Giáo chức Công giáo TGP: Tĩnh tâm Mùa vọng với chủ đề "Buông"

Giáo chức Công giáo TGP: Tĩnh tâm Mùa vọng với chủ đề "Buông"

WGPSG -- “Bao lâu chưa làm mới môi trường tâm linh, bấy lâu chưa thể xây dựng một môi trường mới cho chính mình và xã hội. Vọng chờ như một chút tĩnh lặng. Vọng chờ như một điểm dừng. Vọng chờ như một khoảnh khắc mở để đón ai đó đang gõ cửa nhè nhẹ, đang thì thầm lời mời; để gặp ai đó đang hẹn hò… đang đợi chờ…”.

Đó là lời mời gọi của cha Đồng hành Giuse Trần Anh Thụ khai mạc cho buổi tĩnh tâm Mùa Vọng của Giới Giáo Chức sáng Chúa nhật 27/11/2016 tại Dòng Thánh Phaolô với chủ đề “Buông”.

Khoảng 80 thầy cô các cấp đã tham dự. Gợi ý cho chủ đề “Buông”, cha nói: Người ta thường quen nghĩ rằng tĩnh tâm là đến để nghe giảng, nhưng hôm nay, các thầy cô được mời gọi lắng đọng tâm hồn để cảm nhận một chút đau khi mình bị loại bỏ, khi mình đã loại bỏ; khi bị giằng co và xâu xé nát tan cõi lòng giữa chọn hay bỏ, giữ hay buông; khi mình mở lòng ra để đón nhận một ai đó, để gặp một ai đó…

Rồi quý thầy cô chia thành 5 nhóm nhỏ chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm “đau đớn” của bản thân về “loại bỏ”; những giằng co của bản thân về “từ bỏ” và những cảm nghiệm về “đón nhận”. Có cô ngậm ngùi xót xa cho 3 học trò của mình năm xưa vì học yếu đã bị loại trừ, nay trở thành 3 tên tử tội. Nếu các học sinh yếu kém không bị loại trừ để đảm bảo thành tích chung của nhà trường thì xã hội hôm nay đã tốt hơn nhiều. Có thầy bị giằng co giữa lựa chọn bỏ nghề hay nên chấp nhận những qui định trái khoáy với lương tâm để ở lại môi trường giáo dục. Cái khó nhất là buông chính bản thân để mở lòng ra cho những cái cao đẹp được bước vào. Buông bỏ những thói quen xấu đã biến thành rào cản cho đời sống tâm linh.

Thánh lễ đồng tế do cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ và cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP long trọng cử hành. Trong bài giảng lễ Vhúa nhật I Mùa Vọng A, cha Giuse Viễn nhấn mạnh vào niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng đã hứa một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường”(Is 2,4-5). Đức tin Kitô giáo bao hàm như một đường nét thuộc về căn tính, đó là niềm mong chờ Chúa lại đến. Đánh mất đường nét này, Kitô giáo sẽ biến thành đạo luân lý, hoặc đạo siêu thoát mà không còn là lịch sử ơn cứu độ. Thái độ tỉnh thức chỉ có thể chân chính khi người Kitô hữu vững tin (dựa vào quá khứ) và khát vọng (mơ đến tương lai). Dĩ nhiên điều ấy chỉ có thể trở thành hiện thực trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất cho nhân loại.

Thánh lễ kết thúc, các thầy cô chụp hình lưu niệm chung và chia sẻ bữa ăn tuy đơn sơ nhưng thấm đậm tình huynh đệ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top