Giới Giáo chức Công giáo: Tĩnh tâm Mùa Chay
WGPSG -- Sáng 27/3/2011, hơn 30 thầy cô thuộc Giới Giáo chức Công giáo về hưu đã quy tụ tại Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, số 43 Nguyễn Thông, Quận 3, TP.HCM để tĩnh tâm Mùa Chay. Đúng 08g00, nghi thức khai mạc và suy niệm chung diễn ra thật sâu lắng, bởi họ là những giáo viên Công giáo, nay đầu đã bạc, gương mặt đã hằn lên những vết nhăn của thời gian, và giờ đây đang thinh lặng lắng nghe Lời Chúa, hồi ức quá khứ tái hiện trong mỗi người, khiến ai nấy đều có những cảm xúc riêng tư của mình.
Qua sự chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn (OP), và qua cuộc thảo luận của 2 nhóm về đề tài: “Sức mạnh của lời chứng”, quý thầy cô đã cảm nghiệm được sự khác biệt giữa các nguyên lý sống, đó là sự khác biệt giữa: giáo huấn, làm gương và làm chứng.
Nếu trở lại lịch sử Giáo hội, chúng ta sẽ nhận ra những giai đoạn cụ thể:
- Lời chứng: Trong 300 năm đầu của Giáo hội, nguyên lý nuôi dưỡng đời sống đức tin Kitô giáo nằm trong “Lời chứng” của các vị tử đạo, dù là giáo sĩ hay giáo dân. Chính nhờ đức tin và quyền năng của Thiên Chúa, những con người yếu đuối mỏng giòn trở nên can đảm, mạnh mẽ phi thường.
Vì thế, trong kinh tiền tụng lễ Các thánh Tử đạo có câu: “Nhờ đó, Cha kiện toàn sức mạnh nơi những con người mỏng giòn, và tăng sinh lực cho những người yếu đuối, để họ làm chứng cho Cha”.
- Giáo huấn: Khi Giáo hội trải qua thời kỳ bắt hại, cũng là lúc Giáo hội không còn những chứng tá của các vị tử đạo nữa, bắt đầu xuất hiện các tu sĩ. Tu sĩ là những người có một đời sống gương mẫu, được mọi người kính phục, là những tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Thế nhưng, như lời Thánh Phalô nói: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn (nghĩa là tôi biết đó là tốt) thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét (nghĩa là tôi biết đó là điều xấu) thì tôi lại cứ làm (Rm 7,15).
Qua năm tháng, quyền uy và uy thế các giáo sĩ ngày càng bộc lộ trong việc quản trị và mang nặng tính giáo huấn. Giáo huấn luôn là một trong những yếu tố quan trọng của đời sống đức tin Kitô giáo, nhưng không phải là nguyên lý sống căn bản; vì Kitô giáo không phải là một học thuyết, nhưng là một sự sống, nên đời sống Kitô giáo phải bắt mạch vào đúng nguồn của sức sống Kitô giáo.
- Làm chứng: Sau thời kỳ bị bắt hại, sức sống Giáo hội không còn mạnh mẽ nữa. Giáo huấn và làm gương tỏ bày tài năng nhân đức của con người, cho người ta thấy rõ được nhân vật này, đấng bậc kia. Trong khi đó, “Làm chứng” lại có khả năng làm sáng lên chính quyền năng và tình yêu thương của Chúa. Người Kitô hữu làm chứng về ơn cứu độ của Thiên Chúa, trở nên “ánh sáng trần gian”, như “men” như “muối” giữa đời. Chính trong sự yếu đuối và tầm thường của người làm chứng, có thể giúp người khác, đặc biệt những người sống trong bóng tối được niềm cậy trông và xác tín vào quyền năng của Chúa.
Thư Thánh Phaolô ghi rõ: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho tôi thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Ngài quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 7-10).
Với nhận thức trên, nhiều lời nguyện tự phát rất chân tình trong Thánh lễ đã được quý thầy cô nguyện ước:
- Xin cho chúng con, tìm ra được sức mạnh của “làm chứng” nơi học trò của mình, nơi những người nghèo cả về thể chất và tinh thần, nơi ngay chính những người chống đối chúng con.
- Tuổi đời càng cao, sức khỏe giảm dần nhưng quá khứ cứ mãi tái hiện với những ưu tư, trăn trở trong sự nghiệp giáo dục của mình. Xin cho chúng con biết tận dụng những tháng ngày còn lại, để hướng dẫn đàn em của mình, tiếp nối sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ tương lai.
- Khi không phân biệt được giữa phẩm giá và tài năng, con người dễ khinh thường những người ít tài năng hơn. Xin cho chúng luôn cảm nghiệm được Lời Chúa: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10).
Buổi tĩnh tâm kết thúc lúc 11g30. Bài hát kết lễ như thôi thúc mọi người, dù tuổi đời đã xế bóng, nhưng hãy luôn sống và làm chứng cho Đức Kitô trong những tháng ngày còn lại, để Đức Kitô luôn lớn mãi giữa mọi người:
Hãy làm cho Ngài lớn lên
Trong tim ta trong tim mọi người
Khắp nơi nơi ca rao Danh Ngài
Trên quê hương và trên thế giới
Vì Ngài là ánh sáng soi nẻo đường ta đi
Vì Ngài là đường đi đưa ta lên quê trời
Vì Ngài là sự sống cho ta sống muôn đời
Vì Ngài là chân lý đến giải thoát chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12