GP. Lạng Sơn: Thăm khu điều trị bệnh phong Phú Bình
Ngày 13 tháng 04 năm 2011, một phái đoàn của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng do Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân dẫn đầu, đã đến thăm, động viên và chia sẻ với các bệnh nhân phong tại khu điều trị bệnh phong Phú Bình, giáo phận Bắc Ninh.
Phái đoàn của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, ngoài Đức cha Giuse, còn có cha Đại diện giám mục Giuse Nguyễn Ngọc Thể, cha Antôn Nguyễn Anh Tuấn, đại diện nam nữ tu sỹ và giáo dân. Khởi hành từ Tòa giám mục Lạng Sơn vào lúc 5h30 sáng, mỗi người trong đoàn mang trong mình những tâm tình khác nhau, nhưng tựu trung ở tâm tình bác ái và yêu thương, hướng đến những anh chị em bệnh nhân phong và những cảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ của cuộc hành trình, đoàn đã đến khu điều trị phong Phú Bình. Khu điều trị này nằm ở một vùng hẻo lánh của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Theo các vị hữu trách ở đây cho biết, tòan khu đìều trị hiện nay có khoảng trên duới 200 gia đình, trong đó có 105 người mang bệnh phong, họ sinh sống cùng với con cháu của mình, làm thành một làng thật đông đúc, như một đại gia đình để nâng đỡ, chia sẻ và khích lệ lẫn nhau. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân và con em trong khu điều trị phong Phú Bình thuộc tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn, là diện tích thuộc Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, điều này làm cho chuyến thăm viếng của Giáo phận càng thêm ý nghĩa. Một bệnh nhân đã trên 60 tuổi tên Trường, đạp xe hàng trăm cây số từ Lạng Sơn vào đây, chuẩn bị về thì nghe tin có Đức cha Lạng Sơn đến thăm, ông quyết tâm ở lại để được gặp gỡ và chia sẻ tâm tình với ngài.
Đến với khu điều trị phong, trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng đây là nơi của bệnh tật, của sự tiêu điều, xơ xác hay phải xa lánh, nhưng giữa nơi tưởng như đầy xa cách đó, những người phong vẫn một niềm vững tin vào cuộc sống, vẫn vươn lên để sống tình nghĩa, sống niềm vui và liên kết với nhau trong một gia đình. Sự sống và niềm vui vẫn không ngừng hồi sinh mỗi ngày ở chính nơi tưởng như là miền đất chết ấy. Chứng kiến sự đau thương của căn bệnh ngặt nghèo của các cụ trong khu điều trị, tâm lòng mỗi ngừời hẳn ánh lên niềm thương cảm, xót xa, nhưng sâu xa hơn, tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ, gặp gỡ, chia sẻ với họ, mỗi người lại cảm nhận những khía cạnh khác thật đẹp về nghị lực sống và ý chí của những người bệnh phong.
Trong khu điều trị Phú Bình này, các bệnh nhân mỗi người một dáng vẻ, một đau thương khác nhau. Có người đã mất một chân, người mất cả 2 chân, người mất hết các đầu ngón tay hay mất đi chiếc mũi trên khuôn mặt bị biến dạng của mình... Thế nhưng, với những chiếc chân giả và những dụng cụ hỗ trợ cho đôi tay, họ vẫn có thể làm những công việc hàng ngày như những người bình thường. Với diện tích đất canh tác khá rộng, hằng ngày, người phong và những anh chị em khác ở đây cũng ra công lao tác, trồng trọt, chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống đầy khó khăn thiếu thốn và bất hạnh của mình. Mỗi người cảm nhận được rằng, có lẽ, đối với họ, niềm vui lớn nhất của họ chính là nghị lực vươn lên trong cuộc sống đầy bi ai này, là niềm vui khi đứng trên chính đôi chân của mình, cầm trên chính bàn tay của mình, những sản vật đơn sơ khiêm tốn mà do sức lao công mình tạo nên. Hạnh phúc lớn nhất của họ, chính là được đối xử bình đẳng, thương mến và trân trọng với tình nghĩa chân thành.
Cảm nhận cuộc sống của hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại đây, mỗi người trong phái đoàn của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng càng thêm cảm phục ý chí sống và nghị lực vươn lên của họ. Trong cuộc đời này,họ có thể coi như những con người quả cảm và giàu nghị lực nhất. Trong phòng lớn của khu điều trị, Đức cha Giuse và phái đòan Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng đã có những giờ phút gặp gỡ hầu hết các cụ bệnh nhân phong đang được điều trị ở đây. Các cụ bệnh nhân mang mỗi người một dáng vẻ, một đau đớn, một mất mát, nhưng tất cả đều ánh lên niềm vui, sự tin yêu và hy vọng.
Đức cha Giuse bày tỏ niềm xúc động khi được đến thăm và chia sẻ với các cụ bệnh nhân tại khu điều trị phong này. Ngài nói lên những ưu tư của Giáo hội, không chỉ cho cánh đồng truyền giáo hay nhưng còn hướng đến những anh chị em bất hạnh, những cảnh đời đau khổ và bệnh tật, để đồng cảm, sẻ chia và nâng đỡ cho nhau. Những món quà vật chất được trao tặng cho nhau, tuy có thể chỉ mang giá trị khiêm tốn, nhưng món quà tinh thần trao tặng mới thực sự rất đáng quý trọng. Đó làm nên nét đẹp của tình người, của lòng nhân ái và yêu thương chân thành.
Những bệnh nhân cũng chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ và cảm nghiệm của mình. Bằng một thái độ hết sức chân thành, đơn sơ và tình nghĩa. Họ nói chuyện một cách say mê, nói về cuộc đời, về số phận của họ, họ không ngần ngại chia sẻ bất cứ điều gì, về gia đình, về căn bệnh đang mắc phải. Nhiều cụ còn cất lên lời ca tiếng hát thật cảm động. Những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, do các cụ tự sáng tác và thể hiện, đem đến cho những người hiện diện sự xúc động trào dâng.
Đức cha Giuse và phái đòan, thay mặt cho mọi thành phần Dân Chúa nơi Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, đã trao tặng cho các cụ đang điều trị tại Phú Bình những món quà nói lên sự quan tâm, thương mến và chia sẻ.
Ngay trong hội trường của khu điều trị phong Phú Bình, Đức cha Giuse, cha Đại diện Giuse và cha Antôn đã cử hành Thánh lễ cách sốt sắng, với sự tham dự của hầu hết các cụ bệnh nhân ở đây. Được biết, hiện nay ở khu điều trị này có khoảng 30 cụ là người Công giáo mà tuỵệt đại đa số là các tân tòng, nhưng có đời sống đạo đức và niềm tin vào Đức Kitô thật mạnh mẽ. Lời ca, tiếng hát, kinh nguyện, hòa với tấm lòng đơn sơ của các cụ bệnh nhân, làm thành của lễ cao đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa. Tình người càng được gắn kết hơn qua sự gặp gỡ thân tình, những câu chuyện chia sẻ gần gũi và lời chúc bình an trong Thánh lễ.
Chuyến viếng thăm của phái đoàn Giáo phận miền sơn cước đến với các anh chị em bệnh nhân phong mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong khung cảnh của Mùa Chay Thánh, bởi đây là thời gian mà Giáo Hội Công Giáo không ngừng kêu gọi các tín hữu hảy hăng hái hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái, cầu nguyện và làm việc Tông đồ.
Thật vậy, qua việc ăn chay sẽ giúp con người vượt thắng sự vị kỷ và chỉ biết đến riêng mình; sự bố thí với trọn tấm lòng quảng đại và chân thành chia sẻ sẽ là cơ hội rất tốt để nhắc nhớ con người về sự chia sẻ cần đánh dấu cho mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu; và khoảnh khắc dành cho việc cầu nguyện nhắc nhớ rằng thời gian thuộc về Thiên Chúa, qua đó từng giây từng phút, từng công việc phải dành quy hướng về sự thiện, về xây dựng tình liên đới với tha nhân, và kết hiệp với Thiên Chúa trong tương quan thân mật, gần gũi và tín thác. Mùa Chay đem đến cho chúng ta kinh nghiệm về cách sống tình yêu Chúa Kitô một cách ngày càng tích cực hơn, nhờ việc hãm dẹp ý riêng, từ bỏ con người ích kỷ của mình, đến với tha nhân và gặp gỡ chính Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền