Giới Y tế Công giáo TGP.TPHCM: Tĩnh tâm
WGPSG -- Vào lúc 16g00, Chúa nhật 21/03/2010, giới Y tế Công giáo Tổng Giáo phận TPHCM, đã có buổi tĩnh tâm Mùa Chay, tại nhà nguyện Tu viện Đắc Lộ Dòng Tên, số 171 Lý Chính Thắng, Q. 3, TPHCM. Chọn nhà nguyện nhỏ và ấm cúng này vì ban tổ chức dự đoán số người tham dự không đông. Một số đoàn công tác từ thiện đang tận dụng thời gian còn lại của Mùa Chay, đến khám chữa bệnh ở các điểm vùng sâu vùng xa. Nhưng, thật cảm động, số người tham dự nhiều hơn dự kiến. Các nhân viên y tế còn dẫn theo cả những người mà họ đã chữa bệnh phần xác. Hôm nay, họ đến với Chúa, để rồi trong thinh lặng và cầu nguyện, cùng nhau đón nhận ơn biến đổi, ơn chữa lành phần hồn và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa.
Cùng đồng hành với giới Y Tế có:
- Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR
- Lm Phêrô Ngô Phan Đình Phục SJ
- Lm Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa SJ
- Lm Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc, linh hướng giới Y Tế
I. Chia sẻ
Sau phần thánh hóa, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông chia sẻ đề tài: Kitô hữu là ai và đặc tính sự sống của Chúa Kitô.
Kitô hữu là ai?
Từ thư thánh Phaolô (Rm 6, 3-11) cha trả lời: Kitô hữu là người được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Giêsu Kitô, là người cùng chịu đóng đinh, cùng chết, cùng mai táng và cùng phục sinh với Đức Kitô.
Từ các nghi thức Thánh Tẩy thời các giáo phụ, cha đã gợi ra hình ảnh Kitô hữu là người được dìm trong Thiên Chúa, được mặc lấy Đức Kitô, trở thành ánh sáng của Đức Kitô, được xức dầu, thấm đẫm Thần Khí Đức Kitô, để khi ở đâu thì họ toả ngát hương thơm của Đức Kitô ở đấy.
Mùa Chay là mùa chuẩn bị cho anh em dự tòng lãnh bí tích Thánh Tẩy. Mùa Chay cũng là mùa để các Kitô hữu nhìn lại xem: Ta có toả ngát hương thơm của Chúa Giêsu Kitô không? Ta có mang lấy sự sống của Đức Giêsu Kitô không?
Đặc tính sự sống của Chúa Kitô
Từ trích đoạn Tin Mừng Lc 4,1-13, cha mời các bạn xem cách sống của Chúa Giêsu qua những cám dỗ.
1. Sống bằng Lời Thiên Chúa
Kitô hữu muốn sống bằng Lời Thiên Chúa phải nhớ Lời Chúa. Thiên Chúa nói với ta qua Lời của Ngài trong mọi tình huống của cuộc đời, nhưng ta thường để Chúa ra khỏi cuộc đời mình.
2. Sống cho người khác
Chúa có khả năng biến đá thành bánh nhưng ngài không dùng quyền năng Thiên Chúa để phục vụ bản thân. Khi ta sống cho người khác, ta mang sự sống của Chúa Kitô. Nhưng khi chỉ sống cho mình, ta không chỉ mất sự sống của Thiên Chúa mà còn mất cả “chất người”. Con người trưởng thành là người biết sống cho và sống vì người khác.
Khi đã gia nhập y tế, mỗi người phải ý thức mình được Chúa mời gọi để tiếp nối sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu. Là y, bác sĩ ta không được thờ ơ với sứ vụ chữa lành. Nếu không biết nghĩ đến người khác, ta làm cho nghề nghiệp của mình suy bại. Ngày xưa, Chúa đã cho người mù được thấy, người què được đi. Ngày nay, Chúa dùng đôi tay của ta để chữa lành cho các bệnh nhân.
3. Dành cả cuộc đời cho Chúa
Dành cả cuộc đời cho Chúa không có nghĩa là ta phải đọc kinh cầu nguyện suốt ngày như các đan sĩ, nhưng ta nhớ đến Chúa qua hình ảnh những bệnh nhân mà ta có nhiệm vụ chữa lành.
4. Tôn thờ Thiên Chúa vô điều kiện
Đừng lo lắng đời ta sẽ ra sao. Chúa sẽ ban cho ta nhiều điều khác quí giá hơn. Hãy nhớ mình là Kitô hữu; hơn nữa, đừng quên sứ vụ của mình.
II. Nhận bí tích Hoà giải
Từ hai câu hỏi gợi ý:
- Tôi đã sống sự sống của Thiên Chúa như thế nào?
- Tôi đã sống sứ vụ chữa lành ra sao?
Mỗi người chọn một góc riêng để tĩnh tâm, xét mình, sám hối và lãnh nhận bí tích Hoà giải.
III. Thánh lễ
Trong bài chia sẻ Lời Chúa, cha giảng thuyết nhắc lại sự kiện: Người ta đã phải tốn bao nhiêu công sức và phí tổn để phục hồi bức tượng La Piéta, một tác phẩm vô giá bị một người tâm thần phá huỷ. Bức tượng chỉ là sản phẩm của con người mà người ta không muốn mất đi, phương chi ta là những tạo vật của Thiên Chúa. Ngài muốn sửa đổi ta thành những con người mới, hữu ích cho mọi người.
Chiều nay, tụ họp lại đây, mỗi người hãy xét lại tương quan của mình với Chúa và với nhau. Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, đôi khi chính ta cũng mắc phải sự gian ác của Pharisêu: chờ đợi sự ác xảy ra rồi nhạo cười, lên án.
Như người Pharisêu đặt người phụ nữ ở giữa để tố cáo, ta cũng đặt anh chị em ở trung tâm của những chỉ trích phê bình, phán đoán sai lầm, làm cho họ mất sự sống. Học cách sống của Chúa Giêsu, ta đặt anh chị em ở trung tâm của tình yêu, của lòng thương xót. Và như vậy, trong cuộc sống, ta cũng đặt người bệnh ở trung tâm để chữa lành.
Cầu chúc cho mọi người nhận ra lời yêu thương, tha thứ và chữa lành của Chúa qua kinh nghiệm ta có với Chúa, qua những giây phút ta sống tâm tình Mùa Chay và Tuần Thánh.
Buổi tĩnh tâm kết thúc vào lúc 20g cùng ngày. Mọi người ra về trong an bình, hẹn gặp lại trong các buổi khám chữa bệnh cho người Di dân và các Mái ấm, bắt đầu từ trung tuần tháng tư 2010.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12