Giám mục Nicholas Shi Jin Xian Dòng Augustinô qua đời tại Trung Quốc

Giám mục Nicholas Shi Jin Xian Dòng Augustinô qua đời tại Trung Quốc

Tin tức từ Zenit - Rôma, ngày 17 tháng 9 năm 2009 cho biết, Đức Giám mục Nicholas Shi Jin Xian đã qua đời vào ngày thứ tư (17.9.2009), tại Shangqui, thọ 88 tuổi. Ngài là tu sĩ cuối cùng của Dòng Thánh Agustino “Hồi Tâm” (HTNA) đã làm việc ở Trung Quốc trước khi Cộng Sản lên nắm chính quyền.

Dòng của Ngài khẳng định, chính Đức Giám mục Shi “sau nhiều thập niên bị hành hạ và cô lập, đã khôi phục đời sống đạo ở Giáo phận của ngài và mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền nhân dân.”

Bắt đầu nhiệm vụ

Đức Giám mục Nicholas Shi sinh năm 1921, ngay 3 năm trước khi HTNA bắt đầu đến vùng Truyền giáo Henman (ngày nay là Shangqui)

Ngài gia nhập Tiểu Chủng viện Dòng Thánh Augustinô tại thành phố quê hương của Ngài và khấn dòng ngày 16.01.1940. Sau khi học triết học và thần học. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 29.7.1948.

Một thời gian ngắn sau khi cha Shi được thụ phong, các tu sĩ Tây Ban Nha bị trục xuất khỏi Trung Quốc và các tu sĩ bản xứ bị giải tán hoặc bị đưa đến các trại tập trung.

Sau đó không lâu, cha Shi được chỉ định làm vị Đại diện Giám mục, cho đến cuối cùng, Ngài bị cấm thực hành bất kỳ công việc mục vụ nào.

Ban đầu, ngài trở thành một chuyên gia về nhãn khoa, nhưng sau đó ngài bị chuyển đến nhà máy gạch, làm việc trong ba năm để “được cải tạo”. Sau đó, ngài bị cầm tù hai năm và phải sống trong điều kiện vô cùng khổ sở cùng với sự khinh miệt của chính quyền.

Tuy nhiên, trong bí mật, ngài không ngừng công việc mục vụ, vẫn kiên trì mạo hiểm thăm những gia đình Công giáo và cử hành các buổi phụng vụ một cách kín đáo. Ngay cả những lính canh giữ cũng rất kính trọng phẩm chất cao đẹp của ngài.

Sự nắm quyền của Đặng Tiểu Bình và cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1979, đã giúp các linh mục có được “giấy chứng nhận phục chức”. Ngài được phân công dạy tiếng Anh, một công việc ngài làm cho đến khi nghỉ hưu.

Không lâu sau, ngài tìm cách liên lạc với HTNA bằng cách gửi thư đến nhiều nơi ở Manila mà ngài còn nhớ khi còn trẻ. Việc liên lạc đã bị trì hoãn từ cả hai phía: cha Shi không chắc Dòng còn tồn tại, ngài được thông báo trong những lần bị tra tấn về mặt tâm lý rằng, Dòng đã không còn; các thành viên của Dòng thì lại nghĩ rằng không biết có còn tu sĩ ở Trung Quốc nào còn sống hay không.

Tái xây dựng

Sau khi nghỉ dạy học, ngài trở lại Shangqui vào năm 1980 để cống hiến trọn đời mình cho công việc mục vụ. Ngài đã thành công trong việc điều đình với chính quyền nhân dân để họ hoàn trả những đồ dùng của Giáo Hội mà họ đã tịch thu từ năm 1948. Ngài tái lập giáo xứ và liên lạc với những tu sĩ Augustin còn sống ở Trung Quốc sau khi bị giải tán. Ngài cũng bắt đầu tiếp những tu sĩ nước ngoài khi người ngoại quốc được phép du lịch ở Trung Quốc.

Sau nhiều năm miệt mài đàm phán với chính quyền nhân dân, cuối cùng ngài đã được cho phép hình thành những cộng đoàn Dòng tu trong Giáo phận của ngài. Năm 1991, ngài được phong Giám mục.

Dòng Thánh Augustinô đã khẳng định rằng: “Đức Giám mục Nicholas Shi xứng đáng được một vị trí danh dự trong lịch sử của Dòng và trong Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Tính khiêm nhường, thận trọng, khả năng ứng xử và sự khôn ngoan của ngài đã giúp ngài duy trì được mối quan hệ căng thẳng nhưng đầy kính trọng đối với chính quyền. Hình ảnh của ngài đã thu hút rất nhiều đồng bào đến với Giáo hội Công giáo và đời sống tu trì.”

“Ngài có một đời sống nội tâm sâu xa, đức tin vững vàng, và sự thông minh lạ thường. Dù chưa bao giờ ra khỏi Trung Quốc, ngài vẫn viết được bằng tiếng La Tinh, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và có khả năng dịch những văn bản quan trọng. Khi ngài liên lạc được với tu sĩ Tây Ban Nha đầu tiên, sau 40 năm không hề nói, nghe hay đọc một chữ Tây Ban Nha, ngài vẫn không gặp một chút khó khăn nào trong việc viết thư và báo cáo bằng ngôn ngữ này với sự hoàn hảo đáng kinh ngạc. Tình yêu của ngài dành cho HTNA – nơi mà Ngài đã được huấn luyện, đã thuộc về và đã tái lập tại Giáo phận của ngài, với sự thăng hoa rực rỡ trong đời mục vụ - là một nét đặc trưng mà các thành viên Dòng Thánh Agustinô luôn ghi nhớ và biết ơn.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top