Giáo hạt Phú Thọ: theo dõi cuộc tranh luận về sự hiện hữu của Thượng Đế trên BBC
WGPSG -- Giáo hạt Phú Thọ có một vị Hạt Trưởng rất vui vẻ, nhiệt thành và hết lòng với từng linh mục trong Giáo hạt. Ngài cũng là một chủ chăn thức thời, theo sát những biến cố của thời đại. Ngài vừa gửi cho các linh mục trong giáo hạt Phú Thọ một email như sau:
"Thưa Quý Cha hạt Phú Thọ,
Đài BBC mới mở cuộc tranh luận: có Thượng Đế không? Nhiều câu trả lời khác nhau: công nhận hay phủ định, lý lẽ hay cảm giác, tế nhị hay sỗ sàng... muôn mầu muôn sắc: có thể giúp Quý Cha tìm biết người thời đại có quan niệm thế nào về Thiên Chúa và tôn giáo, đồng thời cũng giúp chúng ta chuẩn bị những câu trả lời cho những ai muốn chất vấn chúng ta. Xin gửi Quý Cha mục Tranh luận: có Thượng Đế không?
Joseph Phạm Bá Lãm."
Xin đọc mục Tranh luận bên dưới: có Thượng Đế không?, một đề mục mà cha Hạt trưởng Phú Thọ, linh mục Giuse Phạm Bá Lãm, đã gửi đến các linh mục trong giáo hạt Phú Thọ thân yêu của ngài.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Theo dõi tranh luận: có Thượng Đế không?
Mục Lục
Một lần khi những tranh chấp xung quanh khu đất của Tòa Khâm sứ cũ còn nóng bỏng ở Hà Nội, tôi hỏi một tín đồ Thiên Chúa Giáo trẻ tuổi:''Cứ cho là Chúa tạo ra tất cả mọi thứ, vậy ai tạo ra Chúa?''.
''Chúa là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Nó như một vòng tròn ấy'', cô gái trả lời.
Được đào tạo trong môi trường vô thần, tôi lớn lên với niềm tin vào thuyết tiến hóa lớn hơn vào tôn giáo cho dù có người giải thích Thượng Đế là câu trả lời cho câu hỏi 'Ai tạo ra vạn vật' và thuyết tiến hóa là sự trả lời cho câu hỏi 'Vạn vật được tạo ra như thế nào'.
Khi sang phương Tây, sống trong một xã hội mà tôn giáo có vị trí lớn hơn nhiều trong xã hội, tôi bắt đầu đặt câu hỏi 'Liệu có Chúa hay không?’
Một cô bạn đồng nghiệp ở BBC từ vài năm nay chỉ có những công việc tạm thời vài tháng một nhưng vẫn tin có ngày Chúa sẽ giúp cô.
Trưa thứ ba hàng tuần cô đều tới buổi cầu nguyện của một nhóm những người sùng đạo.
Sau khi mời tôi đi mấy lần tôi đều từ chối, cô bảo tôi có muốn cầu gì cô sẽ cầu giúp.
Tôi cũng có ngỏ ý nhờ cô giúp, nhưng cho tới nay cả cô và tôi đều vẫn đang chờ đợi.
Rồi tuần này báo Wall Street Journal mời hai cây viết có tiếng bàn về chuyện con người có trên trái đất này do bàn tay của Thượng đế hay nhờ vào sự tiến hóa.
Một trong hai người được mời tranh luận, Giáo sư đã có những cuốn sách bán được hàng triệu bản, Richard Dawkins nói sự tiến hóa của loài người và vạn vật trên trái đất là ''Màn diễn ngoạn mục nhất trái đất''.
Đây cũng là tựa đề của cuốn sách mới nhất của ông sẽ ra mắt vào ngày 22/9.
Trong khi đó khách mời thứ hai của Wall Street Journal là bà Karen Armstrong.
Bà nói :''Tôn giáo không phải là khoa học chính xác mà là một loại nghệ thuật, giống như nhạc hay hội họa, giới thiệu với chúng ta một dạng thức kiến thức khác với những điều duy lý và cũng không dễ dàng có thể giải thích bằng lời''.
Hai bài viết của bà Armstrong và ông Dawkins đã thu hút được gần 700 bình luận, cả ủng hộ và phản đối thuyết tiến hóa và tạo hóa.
Xin tạm trích một vài ý kiến:
Steven Knudsen viết :''Tìm hiểu khoa học là rất quý giá và tôi biết ơn những người đã cống hiến cuộc sống của họ cho khoa học. Vấn đề nảy sinh khi có người tin rằng nghiên cứu khoa học là cách duy nhất để tìm câu trả lời. Nó giống như thế này : một người đánh mất chía khóa trên phố và quyết định chỉ tìm chìa khóa ở những nơi có đèn đường vì dưới ánh sáng anh ta nhìn rõ hơn''.
Stephen Beckwith tranh luận: ''Khoa học có nhiều niềm tin và giả định tới mức nó gần tạo ra một tôn giáo của riêng nó''.
Patricia Mueller nói: ''Quý vị nói khoa học có nhiều lỗ hổng trong logic... thế nhưng quý vị lại chẳng cần bằng chứng nào cả để tin vào Chúa?''.
Còn Richard Yunger viết: ''Trên thực tế chúng ta phí thời gian và năng lượng thảo luận vấn đề này. Chúng ta không có bằng chứng rằng Chúa tồn tại. Không ai ngày nay có bằng chứng cụ thể nào rằng Jesus Christ do chính Chúa cử tới''.
Có những người nói họ ngả về khả năng Thượng Đế tồn tại và coi đây là ''bảo hiểm rẻ tiền'' cho sự cứu rỗi linh hồn vì nghĩ tới chuyện trở về một con số không tròn trĩnh đáng sợ quá.
Những người không có đức tin khác lại cho rằng nếu họ gặp Thượng Đế sau này và giải thích rằng họ đã đi tìm sự thật nhưng không có đủ bằng chứng về chuyện Thượng Đế tồn tại họ sẽ được Thượng Đế đánh giá cao hơn là những người tin mù quáng.
Nhưng Giáo sư Richard Dawkins thậm chí nói rằng tôn giáo là một loại ''virus tâm trí'' trong khi độc giả Wall Street Journal nói niềm tin tôn giáo gây ra nhiều sự giết chóc và tra tấn hơn bất kỳ niềm tin nào khác.
Tôi cũng biết một cây bút của Mỹ viết rằng ông không thích tôn giáo, vì ông muốn đi thẳng tới Chúa chứ không muốn qua môi giới.
Rồi có người còn nói tôn giáo ''là chuyện cổ tích của người lớn'' và sự tin vào Chúa đòi hỏi người ta nhiều hơn việc tin vào Santa Claus.
Nói đến Santa Claus (ông già Noel), con trai lớn của tôi, năm nay tám tuổi, vẫn tin trò chơi Nintendo do Santa Claus chui qua ống khói vào nhà tặng.
Ở trường cậu cũng tham gia các buổi cầu nguyện vào những dịp Giáng Sinh hay Phục Sinh.
Cũng có lần con trai tôi hỏi: ''Bố ơi, Sophie bảo những ai tin vào Chúa khi chết đi sẽ lên thiên đường, còn không tin khi chết sẽ xuống địa ngục. Đúng không bố?''
Sophie là bạn gái học cùng lớp.
Tôi trả lời tôi không biết, nhưng để cho cháu yên tâm, tôi bảo : tôi tin rằng những người tốt sẽ được lên thiên đường.
Còn con gái tôi có lần nghe nói tới chuyện sẽ có lúc tôi lên thiên đường bỗng bật khóc bảo: ''Thế lúc đấy, con muốn ôm bố làm sao con ôm được''.
Những lúc như vậy tôi thấy những tranh luận có Chúa hay không bỗng không còn nhiều ý nghĩa.
Tôi cùng quan điểm với những người nói rằng mỗi ngày trong cuộc sống là quý giá và nếu mọi người đều sống đúng mực, không làm cho những người khác những điều chính mình không muốn, có lẽ cuộc sống sẽ không có nhiều điều phiền toái.
• 1. Vào lúc 16:52 ngày 18 September 2009, Kick đã viết:
Chúa là có thật và con người là một thứ robot do Chúa tạo ra. Ngài đã gắn cho chúng quá nhiều khả năng, nên giờ đây Ngài đã không thể kiểm soát được những con robot này nữa; và những con robot tự hào cho mình là Chúa, còn Chúa chỉ biết im lặng lắc đầu.
• 2. Vào lúc 17:48 ngày 18 September 2009, Võ Anh đã viết:
Anh có thể vào đọc quyển "A Shattered Visage The Real Face of Atheism" của Dr Ravi Zacharias. Sách có thể giúp anh phần nào trong việc nghiên cứu. Có cả bản dịch tiếng Việt. Chúc sức khỏe.
• 3. Vào lúc 18:17 ngày 18 September 2009, Nguyen Don Jr. đã viết:
Việc chứng minh Thượng Đế có thật hay không là một điều rất khó. Có người nói không ai chứng minh được là có Thượng đế, suy ra Thượng đế không tồn tại. Cũng có người nói không ai chứng minh được là không có Thượng đế, vậy Ngài tồn tại. Cả hai cách suy luận trên đều là ngụy biện, vì không ai trưng ra được bằng chứng rõ ràng.
Nhưng cho dù Thượng Đế có thật sự tồn tại, thì Ngài cũng không phải là kiểu Thượng Đế như được mô tả trong các sách kinh tôn giáo vì các lý do sau:
- Khoa học đã làm sáng tỏ nhiều quy luật của giới tự nhiên mà chỉ cần làm theo quy luật đó, chứ không cần phải cầu nguyện gì thì kết quả cũng giống nhau. Như vậy, Thượng Đế không can thiệp vào giới tự nhiên.
- Y tế cũng đã phát triển, bệnh nào dù nặng tới mấy cũng có một tỷ lệ sống sót nhất định. Dù cầu nguyện hay không thì tỷ lệ sống và chết cũng không thay đổi. Nhiều người đang chết đói, dù cầu nguyện rất nhiệt thành cũng không thể nào sống nổi. Nhiều kẻ sai phạm đầy mình vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, chết vì già yếu, chứ không bị ai trừng trị. Như vậy, Thượng Đế không can thiệp vào sự sống chết của con người và không hề đáp lại lời cầu nguyện.
- Con người khi được việc tốt thì tạ ơn Chúa, khi bị việc xấu thì than trách với trời đất. Nhiều nhà cầm quyền lúc giết người thì nhân danh Chúa, lúc cứu người cũng đem Chúa ra ca ngợi. Các tu sĩ thì làm phước cũng nói "vì Chúa", đến lúc gây nhiều tội ác cũng mang Chúa ra làm bình phong, để không ai dám đụng đến. Như vậy, Thượng Đế không đoái hoài gì đến trần gian nữa, Ngài để mặc con người muốn sử dụng hình ảnh của mình thế nào cũng được.
- Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo đều nhận mình mới là tôn giáo đích thực thờ phụng Chúa Trời, giáo lý của mình mới là đúng, lễ nghi của mình mới là đúng. Các giáo hội Kitô giáo đều nhận mình mới đích thực là giáo hội từ Jesus mà ra, còn các giáo hội khác đều đi lầm đường. Như vậy, Thượng đế không gia hộ cho bất cứ kẻ nào mượn danh mình ở trần thế, vì mãi cho đến bây giờ mà những người tự xưng là "ngôi nhà của Chúa" ở trần thế ấy vẫn đang mâu thuẫn nghiêm trọng.
Nhà triết học Công giáo người Pháp Blaise Pascal (1623-1662) lý luận rằng chúng ta không thể dựa vào phán đoán để biết được sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng ông nói cuộc đời cũng như một canh bạc mà người chơi phải tính toán cách nào ít rủi ro nhất. Cách lý luận này gọi là "canh bạc Pascal", trong đó người ta phải chọn một trong hai : Chúa có hoặc không tồn tại. Nếu ta tin Chúa mà Chúa có tồn tại thì ta được tất cả, còn Chúa không tồn tại thì ta cũng chẳng mất gì. Nếu ta không tin Chúa mà Chúa có tồn tại thì ta mất tất cả, còn Chúa không tồn tại thì ta cũng chẳng được gì. Vì vậy Pascal kết luận người ta nên tin vào Chúa.
Duy có một điều Pascal đã "tính toán" sót khi đưa vào lý luận của mình : nếu tin theo Chúa mà Chúa không tồn tại thì không phải người ta "không mất gì", mà thực ra là mất rất nhiều thứ. Chỉ cần nhìn vào Châu Âu thời trung cổ với những màn tra tấn và thánh chiến, chỉ cần nhìn vào các giáo phái kỳ quặc mới ở Bắc Mỹ, thì người ta sẽ biết nhân loại có thể mất những gì với đức tin tôn giáo của họ.
Tóm lại, việc chứng minh có Thượng Đế có thể có ý nghĩa về mặt nào đó. Nhưng việc coi Thượng Đế là đấng như thế nào còn quan trọng hơn, từ đó nó quyết định cách hành xử của con người trên trái đất với nhau.
Nếu quả thật có Thượng Đế, thì Ngài cũng chỉ là Đấng tạo hóa, tạo ra vạn vật và đặt ra quy luật phát triển cho mọi thứ. Còn ngoài ra, Ngài không hề có bất cứ sự can thiệp nào hay đáp lại lời cầu khấn của con người cả. Ngài cũng không cần được thờ phụng và con người không phải đâm chém nhau để khẳng định cách thờ phụng của tôi mới là duy nhất đúng.
• 4. Vào lúc 20:03 ngày 18 September 2009, Đạt Đinh đã viết:
Chúa là có thật nhưng mỗi tôn giáo gọi bằng tên khác, nếu bỏ Chúa (hay đấng có từ khởi đầu) thì sẽ không giải thích được con gà hay trứng gà có trước. Con người ngày nay đã phát minh ra nhiều "cái siêu việt", nhưng cũng đâu có làm ra mầm sống được đâu ? Có ai bước qua được cửa tử đâu ? Còn đau khổ, bệnh tật... rồi con người cũng có những cái chung như : lương tâm ai cũng thích những việc thiện (nhân tri sơ tính bản thiện)... Còn chuyện tin hay không là quyền của mỗi người, con người luôn có tự do mà. Hầu như ai cũng có tôn giáo : nếu không tin thờ đấng này thì cũng "tin thờ" một thần tượng nào đấy...
• 5. Vào lúc 22:05 ngày 18 September 2009, Chuong đã viết :
Các nhà thám hiểm không gian bay ra khỏi trái đất, họ nhìn lại, và họ thấy một công trình vĩ đại lọt thỏm giữa muôn vàn chết chóc của vũ trụ. Và họ, những con người thuộc hàng thông minh nhất của trái đất tin rằng, phải có tác động nào đó mà trái đất này có thể nảy sinh sự sống giữa vũ trụ bao la.
Tôi vẫn tin rằng, bước nhảy từ vô cơ thành hữu cơ không đơn giản là sự tích tụ chất vô cơ rồi thành Coasecva, mà phải có tác động đặc biệt nào đó. Và tôi cũng tin rằng : bước nhảy từ vượn người thành con người không đơn giản là lao động giúp con người tiến hóa. Lao động sẽ không tạo ra tâm tư tình cảm, không tạo ra linh hồn, không tạo ra ý chí đâu. Hai bước nhảy vọt này còn là bài toán quá lớn cho khoa học.
• 6. Vào lúc 02:36 ngày 19 September 2009, Bình luận viên đã viết :
Nếu các bạn chú ý, thì hầu như mọi tôn giáo đều có những đặc điểm tương đồng rất lạ. Đó là tính hướng thiện, tính siêu hình và nhất là tính lãnh tụ. Nói như vậy có lẽ nhiều người sẽ bật cười, vì nó mang màu sắc chính trị nhiều quá. Nhưng thực sự, mọi tôn giáo đều có một đấng tối cao với nhiều quyền năng siêu việt làm cho mọi ngươi tin tưởng. Đạo Hồi, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo là những minh họa rõ ràng nhất.
Là người theo thuyết vô thần, nên ý kiến của Bình luận viên : tôn giáo là sản phẩm của con người, do con người lập ra và duy trì nó. Nhìn một góc độ khác thì tôn giáo cũng có cấu trúc như một đảng phái chính trị. Ở đây không nói đến mục đích mà nói đến cấu trúc và cơ sở hình thành. Nếu Đảng phái chính trị có "cơ sở lý luận" (Platform) thì tôn giáo có các loại kinh sách. Hệ tư tưởng này là những cơ chế giải thích sự hoạt động, điều chỉnh hành vi cũng như định hướng hoạt động của các thành viên.
Và nhất là, mỗi tổ chức đều cần có một nhân vật mang tính thống nhất và tạo niềm tin cho con người noi theo. Nếu như Thiên Chúa Giáo có Chúa, Phật giáo là Đức Thích Ca, Hồi giáo có Thánh Alla... thì trong chính trị, mỗi đảng phái đều có lãnh tụ của mình. Minh họa điều này để cho bạn đọc tự tìm hiểu, và đôi khi lãnh tụ chính trị cũng mang dáng dấp của một tôn giáo...
Quay lại vấn đề có Chúa Trời hay không, BLV xin tóm lại như sau : Chúa ban đầu cũng chỉ là sản phẩm của con người, được con người xây dựng thông qua các kinh sách và hệ tư tưởng tôn giáo, và sau này, khi những thế hệ sau lớn lên, nhưng ý nghiệm về Chúa Trời đã hình thành từ nhỏ và trở thành tiềm thức. Và lúc này, Chúa Trời đã mặc nhiên tồn tại trong mỗi người.
Chúa có tồn tại hay không là do mỗi chúng ta, nhưng quan trọng Chúa Trời vẫn có trách nhiệm cao cả của người : hướng con người vào việc thiện để được lên thiên đàng, và niềm tin đó sẽ góp phần làm xã hội này tốt đẹp hơn...
• 7. Vào lúc 02:43 ngày 19 September 2009, Vượng đã viết:
Tôi rất thích comments của Nguyen Don Jr.
Nên hiểu Chúa hay Chúa Trời là Thượng Đế, đấng tạo hoá (vô hình) tạo ra muôn loài.
Chắc chắn có thế lực, bàn tay tạo ra vũ trụ, quả đất, loài người, muông thú cho thế gian mà khoa học không giải thích hết được. Trong thơ văn người ta đề cập tới Chúa Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hoá toàn năng với vai trò sáng tạo đó.
• 8. Vào lúc 03:07 ngày 19 September 2009, Sự thật đã viết:
Để trả lời Chúa từ đâu đến ? và có Chúa không?
Thật ra 2 câu hỏi lớn này là một câu duy nhất : là Chúa từ đâu đến? (bao gồm ai tạo ra Chúa?)
Con người chúng ta sinh ra để hỏi có Chúa không, thì con người đã và đang tự mình chưa trả lời câu hỏi : con người và vạn vật từ đâu mà ra ? Tự trả lời câu hỏi này và cuối cùng con người sẽ đi về đâu ? Nếu con người trà lời được những câu hỏi này thì sẽ giải quyết được : có Đấng tạo thành và sẽ đón nhận mình hay không?
Câu hỏi chính: là Chúa từ đâu đến? (bao gồm ai tạo ra Chúa?) thật đơn giản và dễ hiểu: PHÉP LẠ.
• 9. Vào lúc 06:35 ngày 19 September 2009, Minh Tran đã viết:
1. Ai là cha của Chúa? Nếu Chúa không có cha thì đi ngược lại với nguyên lý : bất sự việc gì cũng không thể tự nhiên mà có được.
2. Người nghèo người giàu, người khỏe người bệnh, người khôn người ngu v.v... thật là không công bằng chút nào cả.
3. Tạo ra vạn vật mà không thể mang hạnh phúc đến cho tất cả mọi người thì Tạo Hoá sẽ trở thành kẻ bất tài hoặc vô trách nhiệm hay là kẻ bàng quan, giải trí bằng cách nhìn thế gian sống trong đau khổ?
4. Kẻ tạo ra được vũ trụ phải là người có nhiều quyền năng, thế mà khi người ta gặp đau khổ kêu vang thì chẳng thấy Chúa cứu?
• 10. Vào lúc 09:47 ngày 19 September 2009, Luke đã viết:
1/ Nếu Thượng Đế có người tạo ra thì "người-tạo-ra-Thượng Đế" đó mới là Thượng Đế đích thực ! Vì vậy, theo định nghĩa, Thượng Đế phải là nguyên nhân đầu tiên. Hơn nữa, Thượng Đế không phải như con người hay vạn vật mà buộc phải có nguồn gốc ! Một robot mà hỏi kỹ sư chế tạo ra nó rằng : Ông kỹ sư này, ông sinh ra từ nhà máy nào ? thép Thái Nguyên hay thép Hà Nội ? thì kỹ sư sẽ nhập câu này vào bộ não của robot : "Vớ vẩn, con là người máy mới từ trong lò sắt mà ra, ta là người bằng xương bằng thịt chứ đâu có như con !" Con người không nên hỏi, "Ông Trời ơi, Ông ở mô mà ra vậy ?" Chúa sẽ cười mà nói rằng : Con có biết con hỏi gì không?
2/ Tin vào những điều không cần chứng minh có hợp lý không ? Xin cho hỏi : bạn có bắt ba mẹ bạn đi xét nghiệm ADN để có bằng cớ mà gọi song thân là cha mẹ không ? Hay bạn cứ gọi người đàn ông và đàn bà đang yêu thương nuôi dưỡng mình là ba mẹ? Nếu thế, bạn đang sống bằng đức tin đó ! Nếu bạn có xét nghiệm ADN để chắc chắn đó có phải là cha hay mẹ (ruột) mình hay không thì đó là hiểu biết, không còn là đức tin nữa ! Một đứa con nuôi từng sống bằng đức tin cho đến ngày nó nhận ra người nuôi nó không phải là cha mẹ ruột, nó không thể chấp nhận được sự hiểu biết đó, và thường đi tìm người cha mẹ ruột (lúc đó có thể nó chẳng cần chứng minh nữa !). Người ta cần niềm tin để sống hơn là hiểu biết ! Việt Nam sẽ không có ngày đại thắng, nếu không ai tin vào ngày mai chiến thắng ! Để thực hiện lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, chúng ta cũng phải tin trước làm sau thôi, đúng không các đồng chí?
3/ Tôn giáo là thuốc độc ư ? Vô thần là tiến bộ và thực tế chăng ? Vậy thì hãy đem các con chúng ta về ngay, các bạn cũng hãy về Việt Nam ngay, vì bên Anh và bên Mỹ họ tin Chúa nhiều lắm ! Sao biết thuốc độc mà cứ gởi con qua học, đem gia đình sang ở ? Về Việt Nam mà sống trong lòng dân tộc có hơn không ? Chúng ta không sẽ không cần thần thánh vẫn có thể yêu thương nhau và lo cho nhau được mà. Cứ đọc báo đi thì rõ.
4/ Chúng ta cần Thượng Đế hơn Thượng Đế cần chúng ta ! Đừng nghĩ rằng Thượng Đế bỏ mặc con người ! Đồng ý một phần với câu nói: "Tôi đi làm kiếm tiền, mua thức ăn, tự nấu nướng ăn mà sống, có thấy Thượng Đế nào giúp đâu?"
Nhưng đừng quên rằng, Thượng Đế đã tạo ra thứ mà bạn phải dùng kèm với thức ăn đấy nhé, mà Ngài chưa đòi bạn trả đồng nào nhe: không khí! (Ở bệnh viện và thị trường, người ta bán oxy $50.65/bình!) (http://www.vatgia.com/2719/332896/b%C3%ACnh-oxy-chu%E1%BA%A9n-y-t%E1%BA%BF.html)
Tôi dùng giọng văn dí dỏm để giảm căng thẳng. Tôi biết đức tin không đến bằng sự thuyết phục. Ai không tin thì cứ như vậy, nhưng nếu thay đổi thì tốt (theo quan điểm của tôi). Có điều, hãy tôn trọng nhau, chúng ta là những người đang sống độc lập tự do mà, đừng ép chứ, phải không?
• 11. Vào lúc 12:34 ngày 19 September 2009, Vanson Tran đã viết :
Âm Ba Thượng Đế Trong Tiềm Thức Tôi
Trên đời khi đã lớn khôn,
Vẫn còn vụng dại chẳng khôn chút nào,
Vì rằng cái Biết, Hiểu nhiều,
Càng lên càng thấy nhiều Điều bao la,
Như Niềm Tin Đạo nơi Ta,
Đam mê và quyết Đạo Ta nhất rồi,
Khi Ta bị hỏi Đạo Người?
Thành kiến sẽ bảo Đạo Người đã sai,
Thật không Ai đúng Ai sai?
Đến khi Ta chết chưa Ai đúng mà?
Niềm Tin là Vé Tầu Ta?
Chở Ta về đến Thái Hoà riêng tư?
Đạo Phật thì bảo Hư Vô?
Con vào một giới Hoang Sơ từ đầu,
Ở đây Con chẳng dừng đâu,
Tùy theo Nhân Quả chọn Mầu tùy theo,
Nhân Con tốt, Quả Con gieo,
Tiếp theo Kiếp khác hoặc Nghèo, hoặc Sang,
Còn Thiên Chúa Giáo bảo Con rằng,
Niềm Tin vào Chúa sẽ sang Thiên Đàng,
Thiên Đàng rộng mở thênh thang,
Hễ Tin vào Chúa, hoang mang không còn?
Vé Tầu Con giữ Niềm Tin,
Khi lìa Trần Thế hành trang sẵn rồi,
Còn như Con vẫn Vô Thần,
Đến khi Con chết, Vé Tầu chưa mua?
Hồn Con vất vưởng, vật vờ,
Vào Chân Không vẫn không ngờ Mình ngu?
Thượng Đế là Vị Chân Tu?
Ngài không nói nữa đã cho Con nhiều,
Yêu Thương là Tính ban đầu,
Yêu Thương là cái Vé Tầu Ta cho,
Biển Đời Con chịu suy tư,
Muôn ngàn Định Luật thăng hoa Kiếp Người,
Đoạn Đường Trần Thế hành trình,
Nếu Yêu Thương được Loài Người yêu thương?
Thiện Căn khởi Kiếp Nhân Sinh?
Nhớ Hành Trang ấy tiến trình Đời Con?
Nhìn trong Vũ Trụ vuông tròn,
Xít xao một Hệ Vận Hành khó tin?
Song Ta cũng chỉ như Con,
Vẫn trôi vào Kiếp Vuông Tròn, Tròn Vuông?
Ta từng thức dậy muôn lần,
Vẫn không tìm được Nguyên Nhân của mình,
Ta là Thượng Đế vô hình,
Hay Ta cũng chỉ một Mình như Con?
Trọng Thùy Sơn
9/2009
• 12. Vào lúc 14:52 ngày 19 September 2009, Nguyễn Đức Quang đã viết:
Bạn Nguyễn Hùng viết: Khi sang phương Tây, sống trong một xã hội mà tôn giáo có vị trí lớn hơn nhiều trong xã hội, tôi bắt đầu đặt câu hỏi 'Liệu có Chúa hay không?’
Một cô bạn đồng nghiệp ở BBC từ vài năm nay chỉ có những công việc tạm thời vài tháng một, nhưng vẫn tin có ngày Chúa sẽ giúp cô.
Trưa thứ ba hàng tuần cô đều tới buổi cầu nguyện của một nhóm những người sùng đạo.
Sau khi mời tôi đi mấy lần tôi đều từ chối, cô bảo tôi có muốn cầu gì cô sẽ cầu giúp.
Tôi cũng có ngỏ ý nhờ cô giúp, nhưng cho tới nay cả cô và tôi đều vẫn đang chờ đợi".
Bạn NH cũng cho biết là bạn có hai con, trai và gái. Thử hỏi bạn nhé ! Nếu bạn không làm vừa lòng các con của bạn, chỉ vì con bạn đã xin bạn mua cho chúng một món đồ nào đó mà bạn thấy là không cần thiết lúc này, hay là không có lợi cho việc học, hoặc là không tốt cho tuổi thơ của chúng. Và hậu quả là con của bạn sẽ chờ đợi và chỉ tin bạn là cha cho đến khi nào chúng được thỏa mãn. Vậy bạn có chấp nhận không?
• 13. Vào lúc 15:17 ngày 19 September 2009, Xuân Dũng đã viết:
Chúa tạo ra con người có tình cảm và ý chí chứ không tạo ra robot. Tội ác là do con người gây ra, không phải theo ý muốn của Chúa. Con người làm theo ham muốn, dục vọng của bản thân mình, họ trở nên tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo, họ chối bỏ Chúa, muốn đặt mình lên ngang hàng với Ngài. Mọi người đều phạm tội, bất kể là người có tôn giáo hay không. Những người tin vào Thượng Đế cũng có thể phạm sai lầm, có thể gây ra tội ác khi họ không đứng vững trong đức tin, hoặc tin nhưng không làm theo lời dạy của Chúa, hoặc chỉ tin ở bề ngoài mà không phải ở trong lòng… như Kinh thánh chép:
“Dân này lấy môi miệng thờ kính Ta, Nhưng lòng chúng nó xa Ta lắm." (Matthew 14:8)
“Chẳng phải những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa , thì đều được vào Thiên đàng đâu, nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi”.(Matthew 7:21)
“Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả, thế gian với sự tham dục của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I John 2:16-17)
Trong lịch sử, đúng là có nhiều trường hợp tội ác, chiến tranh, giết chóc được người ta thực hiện nhân danh tôn giáo, nhân danh Thượng Đế. Nhưng phải thấy rằng những tội ác, giết chóc, chiến tranh do những người không có tôn giáo hoặc không nhân danh tôn giáo tiến hành còn nhiều hơn gấp bội. Khi không có niềm tin vào Thượng Đế, con người có xu hướng tha hóa, sa ngã vào tội lỗi:
“Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng : chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.” Thánh thi 14:1)
Không thể dùng lý trí để chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế, nhưng những ai có tấm lòng biết yêu thương, vị tha, khiêm nhường, hết lòng tìm kiếm Ngài thì nhận biết sự tồn tại của Ngài:
“Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là Tình yêu” (John 4:8).
“Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Ai ở trong tình yêu thương là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy” (I John 4:16).
Chúa không can thiệp và không đáp lại lời cầu nguyện của con người, vì họ còn thiếu đức tin và không có đời sống đẹp lòng Ngài. Nếu chúng ta đặt trọn lòng tin vào Ngài và sống đời sống theo ý muốn của Ngài, tức là có tấm lòng yêu thương, tha thứ, khiêm nhường… thì lời cầu nguyện sẽ được đáp lại :
“Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi. Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha tội cho các ngươi” (Mark 11:24-25).
“Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở” (Matthew 7:7-8).
Thượng Đế có thật hay không, điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Tôi tin có Thượng Đế, đơn giản chỉ vì “Thượng Đế là Tình Yêu”, mà tình yêu thì chắc chắn là có thật trong cuộc đời này.
• 14. Vào lúc 15:42 ngày 19 September 2009, Tomas đã viết :
1. Chúa chính là một đấng thiêng liêng vượt cả thời gian và không gian. Ngay trong câu nói của ngài đã nói lên điều đó: "I'm Alpha and Omega": Ta là khởi nguyên và là tận cùng.
Ta hãy nhìn xem và hãy suy gẫm : hàng ngày chúng ta phải ăn, uống, ngủ, nghỉ...để cung cấp được nguồn năng lượng. Một sự tiến hóa đến đâu đi nữa, một nền khoa học đến đâu đi nữa, phải chăng đến một lúc nào đó chúng ta không cần phải ăn mà vẫn sống 200 hay 1000 năm?
Ta hãy nghĩ xem : đến bao giờ ta mới có thể tự mình có thể tạo ra một nguồn không khí dồi dào mà không cần đến một cổ máy với nền khoa học cao. Nhưng liệu cỗ máy đó có hoạt động liên tục không nghỉ đến 1 triệu hay 100 triệu năm không ? Nhưng thực chất trong vũ trụ này, Thượng Đế đã rất khôn ngoan làm nên một kỳ công mà không thể có ai sánh bằng, một nền khoa học nào có thể sánh bằng để cung cấp cho chúng ta lượng oxygen dồi dào.
Liệu chúng ta có thể một một ngày không hít thở, không uống nước một tháng mà còn sống sao?
Chúng ta hãy liên tưởng và nhớ đến Thượng Đế đã tạo ra con người giống hình ảnh Ngài từ không khí và nước sao?
Đến bao giờ chúng ta, khoa học mới tìm hiểu ra xung quanh ta có những vì sao; trong vũ trụ bao la, trong lòng đất, trong lòng biển, và ngay cả trong con người đến nay vẫn còn là những bí ẩn.
Hãy nhớ đến có lời chép rằng :"Trời cao hơn đất chừng nào thì sự khôn ngoan của Ta hơn các ngươi chừng đấy". Chúng ta chỉ có trung bình 100 năm để sinh ra, lớn lên, học hỏi, nghiên cứu, ...khoảng thời gian đó có đủ cho ta tìm hiểu hết một Thiên Chúa toàn năng đã kiến tạo nên vũ trụ hàng triệu triệu năm chăng ?
Còn rất nhiều vấn đề khác.
2. Hãy nghiệm xem, người giàu, người nghèo đều có cái khổ, cái lo mỗi ngày. Người giàu càng muốn mình được giàu hơn, người nghèo cũng muốn mình được giàu, và thậm chí đôi khi làm hại đến người khác để làm giàu... Phải chăng con người với nhau đã biết sống chia sẻ, chia sớt, cảm thông, với những người kém may mắn hơn mình, bất hạnh hơn mình. Và đã bao giờ nhận thấy rằng mình được may mắn hơn người khác, giàu có hơn thì kèm theo trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ của mình sẽ nặng hơn sao?
Hãy nhớ đến câu "Hãy yêu thương anh em như chính mình", "Phải chăng người giàu, sau khi chết đi muốn vào một nơi mà người con người gọi là Thiên Đàng, thật khó còn hơn con lạc đà chui qua lỗ kim sao?"
Hãy biết sống và hãy biết chia sẻ, khi đấy sẽ có công bằng, hòa bình và công lý trên trái đất này.
3. Có phải chăng chính con người mình tự tìm đến đau khổ, hay gieo đau khổ đến cho người khác?
Điều chúng ta đang có, chúng ta không biết quí trọng. Tranh đua, phong trào đi tìm những điều khác, những điều chúng ta thấy là hạnh phúc và vì thế chính chúng ta đã đánh mất hạnh phúc mình đang có, và chiếm mất hạnh phúc của người khác.
Chúng ta chỉ biết trách, có khi nào chúng ta tự ngồi lại, suy gẫm xem những điều chúng ta đã làm và sẽ làm trong một thể chất hoàn toàn thoải mái và trầm lắng?
4. Hãy nghiệm xem, khi chúng ta thành công, vui sướng, hạnh phúc, chiến thắng, xa hoa, lêu lổng, trụy lạc, hiếp đáp người khác, gieo đau khổ đến cho người khác, đàn áp người khác mà chúng ta chia sẻ cùng Thượng Đế chưa, chúng ta đã có những giây phút trầm lặng để nghĩ đến Ngài chưa?
Và nếu chúng ta không cố gắng và phát huy những gì chúng ta đang có, chúng ta đang sở hữu, làm lợi để mang đến hạnh phúc cho mình và cho người khác chưa?
Nếu mỗi khi chúng ta chưa cố gắng phấn đấu hết mức, chúng ta kêu ca đến Ngài. Lúc đấy mình sẽ nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ Ngài ngay, có phải là đã làm cho mình một suy nghĩ ỷ lại chăng?
Chúng ta có khi nào suy nghĩ khi điều mình xin, đôi lúc bỗng nhiên chúng ta nhận được từ một người nào đó, một khoảng thời gian nào đó mà mình cảm nhận được chăng?
Có khi nào chúng ta từng giờ, khi ăn, khi làm việc, khi vui chơi, khi giải trí, khi hạnh phúc, khi thức dậy, khi học tập mà chúng ta nghĩ đến Chúa chưa? Chúa luôn ở bên ta, nhưng phải chăng mình đã thờ ơ và giả vờ như không có. Khi chúng ta biết nghĩ đến Ngài thì Ngài sẽ ở bên ta, trong từng hơi thở, mọi lúc, mọi nơi.
• 15. Vào lúc 15:56 ngày 19 September 2009, Nói Thật đã viết:
Một bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả.
Hegel nói con người tạo ra Chúa từ hình bóng của mình và nâng lên tầm cao vô hạn. Tôn giáo chính là cái khung qui định chuẩn mực làm người.
Hình như Einstein đã nói: "Ai không tin vào khoa học là kẻ ngốc, ai không tin vào tôn giáo thì chưa hoàn thiện".
• 16. Vào lúc 17:54 ngày 19 September 2009, Minh Tran đã viết:
1. Khi nói tới PHÉP LẠ tức là:
Né tránh logic hợp lý để có thể chấp nhận được, bất cứ cái gì không lý luận được thì đều cho là phép lạ. Đi nghịch lại nguyên lý thực tại (facts) "không có gì có thể tự hiện hữu". Như thế ngay trong chữ "PHÉP LẠ" và "Thượng Đế phải là nguyên nhân đầu tiên" đã tự mang tính chất nghịch lý căn bản của nó.
2. Câu trả lời về Chúa có hiện hữu hay không : chưa bao giờ có câu trả lời, vì trên thực tế (facts) không có ai dùng facts để chứng minh được chuyện này.
3. Trong toán học căn bản có định nghĩa về đường thẳng, vòng tròn, các loại hình đa giác, điểm v.v... tất cả các định nghĩa đó đều xác định không có khởi đầu và không có chấm dứt. Trong hoá học, vật lý, các hiện tượng trong vũ trụ đều nằm trong quy tắc "bảo tồn năng lượng" và xoay tròn (nước từ sông biển bốc hơi thành mây, mưa từ mây rơi xuống trở về sông biển). Chỉ có một loại định nghĩa trong toán học đó là đoạn thằng mới có hai đầu, nhưng tuỳ theo mình chọn hướng mà nó có đầu đuôi, chứ tự bản thân nó cũng không có đầu đuôi. "PHÉP LẠ" hoặc "GOD" rơi vào trường hợp nào đây?
4. Như thế hãy thử hỏi như thế này: "Tại sao mình phải chọn đoạn thẳng và một định hướng để đi đến kết luận vạn vật có đầu có đuôi, trong khi toàn bộ đều quy hướng vào trường hợp không có đầu đuôi (xoay tròn hay infinitive)?".
