Giới trẻ, định hướng cho cuộc đời
WGPSG -- Người em cùng quê với tôi sắp thi tốt nghiệp ngành điều dưỡng. Chỉ còn mấy ngày nữa thi nên tôi thấy em miệt mài học bài đến khuya. Tối nay có sinh nhật nhỏ bạn nên em gác lại chuyện học bài để đi mừng sinh nhật. Tối hôm trước khi thi môn thứ hai em cũng lai rai một két bia với mấy người bạn. Em bình tĩnh dường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hình như chuyện thi cử đối với em cũng bình thường thôi. Em học bài ôn thi kiểu cuốn chiếu. Hoàn toàn không có sự đầu tư thật kỹ càng từ xa.
Bạn thân mến, câu chuyện trên đây làm tôi liên tưởng đến lối sống của nhiều bạn trẻ hôm nay. Dường như họ không xác định được cái gì chính và cái gì là phụ trong cuộc sống thường ngày. Dường như họ chỉ biết sống như lục bình trôi sông hoàn toàn không có mục đích và định hướng. Bởi vậy mới có hiện tượng học “cuốn chiếu”, gian lận trong thi cử, hay thi rớt và nợ môn không thể ra trường được. Điều này dẫn đến biết bao tai hại cho chính bản thân người trẻ, cho gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy, nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như thế là gì? Làm thế nào để người trẻ hôm nay sống một cuộc đời có ý nghĩa và có định hướng? Còn đối với giới trẻ Công giáo chúng ta thì sao?
Nhiều bạn trẻ không biết mình đang muốn cái gì?
Trước tiên, nhiều người trẻ hôm nay sống không có định hướng. Nguyên nhân sâu xa là do họ không biết mình đang muốn cái gì. Thật vậy, họ có thể biết nhiều thứ văn minh hiện đại, nhưng không biết được chính mình. Nào là điện thoại di động đắt tiền hiện đại với nhiều chức năng. Nào là nhiều nhà hàng nổi tiếng với những món ăn đắt tiền. Nào là vi tính xách tay trị giá mấy chục triệu. Nào là facebook, yahoo messenger hay những kỹ thuật vi tính như đồ họa, lập trình, tạo trang web. Nào là sưu tầm những game thật hot v.v… Giá trị của người trẻ phải chăng hệ tại ở những phương tiện vật chất như thế?
Người em cùng quê với tôi cũng rơi vào vết xe đổ như đã nêu trên. Tôi nhận thấy em không có một định hướng và động cơ học hành nghiêm túc. Cứ tà tà rồi cũng qua. Như vậy không được. Hơn nữa nghe nói rằng cái ngành điều dưỡng mà em đang học là do cha mẹ của em chọn. Đã có lần em muốn bỏ cuộc giữa chừng cuốn gói về quê làm thợ hồ phụ cha. Vậy đó, em làm cái điều mà mình không thích thì làm sao có được động lực dấn thân cho ngành điều dưỡng được. Hơn nữa, cái ngành này đòi hỏi cái Tâm và sự khéo léo tỉ mỉ của đôi bàn tay thầy thuốc. Nếu em không muốn học thì hậu quả sẽ tai hại biết bao!
Thế nên, sống có mục đích và định hướng là chìa khóa dẫn con người dẫn tới thành công. Thế nhưng, thực tế nơi phần đông những người trẻ thì ngược lại. Bởi vậy, một tác giả đã nhận định thế này: “Ngày nay, khi chúng ta đang ở vào thời điểm cạnh tranh gay gắt, nhiều người vẫn không biết mình sẽ làm gì ở tương lai. Bởi vì họ chưa từng lên kế hoạch cho cuộc đời của mình. Hoạch định cuộc đời là yếu tố quan trọng để bạn có một phương châm và đường đi đúng đắn rõ ràng trong cuộc sống.” Quả thật, từ việc không biết chính mình dẫn đến việc đánh mất chính mình. Lối sống không có định hướng dẫn đến những lệch lạc và mất định hướng cho cuộc đời. Đó là lối sống chỉ biết hưởng thụ và lệch lạc nơi phần đông người trẻ hôm nay.
Nhiều bạn trẻ chỉ biết sống hưởng thụ và lệch lạc
Bạn tôi không thích học hành và làm việc. Xu hướng của bạn ấy thích nhiều thứ vui tiêu khiển như rượu chè, cờ bạc, hát karaokê, tiệc tùng, chở bạn gái đi ăn uống vui chơi v.v… Anh ta chỉ biết đến cái nhất thời mà quên đi cả một tương lai dài phía trước. Anh lấy cái phụ làm cái chính cho cuộc sống của mình. Anh đánh bài thua sạch hết tiền. Anh đã từng bị mất hai chiếc xe. Ở Sài Gòn này toàn người dưng nước lã nên biết mượn ai bây giờ. Anh chỉ biết điện về nhà cầu cứu bà mẹ làm nghề đan lát ở dưới quê. Anh nói dối mẹ rằng anh bị mất tiền, mất xe…Anh kéo lê cuộc đời trong những thú vui hưởng thụ lệch lạc như thế. Rồi cuộc đời anh sẽ đi về đâu? Hoàn toàn không định hướng. Hoàn toàn không có một tương lai ở phía trước.
Thực tế lối sống của phần đông người trẻ hôm nay là thế. Có mấy ai chịu đầu tư cho chuyện học hành thi cử? Có mấy bạn trẻ ưu tư chọn cho mình một ngành nghề hợp với sở thích, khả năng và có thể kiếm được nhiều tiền để nuôi sống bản thân và gia đình? Thật vậy, nhiều người trẻ hôm nay lãng phí quá nhiều thứ. Lãng phí thời gian. Lãng phí sức khỏe. Lãng phí tiền bạc. Lãng phí tuổi trẻ v.v… Như lục bình trôi lênh đênh trên dòng nước, nhiều người trẻ sống không có mục đích và định hướng cho đời mình. Họ không tìm ra được ý nghĩa và giá trị của cuộc sống này là gì. Giá trị của con người là gì? Giá trị của tiền bạc là gì? Giá trị của tình yêu là gì? Tôi sẽ là ai và làm gì trong tương lai? Thực tế cho thấy họ thích sống tự do và hưởng thụ tối đa. Vậy lối sống ấy có làm cho cuộc đời họ hạnh phúc, bình an không?
Phải chăng khởi đi từ những thực tế trên đây mà nhạc sĩ Ý Vũ đã sáng tác những lời ca như sau: “Ta đi, ta đi tìm lại màu xanh. Cho hôm nay tuổi trẻ tràn dâng sức sống” (Bài hát Xanh Lên Màu Mạ Non). Còn một tác giả nào đó đã mời gọi người trẻ thế này: “Hãy định hướng cho tương lai của bạn ngay từ khi còn học phổ thông theo đúng năng lực và sở trường để bạn không phải hối hận. Tiếp đó, bạn nên hoạch định cụ thể cuộc đời của mình. Mất bao nhiêu năm để bạn tìm kiếm điều mình muốn? Hãy biết nắm giữ tương lai của mình, đừng bao giờ sợ những gì trong tương lai bởi vì chúng ta không hề biết tương lai sẽ là gì!” Còn đối với những người trẻ Công giáo chúng ta phải sống thế nào?
Vậy, giới trẻ Công giáo phải làm gì để sống có ý nghĩa?
Bạn thân mến, mỗi người trẻ Công giáo chúng ta ít nhiều cũng bị lây nhiễm những khuynh hướng xấu của xã hội. Sống không định hướng. Sống lệch lạc và buông thả. Sống tự do muốn làm gì thì làm. Lối sống ấy nguy hại đến đời sống đức tin và cuộc đời mỗi người trẻ chúng ta. Bởi thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta rằng: “Anh em đừng có rập khuôn theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2). Vậy, một cuộc đời có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta là một cuộc đời có Chúa. Không để lạc mất Chúa trong đời sống thường ngày.
Cuối cùng, cái gọi là “hoàn hảo” mà thánh Phaolô nói tới là gì? Xin mượn lời một bài hát để chúng ta suy nghĩ và tự trả lời cho mình: “Tuổi trẻ hôm nay, không biết hận thù. Tuổi trẻ vô tư, tâm hồn cao cả… Tuổi trẻ hôm nay, không sống riêng mình. Tuổi trẻ thênh thang, tâm hồn trời biển. Tuổi trẻ hôm nay, sống cho lý tưởng. Hiến dâng chính mình, dệt thắm màu xanh” (Bài hát Xanh Lên Màu Mạ Non, Ý Vũ).
bài liên quan mới nhất
- Đức Giê-su Ki-tô - Đường công chính
-
Tiếng hát giáo đường 2020: Bạn trẻ trao gửi yêu thương -
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ủy ban Giáo dục Công giáo Việt Nam: Trao học bổng Mầm Hy Vọng ngày 10-10-2020 -
Phân định và hành động theo DOCAT -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Nhãn quan Giáo hội về giới trẻ trong thế giới hôm nay -
Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao? -
Gợi ý phương pháp làm mục vụ giới trẻ theo Tông huấn Christus Vivit
bài liên quan đọc nhiều
- Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao?
-
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Các Thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ -
Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh nhân dịp Lễ Chúa Thăng Thiên 2020 -
Người trẻ và việc phân định: Ơn gọi Độc thân Thánh hiến hay Ơn gọi Hôn nhân -
Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ban Mục Vụ Giới Trẻ -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Đại hội Giới Trẻ mùa Chay 2019