Dựng phim theo hướng “cho kẻ đói ăn” và “yên ủi kẻ âu lo”
TGPSG -- “Làm sao chúng ta còn có thể lừng khừng dửng dưng trước những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của anh chị em chúng ta!... “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!”… Ngoài việc “cho kẻ đói ăn”, các môn đệ Chúa Kitô còn có bổn phận “yên ủi kẻ âu lo”. Nỗi lo âu kéo dài tạo nên áp lực tâm lý rất lớn, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi buông xuôi, thậm chí thất vọng. Có những người trong gia đình chào nhau đi cách ly, nhưng sau thời gian ngắn, người ở nhà nhận lại chỉ còn là một hũ tro. Trong những ngày qua, đã có nhiều người tuyệt vọng tự tìm đến cái chết. Xin quí cha và anh chị em chủ động gọi điện thoại thăm hỏi khích lệ những người đang đau khổ. Quí cha hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm sự của những người không còn biết bám víu vào đâu.”
‘Cho kẻ đói ăn’ và ‘yên ủi kẻ âu lo’
Những lời trên đây của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã tha thiết vang lên khi dịch bệnh Covid ngày càng gia tăng sức hoành hành tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều giáo xứ và dòng tu đã hết sức nỗ lực “cho kẻ đói ăn”, “yên ủi kẻ âu lo” và tham gia ra tuyến đầu chống dịch.
Riêng trong Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn, 14 nhóm truyền thông cấp giáo hạt vẫn tổ chức các buổi họp linh đạo online hằng tháng để có thể đều đặn trao đổi với nhau về những gì cần làm trong tháng. Trong những buổi họp rất thân tình này, sau khi chia sẻ Lời Chúa dưới sự chủ trì của linh mục trưởng ban, các thành viên truyền thông hỏi thăm nâng đỡ tinh thần của nhau, tìm cách giúp đỡ nhau cách cụ thể, an ủi và cầu nguyện cho các thành viên đang gặp khó khăn hoạn nạn, nhắc nhở nhau thực hiện những biện pháp chống dịch và tự bảo vệ mình, rồi góp ý đề xuất những gì cấp thiết cần làm trong thời gian dịch bệnh. Có những thành viên truyền thông ra sức bảo vệ sức khỏe của mình trong khi vẫn không ngần ngại hằng ngày tham gia xét nghiệm Covid cho cộng đồng, bỏ tiền túi ra để trực tiếp thăm viếng tặng quà nhiều nơi, tham gia đội khuân vác đồ cứu trợ đến các gia đình khó khăn… Trong buổi họp, có những thành viên chia sẻ quyết định gắn trước cửa nhà mình câu “Cần thực phẩm, cứ bấm chuông, cứ gõ cửa!”
Trong lãnh vực chuyên môn truyền thông của mình, họ nhắc nhau thực hiện các bản tin bằng chữ viết, hình ảnh, audio, video… gửi về cho web giáo phận hoặc đăng trên các trang mạng của giáo xứ, đoàn thể, cá nhân… để quảng bá và khích lệ những hành động quảng đại, yêu thương, giúp đỡ và phục vụ trong nỗ lực chống dịch.
Họ cũng đóng vai trò liên lạc và điều phối chủ yếu trong việc thực hiện những bộ phim giới thiệu giáo xứ, khi dịch bệnh chưa quá nặng nề. Họ khích lệ nhau hoàn tất những gì còn dang dở, như biên tập các phim ngắn chưa làm xong, viết thêm những kịch bản mới, thực hiện những tác phẩm phim truyện nho nhỏ mà diễn viên là chính các người thân trong nhà.
Nhờ những gì đã tiếp thu được trong các khóa Mục vụ Truyền Thông, họ cũng cố gắng thể hiện lập trường truyền thông của Giáo Hội trong những giao tiếp hằng ngày và sống linh đạo truyền thông để thực hiện khát vọng nên thánh của mình. Họ khuyến khích nhau loan báo và chia sẻ Tin Mừng trên mạng xã hội cách khôn ngoan và cẩn trọng, nhắc nhở nhau đăng bài trong tinh thần tôn trọng công bằng, bác ái, sự thật, tôn trọng bản quyền…
Riêng những nhân viên của văn phòng truyền thông thì nỗ lực ngày đêm, thực hiện trực tuyến Thánh lễ và Chầu Thánh Thể, cung cấp các chuyên mục đáp ứng nhiều nhu cầu hiểu biết cần thiết, dưới nhiều dạng khác nhau của trang web và mạng xã hội. Hiện nay đã có 18 chuyên mục như thế trên trang web của Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Học hỏi nghiên cứu truyền thông trong thời Covid
Và để gia tăng khả năng thông truyền Tin Mừng, ngay trong thời dịch bệnh này, các thành viên truyền thông vẫn khích lệ nhau dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức truyền thông, bằng cách tham gia các khóa học online cấp quốc tế cũng như quốc nội. Đã có 26 thành viên Việt Nam đăng ký và nhận được chứng chỉ tham dự khóa TOT (Training of Trainers programme on Cineliteracy) online bằng tiếng Anh do cơ quan Signis Asia tổ chức từ 14 đến 18-6-2021.
Cũng trong nỗ lực giúp các thành viên truyền thông học hỏi - để có những kiến thức chuyên sâu hơn, có thể nhận định chính xác hơn khi xem những phim cần thiết, cũng như phấn khởi cùng nhau thực hiện những video hoặc phim ngắn có nghệ thuật nhiều hơn, nhằm truyền tải hữu hiệu hơn các giá trị Tin Mừng - chuyên mục ‘Phim Truyện Công Giáo’ của trang web TGP Sài Gòn đã tham khảo các giảng khóa TOT bằng tiếng Anh và nhiều nguồn có giá trị, để lần lượt đưa ra những bài viết thích hợp hơn bằng tiếng Việt, giúp người đọc khao khát đào sâu nhiều hơn về:
- Chủ thuyết (theories) và chủ đề điện ảnh (themes) trong nỗ lực loan báo Tin Mừng
- Chủ đề điện ảnh (themes) và nội dung Tin Mừng
- 24 khâu thiết yếu (crafts) của quá trình làm phim truyện
- Quay phim (cinematography) trong nỗ lực đi vào thực tại Giêsu
- Dựng phim (editing & montage) theo chiều hướng của Giáo hội hiện nay
- Ánh sáng, âm thanh, mỹ thuật và dàn cảnh (mis-en-scene) cho một bộ phim Công giáo
- Lịch sử Điện ảnh và các bộ phim Giêsu trong từng thập niên
- Vai trò của liên hoan phim Công giáo…
Riêng trong bài viết này, đề tài muốn đặc biệt được đề cập đến là “Dựng phim theo chiều hướng ‘cho kẻ đói ăn’ và ‘yên ủi kẻ âu lo’”...
Thực ra, những nỗ lực trên đây còn rất nhỏ nhoi so với những gì cần phải làm, và cũng còn nhiều thành viên MVTT, vì một số lý do, chưa tham gia vào những sinh hoạt chung này. Nhưng dù sao cũng hy vọng bài viết này sẽ giúp người đọc thêm say mê sử dụng các phương tiện truyền thông để có thể ‘yên ủi kẻ âu lo’, từ đó có thêm bản lĩnh thiêng liêng mà cộng tác với nhau trong nỗ lực ‘cho kẻ đói ăn’.
Dựng phim (editing): tạo nhịp điệu, nhịp độ và cao trào cho bộ phim
Muốn đánh giá một cảnh quay (shot) trong phim truyện, người xem phim phải có những kiến thức sâu rộng về việc quay phim (cinematography). Và muốn đánh giá một nhóm cảnh quay (scene) hay một chuỗi cảnh quay (sequence) trong phim truyện, thì người xem phim phải có thêm những kiến thức sâu rộng về việc dựng phim (editing).
Dựng phim là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình làm phim. Người dựng phim (editor) phải tạo ra nhịp điệu (rhythm) và nhịp độ (pace) cho chuỗi cảnh phim (sequence) sao cho phù hợp với diễn biến của truyện phim.
Không có quy tắc cố định nào phải theo để tạo ra nhịp độ và dòng chảy cho các chuỗi cảnh trong phim. Việc dựng phim cách thông minh sẽ rất giống với một người đang kể lại một câu chuyện hấp dẫn: người dựng phim phải làm theo bản năng của mình và tự mình biết được khi nào nên tăng tốc cho những cảnh quay và khi nào thì đạt đến cao trào, để giúp khán giả hiểu được truyện phim và có những cảm xúc theo nhịp độ mình mong muốn. Như thế, người làm phim còn phải đóng vai trò của khán giả để biết họ sẽ cảm nhận như thế nào về bộ phim.
Phần mềm dựng phim
Những phần mềm dựng phim phổ biến hiện nay là: Adobe Premiere Pro CC, DaVinci Resolve, Final Cut Pro X. Khi mua bản quyền của những phần mềm này, ta sẽ nhận được những hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể để có thể sử dụng các kỹ thuật của chúng trong việc dựng phim.
Định nghĩa Dựng phim (Editing)
Từ điển dictionary.com định nghĩa Edit (Dựng phim) là “Soạn phim/video bằng cách xóa, sắp xếp, ghép nối, đồng bộ hóa bản ghi âm với phim...”
Việc Dựng phim có thể được định nghĩa bằng công thức: Cảnh quay (Shot) < Nhóm cảnh quay (Scene) < Chuỗi cảnh quay (Sequence) = Dựng phim (Editing).
Cảnh quay (Shot) được định nghĩa là một khúc phim ngắn được quay liên tục, không gián đoạn.
Nhóm cảnh quay (Scene) là một đơn vị bao gồm nhiều cảnh quay (shots) được cắt, và được nối lại với nhau. Nhóm cảnh quay có thể là bất cứ diễn biến nào đạo diễn muốn, chẳng hạn như: một người vào phòng, trò chuyện với người trong phòng, rồi rời khỏi phòng.
Chuỗi cảnh quay (Sequence) là một số nhóm cảnh (scenes) được kết hợp lại với nhau, có thể chiếm một tỷ lệ lớn của bộ phim khi chuỗi cảnh kết thúc.
Quy trình dựng phim
Nhà dựng phim phối hợp chặt chẽ với đạo diễn khi họ thực hiện công việc của mình trong quá trình làm việc hậu kỳ của đoàn làm phim. Đây là công việc đòi hỏi lao động cật lực và căng thẳng khi muốn làm xong đúng thời hạn. Đầu tiên, nhà dựng phim phải xem xét các góc nhìn của tất cả các máy quay khác nhau đã được sử dụng cho một cảnh quay (shot) cụ thể, để chọn ra được những cảnh quay đẹp nhất cho một nhóm cảnh (scene). Việc này khởi sự cho một quá trình tổ chức dựng phim.
Quá trình tổ chức dựng phim sẽ gồm các giai đoạn khác nhau, tương tự như khi một ký giả viết một bài báo: lên ý tưởng, viết bản nháp thô, chỉnh sửa và sau đó tạo phiên bản cuối cùng. Một nhà dựng phim cũng thường thực hiện công việc của mình qua 4 giai đoạn: nhập và lắp ráp các cảnh quay, cắt ghép bản thô đầu tiên, chỉnh sửa chính yếu và cắt ghép sau cùng.
Trước hết, khi đã nhập và lắp ráp các cảnh quay xong, nhà dựng phim sẽ xem và nghe tất cả các cảnh quay vừa nhập. Trong một cuốn sổ, nhà dựng phim ghi lại nhận định của mình về tất cả các cảnh quay này và viết ra bất kỳ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu, với những ‘mã thời gian’ được ghi lại trên các cảnh quay để liên kết chúng lại. Đối với một bộ phim dài, bản lắp ráp đầu tiên này sẽ là một phiên bản đơn giản, bao gồm tất cả các ‘cảnh quay rộng (toàn cảnh)’ được xâu chuỗi lại với nhau, tức là bao gồm các phần tối thiểu để có thể trở thành một câu chuyện, giúp nhà dựng phim hiểu được tổng thể bộ phim trước khi chú ý đến từng chi tiết cụ thể.
Sau đó là cắt ghép tạo ‘bản thô đầu tiên’. Nhà dựng phim đưa từng nhóm cảnh (scene) vào làm việc qua tất cả các bước để tìm ra chất liệu tốt nhất, phù hợp nhất. Các nhóm cảnh (scenes) có thể được cắt ghép theo bất kỳ thứ tự nào, để chúng có thể tự hoạt động. Khi nhà dựng phim đã có một ‘phiên bản nhóm cảnh’ (version of a scene) hoạt động tốt rồi, phiên bản đó sẽ được đưa vào lắp ráp với các nhóm cảnh khác, từ đó việc cắt ghép dần dần trở nên phức tạp. Nhà làm phim tiếp tục ghi lại tất cả các lựa chọn của mình. Trong phần cắt ghép thô, âm thanh cũng được đưa vào cho đồng bộ với hình ảnh của nó. Nhà làm phim sẽ bắt đầu tắt tiếng hoặc xóa những phần âm thanh không cần thiết, còn các âm thanh bổ sung thì chưa được chèn vào trong giai đoạn này. Đoạn ‘cắt ghép thô đầu tiên’ này được hoàn thành khi từng nhóm cảnh (scene) đã được xem xét riêng lẻ và được chỉnh sửa. Lúc này nhà dựng phim nên tạm dừng để xem lại liên tục đoạn phim thô vừa cắt ghép, và ghi chú những gì muốn thay đổi.
Kế tiếp là thực hiện ‘bản chỉnh sửa chính yếu’ để mong sau đó sẽ đạt được ‘bản cắt ghép hoàn chỉnh cuối cùng’. Nhà dựng phim nỗ lực phát hiện các vấn đề riêng lẻ của từng nhóm cảnh (scene) và xét xem các vấn đề ấy phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Các hiệu ứng âm thanh và âm nhạc chính yếu đã có thể được đưa vào ở giai đoạn này, và độ phức tạp sẽ tăng lên. Nhà dựng phim tiếp tục lưu lại từng phiên bản. Không thể biết chắc khi nào sẽ có được phiên bản hoàn chỉnh, nhưng thường là khi nhà dựng phim cảm thấy từng ý tưởng đã được triển khai đầy đủ. Khi đó, nhà dựng phim nên mời một số người khác đến xem để có những nhận xét khách quan hơn.
Cuối cùng, việc ‘cắt ghép hoàn chỉnh’ sẽ là quá trình đưa ra được khung hình (frame) chính xác hoàn hảo cho từng phần chỉnh sửa đơn lẻ trong phim, và đảm bảo rằng mỗi khoảnh khắc trong phim đều trôi chảy mượt mà hết mức có thể. Sau khi phiên bản ‘cắt ghép hoàn chỉnh’ được chấp thuận, bộ phim được ‘niêm phong’ lại, không còn thay đổi nào khác nữa: giai đoạn hậu kỳ cùng với công việc của nhà dựng phim đã hoàn tất.
Quy trình dựng phim như vậy cũng giống như bất kỳ công việc sáng tạo nào khác, luôn cần phải xem đi, xem lại để phát hiện các lỗi còn tồn đọng ở đâu đó cho đến khi đạt sự hoàn chỉnh tối đa.
Cách thức dựng phim
Quá trình dựng phim như trên chính là việc cắt sửa, lắp ghép các cảnh quay (shots) và các nhóm cảnh (scenes) với nhau theo những cách thức thích hợp được kể ra dưới đây:
- Continuity Editing (Tạo sự liên tục)
Đây là cách thức cắt ghép sao cho mọi thứ được tương hợp với nhau từ cảnh quay này sang cảnh quay khác. Ví dụ, nếu có một cô gái đang uống dở ly nước trong cảnh quay này thì trong cảnh quay kế tiếp, cô vẫn đang tiếp tục uống ly nước đó, hoặc ít nhất là đang cầm ly nước đó trong tay.
- Cross Cuts / Parallel Editing (Nối ghép chéo / Dựng phim song song)
Trong cách thức này, người dựng phim đưa vào hai hoặc nhiều cảnh quay khác nhau, diễn ra ở các địa điểm khác nhau, và sắp xếp chúng theo một cách đặc biệt nào đó để tạo sự hồi hộp. Ví dụ: người dựng phim cho thấy nhân vật chính lên xe, sau đó đưa vào một cảnh quay khác cho thấy nhân vật phản diện bước ra khỏi xe. Mô hình biên soạn song song này liên tục diễn ra để thêm phần hồi hộp và hấp dẫn cho câu chuyện.
- Cutaway (Cắt ngang)
Một cảnh quay cắt ngang là sự cắt đứt đột ngột từ đối tượng này để sang ngay một đối tượng khác nhằm thu hút sự chú ý đến đối tượng vừa mới xuất hiện. Cách thức cắt ghép này có thể được sử dụng cho hầu hết mọi mục đích, từ kinh dị, hù dọa đến hài hước, trong một tình huống trớ trêu, gây bất an...
- Dissolve (Chồng mờ)
Một trong những cách thức cắt ghép phổ biến nhất là ‘chồng mờ’: hình ảnh của một nhóm cảnh này được chồng mờ lên hình ảnh của nhóm cảnh sắp đến. Cách thức này có thể được sử dụng khi: muốn khán giả suy ngẫm về những gì vừa xảy ra, muốn tạo ra sự tương đồng, muốn đối chiếu giữa các nhóm cảnh với nhau, hay muốn ám chỉ thời gian đang trôi qua…
- Fades (Mờ dần)
Fades (mờ dần) khá giống với dissolve (chồng mờ), nhưng có mục đích rất khác. Với sự mờ dần - chuyển dần sang trắng hoặc sang đen - một nhóm cảnh đã kết thúc, và không giống như kiểu cắt (cut) truyền thống, đây là một kiểu kết thúc dứt khoát.
- J & L Cut (Cắt ghép kiểu J và L)
Đây là cách thức cắt ghép trong cùng một đường dây kể chuyện, sử dụng âm thanh và hình ảnh để thu hút sự chú ý của khán giả. Cắt ghép J là khi âm thanh từ nhóm cảnh tiếp theo xâm nhập vào nhóm cảnh hiện tại trước khi người xem biết được âm thanh ấy phát ra từ đâu. Cách thức cắt ghép L thì ngược lại: âm thanh từ nhóm cảnh trước vẫn còn khi người xem đã thấy hình ảnh của nhóm cảnh tiếp theo. Hai cách thức này thường được sử dụng trong các cảnh trò chuyện để giữ cho mọi thứ trở nên thú vị và ít bị gò bó.
- Jump Cut (Cắt nhảy)
Rất phổ biến trong trào lưu điện ảnh “Làn Sóng Mới” của Pháp, cách thức ‘Cắt nhảy’ (Jump cut) tạo ra sự mất liên tục giữa các cảnh quay. Được gọi là những cú cắt nhảy vì ‘các cảnh quay của cùng một cảnh quay’ dường như đã nhảy vào bộ phim trước thời gian. Cách thức này đơn giản chỉ là để giảm bớt thời gian của một bộ phim bằng cách loại bỏ những phần không cần thiết trong một cảnh quay.
- Match Cut (Cắt ghép tương hợp)
Một trong những cách thức cắt ghép nổi tiếng và phổ biến hiện có là Match Cut (Cắt ghép tương hợp), khiến cho một nhóm cảnh mới mang các yếu tố từ nhóm cảnh trước. Ví dụ, nếu có một nhóm cảnh cho thấy một chiếc bánh rán, thì trong nhóm cảnh tiếp theo, khán giả có thể trông thấy một chiếc bánh mì tròn: hình dạng giống nhau, đối tượng khác nhau. Đó cũng có thể là đường chân trời của thành phố vào ban ngày, ngay lập tức được cắt ghép với đường chân trời đó vào ban đêm.
- Montage (Dựng phim kiểu Nga)
Cách thức dựng phim Montage (kiểu Nga) đã được Eisenstein đưa ra vào năm 1925 với 5 kiểu thức nổi tiếng:
- Dựng phim theo chiều dài (Metric Montage): nhấn mạnh đến độ dài như nhau của các cảnh quay làm gia tăng sự căng thẳng.
- Dựng phim theo nhịp điệu (Rhythmic Montage): nhấn mạnh đến tính liên tục và hướng chuyển động của các nhân vật, khắc họa những xung đột khi sử dụng các hướng chuyển động đối nghịch cũng như sự đối lập của các phần khác nhau trong khung hình. Ví dụ, trong chuỗi ‘Các bước Odessa của Potemkin (1925)’, những người lính diễu hành xuống các bậc thang từ một góc phần tư của khung hình, được nối tiếp với những người cố gắng thoát thân từ phía đối diện của khung hình.
- Dựng phim theo cảm xúc (Tonal Montage): nhấn mạnh đến diễn biến cảm xúc của nhân vật trong suốt quá trình sự kiện diễn ra nơi một bối cảnh. Ví dụ, trong ‘chuỗi cảnh quay Odessa Steps’, cái chết của người mẹ trẻ trên các bậc thang và chuỗi xe nôi theo sau đã làm nổi bật chiều sâu cảm xúc đầy bi kịch của vụ thảm sát.
- Dựng phim bên trên cảm xúc (Overtonal Montage): phối hợp cả 3 lý thuyết dựng phim theo chiều dài, theo nhịp điệu và theo cảm xúc, nhằm tạo ra hiệu ứng mong muốn nơi khán giả. Ví dụ, trong chuỗi cảnh quay Odessa Steps, kết quả của vụ thảm sát nhắm đến phải là sự phẫn nộ của khán giả, dựa trên sự lạm dụng sức mạnh áp đảo của quân đội và sự bóc lột những người dân bất lực.
- Dựng phim theo trí tuệ (Intellectual Montage): nhấn mạnh việc đưa các ý tưởng vào một trình tự có tính cảm xúc cao. Ví dụ, một chuỗi cảnh quay của bộ phim Tháng Mười (1928) mô tả chính trị gia George Kerensky đang leo lên các bậc thang cách nhanh chóng, giống như cách thức ông lên nắm quyền cách nhanh chóng sau khi Sa hoàng sụp đổ. Xen kẽ với đường đi lên của ông là những bức ảnh của một con công cơ học đang tự rỉa lông cách tự mãn.
- Shot/Reverse Shot (Cảnh quay xuôi / ngược)
‘Cảnh quay xuôi / ngược’: đây là một trong những cách thức chỉnh sửa phổ biến nhất. Khi hai người đang nói chuyện với nhau, nhưng lại được ghi hình từ 2 máy quay đặt ở 2 phía khác nhau thì luôn có một câu hỏi cần được đặt ra: “Cảnh quay của máy nào sẽ ngược với trục diễn xuất?”
Câu trả lời sẽ dựa trên quy tắc 180 độ. Quy tắc 180 độ là kim chỉ nam làm phim, hướng dẫn mối quan hệ không gian giữa hai nhân vật trong phim. Quy tắc này đưa ra một trục diễn xuất tưởng tượng - một đường thẳng nằm ngang 180 độ ở tầm mắt của hai nhân vật, hoặc của một nhân vật và một đối tượng. Khi nhà quay phim luôn giữ máy quay ở một bên của trục diễn xuất, các nhân vật trong cảnh quay sẽ duy trì được mối quan hệ trái / phải với nhau, giữ cho không gian của cảnh quay luôn có trật tự và dễ theo dõi. Nhưng khi máy quay di chuyển qua phía bên kia của trục diễn xuất - được gọi là ‘vượt vạch (crossing / breaking the line)’ - cảnh quay của máy sẽ tạo ra hiệu ứng mất phương hướng và mất tập trung cho người xem. Những cảnh quay ‘vượt vạch’ sẽ đổi chiều nhìn của nhân vật (khi quay riêng nhân vật này theo hướng ngược lại) khiến người xem có cảm tưởng như người này đang nhìn vào gáy người kia khi nối kết với một cảnh quay ‘không vượt vạch’.
Để chữa lỗi này, phải cần đến một ‘cảnh quay trung lập’. Đấy là một cảnh quay trực tiếp ngay bên trên trục diễn xuất, nghĩa là cảnh quay trực tiếp sau đầu của diễn viên - hoặc quay thẳng vào khuôn mặt của họ. Khi làm điều này, trục diễn xuất đã được đặt lại vì máy quay không còn nằm một bên của trục nữa. Ví dụ trường hợp thực hiện phim trực tuyến Thánh lễ trong nhà thờ, khi đang sử dụng cảnh quay của máy bên phải - ghi hình đoàn đồng tế từ cuối nhà thờ đi lên, nhà dựng phim muốn tiếp tục công việc bằng cách lấy cảnh quay từ máy ở phía bên trái, thì trước đó phải đưa vào một cảnh quay trung lập - quay ở giữa, bên trên đầu của đoàn đồng tế.
Nhà dựng phim cũng sẽ vi phạm quy tắc 180 độ (ngược chiều diễn xuất) khi ghép liền nhau 2 cảnh quay có cùng một nhân vật với cỡ cảnh và góc quay giống nhau, nhưng hậu cảnh lại khác nhau. Người xem sẽ bị mất phương hướng khi theo dõi nhân vật này: không xác định được nhân vật trong cảnh quay này đích thực đang ở đâu, chuyển động về hướng nào… Vì thế, khi thay đổi bối cảnh thì cũng phải cung cấp cảnh quay trung lập - cho thấy diễn viên ra khỏi khung hình cũ - và sau đó là một cảnh quay trung lập khác - cho thấy diễn viên đi vào khung hình mới với bối cảnh mới. Đây là trường hợp xảy ra khi vừa muốn trực tuyến Thánh lễ trong nhà thờ, lại vừa muốn thêm cảnh giáo dân dự lễ ngoài sân nhà thờ. Đang trình chiếu một cảnh trong nhà thờ mà ngay sau đó muốn đưa lên một cảnh dự lễ ngoài sân nhà thờ, thì phải có một cảnh quay rộng làm trung gian - ghi hình ảnh một người đang từ trong nhà thờ đi ra ngoài sân, hoặc ít nhất phải có hình cửa ra vào đi liền với một cảnh rộng ghi hình mọi người ở sân nhà thờ, sau đó mới đưa lên những cảnh chi tiết ở sân nhà thờ. Kế tiếp, khi muốn quay trở lại khung cảnh trong nhà thờ thì cũng phải có một cảnh quay rộng làm trung gian như thế. Bằng không, người xem sẽ nghĩ rằng mọi cảnh đó đều diễn ra trong nhà thờ, từ đó sẽ gây ra nhiều thắc mắc về nơi chốn cũng như hướng nhìn của các nhân vật… Trong trường hợp này, những người quay phim có bổn phận phải cung cấp những cảnh quay trung gian, để nhà dựng phim có những cảnh quay thích hợp mà cắt nối phim cho đúng trục, đúng chiều, không vi phạm quy tắc 180 độ.
Dựng phim mượt mà
Dựng phim thường là một quá trình tốn nhiều thời gian cho những thử nghiệm, tìm những chỗ sai sót rồi hoàn chỉnh bộ phim cách mượt mà, nên luôn cần đến một số mẹo hữu ích như dưới đây để giúp giảm bớt thời gian dựng phim:
- Làm cho gọn ghẽ. Nên cắt bỏ những đối thoại dài dòng, những cảnh quay không cần thiết làm chậm nhịp phim.
- Che giấu vết cắt nối bằng chuyển động: Một cách dễ dàng để đạt được sự chuyển tiếp liền mạch giữa các cảnh quay, đó là cắt nối khi có chuyển động trên màn hình - chẳng hạn như khi có cú đấm cú đá trong cảnh chiến đấu, hoặc khi có chuyển động nhanh của máy quay - như một động tác lia ngang nhanh (whip pan).
- Tránh cắt âm thanh và video đồng thời với nhau: Không nên cắt ghép sang cảnh quay khác vào đúng thời điểm âm thanh dừng lại. Nếu một nhân vật vừa nói xong, bạn ngay lập tức nối ghép với cảnh quay có hình nhân vật đối diện, bạn sẽ làm cho khán giả chú ý đến đoạn cắt ghép đó, tạo ra cảm giác thiếu trôi chảy, thiếu mượt mà. Vì thế, hãy để cho âm thanh đối thoại được bắt đầu một chút trước hoặc sau khi cắt nối hai hình ảnh với nhau.
- Sử dụng các đoạn nối ghép âm thanh để đạt được hiệu ứng mạnh mẽ. Ví dụ, trong Apocalypse Now (1979), Francis Ford Coppola đã kết hợp âm thanh của cánh máy bay trực thăng với âm thanh quạt trần để diễn tả nhân vật Willard không thể thoát khỏi ký ức chiến tranh của mình.
- Củng cố mục đích của nhóm cảnh quay (scene). Dựa vào ý nghĩa cốt yếu của nhóm cảnh quay (scene) để thêm hay bớt cảnh quay (shot). Ví dụ: trong nhóm cảnh quay quả bom hẹn giờ, người dựng phim có thể nâng cao sự hồi hộp bằng cách thường xuyên quay lại cảnh quay có hình ‘bộ đếm ngược’ của quả bom hẹn giờ.
- Sử dụng kết nối nhân quả giữa cảnh quay này với cảnh quay kế tiếp. Các kết nối nhân quả có thể gây ra sự hồi hộp hấp dẫn, vd. đưa vào một cảnh quay cho thấy đôi mắt của một nhân vật từ từ mở to ra rồi sợ hãi nhìn chằm chằm vào thứ gì đó ngoài khung hình; sau đó kết nối với một cảnh quay cho thấy nguồn gốc của nỗi kinh hoàng ấy.
- Sử dụng cảnh chèn để tiết lộ thêm thông tin: Sau một cảnh rộng làm chủ đề (vd. một người bị sát hại), cần chèn thêm các cận cảnh (vd. các manh mối tại hiện trường) giúp khán giả hiểu sâu thêm chủ đề. Các cảnh chèn này vừa gia tăng sự đa dạng, vừa giúp chuyển mạch giữa các nhóm cảnh khác nhau.
- Sắm màn hình thứ hai. Khi dựng phim chỉ trên một màn hình, màn hình sẽ trở nên chật chội và rất dễ lãng phí thời gian khi phải liên tục di chuyển qua lại giữa các cửa sổ. Vì thế, nên có thêm màn hình thứ hai, cung cấp thêm không gian màn hình để tách dòng thời gian chỉnh sửa khỏi các thư mục tệp âm thanh và video.
Kết luận
Những gì được trình bày trên đây chỉ là một cái nhìn tổng hợp thoáng qua về việc dựng phim đầy phức tạp. Điều muốn nói ở đây là: Công việc cắt nối các cảnh quay của nhà dựng phim khiến ta liên tưởng đến việc nối kết các biến cố của đời mình. Nhiều biến cố đã đi qua, đang diễn ra và sắp xuất hiện trong đời ta, để cuối cùng khi ra trước tòa Chúa, ta sẽ trình diện trước Chúa: toàn thể đời mình - với mọi biến cố vui buồn - như trình bày một tác phẩm, trình lên Chúa ‘bộ phim đời mình’. Trong bộ phim đời mình ấy, ta đã nối kết các biến cố đời mình như thế nào, theo hướng nào, có theo chiều hướng của Tin Mừng không?
Nhóm biến cố đang diễn ra trong hiện tại đời ta chính là đại dịch Covid. Ước gì ta có thể nối kết nhóm biến cố này vào toàn thể đời mình theo hướng ‘yên ủi kẻ âu lo’ và ‘cho kẻ đói ăn’. Mẹo số 7 ở trên đề nghị nhà dựng phim, sau một cảnh rộng làm chủ đề, cần chèn thêm các cận cảnh giúp khán giả hiểu thêm về chủ đề. Vậy, nếu cảnh rộng (toàn cảnh) của 'bộ phim đời ta' trong hiện tại là 'đại dịch Covid', ta sẽ chèn những 'cận cảnh' nối tiếp có nội dung ‘yên ủi kẻ âu lo’ và ‘cho kẻ đói ăn’.
Riêng các thành viên truyền thông thì có thể thực hiện điều này khi cùng nhau cộng tác vào việc chống dịch và nâng đỡ người khác trong cuộc sống hằng ngày. Những hoạt động yêu thương trong thời Covid này đã được ghi lại trong những video mang tính phóng sự tường thuật rất quý giá, khích lệ tinh thần của rất nhiều người. Trong thời gian giãn cách, các thành viên truyền thông cũng có thể dùng khả năng chuyên môn của mình để soạn thảo những kịch bản phim ngắn có kịch tính đơn sơ, quay những phim nho nhỏ với diễn viên là những người trong nhà mình, rồi dựng những phim nho nhỏ theo chiều hướng tốt đẹp của Tin Mừng: chiều hướng ‘cho kẻ đói ăn’ và ‘yên ủi kẻ âu lo’. Các tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ đó sẽ giúp ích rất nhiều cho chính gia đình của họ được phấn khởi khi bị giãn cách, đồng thời việc phổ biến các tác phẩm đơn sơ ấy cũng rất hữu ích trong việc mang lại niềm tin và hy vọng cho một xã hội đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch. Và hy vọng rằng việc hoàn thành nhữrng tác phẩm nho nhỏ này cũng sẽ dẫn đến khả năng thực hiện những tác phẩm nghệ thuật lớn hơn trong tương lai. Mong thay…!!!
Vi Hữu (TGPSG) tổng hợp và biên soạn
bài liên quan mới nhất
- Nhân vật Giêsu trong các phim Tin Mừng
-
Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh -
‘Từ Nô lệ đến Linh mục’: Sân khấu & Điện ảnh -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch -
Phim ngắn: ‘Yên ủi kẻ âu lo’ và ‘Hiểu lầm’ -
Loan báo Tin Mừng: Phim không chỉ là ảo ảnh -
Bế tắc dịch bệnh trong ‘Bộ phim đời mình’ -
Chủ đề điện ảnh và nội dung Tin Mừng -
Phim truyện ngắn thời Covid: Những vòng tay ấm
bài liên quan đọc nhiều
- Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới
-
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Nhà làm phim 20 tuổi giành giải thưởng phim dài 1 phút về hôn nhân -
Phim ngắn 2 phút mô tả sức mạnh từ gương sáng của người cha -
Xem phim thời Covid: Hòm Bia Giao Ước bị thất lạc -
Phim truyện ngắn thời Covid: Những vòng tay ấm -
Phim hoạt hình một phút nói về tình phụ tử -
Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch -
Làm phim Công giáo, truyền cảm hứng và truyền giáo