• 17. Vào lúc 19:49 ngày 19 September 2009, Minh NGUYEN đã viết :
1. Tin có Chúa hay không là quyền của mỗi người. Nếu tôi tin có Chúa, nhưng tôi không làm những điều ngài dạy cho tôi, thì niềm tin tôi cũng như không, cũng như chiếc trống kêu tùng tùng, chiếc chiêng kêu xeng xẻng. Thuyết Darwin thì trước sau gì người ta cũng chỉ cho là thuyết, chứ không phải một định luật nào cả, mà Darwin cũng xuất thân từ gia đình Thiên Chúa giáo mà ra, ông ta cũng đã từng được học làm mục sư rồi, nhưng vì cái chết của con gái ông dẫn ông đến việc ghét bỏ Thiên Chúa giáo, và rồi tìm cách chống đối. Nhưng thật chất trong lòng ông vẫn luôn tin vào Thiên Chúa. Tin có Chúa là một chuyện, và tin tưởng vào Ngài là một chuyện khác hẳn. Niềm tin và Thánh Kinh cho biết là Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự, cũng như Thái Cực trong Lão giáo, Vô thường trong Phật giáo, Đấng Tuyệt Đối trong Ấn Độ giáo và Thượng Đế trong Khổng giáo. Nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo thì khác hẳn. Đức tin chân thật sẽ là nơi Chúa Giêsu chứ không phải nơi người lãnh đạo, không phải nơi linh mục và cũng không phải nơi giáo dân, nó nằm trong tim của người đón nhận và thực hành nó.
• 18. Vào lúc 22:13 ngày 19 September 2009, Nguyễn Hùng đã viết :
Nguyễn Hùng cảm ơn các độc giả đã đóng góp ý kiến, giới thiệu sách và tranh luận trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến của người khác.
Tôn giáo luôn là đề tài gây tranh luận và cuộc tranh luận này có lẽ sẽ còn kéo dài.
Bản thân tôi cũng chỉ đang trong quá trình tìm hiểu và tôi trân trọng các đóng góp của quý vị.
• 19. Vào lúc 23:38 ngày 19 September 2009, Nguyen Don Jr. đã viết:
Xin có đôi lời trao đổi thêm với bạn (anh/chị) Luke:
1- Khi người ta không hiểu gì về nguyên nhân đầu tiên thì người ta sẽ "đổ" mọi thứ cho Thượng Đế. Cách nay hàng ngàn năm, người ta chẳng biết tại sao sông ngọt còn biển mặn, chẳng biết vì sao con cái giống cha mẹ, chẳng biết vì sao trong 24 giờ thì có ngày và đêm, v.v... và họ đổ thừa tất cả là do "ý Chúa". Con người đã sống chung với "ý Chúa" trong hàng ngàn năm như thế cho đến khi họ tìm hiểu được bản chất được các vấn đề trên. Những phát hiện đó cũng mới xảy ra trong khoảng vài trăm năm trở lại đây, do đó có thể trong tương lai, người ta sẽ càng ngày càng hiểu rõ hơn nguồn gốc của thế giới vật chất.
2- Chúng ta không bắt cha mẹ đi xét nghiệm ADN, nhưng chúng ta vẫn biết đó là cha mẹ ta vì : chúng ta giống họ về ngoại hình, tâm tính, cách sống; vì họ yêu thương và hy sinh mọi thứ cho chúng ta. Tôi không thấy ba mẹ sinh ra tôi thế nào, nhưng ông bà tôi, cậu mợ cô chú tôi, bạn bè của ba mẹ tôi kể cho tôi nghe họ tận mắt chứng kiến cảnh bố mẹ tôi yêu rồi cưới nhau, rồi mẹ tôi có mang và đi đến bệnh viện sinh ra tôi. Nhưng một khi đã xảy ra những sự ngờ vực, thì con cái và cha mẹ ngày nay hoàn toàn có thể viện dẫn đến công cụ xét nghiệm ADN để chứng minh huyết thống (điều này là không còn lạ lẫm gì nữa, ngay cả ở Việt Nam). Việc Thượng Đế tạo ra nhân loại thì khác, ngoài những quyển kinh sách tôn giáo đầy mâu thuẫn thì hoàn toàn không có chứng cứ nào chứng minh là Ngài đã tạo ra chúng ta cả.
Lý luận kinh tế - xã hội (như chủ nghĩa cộng sản) là một điều hoàn toàn khác với kinh viện tôn giáo. Karl Marx lý luận về chủ nghĩa cộng sản dựa trên những lý luận logic về kinh tế - xã hội - chính trị. Những thứ Marx nói là dành cho thời điểm thế kỷ 18 - 19. Nếu muốn tiếp tục thì người ta hoàn toàn có quyền chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh mới (kinh tế thị trường là điểm mới ở Việt Nam mà nếu làm theo chủ nghĩa cộng sản, kinh điển thì hoàn toàn không có. Còn kinh sách tôn giáo thì khác, vì "Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Đức Chúa Trời thì còn mãi đời đời" (Kinh Isaiah 40:8).
3- Quan điểm "tôn giáo là thuốc độc" có vẻ đã thuộc về quá khứ khi mà lòng nhiệt tình cách mạng che lấp tất cả, tuy vậy cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Vô thần hoàn toàn cũng chưa hẳn là tiến bộ, vì nếu kẻ có quyền lực trong tay mà không sợ trừng trị gì thì có thể gây nguy hiểm. Tôn giáo vẫn có giá trị, vì nó giúp giữ gìn rường mối đạo đức xã hội ở những nơi mà dân trí còn thấp (phải dùng thiên đường và hỏa ngục để dụ dỗ,hăm dọa). Tuy vậy, những vị rao giảng tôn giáo cũng phải lựa những lời yêu thương trong kinh sách mà giảng, chứ nói những đoạn đại loại như "Chớ tưởng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải để đem sự bình an, mà là đem gươm giáo" (Phúc âm Mattheuw 10:34) thì chắc tôn giáo cũng ít có hiệu quả cho hòa bình thế giới.
Cũng đừng nhìn bên ngoài mà cho rằng phương Tây tin Chúa nhiều lắm, còn trong lòng dân tộc Việt thì không có Chúa. Người phương Tây thường nói mình là theo đạo Kitô, nhưng họ ít đi nhà thờ, cũng chẳng còn cầu nguyện trước khi ăn nữa. Họ phá thai, quan hệ tình dục trước khi làm "bí tích hôn nhân", ngoại tình, đồng tính luyến ái vv. như ở Mỹ. Họ mặc quần đùi ngắn và ôm hôn nhau thắm thiết khi nghe Đức Giáo Hoàng Joannes Paulus (Gioan Phao-lồ) II phát biểu ở Rio de Janerio. Họ thẳng thừng yêu cầu các trường học không được dạy thuyết sáng thế (báo cáo của Hội đồng Châu Âu, Council of Europe, năm 2007), v.v... Còn ở Việt Nam thì giáo dân rất sùng đạo, nhiều người đi chùa chiền, vay tiền của những bà chúa rồi trả bằng tiền giấy, cán bộ đảng viên thì dùng xe công đi lễ chùa, cầu khấn rất thành khẩn, hàng năm dân ta đốt không biết bao nhiêu là vàng mã, Đức Mẹ Maria thì xuất hiện và làm phép khắp nơi, vv.
Hãy nhìn báo cáo thống kê của Viện Gallup để biết dân tộc ta sùng đạo đến mức nào, còn đức tin của người phương Tây đã đi đến đâu. (http://www.redefinegod.com/forum/topics/the-latest-gallup-poll-on). Người ta gửi con đi học vì khoa học kỹ thuật và cách tư duy thực tế của người Mỹ, người Anh chứ không phải vì tôn giáo của họ.
4- Nếu quả thực là có Thượng Đế thì Ngài chẳng cần đến chúng ta, mà chúng ta cũng chẳng cần đến Ngài. Vì thực tế cho thấy Ngài chẳng hề can thiệp vào bất cứ vấn đề gì của con người cả. Quan điểm cho rằng Chúa Trời ban cho trái đất điều kiện sống tuyệt hảo (không khí, nước, v.v...) làm cho con người cảm thấy mình quá đặc biệt, là "con cưng" của Chúa trong hằng hà sa số những hành tinh không có nổi sự sống khác, mà quên đi các quy luật tự nhiên : rồi đây trái đất cũng bị hủy diệt và sự sống có thể phát sinh ở nơi khác khi điều kiện thay đổi. Phiên bản "cổ" nhất của quan điểm này là quan niệm của người Do Thái, cho rằng dân tộc mình là dân tộc Chúa chọn, để từ đó tự cho mình quyền đến và chiếm lấy những vùng đất hứa.
Phiên bản "mới" hơn một chút là của người Kitô giáo theo Jesus cho rằng ai tin Ngài được sinh ra từ Đức Bà đồng trinh, chết trên thập giá rồi phục sinh lên trời thì mới được cứu rỗi, rồi từ đó tự cho mình quyền được đày đọa dân tộc Do Thái vì tội "phản Chúa", vân vân và vân vân.
Tóm lại, tôn giáo về mặt nào đó là có lợi cho xã hội. Nhưng người ta cũng không nên duy trì quan niệm tất cả phụ thuộc vào đấng tối cao. Nhà triết học Epicurus của Hy Lạp đã nói : nếu trên đời vẫn còn những điều xấu xa, thì hoặc là Chúa Trời chẳng có quyền năng gì, hoặc là Ngài chẳng thèm đoái hoài đến con người. Hãy duy trì đạo đức xã hội bằng tình thương con người và pháp luật nghiêm minh, phát triển kinh tế dựa trên khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường dựa trên những hiểu biết về giới tự nhiên và suy luận logic về hệ quả môi trường, chứ đừng nương nhờ hoàn toàn nơi Chúa Trời.
• 20. Vào lúc 01:41 ngày 20 September 2009, Minh Tran đã viết:
Niềm tin (belief) và sự thật (reality hoặc hard fact) là hai điều không nên nhầm lẫn là một. Niềm tin nó gần với giả thuyết hơn là với sự thật, bởi vì một khi người ta khám phá hoặc chiêm nghiệm ra sự thật thì lúc đó niềm tin tự nhiên tan rã như lá mùa thu. Tỉ dụ, ngày xưa người ta tin là bầu trời thì tròn chụp lên trên mặt đất hình vuông, nhưng sự thật rõ ràng khác hẳn.
Con người ta thường sợ hãi và hụt hẫng khi đối diện với khó khăn trong đời sống và quan trọng nhất là cái chết. Nếu dựa vào sự thật reality, thì không tìm thấy chỗ dựa, vì rõ ràng không có ai nói chuyện được với bất cứ một đấng thần linh nào cả. Do đó, mới phải đành dựa vào niềm tin (có khi còn xem đó là cuộc đỏ đen đánh bạc) : có một đấng nào đó có quyền năng có thể cứu vớt mình trong lúc đau khổ hoặc sau khi chết. Mục đích là gì, nếu không ngoài việc tự trấn an niềm sợ hãi của mình.
Nhân đây tôi cũng xin cám ơn Nguyễn Hùng và BBC đã nêu đề tài này lên, để cho mọi người có thể bày tỏ ý kiến, do vậy mới thấy thế giới này thật tuyệt diệu, muôn mặt, muôn màu. Tôi tuy không thích dựa vào niềm tin đấng tạo hoá để sống, tôi chỉ thích tôn trọng sự thật, sống dùng tình người và sự thông cảm để đối xử với nhau. Tôi vẫn có nhiều bạn bè theo các tôn giáo khác nhau và tôi rất tôn trọng niềm tin của họ. Trân trọng kính chào.
• 21. Vào lúc 03:08 ngày 20 September 2009, Johny đã viết:
Với tôi, tôi là một người theo đạo Công Giáo, từ thủa nhỏ tôi đã sống trong môi trường hầu như 100% là theo Đạo CG. Thầy cô trên trường học cũng chính là các thầy cô dạy giáo lý ở nhà thờ. Ra ngoài đường, hoặc ở lớp học người ta hay nói tới : hôm nay là lễ gì...( dĩ nhiên là các ngày lễ trong đạo CG). Tóm lại cuộc sống nơi tôi sống cứ như một ốc đảo. (Và tới bây giờ hoàn cảnh như vậy vẫn tồn tại).
Và bây giờ bàn tới : Có hay không có Thượng Đế?
Chúng ta có CHẾT hay không?
Chúng ta rất giàu có, rất hạnh phúc, nhưng đùng một cái, chúng ta bị tai nạn và đi luôn, và lúc đó chúng ta như thế nào. Chúng ta đi đâu và về đâu? Có ai chứng minh được điều này chưa?
Vậy, nếu chúng ta tin có Thượng Đế, và chúng ta tin có "một cõi đi về" sau khi chết, và chúng ta có hy vọng như vậy, dĩ nhiên chúng ta sẽ yên tâm. (Ít ra cũng chưa ai chứng minh được là KHÔNG CÓ THIÊN ĐƯỜNG).
Còn nếu không tin, thi sẽ chẳng có gì cả. Vậy chúng ta sống làm gì? giàu có để làm gì? Nghèo khổ thì sao? Vĩ đại thì sao? Hèn hạ thì có sao không? Tổng Thống rồi cũng chết, một anh công nhân rồi cũng chết.
===> TẤT CẢ CUỘC SỐNG CHỈ LÀ SỰ TẠM THỜI.
VẬY, NẾU TIN THÌ MẤT MÁT GÌ? VÀ NẾU KHÔNG TIN THÌ ĐƯỢC CÁI GÌ?
Thật sự, lúc nhỏ, khi tôi học giáo lý, giáo lý viết sao thì tin như vậy, chẳng bao giờ đặt câu hỏi là như thế có hợp lý không? có đúng như vậy không.... Khi lớn lên, tuy tôi có đặt lại những câu hỏi như vậy, nhưng tôi thấy có những điểm vô lý, không logic...Tuy nhiên, những điều đó không làm giảm lòng tin vào những gì tôi đã tin trước đây. Tôi đã đọc khá nhiều bài viết phân tích được gọi là "giải hoặc Kitô Giáo", nhằm lên án CG, tôi đọc thấy tác giả phân tích có nhiều điểm rất đúng, rất chí lý, nhưng càng đọc tôi lại càng yêu CG, lại càng tin tưởng Thượng Đế nhiều hơn. Tôi nói vậy, để những ai đang ra sức viết bài phân tích, đả kích về giáo lý CG với mục đích "giải hoặc", để người CG không tin vào đạo CG nữa thì đó là điều viễn tưởng, có khi còn có tác dụng ngược.
• 22. Vào lúc 12:17 ngày 20 September 2009, Nam Việt đã viết:
Ai tin thì cứ tin, ai không tin thì vẫn không tin, không vì những lời bình luận trên diễn đàn này mà thay đổi được. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ở VN nhiều người tin mù quáng quá, những tin đồn Đức Mẹ và Chúa hiển linh thu hút biết bao giáo dân đến chiêm ngưỡng và quỳ lạy... Tôi làm cho Công ty của Pháp, và tôi hỏi những người bạn Pháp có tin việc này không, họ mỉm cười và nói "Chúa và Đức Mẹ là đấng vô hình, không phải hữu hình".
Rồi nữa, vợ tôi là người công giáo, gia đình bên vợ nghèo, một tay tôi lo cho gia đình bên vợ, tiền gởi hàng tháng cho ba mẹ vợ, tiền học phí cho các em vợ... Thế mà hàng ngày ăn cơm, cả gia đình vợ đều cám ơn Chúa, chẳng ai cám ơn tôi cả... Nghĩ đau thật.
• 23. Vào lúc 13:59 ngày 20 September 2009, Hiếu Trần đã viết :
Dù khoa học hay tôn giáo nếu cho rằng vũ trụ được xuất phát từ cái này cái kia hay do Thượng Đế nào đó tạo ra đều là cách nhìn của một con ếch ngồi dưới đáy giếng. Vì rằng, cái mà loài người gọi là vật chất nó đã xuất hiện lâu hơn 7 tỉ năm trước (có trước khi trái đất hình thành) và chắc chắn con người không bao giờ biết nó có trước từ bao lâu. Vì vậy nó phức tạp và đa dạng hơn (ít nhất là 7 tỉ năm) so với ý thức con người. Ý thức con người xuất hiện lâu lắm cũng chỉ cách đây vài tỷ năm. Như vậy, lấy ý thức con người đi đánh giá vũ trụ (có Thượng Đế hay không) quả là "ếch ngồi đáy giếng".
• 24. Vào lúc 19:37 ngày 20 September 2009, Nguyễn Thanh Phong đã viết:
Đòi hỏi chứng minh có Thượng Đế? Nhưng khi chứng minh được thì sao? Cũng không khá hơn gì! Người Do Thái đòi hỏi nhưng khi Jesus Christ ra đời thì họ phủ nhận, những ai không tin thì cũng tương tự vậy thôi, không có gì thay đổi khi đòi hỏi chứng minh được hay không. Thảm sát người Do Thái xảy ra hồi đệ nhị thế chiến, ai cũng biết với nhiều bằng cớ không thể chối cãi, nhưng Tổng Thống Iran nhất quyết nói không có, chỉ là hoang tưởng thì sao ? Mà Tổng Thống được sự ủng hộ của rất nhiều người trong nước của ông ta, nhất là các lãnh tụ tôn giáo trong nước Iran. Vậy thì có bằng chứng không giúp gì cho niềm tin của con người. Thậm chí cho tôi hỏi : có ai có bằng chứng là tốc độ ánh sáng đúng như lý thuyết chúng ta học từ xưa đến nay không? Vậy sao chúng ta tin là nó đúng ? Lý thuyết của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein theo tôi biết cũng chưa có ai chứng minh được bằng thí nghiệm, nhưng người ta vẫn tin là nó đúng. Và có rất nhiều nhà khoa học, bác học nổi tiếng vẫn tin tưởng nơi tôn giáo. Ví dụ như Louis Pasteur, vậy thì khoa học và tôn giáo không đối kháng nhau như ta tưởng tượng.
Tôi cũng sinh ra và lớn lên trong một xã hội vô thần, XHCN, như Nguyễn Hùng, nên cũng không lạ gì với thuyết Darwin (môn học duy nhất về thuyết tiến hóa). Nhưng ngày nay tôi cũng như nhiều người khác đặt dấu hỏi cho thuyết này : có nhiều loài được tìm thấy đã tồn tại rất lâu nhưng sao không thấy nó tiến hóa ? Sao loài khỉ hiện giờ không tiếp tục tiến hóa thành người nữa mà lại đứng đó làm khỉ hoài ? Thuyết Darwin không phải là thuyết hoàn hảo và niềm tin thì không cần phải có bằng chứng (vì có bằng chứng thì anh phải công nhận chứ không là tin nữa). Vậy thì có Thượng Đế hay không, hãy để câu trả lời cho anh Hùng và những ai chưa tin nhận được vào những giây phút cuối của cuộc sống này. Chỉ lúc đó thì chúng ta mới có thể công nhận có Thượng Đế hay không, còn bây giờ thì tùy niềm tin của mỗi người. Và quan trọng là Thượng Đế luôn kêu gọi mọi người sống với nhau thương yêu và chia sẻ. Ngài không kêu gọi chém giết hay lên án nhau cho dù nhân danh tôn giáo hay nhân danh Ngài.
• 25. Vào lúc 08:36 ngày 21 September 2009, HieuSecret đã viết:
Đọc Mật Mã Da Vinci sẽ biết mình có nên tin hay không.
• 26. Vào lúc 09:02 ngày 21 September 2009, Gravel đã viết:
Tôi nghĩ anh Nguyễn Hùng có thể tham khảo thêm sách "The Reason for God" cua Timothy Keller, cũng bàn về đề tài này, rất có ích!
• 27. Vào lúc 14:37 ngày 21 September 2009, Xuan Ha đã viết:
Suy nghĩ cảm xúc của anh Nam Việt là thực tế, nhưng nếu anh đem ơn nghĩa đời thường ra so sánh với đức tin tôn giáo thì hoàn toàn không tương xứng.
• 28. Vào lúc 04:48 ngày 22 September 2009, Lê Nguyên đã viết:
Niềm tin tôn giáo không đến từ tìm tòi khoa học hay suy luận triết lý. Truớc hết đó là một ân huệ, khởi đầu bằng sự đáp trả tự do trước lời mời gọi để đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu và ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người dựa trên những nhân chứng và chứng từ đáng tin. Niềm tin của một bà lão quê mùa có thể còn lớn lao hơn niềm tin của một nhà bác học. Người không tin có Thượng Đế cũng có thể tìm cho mình một Thượng Đế nào đó và một ý nghĩa nào đó cho cuộc đời mình theo “khuôn mẫu” của mình. Thiết nghĩ nếu không có Thượng Đế và đời sống mai sau, thì ta cũng chẳng cần gì phải sống lương thiện, vì tội ác hay phúc đức cũng chấm hết sau nấm mồ. Bất công hoặc công đức cũng chẳng hề được đền trả.
• 29. Vào lúc 05:10 ngày 22 September 2009, Quynh Le đã viết:
Khi trình độ khoa học của con người thủa sơ khai chưa thể giải thích được sự huyền diệu, kỳ bí, hoàn hảo của tự nhiên, họ chỉ biết nói chỉ có Chúa mới tạo ra được.
Ngày nay khoa học tiến bộ đã giải thích được nhiều điều mà xưa kia chỉ có thể giải thích bằng cách Chúa tạo ra.
Theo tôi Chúa là tập hợp các định luật vật lý tự nhiên mà con người đã tìm ra và chưa tìm ra để xây dựng nên thế giới này. Còn các tôn giáo được sinh ra để giáo dục cho con người hướng thiện.
• 30. Vào lúc 07:13 ngày 22 September 2009, Dinhdao đã viết:
Chắc là không có Chúa rồi, vì nếu theo suy nghĩ con người chúng ta thì: Ai là người tạo ra Chúa, và ai sẽ tạo ra người tạo ra Chúa... Không biết nữa. Tôi dám cá rằng không có câu trả lời cuối cùng.
Ngay chuyện cái gì tạo ra vũ trụ này. Giả sử có cái tạo ra vũ trụ, vậy cái gì tạo ra cái tạo ra vũ trụ, và nữa... Cũng không có được câu trả lời cuối cùng.
Bây giờ ai cũng tin theo khoa học. Vậy đã ai hỏi khoa học là gì chưa. Bạn bảo khoa học là cái bạn chứng minh được, sờ thấy được, hay dựa vào các quy luật tự nhiên.
Tin xin đi vào khía cạnh cái gọi là quy luật tự nhiên. Có ai biết quy luật tự nhiên do ai sinh ra không. Tại sao "quy luật" quy định vạn vật phải sinh ra, phụ thuộc nhau theo quy luật, rằng bạn phải hít oxy chứ không phải co2 mới sống được, rằng trái đất hút vật quanh nó chứ không phải đấy vật quanh nó... Vậy quy luật do ai tạo ra, bạn đừng nói do tự nhiên đấy nhé, vì tôi sẽ hỏi tự nhiên do ai tạo ra, và...Như vậy ngay khoa học cũng phải do một "bàn tay" nào đó tạo ra.
Nếu ai đó không tin vào Thượng Đế thì cũng không thể tin vào khoa học ở mức độ cao siêu. Có chăng bạn chỉ có thể tin khoa học trong giới hạn tự nhiên mà ai đó đã tạo ra thôi.
Riêng tôi tin rằng CÓ Bàn tay ngoài con người, bàn tay này gọi là Thượng Đế, Người mà Phật giáo gọi là Phật, Thiên Chúa giáo gọi là Chúa, và Hồi giáo là Thánh Alla...
Nếu có ai đỏ hỏi tôi, thế ai tạo ra Phật, Chúa, Thánh Alla.. thì tôi nói có một người nữa sinh ra họ. Ai đó lại hỏi ai sinh ra, sinh ra, sinh ra,... người đó, tôi lại trả lời người mà sinh ra sinh ra sinh ra....họ, người mà ta không thể hiểu nổi đó là Thượng Đế. Nếu bạn theo Phật giáo thì bạn gọi người đó là Phật, nếu bạn theo Thiên Chúa giáo thì bạn gọi người đó là Chúa, và...
Nguyễn Hùng | 2009-09-18, 13:52
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020