Hiền sĩ, đạo sĩ, ba Vua?
Khi tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Thánh Matthêu có nhắc đến “ba vua” đến viếng Chúa Hài Nhi: “Vậy khi Đức Chúa Jêsu đã sinh ra ở Bethlehem đất họ Juđa, đời vua Hêrôđê, thì có ba vua ở phương Đông đến thành Jerusalem” [1](Mt 2,1). “Ba vua” này là ai? Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt về sau dịch danh xưng này cũng khác nhau: Đạo sĩ, nhà chiêm tinh, thầy bác sĩ, nhà bác học, nhà thông thái [2]... Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ gốc Latin “magi” và tìm hiểu xem cách dịch nào tốt hơn.
1. Tìm hiểu ý nghĩa của từ Magi.
Câu Mt 2,1 trong bản Nova Vulgata là: “Cum autem natus esset Iesus in Bethlehem Iudaeae in diebus Herodis regis, ecce Magi ab oriente venerunt Hierosolymam”.
Trong tiếng Latin: magi là số nhiều của magus - có nghĩa là phù thuỷ (sorcerer), pháp sư (magician), nghĩa là người sử dụng các sức mạnh bí ẩn của tự nhiên để tạo ảnh hưởng đến các sự kiện và thực hiện những kỳ công. Thuật từ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp: magoi là số nhiều của magos - nghĩa là người thuộc hàng tư tế và có học thức (thế kỷ IV TCN). Nhưng từ này có nguồn gốc từ ngôn ngữ Ba Tư cổ (thế kỷ VII TCN): magush, và thậm chí có thể phát sinh từ ngôn ngữ Tiền-Ấn-Âu (khoảng thế kỷ III TCN): magh (đt.) nghĩa là có khả năng, có quyền lực. Trong tiếng Anh (từ thế kỷ XIII), từ này phát sinh ra từ magician (thuật sĩ, thầy pháp, thầy phù thuỷ, nhà ảo thuật), ngày nay thường được hiểu theo nghĩa xấu, nhưng trong nguyên ngữ thì không phải như vậy.
Sử gia người Hy Lạp là Herodotus (thế kỷ V) cho biết rằng magoi (hay magi) là một bộ tộc ở Ba Tư, một số trong họ là những người đoán điềm giải mộng và làm nhiệm vụ tư tế (History I, 101, 107, 120, 132, 140; VII, 37). Trong Bản LXX, sách Daniel cho biết magi là những nhà thông thái, người giải mộng và thị kiến (Đn 1,20; 2,2; 4,4; 5,7). Philo Alexandria (20TCN-50) cho biết magi là những phù thuỷ (magicians) [3].
Thời Chúa Giêsu, những người này biểu thị cho các triết gia, tư tế hay nhà chiêm tinh [4]. Họ sống chủ yếu ở Ba Tư và Ả Rập. Họ là những nhà trí thức, chuyên về chiêm tinh học, tôn giáo và y học. Họ rất được kính trọng trong triều đình Ba Tư như những bậc quân sư trong cung đình và vị cố vấn trong các doanh trại ngoài chiến trường [5]. Theo Encarta Concise Encyclopedia (Religion & Philosophy): Magus là người thuộc giai cấp tư tế ở Ba Tư cổ đại, họ theo Bái Hoả Giáo của Zoroaster, vị tôn sư và tiên tri người Ba Tư. Họ cũng được coi là những nhà tiên tri thông thái, có khả năng xem ngôi sao mà đoán số phận.
Trong Thánh Kinh, thuật từ Hy Lạp magos và các biến thể của nó xuất hiện trong cả Cựu và Tân Ước (Mt 2,1-12,9 ; Cv 8,9; 13,6-11 và Đaniel bản LXX 1,20; 2,4.10.27; 4,4; 5,7.11.15). Trong tất cả các Sách Thánh, thuật từ này thường được dịch là phù thuỷ (magus, magician) theo nghĩa là thầy pháp (maleficus, sorcerer, conjurer), thầy bói (hariolus, haruspices, diviner), hay nhà giải mộng (interprets omens, dreamer). Trừ Phúc Âm Mathêu là nơi duy nhất magoi được dịch là “các nhà thông thái, hiền sĩ” (sapientes, wise men, sages). Tuy nhiên, Origen và các thánh giáo phụ như Justinô, Augustinô và Giêrôm đã không theo ngoại lệ đó, các ngài vẫn dịch thuật từ magoi trong Mt 2,1-12 theo nghĩa thông thường của nó, tức là “magi” [6].
Tóm lại, magus (dt.) nghĩa là: (1) Người có hiểu biết sâu rộng và chín chắn: nhà thông thái, bác học, hiền sĩ (wise man, sage). (2) Thầy tư tế (cổ Ba Tư) được cho là có khả năng siêu nhiên. (3) Nhà chiêm tinh (astrologer). (4) Thầy pháp, thầy phù thuỷ, thuật sĩ (magician, wizard). (5) Thầy bói, nhà tiên tri (seer). (6) Danh từ ở số nhiều là magi được hiểu là ba vị hiền sĩ đã viếng thăm Chúa Giêsu Hài Nhi [7].
2. Magi = Ba Vua ?
Cha Cố Chính Linh (1916) dịch câu Mt 2,1: “Vậy khi Đức Chúa Jêsu đã sinh ra ở Bethlehem đất họ Juđa, đời vua Hêrôđê, thì có ba vua ở phương Đông đến thành Jerusalem” và ngài chú thích: “Từ thuở xưa trong Hội Thánh vốn đoán các bác sĩ ấy là ba vua - PSAL. LXVIII, 30-32; ISAIA LXIX,7; LX,3-10 – Ông thánh Beda dạy rằng: Tên ba vua ấy là Caspar, Melchior, Balthasar” [8].
Thực ra, magi được gọi là “ba vua” là do các tác giả Kitô giáo, khoảng thế kỷ III, liên kết các ngài với câu Tv 72,11: “Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng” [9]. Ngoại trừ Tertullian (Adv. Marcion, III, xiii) nói rằng các ngài “gần như là những vị vua (fere reges)”, không có giáo phụ nào nói rằng các ngài là vua, và như vậy cũng phù hợp với những kết luận từ các chứng cứ ngoài Thánh Kinh của Philon, Herodotus (History I, ci) và Strabo (XI, ix, 3) [10].
3. Magi = Các đạo sĩ ?
Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm (1973), Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976) và Cha An Sơn Vị (1983) dịch “magi” là “đạo sĩ”. Chúng ta có thể hiểu là từ này theo nghĩa rộng là “người xuất gia tu hành”, như thế cũng đúng với “magi” như đã nói trên.
3.1 Đạo: Có 8 chữ Hán道, 導, 导, 稻, 盜, 翿, 蹈, 纛, trong thuật từ đạo sĩ là chữ đạo 道này, nghĩa là: (dt.) (1) Đường: Sơn đạo (đường núi). (2) Chân lý: Đạo dã giả, bất khả tu du ly giả (chân lý là điều không thể xa lìa dù một giây lát). (3) Tư tưởng: Ngô đạo nhất dĩ quán chi (tư tưởng của tôi, tôi sẽ làm đến cùng). (4) Phương pháp: Dĩ kỳ nhân chi đạo, hoàn trị kỳ nhân chi thân (dùng phương pháp của người ấy để trị người đó (5) Kỹ nghệ. (6) Ý hướng: Đạo bất đồng, bất tương vi mưu (ý hướng khác nhau, không thể làm chung với nhau). (7) Chủ thuyết Lão Tử: Đạo giáo. (8) Đạo sĩ:Bần đạo. (9) Đơn vị hành chánh thời xưa, tương đương cấp tỉnh: Nhà Đường chia thiên hạ làm mười đạo. (10) Quan chức của triều Thanh: Binh bị đạo. (11) Mê tín: Hội đạo môn (các hội kín). (12) Từ giúp đếm các vật dài hay lâu: Nhất đạo hà (một con sông). (13) Họ Đạo. (đt.) (14) Nói: Thường ngôn đạo (câu thường nói). (15) (văn) Chỉ dẫn, dùng như chữ đạo 導 (bộ thốn寸).
3.2 Sĩ: có 8 chữ Hán士, 仕, 俟, 竢, 涘, 戺, 擡, 抬, ở đây là chữ士này: nghĩa là (dt.) (1) Quan chức thời xưa (có ba bậc thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ). (Ngr) Người có danh vọng: Nhân sĩ yêu nước; (2) Quan coi về hình ngục (quan tư pháp) : Sĩ sư; (3) Quân giai thấp hơn cấp uý: Thượng sĩ; (4) Binh lính (chỉ quân lính nói chung, chỉ cấp bực dưới cấp uý nói riêng): Binh sĩ; (5) Tên một quân cờ trong cờ tướng: Con sĩ; (6) Giới trí thức trong xã hội cũ: Sĩ nông công thương, sĩ phu, kẻ sĩ; (7) Học trò hoặc người đã đỗ tú tài xưa: Nữ sĩ, học sĩ; (8) Người trưởng thành (đàn ông nói chung, con trai chưa vợ nói riêng): Nam sĩ; (9) Người có nghề chuyên môn: Hộ sĩ; (10) Người, kẻ (cách diễn đạt tỏ ý lịch sự và tôn trọng đối với hạng người nào đó): Chí sĩ, tráng sĩ, liệt sĩ; (11) Họ Sĩ; (12) (văn) Công việc, dùng như chữ sự (事).
3.3 Đạo sĩ (道士): Đạo: Chủ thuyết của Lão Tử, còn gọi là Đạo giáo [11]; sĩ: người trí thức; đạo sĩ: (1) (Nghĩa hẹp) Tu sĩ Đạo giáo; (2) (Nghĩa cổ) Tu sĩ Phật giáo. Thời Nguỵ Tấn (220-420), khi Phật giáo mới du nhập Trung Quốc, tu sĩ Phật giáo cũng được gọi là đạo sĩ, về sau mới gọi là tăng; (3) (Nghĩa rộng) Người xuất gia tu hành.
Mặc dù bề ngoài, tín đồ Đạo giáo không nhiều, nhưng ở Việt Nam cũng như tại các nước Đông Nam Á khác chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, khi nhắc đến đạo sĩ, lập tức khiến người ta nghĩ đến Đạo giáo. Chính vì vậy mà Phật giáo Trung Quốc mới chọn từ tăng sĩ thay vì đạo sĩ.
4. Magi = Các nhà chiêm tinh ?
Nhóm Phiên Dịch CGKPV xưa nay vẫn dùng từ “nhà chiêm tinh” để chỉ các vị magi. Quả thực magi cũng là những nhà chiêm tinh.
4.1 Chiêm: có 2 chữ Hán占, 瞻, trong thuật từ chiêm tinh dùng chữ占, nghĩa là: (đt.) (1) Xem điềm để đoán chuyện xấu tốt:Chiêm bốc (xem bói). (Đọc là chiếm): (2) Bắt lấy cho mình: Chiếm cứ. (3) Đọc ra thơ bằng miệng (chưa viết thành bài): Khẩu chiếm.
Nghĩa Nôm: (1) Mộng: Chiêm bao. (2) Tiếng chim mới nở: Chiêm chiếp.
4.2 Tinh: có 11 chữ Hán星, 猩, 精, 晶, 幷, 并, 旌, 蜻, 腥, 菁, 箐, trong từ chiêm tinh là chữ 星, nghĩa là (dt.) (1) Ngôi sao: Hành tinh. (2) Tên một thứ nhạc cụ thời cổ. (3) Những chấm ghi làm chuẩn trên cán cân: hoa tinh. (4) Người coi các vì sao để nghiệm tốt xấu: Tinh gia, tinh sĩ (thầy số) (5) Diễn viên điện ảnh được hâm mộ: Minh tinh. (6) Vật gì thưa: Liêu lạc thần tinh (vắng vẻ như sao ban sáng). (7) Tuần lễ bảy ngày: Tinh kỳ (tuần lễ). (8) Họ Tinh. (tt.) (9) Số gì nhỏ mọn: Linh tinh (từng giọt, từng cái). (10) Màu trắng: Tinh mấn (tóc mai trắng).
4.3 Nhà chiêm tinh (占星家): Chiêm: xem điềm để đoán chuyện xấu tốt; tinh: sao trời; nhà chiêm tinh: người xem vị trí các vì sao trên trời để suy đoán chuyện số mệnh, may rủi, tốt xấu.
Chúng ta biết rằng: Trong chiêm tinh học, những hiện tượng liên quan đến các tinh tú chỉ ảnh hưởng đến một địa điểm và thời gian nhất định, đối với những địa phương và thời gian khác thì những ảnh hưởng này không giống nhau. Tất cả mọi người trên địa cầu, cơ bản đều xem thấy những hiện tượng thiên văn trên giống nhau. Tất cả những tiên báo chỉ có tính tượng trưng và không thể kiểm chứng được.
Theo Thánh Kinh, việc thực hành ma thuật (bói toán và phù thuỷ) được liên kết với bùa ngải (Tv 58,6; Gr 8,17; Gs 10,11), việc sử dụng các gút và dây (Ed 13,17-23), ‘con mắt mang hoạ’ để thôi miên (Kn 4,12; Gl 3,1) v.v... Ba bộ luật lớn của Môsê cấm chỉ ma thuật với án tử hình: “Các ngươi không được làm nghề tướng số, chiêm tinh” (Lv 19,16); “Giữa anh em, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ” (Đnl 18, 10); “Đàn bà phù thuỷ, ngươi không được để cho sống” (Xh 22,17). Do đó, chúng tôi tự hỏi: Dùng từ “chiêm tinh” để gán cho các magus ở Mt 2,1 có gây nhầm lẫn giữa khoa chiêm tinh của các ngài với các thực hành ma thuật bị kết án này hay không [12]? Dù sao, theo chúng tôi, thuật từ “chiêm tinh” dễ tạo liên tưởng đến các “thầy bói” (diviner) và khi nhắc đến chiêm tinh, lập tức khiến người ta nghĩ đến số phận con người bị chi phối bới những tinh tú trên trời. Khi nói nhà chiêm tinh đoán ra Chúa Cứu Thế sinh tại đâu mà đến viếng thăm, làm người ta nhầm tưởng Chúa Giêsu cũng bị các tinh tú chi phối. Điều này làm phương hại đến niềm tin của Kitô hữu. Phải chăng vì những điều này mà đa số các bản dịch Thánh Kinh trên thế giới đều dùng những chữ “nhà thông thái, hiền sĩ” (wise men, sages...) hoặc chữ có gốc từ magi [13], chứ không dùng chữ nhà chiêm tinh (astrologus, astrologer...).
5. Magi = Các hiền sĩ ?
Các bản dịch dùng chữ “thầy bác sĩ”, “bác học”, “nhà thông thái” đều nói lên được đặc điểm các magus thuộc thành phần trí thức. Tuy nhiên, nếu muốn đề cao đức hạnh của những người khao khát tìm Chúa này, thì theo thiển nghĩ chúng ta nên gọi họ là các “hiền sĩ” [14] thì thích hợp hơn.
5.1 Hiền: có 4 chữ Hán賢, 贒, 贤, 痃. Trong trường hợp đây là chữ 賢này, nghĩa là (dt.) (1) Người có tài đức: Kiến hiền tư tề(thấy người có tài đức thì muốn bắt chước). (2) Họ Hiền. (đại từ.) (3) Xưng ngôi thứ hai và thứ ba. (đt.) (4) Thân yêu: Hiền hiền dịch sắc (đổi lòng yêu sắc đẹp mà thân yêu người hiền - Luận Ngữ). (5) Hơn: Bỉ hiền ư ngô viễn hỹ: họ hiền hơn ta nhiều lắm vậy.(6) Nhọc nhằn. (7) Ưu đãi. (tt.) (8) Lương thiện: Hiền nội (Người vợ lương thiện). (9) Tiếng tỏ lòng mến đối với đồng bối hay hậu bối: Hiền đệ.
5.2 Hiền sĩ (賢士): Hiền: người có tài đức; sĩ: người trí thức; hiền sĩ là người có tài năng, tri thức và đức hạnh hơn người, được người ta kính trọng.
6. Kết luận.
Công việc dịch thuật là một việc rất khó khăn, người làm việc dịch thuật không những phải hiểu cả thứ tiếng gốc lẫn thứ tiếng muốn dịch, mà còn phải hiểu nền văn hoá của đôi bên (Riêng đối với Giáo Hội tại Việt Nam, người dịch thuật còn phải hiểu chữ Hán, vì hơn 70% chữ Việt có nguồn gốc từ chữ Hán).
Ví dụ, bản văn Thánh lễ: “Dominus vobis cum. Et cum spiritus tuo”. Câu sau xem ra rất đơn giản, nhưng xét về văn hoá thì không đơn giản chút nào. Hiện giờ bản tiếng Việt dịch là “Và ở cùng Cha”. Có thời, có người đề nghị dịch là “Và ở cùng tâm linh Cha”. Chính bản tiếng Hoa hiện giờ vẫn dịch là “Và ở cùng tâm linh Cha” và bản tiếng Anh mới nhất đã được chính thức công bố và đem ra sử dụng từ Tân Niên Phụng Vụ 2012 (ngày 27/11/2011) cũng dịch là “And with your spirit” (và ở cùng tâm linh Cha).
Câu hỏi đặt ra là, khi dịch thuật, phải dịch sát chữ, hay dịch nghĩa? Trường hợp chữ magi cũng vậy.
___________________________________________________
Ghi chú :
[1] Bản dịch của Cố Chính Linh (Albertus Schlicklin), THÁNH KINH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong, 1913-1916.
[2] - UB Giám Mục về TBPÂ, SÁCH PHÚC ÂM, Sài Gòn, 1973; Nguyễn Thế Thuấn, KINH THÁNH, Dòng Chúa Cứu Thế, TP. HCM, 1976; An Sơn Vị, TÂN ƯỚC, Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, TP. HCM, 1983: dịch là "đạo sĩ".
- Nhóm Phiên Dịch CGKPV, KINH THÁNH (1998), TÂN ƯỚC (1985?, 1994, 2002): “nhà chiêm tinh”
- Phan Khôi, THÁNH KINH, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản, Thượng Hải, 1926: "thầy bác sĩ".
- Gérard Gagnon, TÂN ƯỚC, Thánh Tâm Biệt Thự, Đà Lạt, 1962; Trần Đức Huân, KINH THÁNH, Ra Khơi, Sàigòn, 1971: "bác học".
- Bản nhuận chánh, KINH THÁNH, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản, Cambridge, 1975 và 2011, HY. GM. Trịnh Văn Căn, TÂN ƯỚC, Toà TGM Hà Nội, Hà Nội, 1989: "nhà thông thái".
[3] Caroll Stuhlmueller, C.P. (Gen.Editor), THE COLLEGEVILLE PASTORAL DICTIONARY OF BIBLICAL THEOLOGY, Theological Publication in India, Bangalore, 2005, tr. 573.
[4] Không nên nhầm lẫn chiêm tinh học với thiên văn học: Chiêm tinh học (astrology): Nghiên cứu vị trí các vì sao và sự vận động của các hành tinh với niềm tin là các vấn đề của con người (số mệnh...) có liên quan với vị trí của các thiên thể. Thiên văn học(astronony): Khoa học nghiên cứu các thiên thể (chẳng hạn như ngôi sao, hành tinh, sao chổi, tinh vân, các chòm sao và thiên hà) và các hiện tượng có nguồn gốc bên ngoài bầu khí quyển của trái đất (chẳng hạn như bức xạ nền vũ trụ) có liên quan với sự tiến hoá, vật lý, hoá học, khí tượng và chuyển động của thiên thể, cũng như sự hình thành và phát triển của vũ trụ. Mặc dù cùng chia sẻ một nguồn gốc chung, nhưng ngày nay hai lĩnh vực này hoàn toàn khác biệt.
[5] http://bible.cc/matthew/2-1.htm
[6] Drum, W., THE CATHOLIC ENCYCLOPEDIA, Robert Appleton Company, New York, 1910: “Magi”. Xem St. Justin: Tryph., lxxviii, Origen: Cels., I, lx, St. Augustine: Serm. xx, De epiphania và St. Jerome: In Isa., xix, 1. Dù sao đây cũng không phải là chú giải chung của Hội Thánh.
[7] http://dictionary.reference.com/browse/magi.
[8] Albertus Schlicklin, Sđd. Q.IV, tr. 13.
[9] http://www.britannica.com/EBchecked/topic/356642/Magi.
[10] http://www.newadvent.org/cathen/09527a.htm.
[11] Đạo giáo (hay Tiên giáo) là tôn giáo phát sinh bên Trung Quốc từ thế kỷ VI TCN và phát triền khi tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử xuất hiện (thế kỷ IV TCN). Kế thừa sự sùng bái tổ tiên và thiên nhiên trong lịch sử Trung Quốc thời cổ, Đạo giáo có rất nhiều giáo phái, sau này dần dần diễn biến thành hai giáo phái lớn: Toàn Chân giáo và Chính Nhất giáo, có ảnh hưởng nhất định trong dân tộc Hán. Do Đạo giáo không có nghi thức và quy định nhập giáo nghiêm khắc, số người theo đạo rất khó thống kê. Trung Quốc hiện có hơn 1500 ngôi đạo quán, hơn 25 nghìn đạo sĩ nam, nữ, với khoảng 360 triệu tín đồ. Tại Trung Quốc và Đông Nam Á, Đạo giáo đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, võ thuật và địa lý.
Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ II, đặc biệt là Đạo giáo phù thủy, tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt nên Đạo giáo rất dễ dàng ăn sâu vào dân chúng. Thời Bắc thuộc, Đạo giáo chỉ phổ biến trong dân gian, đến các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, các đạo sĩ được coi trọng không kém các tăng sư, bên cạnh các tăng quan còn có cả đạo quan. Khoảng đầu những năm 1920, hàng vạn tín đồ còn tập hợp ở Giảng Võ (Hà Nội) để cúng lễ và chữa bệnh. Ngày nay, Đạo giáo Việt Nam với tư cách là một tôn giáo đã không còn tồn tại nữa, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, nhất là tại các vùng kém phát triển thì vẫn còn rất mạnh mẽ.
[12] Giáo Hoàng Học Viện Piô X, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, Đà Lạt, GHHV xb, 1971, T. III: “Ma thuật”.
[13] Trong các bản dịch ngoại ngữ (Magi trong Mt 2,1), chúng tôi thấy:
ANH : Magi: Darby Bible Translation; Weymouth New Testament; Young's Literal Translation; New International Version, 1984; New American Standard Bible, 1995; Aramaic Bible in Plain English, 2010. Wise men: American King James Version; American Standard Version; Bible in Basic English; Douay-Rheims Bible; English Revised Version; Webster's Bible Translation; World English Bible; King James Bible (Cambridge Ed.); The Jerusalem Bible, 1966; The New Jerusalem Bible, 1985; God's Word® Translation, 1995; English Standard Version, 2001; King James 2000 Bible, 2003; New Living Translation, 2007; International Standard Version, 2008.
PHÁP: Mages: Darby Bible, 1859 / 1880 và Louis Segond Bible, 1910. Sages: Martin Bible, 1744.
ĐỨC: Magier: Elberfelder Bibel, 1871 và Textbibel, 1899. Weisen: Luther Bibel, 1545 và Luther Bibel, 1912.
TÂY BAN NHA: Magos: Reina Valera, 1909 và La Biblia de las Américas, Lockman, 1997. Sabios: Sagradas Escrituras, 1569; La Nueva Biblia de los Hispanos, Lockman, 2005 và Reina Valera Gómez, 2010.
TRUNG QUỐC: Công Giáo: Vua, hiền sĩ (賢士) ; Tin Lành: Chiêm tinh gia (占星家), tiến sĩ (博士: comer).
[14] Nhóm CGKPV cũng đã sử dụng từ “hiền sĩ” để dịch từ “sapientes = wise men” trong St 41,8 và Xh 7,11...
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh