Giáo lý Năm Đức Tin: Tháng 12/2012

Giáo lý Năm Đức Tin: Tháng 12/2012

LỜI MỞ ĐẦU

Tòa Tổng giám mục đã gửi đến các giáo xứ tập Hướng Dẫn Mục Vụ Năm Đức Tin, giới thiệu những chủ đề được khai triển trong suốt năm.

Để đồng hành với các giáo xứ và các hội đoàn, các nhóm trong việc khai triển chủ đề hằng tháng, Tòa Tổng giám mục tiếp tục gửi tập Các Bài Giáo Lý Cộng Đồng. Những bài giáo lý này được sắp xếp theo hằng tuần và theo sát chủ đề của mỗi tháng. Trong mỗi bài, có phần khai triển nội dung đề tài, tiếp theo là một vài câu hỏi-thưa để ghi nhớ, cuối cùng là gợi ý cầu nguyện.

Hi vọng tập sách này sẽ giúp các cộng đoàn học hỏi và sống chủ đề mỗi tháng cách tích cực hơn.

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục phụ tá
 

Ban biên tập tgpsaigon.net sẽ lần lượt giới thiệu các bài giáo lý theo từng tuần lễ, bắt đầu với tuần thứ nhất của tháng 12 năm 2012 (quý độc giả cũng có thể tải bộ sách "Các bài giáo lý cộng đồng" -từ tháng 12/2012 đến tháng 05/2013- với tập tin đính kèm):


Tháng 12/2012

Tháng 12/2012 trùng với Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Vì thế, chủ đề giáo lý của tháng này là ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này trong 4 tuần lễ:

Tuần 1: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người;
Tuần 2: Tại sao Thiên Chúa xuống thế làm người?
Tuần 3: Vai trò của Đức Trinh Nữ Maria;
Tuần 4: Ơn gọi và phẩm giá con người.

TUẦN 1
ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

Khai triển nội dung

1. Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại: “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Trong một thánh thi do thánh Phaolô ghi lại, Hội Thánh hát mừng Đức Giêsu Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,5-8).

2. Khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, điều đó không có nghĩa là nơi Chúa Giêsu, có một phần là Thiên Chúa, còn một phần là người; cũng không có ý nói Chúa Giêsu là kết quả của sự pha trộn lẫn lộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Trong lịch sử, đã có những lạc thuyết chủ trương như trên. Nhưng Hội Thánh khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt: “Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt” (CĐ Calcêđônia).

3. Tin vào Con Thiên Chúa làm người là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?

Thưa: Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành xác thể (Ga 1,14), trở thành con người thật. Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo (số 86).

Hỏi: Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật như thế nào?

Thưa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất nơi Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Người đã thực sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta (số 87).

Ý cầu nguyện:

Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu đã đến chia sẻ phận người với chúng con.

 

Tháng 12 – 2012
 
CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14)
Ý CHÍNH: Đức Giêsu xuống thế làm người để nâng cao phẩm giá con người lên.
Ý  NGUYỆN: Cầu cho mọi người luôn biết nhìn nhận phẩm giá cao quí làm người của chính bản thân và của anh chị em chung quanh.
 
I.         THÁCH ĐỐ & CƠ HỘI:
-       Thực trạng :  phẩm giá con người trong xã hội hôm nay vẫn bị phân biệt đối xử cách bất bình đẳng, bị chà đạp, bị đàn áp, bị bóc lột, bị vong thân tha hóa bởi biết bao tệ nạn, trào lưu, lối sống lệch lạc, sai lầm. Trẻ em - phụ nữ vẫn bị bạo hành, đối xử bất công; tệ nạn phá thai ngày càng gia tăng; nhiều nơi con người không có được môt cuộc sống làm người đúng nghĩa. Con người bị nô lệ bởi ý thức hệ, bởi những mưu toan chính trị xảo quyệt trở thành công cụ của những chế độ, định chế xã hội độc tài, của những nhóm đặc quyền đặc lợi. Quyền con người bị xâm phạm nặng nề.
-       Đức tin Kitô giáo giúp gì để người Kitô hữu và không Kitô hữu được sống đúng phẩm giá của mình? Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô làm người có thực sự nâng cao phẩm giá, ơn gọi làm người của con người ngày nay không? Tin Mừng có là nguồn sức mạnh giải thóat con người thực sự khỏi những tha hóa, vong thân hôm nay không?
 
II.      HỌC HỎI & CHỨNG TỪ:
-          Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2, 6-8). Nhờ đó, con người được thông phần bản tính với Người.
-          Con người mang một phẩm giá cao quí là hình ảnh của Thiên Chúa, được Ngài cho thông phần vinh quang, quyền năng. Con người có tự do, được Thiên Chúa trao phó quản lý công trình vũ trụ Ngài đã tạo dựng. Do tội lỗi, phẩm giá con người bị hư hoại nặng nề, và con người phải chết, nhưng nhờ công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô, phẩm giá con người đã được phục hồi và nâng lên rất cao thành con Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô.
-          Hình ảnh Đức Giêsu yêu thương đón nhận trẻ em (Mc 10, 13-16);Những phép lạ chữa lành của Đức Giêsu hay việc Ngài đón nhận người tội lỗi và tha thứ để minh chứng việc Ngài đến để phục hồi phẩm giá làm người cho nhân loại. Hoặc dùng những chứng từ của đời sống Giáo Hội trong việc bảo vệ sự sống, bênh vực người nghèo khổ, bị áp bức, lên tiếng bảo vệ nhân quyền v.v…
 
III.   CẦU NGUYỆN & CỬ HÀNH:
-          Siêng năng tham dự thánh lễ và tái khám phá sự tự hạ phục vụ hiến thân của Đức Kitô trên Thập giá nơi bàn tiệc Thánh Thể. Người chết đi để con người được sống và sống dồi dào.
-          Đào sâu học hỏi điều răn thứ 4 và thứ 5
 
IV.   SỐNG & LOAN BÁO TIN MỪNG:
-          Cá nhân: sống tương quan tình người với anh chị em chung quanh không phân biệt, kỳ thị. Biết tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng nhân phẩm trong cách hành xử. Can đảm bênh vực người bị áp bức, nghèo khổ.
-          Gia đình : tạo bầu khí yêu thương tôn trọng nhau giữa các thành viên trong gia đình. Biết lắng nghe nhau. Kiên quyết không để xảy ra tệ nạn phá thai, bạo hành
-          Đề cao và chú trọng việc giáo dục nhân bản cho mọi lứa tuổi.
 
V.      HUẤN QUYỀN:
1.      Văn kiện Công đồng Vatican II:
GH  2-3, 12-17, 22, 27- 29
GH 4 - 10
TD 1
2.      Giáo lý Hội thánh Công giáo:
GLHTCG 355-358, 456-460, 2197-2317
3.      Toát yếu Giáo lý HTCG:
TY 66, 85, 455-486
4.      Giáo lý Giới trẻ:
GLGT 58, 76, 367-399
5.      Tóm lược Học thuyết Xã hội:
TL.HTXH 32; 145; 221.237.238-242
TL.HTXH 28;105-107;113;132-138

TL.HTXH.14-17; 32-34

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top