Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki (Ba Lan): “Cuộc gặp gỡ giới trẻ Taizé châu Âu giúp người trẻ các giáo xứ xích lại gần nhau”

Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki (Ba Lan): “Cuộc gặp gỡ giới trẻ Taizé châu Âu giúp người trẻ các giáo xứ xích lại gần nhau”

WHĐ (5.01.2010) – Từ ngày 29-12-2009 đến ngày 02-01 năm 2010 vừa qua, tại Poznan (Ba Lan), đã diễn ra Cuộc gặp gỡ giới trẻ Taizé châu Âu lần thứ 32, với sự tham dự của 30.000 bạn trẻ đến từ các quốc gia châu Âu và một số đại biểu của những châu lục khác.

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Taizé châu Âu được tổ chức hàng năm theo sáng kiến từ năm 1978 của các tu huynh cộng đoàn Taizé.

30 năm trước, Thầy Roger, người sáng lập Cộng đoàn Taizé đã xác định mục đích của Cuộc gặp gỡ giới trẻ châu Âu Taizé là “một phần cuộc hành hương niềm tin trên trái đất.”

Các nơi đã từng được chọn làm địa điểm gặp gỡ giới trẻ Taizé: Paris, Barcelona, Luân Đôn, Rôma, Praha, Vienne, Munich, Budapest, Milan, Lisbonne, Zagreb, Genève.

Lần gặp gỡ thứ 32 vừa qua đã được tổ chức tại Ba Lan.

Nhân dịp kết thúc, phóng viên báo La Croix đã phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki, Tổng giáo phận Poznan.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn Đức TGM Stanislaw Gadecki của báo La Croix.

***

La Croix: Xin Đức cha cho biết vì sao lại tổ chức các Cuộc gặp gỡ giới trẻ châu Âu Taizé ?

 

Đức TGM Stanislaw Gadecki: Tổ chức Cuộc gặp gỡ giới trẻ châu Âu Taizé là một điều cần thiết! Chúng tôi thấy cần phải cung cấp cho các bạn trẻ một nguồn hy vọng, và cuộc gặp gỡ này sẽ thúc đẩy việc mang lại sự tươi mới cho niềm tin tưởng vào Giáo Hội của mình. Tại Ba Lan, những người trẻ tham gia các nhóm cầu nguyện theo kiểu đặc sủng hoặc hình thức cầu nguyện Taizé, chiếm một số lượng đông đảo, nhưng việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ ngày càng giảm đi. Do đó đây là một dịp duy nhất cho những người trẻ gặp nhau để cùng hướng đến lợi ích chung là đức tin. Thật vậy, niềm tin này càng thêm vững chắc khi được chia sẻ vào những thời điểm ấn tượng. Tôi thấy cuộc gặp gỡ này tạo thành một cơ sở và trở thành biểu tượng cho tương lai giáo phận của tôi, một giáo phận lâu đời nhất tại Ba Lan (1). Đây là một cơ hội mở ra cho những người trẻ, giúp họ có dịp tạo lực thúc đẩy sự phát triển của giáo phận Poznan, cái nôi đức Tin Kitô giáo của Ba Lan, và rộng hơn nữa, cho chính Ba Lan.
La Croix: Người trẻ Ba Lan còn cảm thấy họ vẫn có liên quan đến chủ đề về sự tự do, được Thầy Alois (Cộng đoàn Taizé) khai triển trong Thư Trung Hoa (2)?
Đức TGM Stanislaw Gadecki: Đất nước của chúng tôi đã thay đổi đáng kể từ ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ: lúc đó, tự do là khát vọng chung của mọi người. Hai mươi năm sau, người dân đã quen sống tự do, nhưng vẫn tự hỏi: có cần đi tìm tự do nội tâm, tự do tinh thần không? Đối với thế hệ trẻ, đó là một thách thức thực sự, bởi cần phải tìm một sự cân bằng giữa hằng hà sa số kiến giải trong thế giới đương thời. Rốt cục, ngày nay có vẻ như khó sống tự do hơn, bởi chủ nghĩa tiêu thụ ồ ạt chiếm lấy nhận thức của chúng ta. Mỗi người đều tự nhủ: Tôi có thể mua sắm mọi thứ... nhưng cuối cùng, tôi thực sự cần thứ gì?
La Croix: Theo Đức cha, hoa trái đầu mùa của Cuộc gặp gỡ này là gì?
Đức TGM Stanislaw Gadecki: Tôi hy vọng Cuộc gặp gỡ này sẽ thúc đẩy những người trẻ hăng hái tham gia các sinh hoạt của giáo xứ. Nếu sau cuộc gặp gỡ Taizé, những người trẻ không cảm thấy sự thu hút của các giáo xứ đối với mình, thì quả là một thất bại đối với các linh mục trong giáo phận của tôi. Các cha đã không tận dụng được cơ hội này để động viên người trẻ. Đối với các gia đình đón tiếp các tham dự viên, tôi hy vọng những trải nghiệm về lòng hiếu khách giúp họ nhận ra cốt lõi của Kitô giáo. Đó là được gặp gỡ tha nhân. Tôi tin sự hiếu khách chính là con đường dẫn đến đức Tin, và điều này phải trở thành hướng đi cho các giáo xứ của chúng tôi.
La Croix: Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn là một biểu tượng cho giới trẻ Ba Lan?
Đức TGM Stanislaw Gadecki: Chỉ cần xem bức tượng Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II dựng cách nhà thờ chính tòa vài bước. Chỉ trong 5 ngày diễn ra Cuộc gặp gỡ Taizé mà đã có hàng ngàn người trẻ đến đó chụp ảnh: Đức cố giáo hoàng thực sự là một biểu tượng cho thế hệ trẻ. Họ cần những chân dung tiêu biểu của đặc sủng ... và ngày nay, vẫn chưa có ai thay thế ngài. Đối với người Ba Lan, việc tôn phong ngài lên hàng chân phước đã là điều chắc chắn: đó chỉ là một sự công nhận chính thức những gì chúng tôi cảm thấy trong trái tim mình. Chúng tôi hoàn toàn không coi đó là phần thưởng! Trái lại là đằng khác! Chúng tôi coi đó là một lời mời gọi hãy noi gương ngài. Còn đối với Giáo Hội Ba Lan, đó chính là một lời kêu gọi phải canh tân. Cho nên chúng tôi không coi việc tôn phong Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II lên hàng chân phước là một mục tiêu phải đạt cho kỳ được.
La Croix: Cha Jerzy Popieluszko, người Ba Lan, vừa được công bố là vị tử đạo đáng kính. Cha Popieluszko có được dân Ba Lan tôn kính như Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II?
Đức TGM Stanislaw Gadecki: Sự nhất trí tán thành về con người của ngài thì có kém hơn: giới trẻ đã có cơ hội tái khám phá chân dung ngài qua một bộ phim nổi tiếng (3), nhưng đối với một số người, ngài vẫn chủ yếu là một nhân vật chính trị. Tuy nhiên, theo tôi, trước hết ngài là một chứng nhân Tin Mừng: các bài giảng của ngài không đơn thuần là những lời kêu gọi đấu tranh phản kháng, nhưng được trực tiếp khơi nguồn từ Lời Chúa. Ngài đã được công nhận là vị tử đạo đáng kính không chỉ vì những đau khổ ngài đã chịu, mà chính vì ngài đã triệt để trung thành với đức tin. Và ngày nay, giới trẻ cần đến tinh thần triệt để này.
Anna Latron ( Poznan) thực hiện
Gia Kỳ dịch từ La-croix.com

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top