Giáo lý Thánh Kinh: Bài 25 - Lề Luật
PHẦN II
Bài 5. LỀ LUẬT
WGPSG -- Luật luân lý ấn định những quy tắc hành động dẫn đưa con người tới vinh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những con đường dẫn đến sự dữ khiến con người xa lìa Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là con đường trọn lành và là mục đích của lề luật, vì chỉ có Người mới ban sự công chính của Thiên Chúa : “Cứu cánh của Lề luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4).
I. LUẬT LUÂN LÝ TỰ NHIÊN
1. Kinh Thánh
- Roma 2,14-16 : “Dân ngoại là những người không có Luật Môsê, nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dù họ không có Luật Môsê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ… Người ta sẽ thấy điều đó trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng”.
2. Giáo lý
- Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, nhờ đó con người phân định được điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là chân lý và điều gì là dối trá. Luật ấy đã được viết và ghi khắc trong tâm hồn con người. Gọi là luật tự nhiên (lex naturalis) vì những luật đó thuộc riêng về bản tính nhân loại.
- Luật tự nhiên nêu ra những mệnh lệnh đầu tiên và căn bản điều khiển đời sống luân lý. Những mệnh lệnh này được cụ thể hóa trong Mười Điều Răn.
-Luật tự nhiên có giá trị phổ quát, nghĩa là cho tất cả mọi người. Dù sống trong những nền văn hóa khác biệt, luật tự nhiên vẫn là quy tắc nối kết con người với nhau và ấn định những nguyên tắc chung.
- Luật tự nhiên là bất biến và trường tồn qua những biến thiên của lịch sử, ví dụ trộm cắp là một tội.
- Trong hoàn cảnh con người bị ảnh hưởng bởi tội tổ tông, cần có ân sủng và mặc khải để con người có thể nhận biết các chân lý tôn giáo và luân lý cách chắc chắn và vững vàng hơn.
II. LUẬT CŨ
1. Kinh Thánh
- Roma 2,17-24 : “Còn bạn, bạn mang tên là người Do Thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì mình có Thiên Chúa; bạn được biết ý Ngài, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý. Vậy, bạn biết dạy người khác mà lại không dạy chính mình!..Bạn tự hào vì có Lề luật nhưng bạn lại vi phạm Lề luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép : Chính vì các ngươi mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân”.
2. Giáo lý
- Luật cũ hay Luật Môsê là luật Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel trong Cựu Ước, được tóm kết trong Mười Điều Răn.
- Các mệnh lệnh của Mười Điều Răn đặt nền tảng cho ơn gọi của con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Những mệnh lệnh ấy ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, cũng như quy định những đòi hỏi căn bản của tình yêu đó.
- Luật cũ là sự chuẩn bị cho Tin Mừng, giúp con người đón nhận Đức Kitô và Tin Mừng của Người.
III. LUẬT MỚI
1. Kinh Thánh
- Giêrêmia 31,31-34 : “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa…Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta”.
- Mt 7,12 : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các tiên tri là như thế”.
- 1Cor 13 : Bài ca đức Mến “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả”.
2. Giáo lý
- Luật mới hay Luật Tin Mừng được Đức Kitô công bố trong Bài Giảng trên núi (Mt 5,17-19). Luật mới cũng là ân sủng của Chúa Thánh Thần và luật nội tâm của đức mền, vì luật này hoạt động nhờ đức mến.
- Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề luật, không phải bằng cách thêm vào những mệnh lệnh mới, nhưng bằng cách (1) biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế; (2) quy hướng các hành vi tôn giáo về Chúa Cha, thay vì quy về bản thân mình.
- Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong điều răn mới của Chúa Giêsu (Ga 15,12). Khuôn vàng thước ngọc của Luật mới là : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
- Giáo lý luân lý trong giáo huấn của các Tông Đồ giúp chúng ta hiểu rõ hơn luật mới của Đức Kitô và áp dụng vào đời sống.
- Ngoài những điều răn, Luật mới còn bao gồm những lời khuyên Phúc Âm, biểu lộ một đức mến muốn đi xa hơn nữa trên đường trọn lành. Những lời khuyên ấy chỉ ra những con đường trực tiếp hơn dẫn đến sự trọn lành, nhưng cần được thực thi tùy theo ơn gọi của mỗi người.
Phút hồi tâm
“Bạn biết dạy người khác mà lại không biết dạy chính mình. Bạn giảng : đừng trộm cắp, nhưng bạn lại trộm cắp! Bạn nói : chớ ngoại tình, nhưng bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề luật, mà bạn lại vi phạm Lề luật, và như vậy, bạn làm nhục Thiên Chúa” (Roma 2,21-24).
Cầu nguyện
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh