nghiệp, cũng như tình trạng kéo dài những kiểu mẫu lương thực chỉ nhắm tiêu thụ và thiếu viễn tượng bao quát hơn, và nhất là vượt thắng sự ích kỷ khiến nạn đầu cơ xâm nhập thị trường ngũ cốc, đặt lương thực ngang hàng với mọi loại hàng hóa khác”.

ĐTC nhận xét rằng việc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh này, theo một nghĩa nào đó, chứng tỏ sự yếu kém của các cơ cấu hiện nay trong việc bảo đảm an ninh lương thực và cần phải xét lại các cơ cấu ấy. Thực vậy, cho dù những nước nghèo nhất ngày nay được hội nhập vào nền kinh tế thế giới nhiều hơn so với trước kia, nhưng cách thức tiến hành các thị trường quốc tế làm cho các nước ấy dễ bị tổn thương hơn và buộc họ phải cần đến trợ giúp của các tổ chức liên chính phụ, dù rằng các cơ quan này mang lại một sự hỗ trợ quí giá và không thể thiếu được. Tuy nhiên, ý niệm cộng tác phải dung hợp với nguyên tắc phụ đới: cần làm sao để các cộng đồng địa phương dấn thân trong sự chọn lựa và quyết định về việc sử dụng đất đai canh tác, vì sự phát triển nhân bản toàn diện đòi phải có những chọn lựa trong tinh thần trách nhiệm từ phía tất cả mọi người và đòi phải có một thái độ liên đới, không coi viện trợ hoặc tình trạng cấp thiết như một cơ hội có lợi cho những người cung cấp các tài nguyện, hoặc cho những nhóm sung túc được thuộc vào số những người được hưởng lợi. Đứng trước những quốc gia cần được ngoại viện, Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đáp lại bằng những phương thế cộng tác, với ý thức mình đồng trách nhiệm đối với sự phát triển của các nước nghèo ấy, qua sự liên đới trong việc hiện diện, tháp tùng, huấn luyện và tôn trọng (n.47). Trong bối cảnh tinh thần trách nhiệm ấy, có quyền của mỗi quốc gia được xác định kiểu mẫu kinh tế của mình, dự kiến những thể thức bảo đảm tự do chọn lựa và ấn định các mục tiêu. Theo viễn tượng ấy, sự cộng tác phải trở thành một phương thế hữu hiệu, không bị bó buộc hoặc không bị cắt xén mất một phần không nhỏ các tài nguyên dành cho việc phát triển. Ngoài ra cần nhần mạnh rằng con đường liên đới, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển các nước nghèo, cũng có thể là con đường giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới. Thực vậy, khi nâng đỡ các nước nghèo bằng những kế hoạch tài trợ theo tinh thần liên đới, để các nước ấy tự thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ và phát triển của họ, thì không những người ta giúp tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước ấy, nhưng còn tạo nên những âm hưởng tích cực đối với sự phát triển nhân bản toàn diện tại các nước khác nữa (cf 27).

Trong phần còn lại của bài diễn văn, ĐTC nói đến nhu cầu của nông thôn và cần tránh để cho xu hướng giảm bớt sự đóng góp của các nước ân nhân tạo nên sự bấp bênh về việc tài trợ các hoạt động cộng tác. Ngài nói: ”Không nên quên các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật quyền được có lương thực đầy đủ, lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng, cũng như quyền có nước uống. Các quyền này giữ một vai trò quan trọng đối với các quyền khác, bắt đầu là quyền sống. Thêm vào đó, các phương pháp sản xuất lương thực đòi phải chú ý đến sự phát triển và bảo vệ môi sinh. Ước muốn sở hữu và sử dụng một cách thái quá, bừa bãi các tài nguyên của trái đất chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy thoái môi sinh. Vì thế sự bảo vệ môi sinh chính là một thách đố thời sự để bảo tồn sự phát triển hài hòa, tôn trọng ý định sáng tạo của Thiên Chúa, và nhờ đó có thể bảo tồn trái đất.”

Sau bài diễn văn, ĐTC đã đích thân chào các vị quốc trưởng hiện diện, rồi trở về Vatican.

Trong ngày họp hôm 16-11-2009, Hội nghị thượng đỉnh đã đồng thanh thông qua tuyên ngôn trong đó cộng đồng quốc tế cam kết đẩy mạnh tiến trình ”chấm dứt ngay sự gia tăng con số người đói trên thế giới, đồng thời giảm bớt đáng kể số người thiếu dinh dưỡng”.

Tuyên ngôn khẳng định rằng: Để bài trừ nạn đói, có 5 hành động cần được thi hành, gọi là ”5 nguyên tắc Roma”: qui định việc đầu tư vào các chương trình phát triển nông thôn do mỗi chính phủ đề ra. Tiếp đến là thực hiện sự phối hợp kế hoạch ở bình diện quốc gia, miền và hoàn vũ, để cải tiến sự quản trị và cổ võ sự cung cấp các tài nguyên một cách tốt đẹp hơn. Nguyên tắc thứ ba là hoạt động trực tiếp để xóa bỏ nạn đói nơi các thành phần dân chúng dễ bị tổn thương nhất và chấp thuận những chương trình trung hạn và dài hạt để loại trừ những nguyên nhân sâu xa gây nên nghèo đói. Ngoài ra, cần củng cố sự cộng tác giữa các tổ chức khác nhau lo về an ninh lương thực, và nguyên tắc sau cùng là cần cảnh giác sao cho những lời hứa trợ giúp được thể hiện một cách cụ thể.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top