Đức Tổng giám mục Chrysostomos II: “Tôi tin tưởng một ngày kia chúng ta sẽ hiệp nhất”

Đức Tổng giám mục Chrysostomos II: “Tôi tin tưởng một ngày kia chúng ta sẽ hiệp nhất”

WHĐ (3.6.2010) – Nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến thăm đảo Chypre (4 – 6-6-2010), WHĐ xin giới thiệu lại bài phỏng vấn Đức Tổng giám mục Chrysostomos II về tương quan đại kết giữa hai Giáo Hội Công giáo và Chính thống. Bài phỏng vấn do Luigi Geninazzi thực hiện, đăng trên Avvenire ngày 28-10-2009. Bản dịch của Linh Tiến Khải.

Đức Tổng giám mục Chính thống giáo Chrysostomos II năm nay 69 tuổi, hiện là Tổng giám mục New Justiniana và toàn Cyprus. Ngài đã từng đến viếng thăm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Vatican hồi tháng 6 năm 2007. Trong chương trình tông du lần này, ĐTC Bênêđictô cũng sẽ gặp gỡ và ăn trưa với Đức Tổng giám mục Chrysostomos II .

***

Hỏi: Thưa Đức Tổng giám mục Chrysostomos, Đức Tổng giám mục thấy tình hình các tương quan giữa tín hữu công giáo và tín hữu chính thống hiện nay như thế nào?

Đáp: Trong 1000 năm qua chúng ta đã ở trong thế đối nghịch với nhau. Đã phải có cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng Phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hồi năm 1964 tại Giêrusalem để bắt đầu cuộc đối thoại bác ái. Nhưng ngày nay chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, là giai đoạn đối thoại thần học. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều dấn thân nhưng cũng hứng khởi.

Hỏi: Có một lịch trình để đi tới sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô hay không thưa Đức Tổng giám mục?

Đáp: Khi bắt đầu cuộc đối thoại thần học chúng tôi đã ý thức rằng mình đang bước vào không phải một con lộ lớn xuống dốc nhưng một con đường hẹp, gồ ghề và với các đoạn dốc không lên tới được. Mỗi bước tiến đều được bước đi với tất cả sự cân nhắc dè dặt. Nhưng tôi tin tưởng: có lẽ còn cần phải nhiều thập niên nữa chứ không phải chỉ vài năm là đủ, nhưng một ngày kia chúng ta sẽ hiệp nhất.

Hỏi: Đức Tổng giám mục thấy vai trò cá nhân của ngài và vai trò của Giáo Hội tại đảo Chypre như thế nào trong tiến trình đối thoại đại kết?

Đáp: Cả khi trên bình diện con số Giáo Hội chính thống tại đảo Chypre là một Giáo Hội bé nhỏ, nhưng hoạt động rất tốt. Chúng tôi là Giáo Hội đầu tiên nảy sinh tại Âu châu và điều này có một ý nghĩa rất lớn kể cả đối với ngày nay nữa. Mọi người đều thừa nhận gia tài này mà chúng tôi muốn biến thành một đóng góp tích cực cho nội bộ gia đình chính thống, không phải để chiếm hữu quyền bính nhưng trong tinh thần phục vụ Tin Mừng. Vì thế chúng tôi đã tiếp đón nhiều cuộc họp đại kết, chẳng hạn như phiên họp vừa qua của Ủy ban thần học hỗn hợp chính thống công giáo. Và với tinh thần ấy chúng tôi mời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tới viếng thăm đảo Chypre vào tháng 6 năm tới đây 2010.

Hỏi: Đức Tổng giám mục cũng đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đức Tổng giám mục thấy gương mặt của Đức Giáo Hoàng như thế nào?

Đáp: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một người hiểu biết thần học sâu rộng, không phải chỉ có truyền thống thần học tây phương mà cả truyền thống thần học đông phương nữa. Ngài là một tư tưởng gia rất lớn và đây là điều rất quan trọng không phải chỉ đối với tín hữu Công giáo mà đối với cả tín hữu Chính thống nữa. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các phán đoán của người đối với thế giới ngày nay.

Hỏi: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại đảo Chypre sẽ diễn ra như thế nào?

Đáp: Chúng tôi chưa có chương trình chi tiết. Chúng tôi chỉ biết là Đức Thánh Cha sẽ đến đảo Chypre vào tháng 6 năm tới. Ngài sẽ chủ sự một buổi cử hành phụng vụ quan trọng tại Nicosia, rồi sẽ viếng thăm Pafos, tại những nơi ghi dấu bước chân của thánh Phaolô. Cũng có thể là Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm miền bắc đảo Chypre bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và viếng thăm vài làng có đa số dân theo Công giáo.

Hỏi: Thưa Đức Tổng giám mục đây là ước muốn của Đức Thánh Cha hay đã có thỏa thuận nào đàng sau đó?

Đáp: Tôi không biết. Tôi có thể nói rằng có khả thể đó. Chúng tôi sẽ xem chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trả lời như thế nào.

Hỏi: Thưa Đức Tổng giám mục Chrysostomos, Đức Tổng giám mục đã dấn thân làm cho Tòa Thánh Vatican và Tòa Thượng Phụ Matxcơva xích lại gần nhau hơn. Thế kết qủa đã như thế nào?

Đáp: Tôi đã sẵn sàng làm trung gian cho một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Matxcơva. Dĩ nhiên là tôi sẽ chỉ nhận lãnh nhiệm vụ này nếu cả hai bên đồng ý. Nhưng khi tôi đến Matxcơva hồi năm 2008 tôi đã hiểu rằng sự can thiệp của tôi sẽ không được chấp thuận.

Hỏi: Đức Tổng giám mục có nghĩ rằng với Đức tân Thượng Phụ Nga Kirill, sẽ có các thay đổi hay không?

Đáp: Đức Thượng Phụ Kirill đang quyết liệt đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ của Giáo Hội chính thống Nga. Và tôi xác tín rằng các chướng ngại hiện còn đang cản ngăn một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Matxcơva sẽ mau chóng được vượt thắng.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top