Đường vào phương pháp Linh thao theo Thánh I - Nhã
WGPSG -- Sáng Chúa nhật 22.6.2014, nhiều người đã đến nhà nguyện Đắc Lộ (quận 3 TP.HCM) thuộc cộng đoàn dòng Tên, tham dự buổi chia sẻ về phương pháp cầu nguyện, do Linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, SJ, 44 tuổi, Tiến sĩ Thần học về Linh thao tại Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh dòng Missouri, Hoa Kỳ.
Chia sẻ
Đầu tiên, linh mục hướng dẫn cộng đoàn nhắm mắt thinh lặng để hồi tâm. Gạt bỏ những lo toan bên ngoài để nhớ lại những câu Tin Mừng đánh động bản thân trong bài Phúc Âm mới nghe. Cái gì giúp mình cầu nguyện sốt sắng? Điều gì khiến mình khó cầu nguyện? Những bài Thánh ca có câu chữ nào, giai điệu nào ghi dấu ấn cho mình nhớ luôn? Khuôn mặt nào, hình ảnh nào được lưu lại khi mọi người ra về?
Linh mục mời cộng đoàn nối tiếp dòng suy nghĩ, thở đều và thả lỏng người, sử dụng các giác quan để cảm nhận cuộc sống. Hãy sờ vào bàn tay của chính mình để chạm được những nỗi đau buồn, đổ vỡ, gánh nặng gia đình hằn in trên đấy... Lắng đọng những ưu tư trong lòng và tâm tình với Chúa. Vai mệt mỏi hãy tựa vào và nghỉ ngơi trong Chúa, “Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Khi để Lời Chúa thấm sâu vào lòng, tự hỏi Chúa muốn mời gọi mình điều gì? Tiếng nói đó không nằm trong đầu mà len lỏi vào tim, vào trong lòng mình. Thành thật trải lòng mình riêng với Chúa. Để rồi sau đó, không cảm thấy hối tiếc, không cảm thấy ân hận điều gì.
Khi chia trí trong Thánh lễ cũng là lúc cùng Chúa đi vào đời sống. Dâng lên Thiên Chúa cả cái đẹp, cái chưa đẹp của cuộc đời. Theo linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, Thiên Chúa có mặt, Ngài len lỏi ngay cả trong giới tính, tình dục của các bạn trẻ. Mọi linh đạo đều bắt đầu từ ý thức rằng mình đang ở đâu, mình đang làm gì, mình muốn Chúa đồng hành. Cái tốt, cái hay, cái chưa tốt là cá vị của mình đối với Chúa. Đi nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ là thể hiện quan hệ cá vị với Chúa Kitô. Nhà thờ là nơi con người tìm được sự bình an tâm hồn. Ý thức nghe tiếng Chúa yêu thương, gặp hình ảnh người Cha mời gọi mình bước đến trong phẩm vị là Con Thiên Chúa.
Nguyên lý nền tảng của linh thao có 3 điểm chính: 1. Dừng lại, thinh lặng bên trong, đánh động cá vị, thành thật bỏ hết những giác quan vui buồn. 2. Hồi tâm suy gẫm những việc mình đã làm, đã gặp. 3. Nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa đang yêu thương mình. Từ đó, xác tín rằng: Chúa luôn đồng hành, luôn làm việc trong mọi sự của cuộc sống. Thánh I-nhã còn nhắc: Cần “Can đảm và Quảng đại” khi linh thao. Can đảm làm những việc mà bình thường ta không dám làm. Quảng đại với chính bản thân mình để dám thay đổi, để hướng đến một tinh thần mới, trưởng thành trong Đức Tin.
Linh mục hướng dẫn còn giới thiệu những hình ảnh, những tình huống thực tế trong cuộc sống và trao đổi với cử tọa để giúp mọi người hiểu “Linh thao” theo phương pháp đơn giản là: “Sáng cầu nguyện dâng ngày. Cuối ngày ôn lại cuộc sống vui buồn vừa qua. Sắp xếp lại đời sống mình với Chúa là trọng tâm” mà tín hữu nào cũng có thể làm được.
Thánh lễ
Trước đó, vào lúc 7g30, cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Linh mục Antôn Phạm Trung Hưng chủ tế. Đồng tế có linh mục Vinhsơn Đinh Trung Nghĩa và linh mục Giuse Ngô Chữ, SJ. thuộc Tỉnh dòng California.
Chia sẻ sau bài Tin Mừng, linh mục Antôn Phạm Trung Hưng giới thiệu hình ảnh bàn tay nói lên biểu tượng của con người. Từ bàn tay trẻ nhỏ, bàn tay nam thanh nữ tú, rồi tay mẹ chăm sóc con qua bao thăng trầm, tay cha chai cứng lao động nuôi con, cho đến tay cụ già nhăn nheo theo dòng thời gian... Nhìn vào bàn tay là nhìn vào chính con người, toát lên được cuộc sống thường ngày. Khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, người tín hữu đưa bàn tay nhận bánh đã hóa thân thành Mình Thánh Chúa Kitô, đáp lời “Amen” để xác tín rằng mình đang đón nhận Chúa vào lòng, khiến mình trở nên bàn tay và thân thể của Chúa Kitô. Qua đó, Chúa Kitô luôn tiếp tục sống động với cuộc đời. Ngài dẫn ta đi đến những nơi đang đau khổ, đưa tay giúp những thân thể khác, can đảm sờ vào và giúp người bé mọn, dám nắm lấy những bàn tay của người không có tiếng nói trong xã hội... Là thân thể của Chúa Kitô, chúng ta trở nên sự hiện diện sống động, đích thực của thân thể của Chúa Kitô trong xã hội hôm nay.
Trước khi bước vào phần hiệp lễ, linh mục chủ tế mời cộng đoàn nhắm mắt lại, dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện trước khi trở về lại với đời sống thường ngày. Nhờ được thông hiệp với Mình Thánh Chúa Kitô, Người sẽ hướng dẫn đôi chân, bàn tay, cặp mắt, trái tim mỗi người tín hữu trở nên hình bóng Chúa Kitô trong gia đình, cộng đoàn và xã hội. “Xin Chúa cho tất cả những người đang đói khát được có cơm bánh và nước uống. Còn chúng con là những người sắp dùng bữa, xin cho chúng con được đói khát chính Ngài”. Lời nguyện của người Tây Ban Nha được linh mục giảng thuyết chọn làm câu kết của bài chia sẻ Tin Mừng đã giúp mọi người cảm nhận được sự cần thiết kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, đặc biệt trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12