Giáo xứ Lam Sơn 2020
TGPSG -- Nhà thờ Lam Sơn hiện nay được cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận xây dựng và khánh thành ngày 5-7-2007. Vào thời điểm đó, cha cố Phêrô vẫn duy trì ngôi nhà nguyện cũ để làm nhà Chầu Thánh Thể, dẫu biết rằng ngôi nhà nguyện cũ này sẽ che khuất ngôi nhà thờ vừa làm xong.
Đến năm 2016, với sự đồng thuận của mọi người trong giáo xứ, cha chánh xứ mới Gioan Bt. Phạm Văn Lâm đã cho tháo dỡ ngôi nhà nguyện cũ đã xuống cấp, để có khoảng sân rộng lớn, làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đoàn dân Chúa. Và cũng nhờ thế mà ngôi nhà thờ Lam Sơn - tọa lạc số 1294 đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp - đã lộ ra mặt tiền, khiến những người đi trên đường Lê Đức Thọ nhận ra rõ rệt hơn sự hiện diện của một giáo xứ mang tên Lam Sơn.
Giáo xứ Lam Sơn nằm trên trục đường Lê Đức Thọ, phía Tây Bắc giáp giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, phía Tây Nam giáp giáo xứ Thạch Đà, phía Đông Nam giáp giáo xứ Lạng Sơn, phía Đông Bắc giáp sông Vàm Thuật.
I. LƯỢC SỬ
Thuở ban đầu (1954-1975)
Năm 1954, vì thời cuộc nên một số gia đình Công giáo di cư từ Bắc vào Nam, đã chọn vùng đất còn hoang sơ này để định cư và sinh sống. Khoảng năm 1957, vì sùng kính Thánh Vincente, nên một số giáo dân đã xây dựng đền Thánh Vincente nhỏ bé và đơn sơ, thuộc họ lẻ của giáo xứ Lạng Sơn, để sớm hôm đọc kinh và cầu nguyện với Ngài.
Đến đầu năm 1968, do chiến tranh, đền Thánh bị tàn phá hoàn toàn. Sau đó, được sự hỗ trợ của cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi -Giám đốc Caritas Sài Gòn lúc bấy giờ hỗ trợ- bà con giáo dân đã xây dựng lại nhà nguyện Thánh Vincente bằng tường gạch, mái lợp tôn với diện tích 144 m2 và chưa có nhà ở cho các cha (lúc này, giáo dân quen gọi là đền Thánh Vincente).
Dẫu chỉ là họ lẻ của giáo xứ Lạng Sơn, nhưng Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã giao cho cha Đaminh Hoàng Gia Phú dòng Thánh Thể (mất năm 1974) và cha Phanxicô Xaviê Trần Hoàng ở nhà hưu Phát Diệm (mất năm 1975) về dâng Thánh lễ, ban các Bí tích cho bà con giáo dân.
Giai đoạn hình thành (1976 - 1996)
Sau ngày 30.4.1975, giữa lúc giáo dân ở đây còn thưa thớt và tâm trạng mọi người con hoang mang, thì vào đầu tháng 6 năm 1975, cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận đã đến dâng Thánh Lễ đầu tiên tại nhà nguyện. Đến ngày 26.1.1976, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình quyết định nâng nhà nguyện Thánh Vincente thành giáo xứ Lam Sơn, nhận Thánh Vincente làm bổn mạng và giao cho cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận làm chánh xứ tiên khởi.
Lúc này đã có nhà ở cho cha sở, cùng với ngôi nhà thờ trong khuôn viên rộng 200m2. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, giáo dân chưa tới 800 người, chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Giáo xứ được chia thành 3 giáo họ lần lượt mang tên: Đức Mẹ hồn xác lên trời (khu 1), Thánh Giuse (khu 2), Kitô Vua (khu 3). Ngoài ra, có cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm nằm trên địa bàn giáo xứ để phụ giúp cha sở chăm sóc cộng đoàn.
