Gia đình MVTT hạt Gò Vấp: Hành hương kỷ niệm một năm tuyên hứa
WGPSG -- Trong tâm tình hân hoan đón mừng lễ Chúa Thăng Thiên, kính Đức Mẹ trong tháng Hoa, mừng bổn mạng của Truyền thông Giáo phận Sài Gòn, và kỷ niệm một năm Truyền thông Gò Vấp tuyên hứa nhận nhiệm vụ: 27/4/2011, thứ Năm ngày 26/04/2012, Truyền thông Gò Vấp cầu nguyện tạ ơn và đi hành hương họ đạo Ba Giồng, nơi Thánh tử đạo Phêrô Lựu - Cha sở Ba Giồng, Mỹ Tho đã chịu án chém với 27 giáo dân khác. Sau đó, đoàn đã đến với Đức Mẹ La Mã, Bến Tre. Trong chuyến đi, anh em đã chia sẻ và nhắc nhở nhau về công việc của truyền thông mà mỗi người đã cùng thề hứa; cầu nguyện với Cha Thánh, các Thánh Tử đạo Việt Nam, đặc biệt cùng quỳ dưới chân dung Đức Mẹ hằng cứu giúp La Mã để khấn xin Mẹ nhận lời cầu chuyển đến Ba Ngôi Thiên Chúa tâm tình và ý nguyện của mỗi anh em Truyền thông Gò Vấp.
Thành quả đáng quan tâm của chuyến hành hương là Truyền thông Gò Vấp học hỏi thêm và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn trong công việc truyền thông.
1. Đến với Ba Giồng, Mỹ Tho:
Vị trí:
- Giáo dân đa số thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Số còn lại rải rác trong các xã Tân Hội Đông, Tân Hòa Thành, Tân Hương, Tân Lý Tây (huyện Châu Thành), Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phú Mỹ (huyện Tân Phước).
- Dân số: 60.000
- Số Giáo dân: 1.581
- Số gia đình công giáo: 452
- Cha Sở đương nhiệm: Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang
- Điện thoại: 073-3831232
Lược sử Giáo xứ
- Giáo phận Mỹ Tho thành lập năm 1960 nhưng người Công giáo sống ở vùng này đã có từ thời các linh mục thừa sai truyền giáo ở Việt Nam. Có thể nói Ba Giồng là một họ đạo cổ xưa nhất của Giáo phận Mỹ Tho tồn tại đến ngày hôm nay.
- “Bản tường trình của linh mục F. Demarcq, Thừa sai Tông Tòa, năm 1911” còn lưu giữ tại họ đạo, đã xác định sự hiện diện từ rất sớm của họ đạo Ba Giồng: “Do tính cách lâu đời của nó, họ đạo này đáng đứng chỗ nhất, còn tất cả các họ đạo khác mới có khá gần đây”.
- Theo tài liệu “27 vị Tử Đạo tại Ba Giồng của linh mục H. Hamon thuộc Hội Thừa Sai Paris, trong Missions Catholiques, năm 1882, quyển 14, có nhắc tên gọi của họ đạo như sau: Về hướng Đông Bắc Sài Gòn, thuộc tỉnh Mỹ Tho, có một cánh đồng lầy rộng lớn. Vào mùa mưa lớn, cánh đồng ấy biến thành một hồ nước mênh mông. Ở lối vào đầm lầy này, nước cuốn dồn cát lại như tạo cho mình một rào chắn không thể vượt qua nổi. Với thời gian, những đụn cát ấy cao dần lên trên ba giồng cát mà dòng nước đã bồi lên, giữa một rừng tre có ngọn cao, tạo thành một vành đai xanh, đó là xóm nhỏ Ba Giồng. Giữa xóm có một ngôi nhà lớn, trên mái ngói có dựng cây Thánh Giá nổi bật là nhà thờ của họ đạo. Dân cư ở đây không giàu sang cũng không túng quẫn, nếp sống của họ rất bình dị. Hầu như mọi người sống bằng lao động của đôi bàn tay. Thế nhưng họ có một kho báu mà họ coi trọng hơn mọi của cải giàu sang, đó là “kho báu đức tin”.
- Theo những lời truyền tụng chắc chắn, vào khoảng năm 1700 (Canh Thìn) hoặc 1702, dưới triều đại Minh Vương (1691) ra dụ cấm đạo Thiên Chúa, chừng 20 ghe biển của tín hữu Kitô, âm thầm rời Phú Yên, rời xa bờ biển An Nam, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô hữu. Những gia đình trốn lánh cuộc bắt đạo và trẩy về hướng Nam Kỳ. Chúa quan phòng dẫn họ đến trước con sông cái, giữa Gò Công và Chợ Lớn, do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại kết thành. Ghe ngược dòng sông này cho tới chỗ bắt đầu đồng cỏ lát rộng lớn, và dừng lại ở miệng con rạch gọi là Rạch Chanh. Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư trên bờ con rạch này. Và ghe trở về Phú Yên rước thêm các gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại đem theo những Kitô hữu khác còn đông hơn nữa. Nhưng gần sông quá, ghe thuyền quan lớn đi lại thường xuyên nên có lần họ bị bắt và bị cầm tù. Tất cả các Kitô hữu khác khiếp sợ vội vã rời khỏi nơi ấy để đi sâu vào rừng, cho tới chỗ Ba Giồng ngày nay và lập cư tại đó. Nhưng rất có thể, dân cư đã trở lại đạo từ một thời xa xưa. Các cụ già thường chỉ cho con cháu những ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ, mà tất cả đều là những người Công giáo. Tại đất thánh họ đạo nay còn một vài mộ chí niên đại 1663 – 1664 và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ nho đã lu mờ không thể đọc được.
- Giáo xứ Ba Giồng đã trải qua biết bao cảnh thăng trầm: Năm 1783 anh em nhà Tây Sơn đã tìm đến đây tìm vua Gia Long, và đã nổi giận chém giết 150 người giáo dân tại đây. Rồi thời vua Minh Mạng, vào năm 1836, quan quân Triều Nguyễn cũng đã truy quét họ đạo Ba Giồng và đã tàn sát trên dưới 1700 người. Đến triều đại vua Tự Đức, cha sở họ đạo lúc đó là cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cũng đã bị chém đầu tại Mỹ Tho năm 1861, và sang năm sau, 1862, họ đạo bị tàn sát, lần này có 25 người đàn ông đã tuyên xưng đức tin tại chợ Củ Chi, cách Ba Giồng khoảng 2 cây số. Xác 25 vị này đã được chôn tại một nơi gần đó mà người ta vẫn truyền tụng cho đến ngày hôm nay, gọi là gò Chết Chém. Cùng với 25 người đã tuyên xưng đức tin cách công khai, có 2 người cũng bị chém đầu khi trốn chạy. 10 năm sau Cha Hamon vâng lệnh Đức Cha Miche lo việc cải tang hài cốt các Vị Tử Đạo về an táng tại đất thánh Ba Giồng ngày 18 tháng 06 năm 1872.
2. Đến với Đức Mẹ La Mã, Bến Tre:
Vị trí: Nhà thờ La Mã nằm trên địa bàn ấp Bàu Dơi, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nhà thờ La Mã cách thành phố Bến Tre khoảng 26 km về phía hạ nguồn sông Hàm Luông. Nhà thờ La Mã hiện nay là một họ đạo nhỏ, có khoảng 350 giáo dân, chưa có nhà xứ.
Nhà thờ La Mã trực thuộc giáo hạt Bến Tre, giáo phận Vĩnh Long.
Đường đi hiện nay khá thuận tiện. Từ Mỹ Tho đến Bến Tre đã có cây cầu Rạch Miễu, thay cho những chuyến phà xa xăm. Nhà thờ La Mã nằm trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Huyện Giồng Trôm nằm ngay giữa cù lao Bảo. Phía Tây giáp thành phố Bến Tre, phía Đông giáp huyện Ba Tri, phía Bắc và phía Nam được bao bọc bởi hai con sông Ba Lai và sông Hàm Luông.
Từ thành phố Bến Tre đi ra hướng Đông theo tỉnh lộ 885, là đường xuống hai huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri.
Từ thị trấn Giồng Trôm, đi thêm 5km nữa là tới một ngã ba có địa danh là Sơn Đốc. Từ ngã ba Sơn Đốc quẹo phải vào tỉnh lộ 887, trước đây còn gọi là “lộ số 5”, đi thêm khoảng 300m thì quẹo trái để vào chợ Sơn Đốc. Từ chợ Sơn Đốc đi thêm 2km nữa thì đến nhà thờ La Mã. Ngã ba Sơn Đốc, chợ Sơn Đốc, nhà thờ La Mã đều thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Xã Hưng Nhượng giáp ranh với huyện Ba Tri, trong lịch sử có thời gian xã nầy thuộc quận Ba Tri, hiện nay vào nhà thờ La Mã chỉ có xe từ 16 chỗ trở xuống mới vào tận cổng nhà thờ, các phương tiện lớn hơn phải đậu tại bãi ngoài chợ, khách hành hương phải đi xe ôm vào.
Cha sở đương nhiệm: Tôma Trần Quốc Hùng
Điện thoại: 075-3642379
Lược sử Giáo xứ - (Nguồn: Trang Web GP Vĩnh Long)
La Mã là tên Đức Cha Phêrô Ngô đình Thục đặt cho một Họ Đạo mới được thành lập năm 1949, trước kia gọi là Bầu Dơi, thuộc làng Hiệp Hưng, tỉnh Bến Tre, miền Tây Nam Việt Nam. Bầu Dơi là một cánh đồng u minh đầy sông rạch, quanh năm ngập lụt, chỉ lưa thưa mấy xóm nhà lá nông phu nghèo nàn.
Vì chiến cuộc, nên bổn đạo Sơn Đốc kéo xuống Bầu Dơi lánh nạn. Một đêm trời tối, ông Biện Nguyễn Văn Hạt lẻn về Nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng kiếng về gửi tại nhà người con là anh Nguyễn Văn Thành.
Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quân đội Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, nhà anh Nguyễn Văn Thành bị phá và bức ảnh Đức Mẹ bị mất.
Ba tháng sau, một bà lão theo đạo Cao Đài tên là Võ Thị Liềng đi xúc cá tình cờ gặp được bức ảnh dưới một con rạch. Bức ảnh còn đủ kiếng, nhưng đã phai hết mầu, không còn hình dáng gì hết, chỉ toàn mầu bùn lầy lấm lem. Bà lão tri hô nên và nhiều người xúm lại. Họ biết đó là bức ảnh gởi nhà anh Thành. Anh Thành nhận bức ảnh đem về, nhưng vì lem luốc nên dùng để che sương nắng nơi vách nhà thủng rách. Ông Biện Hạt thấy vậy, sợ bất kính nên đem bức ảnh về nhà mình đặt trên tủ bàn thờ dưới tượng Thánh Tâm.
Lễ Đức Mẹ Mân côi, ngày 7 tháng 10 năm 1950, Bầu Dơi lại một lần nữa chìm trong khói lửa, dân làng chạy trốn hết. Nhà ông biện Hạt cũng bị bắn phá tan nát, nhưng ông và người con út tên Trọng, mười bốn tuổi, không kịp chạy nên đành nằm núp dưới vách lá sau tủ thờ. Hai cha con kêu cầu Đức Mẹ luôn miệng. Sau cơn bố ráp, ông Hạt và con trai chạy ra thấy cột kèo xiêu đổ, nhà bị đạn xuyên tứ phía, duy có bàn thờ là không sao. Hai cha con thoát chết đến trước bàn thờ cám ơn Đức Mẹ. Ôi lạ quá! Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn ba tháng đã phai nhạt hết, nay phút chốc lộ hình ra tốt đẹp và xinh tươi lạ lùng, ngoại trừ hai mũ triều thiên thì đến ngày 15 tháng 8 năm 1951 lễ Đức Mẹ Mông Triệu mới lộ rõ. Dân làng tuôn đến xem sự lạ đều sửng sốt.
Các giáo hữu bàn tán rất sôi nổi về bức ảnh lạ nhiều người đem lòng tin. Cha Luca Sách, cha sở Họ Cái bông dè dặt rước bức ảnh về Nhà thờ họ Cái Bông. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, sau khi đã trang hoàng lại Nhà Thờ, bổn đạo rước Đức Mẹ về lại La Mã cách trọng thể, có cả tín đồ các giáo phái khác cùng tham dự.
Tiếng lành đồn xa, giáo hữu các nơi đua nhau đến kính viếng Đức Mẹ. Nhiều ơn lạ đã được thông ban. Một ngôi thánh đường khang trang mọc lên giữa vùng đồng chua nước mặn. Một bầu không khí đạo hạnh bao phủ khắp miền, minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện đầy tình mẫu tử yêu thương của Đức Mẹ.
Trong ba ngày khánh hạ (ngày 11, 12, 13 tháng 1 năm 1957), năm vị Giám mục, hằng trăm linh mục và tu sĩ, hàng vạn giáo hữu và rất nhiều người vị vọng đã đến chầu Đức Mẹ. Người hành hương ra về, lòng tràn ngập niềm tin tưởng vô biên vào lòng từ ái vô cùng của Đức Mẹ. Nhiều đồng bào bên lương cũng được Đức Mẹ ban trợ các ơn lành hồn xác, vì thế đã có nhiều người xin tòng giáo. Họ đạo La Mã trước đây chỉ vỏn vẹn có năm mươi nhân danh mà nay đã tăng lên hơn năm trăm.
Mẹ thật là Nữ Vương Việt Nam.
(Trích từ mục: Đức Mẹ La Mã , trang 299-301, trong Từ Điển Đức Mẹ)
Giờ lễ:
• Chúa nhật và Lễ trọng: 10g00
• Thứ bảy đầu tháng và ngày 13: 10g: Giờ kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu giúp và Thánh lễ
Các ngày Truyền thống:
- 5/5: Tìm được Đức Mẹ thất lạc
- 7/10: Đức Mẹ lộ hình trên linh ảnh (có Đức Giám Mục và Quý cha đồng tế)
• Lễ Đức Mẹ hằng cứu giúp: 27/6 – Bổn mạng nhà thờ La Mã
- 10g00: Thánh lễ đồng tế.
bài liên quan mới nhất
- Billie Eilish: Nội dung khiêu dâm khiến tôi bị tổn thương sâu sắc
-
ĐTC trao huân chương giáo hoàng cho hai nhà báo -
Đức Hồng y Bo sẽ khai trương Ứng dụng điện thoại di động mới của Đài Chân Lý Á Châu -
Văn hóa và Bác ái khi sử dụng Mạng Xã Hội -
ĐTC gửi sứ điệp tới 5.600 nhà truyền thông Công giáo Brazil -
ĐTC Phanxicô thăm trụ sở Vatican News và báo Quan sát viên Roma -
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 55: Những ấn tượng đọng lại -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 55 tại Sài Gòn -
Tín hữu Hoa Kỳ được mời gọi quyên góp giúp hoạt động truyền thông của Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều
- Kết quả Tổng điều tra dân số 2019
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Người Công giáo trong tầm ngắm của Big Tech -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ứng dụng đọc Kinh Mân Côi điện tử “Click to Pray eRosary” -
Thánh lễ tạ ơn 'Thập niên truyền thông' của Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn -
Ủy Ban TTXH / HĐGMVN chúc tết ĐGM Phêrô - thành viên Bộ Truyền Thông Tòa Thánh -
Phát hiện các tin tức giả