Giáo chức Công Giáo: Gặp gỡ tháng 9-2013
WGPSG -- Sáng Chúa nhật 1/9/2013, tại lầu 2 Nhà Truyền Thống thuộc TTMV Tổng Giáo phận Sàigòn, hơn 20 giáo chức đã họp mặt dưới sự hướng dẫn của linh mục đồng hành Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Trung tâm Mục vụ. Buổi gặp gỡ chia làm 2 phần: phần 1 học tập thảo luận về Tuyên Ngôn Giáo Dục số 7-12; phần 2 cử hành phụng vụ Thánh lễ Chúa nhật 22 C Thường niên.
Phần 1: Thảo luận về Tuyên Ngôn Giáo Dục
Bằng lối nói lôi cuốn thuyết phục, cha Phêrô đã trình bày về sự hiện diện của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục từ gia đình đến ngoài xã hội và phận vụ cao quý của giáo viên Công giáo trong một xã hội không có trường Công giáo.
1. Trong gia đình, cha mẹ là người có trách nhiệm chăm lo giáo dục cho con cái mình về phương diện luân lý và tôn giáo. Họ phải được tự do trong việc lựa chọn trường học. Chính quyền phải quan tâm thực thi nguyên tắc phân bố công bình để phân chia những ngân khoản tài trợ chung sao cho cha mẹ có thể được thực sự tự do lựa chọn trường học cho con cái theo lương tâm. Mọi hình thức độc quyền trong lãnh vực học vấn đều trái nghịch với quyền tự nhiên của con người.
Giáo hội ý thức sâu xa trọng trách chăm lo giáo dục tất cả con cái mình về phương diện luân lý và tôn giáo. Giáo hội hiện diện nơi các trường không Công giáo qua chứng từ đời sống của các giáo viên và Ban Giám hiệu, qua hoạt đông tông đồ trong khối học sinh. Giáo hội trợ giúp cha mẹ qua tác vụ giảng dạy giáo lý của các linh mục và giáo dân. Các bậc cha mẹ hãy luôn nhớ cho con cái được hưởng những trợ giúp thiêng liêng ấy, để luôn thăng tiến nhờ nền giáo dục Kitô giáo được kết hợp đồng bộ với giáo dục học đường. Cũng cần lưu tâm dạy các giá trị truyền thống dân tộc.
2. Về mặt xã hội, Giáo hội hiện diện đặc biệt trong lãnh vực học đường. Tại Việt Nam, chúng ta không có trường Công giáo nhưng có cả một đội ngũ giáo lý viên và giáo viên Công giáo ở tất cả các khối Mầm non, Tiểu học, Trung học, Cao đẳng, Đại học, Trường Chuyên biệt, Trường Chuyên nghiệp. Đội ngũ này phải được chuẩn bị thật chu đáo để lãnh hội những khoa học đạo đời, được chứng thực bằng những văn bằng tương xứng, và có nhiều kiến thức sư phạm phù hợp với những khám phá tiến bộ của thời đại. Giáo viên Công giáo ngoài việc truyền dạy kiến thức, còn phải dạy học sinh tính cởi mở, biết hoạt động hữu hiệu cho thiện ích của xã hội trần thế, và chuẩn bị cho các em biết phục vụ để mở rộng Nước Chúa. Nhờ đó, bằng đời sống gương mẫu và tinh thần tông đồ, các em trở nên như men cứu rỗi giữa cộng đồng nhân loại.
3. Hãy nghe Thánh Công Đồng khuyên bảo giáo chức:
“Các giáo viên, khi liên kết với các bạn đồng nghiệp cũng như với học sinh trong tình bác ái, và được thấm nhuần tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho vị Tôn sư duy nhất là Chúa Kitô bằng cả cuộc sống và lời giảng dạy. Mong rằng các thầy cô luôn biết cộng tác với nhau, nhất là với các bậc phụ huynh; trong suốt tiến trình giáo dục, hãy biết cùng nhau quan tâm đúng mức đến sự khác biệt và ơn gọi riêng do Chúa Quan Phòng đặt định cho từng phái tính nam nữ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.
Đối với học sinh, giáo chức cần:
“Chú tâm khuyến khích học sinh biết tự mình làm việc, và cả khi đã hoàn tất học trình, hãy tiếp tục đồng hành với các em bằng lời khuyên bảo, với tình thân hữu… Phận vụ các giáo viên đang thi hành chính là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta… Thánh Công Đồng khuyên nhủ những người trẻ hãy ý thức giá trị cao quý của phận vụ giáo dục, hãy sẵn sàng quảng đại nhận lãnh trách nhiệm này… nỗ lực nâng cao trình độ… để không những giúp tăng cường cuộc canh tân bên trong Giáo hội, mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện đầy phúc lộc của Giáo hội trong thế giới ngày nay, đặc biệt trong lãnh vực tri thức”.
Trong phần kết luận, Cha Phêrô mời gọi các thầy cô hãy can đảm chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng nơi môi trường giáo dục, đặc biệt can đảm khuyến khích ơn gọi cho Giáo hội.
Phần 2: Phụng vụ Thánh lễ
Sau phần trao đổi và giải lao, cộng đoàn cử hành phụng vụ Thánh lễ. Lời Chúa hôm nay nêu cao đức khiêm nhường. Nếu chỉ bằng một từ để nói về Đức Thánh Cha Phanxicô, quý thầy cô sẽ dùng từ nào? Cha Phêrô đặt câu hỏi. Rất nhiều từ được đưa ra, trong đó có: khiêm nhường, đơn sơ, yêu thương, phục vụ… nhưng có một từ quan trọng nhất, đó là lòng thương xót. Thế giới ngày nay cần lòng thương xót của Chúa để có thể sống bình an và hạnh phúc. Nghi lễ, cơ cấu chặt chẽ không đảm bảo bình an và hạnh phúc thật cho người Kitô hữu cũng như cho Giáo hội. Con người cần cư xử với nhau bằng chính tình thương của Thiên Chúa, sống bằng Lời Chúa. Đó cũng chính là nguồn gốc của mọi cải tổ cơ cấu trong Giáo hội. Một câu hỏi khác: “Thế nào là người hèn mọn?” Thưa, đó chính là người mà người ta không thấy có một cảm giác sợ sệt nào khi đối diện với họ. Vậy, hãy trở nên “người hèn mọn” trước mặt Chúa và anh em cho dù có giữ bất cứ một vai trò nào trong xã hội. Có gần gũi, có dễ tiếp xúc với người khác, thì mới dễ loan truyền tình thương của Chúa cho mọi người.
Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 11g30 trong tinh thần phấn khởi của những chứng nhân được Chúa sai đi vào môi trường giáo dục với quyết tâm chu toàn nhiệm vụ của một nhà giáo trong năm học mới sắp bắt đầu, như một sứ giả Tin Mừng theo lời bài hát kết lễ: “Chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây. Loan tin, loan tin Chúa Trời yêu thương loài người…”
Hẹn gặp lại vào Chúa nhật 15-9 để giáo chức - đặc biệt giáo chức hưu trí - làm mới lại kiến thức giáo lý của mình qua chương trình Giáo lý Dự Tòng trong 12 buổi gặp gỡ dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12/2013.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12