Giai đoạn xây dựng (1996 - 2007)
Sau khi ổn định sinh hoạt giáo xứ, cha cố Phêrô nhận thấy ngôi nhà nguyện trở nên nhỏ bé và xuống cấp, giáo dân gia tăng nên ngài tiết kiệm mua thêm đất chung quanh nhà thờ để mở rộng diện tích. Việc làm này đã được sự hưởng ứng và hy sinh của một số hộ dân chung quanh nhà thờ, sẵn sàng nhường lại đất cho giáo xứ. Để rồi, sau 20 năm được thành lập, khuôn viên nhà thờ lúc này có trên 2.000 m2.
Do tình hình giáo dân còn nghèo, cha chánh xứ đã vận động bà con tiết kiệm trong 10 năm để có ngân quỹ xây dựng nhà thờ mới. Ngày 11.12.2004, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới dài 50m, rộng 24m, tầng trệt làm hội trường, trên lầu là nhà thờ.
Cùng lúc, giáo xứ cũng xây dựng nhà xứ gồm một trệt và một lầu, dài 15m, rộng 14m.
Ba năm sau, vào ngày 5.7.2007, Đức Hồng Y Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh lễ cung hiến thánh đường giáo xứ Lam Sơn và thánh hiến bàn thờ. Giáo xứ hân hoan vì đã có ngôi thánh đường mới trên khuôn viên gần 2.500m2.
Giai đoạn củng cố và phát triển (2007 - 2016)
Khi công việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ đã hoàn tất, cha cố Phêrô tiếp tục củng cố, chăm lo đời sống đức tin cho giáo dân. Lúc này, vì số giáo dân tăng (hơn 2300 giáo dân), nên giáo xứ hình thành thêm giáo họ Thánh Gia (khu 4). Đặc biệt, ngài quan tâm đến thiếu nhi và giới trẻ, chú trọng việc dạy giáo lý cho thiếu nhi, tạo điều kiện cho giới trẻ và Giáo chức Công giáo sinh hoạt tại giáo xứ…
Đến đầu năm 2016, sau 41 năm đồng hành cùng giáo xứ, cha cố Phêrô cảm nhận được tuổi già, bệnh tật… nên đã xin nghỉ hưu tại dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (CRM) Thủ Đức, và ngài đã an nghỉ trong Chúa ngày 5.9.2019.
Hiện tại và hướng đến tương lai (từ năm 2016)
Sau khi cha cố Phêrô xin nghỉ hưu, cha Gioan Baotixita Phạm Văn Lâm đã được Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc trao bài sai vào ngày 14.4.2016 để về làm chánh xứ Lam Sơn.
Với sự đồng thuận của mọi người, cha chánh xứ mới đã cho tháo dỡ nhà nguyện cũ đã xuống cấp, xây dựng tường rào mới với khoảng sân rộng lớn để sinh hoạt.
Ngoài ra, do thiếu phòng học giáo lý, đầu tháng 11.2016, ngài tiến hành xây dựng nhà giáo lý với diện tích xây dựng 90m2 gồm 1 trệt (là nơi để xe) và 3 lầu (làm phòng họp và các phòng giáo lý).
Đến ngày 5.4.2017, nhân dịp mừng lễ bổn mạng giáo xứ và kỷ niệm 10 năm cung hiến thánh đường, Đức TGM Phaolô đã đến làm phép nhà giáo lý và chủ sự Thánh lễ tạ ơn.
II. SINH HOẠT MỤC VỤ
Thánh lễ
Ngày thường có 2 Thánh lễ (5g, 17g).
Thứ Bảy có 2 Thánh lễ (5g, 16g30).
Chúa nhật có 3 Thánh lễ (5g, 7g, 17g).
Các linh mục đã phục vụ tại giáo xứ
- Từ 1968 đến 1975: Cha Đaminh Hoàng Gia Phú, dòng Thánh Thể và cha Phanxicô Xaviê Trần về dâng Thánh lễ, cử hành các Bí tích cho giáo dân.
- Từ 1976 đến 2016: Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận - Chánh xứ
- Từ 2016 đến nay: Cha Gioan Bt. Phạm Văn Lâm - Chánh xứ
Các linh mục xuất thân từ giáo xứ
1/ Linh mục Anrê Trần An Hiệp (TGP Sài Gòn)
2/ Linh mục Phêrô Phạm Quốc Thắng (USA)
3/ Linh mục Gioan Bt. Trần Tuấn Thiện (TGP Sài Gòn)
Các nữ tu xuất thân từ giáo xứ
Sẽ bổ sung sau
Các dòng tu
Trên địa bàn giáo xứ hiện có 2 cộng đoàn dòng tu:
1/ Cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được thành lập trước năm 1975, tọa lạc tại 503 đường Phạm Văn Chiêu, phường 13, quận Gò Vấp.
2/ Cộng đoàn Trái Tim Đức Mẹ Mirine Hàn Quốc – Việt Nam, thành lập ngày 03.06.2018, tọa lạc tại số 1163/2E Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp.
Hội đồng Mục vụ, Hội đoàn và Ca đoàn
Kể từ ngày thành lập giáo xứ đến nay, đã trải qua 8 nhiệm kỳ Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), để cùng với cha xứ, cộng tác với các hội đoàn nhằm phát triển đời sống đức tin cho cộng đoàn.
Hiện giáo xứ có các Hội đoàn sau: Hội Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ), Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Gia đình Tận Hiến Đồng Công, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (thành lập ngày 7.10.2016), Gia đình chăm sóc bệnh nhân và Caritas.
Ngoài ra, giáo xứ còn có Ban Thừa Tác viên Thánh Thể và Ban Lễ Sinh.
Riêng xứ đoàn Thánh Linh An Ủi (Thiếu nhi Thánh Thể) được thành lập ngày 6.10.2019, có 360 thành viên chia thành 4 ngành: Chiên con (40 em), Ấu (140 em), Thiếu (121 em) và Nghĩa (46 em), cùng với 28 anh chị Huynh trưởng, sinh hoạt trong 13 lớp giáo lý, học theo chương trình chung của giáo phận.
- Giáo xứ hiện có 4 ca đoàn lần lượt mang tên: Tôma Thiện, Thiện Chí, Têrêsa và Các Bà Mẹ Công Giáo.
Sinh hoạt mục vụ & bác ái
Vào các dịp lễ, tết… HĐMVGX, Ban Caritas cùng với các đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt tại sân nhà thờ thật sinh động như: Hội chợ ẩm thực, hội chợ Giáng sinh, Ánh trăng rằm…
Riêng Ban Caritas giáo xứ, được cha xứ giao cho mặt bằng để mở quán caphê Caritas hầu tạo nguồn kinh phí, mỗi tháng chăm lo 30 phần gạo cho các gia đình khó khăn, neo đơn trong giáo xứ; lo sữa và ăn sáng cho các cháu thiếu nhi vào mỗi Chúa nhật hằng tuần; phát học bổng cho các cháu nghèo học giỏi…
Đặc biệt, trong mùa Covid-19 từ đầu năm đến nay, Ban Caritas đã vận động ân nhân giúp các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, phối hợp với Caritas giáo phận và chính quyền địa phương để có những chính sách hỗ trợ cho từng hoàn cảnh cụ thể.
III. LỜI KẾT
Trong 41 năm sống với giáo xứ, cha cố Phêrô Nguyễn Văn Nhuận đã gắn bó cùng với bà con giáo dân xây dựng một giáo xứ Lam Sơn phát triển.
Tiếp bước ngài, cha Gioan Bt. Phạm Văn Lâm tiếp tục tu bổ cơ sở vật chất, chăm lo và củng cố đời sống đức tin cho mọi người, mọi giới…
Như vậy, sau 44 năm nhìn lại, giáo xứ mãi mãi ghi nhận công sức của nhiều thế hệ và viết tiếp trang sử của mình bằng những nỗ lực xây dựng giáo xứ ngày càng thăng tiến về đời sống văn hóa và đức tin, làm gia sản truyền lại cho thế hệ mai sau.
Văn Quyến (TGPSG)
Nhịp Sống Tin Mừng 11.2020
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè