Hoa Kỳ: Tôn giáo và Nhà nước
WHĐ (30.09.2010) – Chuyến công du Anh Quốc vừa qua của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, từ ngày 16 đến ngày 19-09-2010, được dư luận thế giới đánh giá thành công vượt mọi dự đoán.
Những thông điệp của ĐTC phát đi từ Vương quốc Anh, qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trong những cử hành Phụng vụ, đặc biệt lễ tôn phong chân phước cho Đức cố Hồng y John Henry Newman (Anh), được đón nhận khắp thế giới với những phản ứng tích cực.
Thủ tướng Anh phát biểu: “Đức Giáo hoàng đã thực sự thách đố toàn thể đất nước chúng tôi phải ngồi lại, suy nghĩ. Và như thế quả là một điều tốt đẹp cho chúng tôi”.
Người công giáo tại Hoa Kỳ, một quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương so với lục địa châu Âu, đã chăm chú theo dõi chuyến công du của ĐTC, với tinh thần hiệp thông, lời cầu nguyện và chăm chú lắng nghe những giáo huấn.
Tại nhà thờ chính tòa TGP Seattle, vào chiều thứ Bảy 18-09 (giờ địa phương), cộng đoàn cử hành phụng vụ Chúa nhật đã tôn vinh tân chân phước Newman bằng cuộc cung nghinh ảnh của chân phước. Suốt thánh lễ, những vần thơ được phổ nhạc của Newman vang lên, tràn ngập không gian cổ kính của ngôi nhà thờ chính tòa. Những thông điệp hơn trăm năm trước của Newman được nhắc lại: đức tin Công giáo và Tông truyền, nền luân lý đầy tính nhân văn của Kitô giáo và những ơn ích của chiêm niệm thần bí.
Tác giả Kathryn Jean Lopez là biên tập viên của tạp chí National Review (Hoa Kỳ) đã thể hiện những suy nghĩ của bà được gợi lên sau chuyến công du nói trên của ĐTC.
Bài viết dưới đây của bà (do Đức Thành chuyển dịch) đã cho thấy một cái nhìn về mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước. Đây là một vấn đề mang tính lịch sử tại đất nước Hoa Kỳ, nơi cổ võ mạnh mẽ tinh thần tự do và dân chủ.
Những thông điệp của ĐTC, trong chuyến công du Anh Quốc, đã nhắc nhiều đến chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thế tục, những vấn đề không chỉ đặt ra cho Giáo Hội tại châu Âu mà còn tại Hoa Kỳ, và rộng ra, khắp thế giới. Những thông điệp này gợi lên nhiều suy tư cho Kathryn Jean Lopez qua bài viết (được chuyển dịch dưới đây).
Nhan đề và các tiểu đề do Đức Thành đặt.
* * *
Ý nghĩa chuyến công du Anh Quốc của Đức Thánh Cha
“Đức tin là một bộ phận hợp thành của đất nước chúng tôi. Đã và sẽ mãi mãi như vậy. Như Đức Thánh Cha đã nói, đức tin không phải là một vấn đề đặt ra cho các nhà lập pháp giải quyết mà chính là một phần quan trọng trong cuộc đối thoại của dân tộc chúng tôi. Và chúng tôi tự hào về điều đó”.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu như trên trong bài diễn văn cảm ơn ĐTC Bênêđictô XVI đã thực hiện chuyến viếng thăm nước Anh vừa qua. Trong bài diễn văn này, Thủ tướng đã phát biểu không mang tính biện minh đối với nền văn hóa của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thế tục. Ông nói: “Đức Giáo hoàng đã thực sự thách đố toàn thể đất nước chúng tôi phải ngồi lại, suy nghĩ. Và như thế quả là một điều tốt đẹp cho chúng tôi”.
Thủ tướng Cameron bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nội dung ĐTC đã từng nhiều lần nói với châu Âu, vượt trên khung cảnh chính trị ồn ào huyên náo vốn không mở cửa cho sự thật. Đó cũng là lời khuyên khiến chúng ta, quốc gia ở bờ biển bên kia, cần phải chú ý.
Hoa Kỳ: câu chuyện về sự tách bạch giữa Tôn giáo và Nhà nước
Năm mươi năm trước, vào ngày 12-09-1960, trong bài diễn văn nổi tiếng tại Hội nghị Bộ trưởng Greater Houston, bang Texas, John F. Kennedy nói lên sự xác tín về một nước Mỹ là “nơi có sự tách bạch tuyệt đối giữa Giáo Hội và Nhà nước”. Ông cho rằng việc một tổng thống theo một tôn giáo nào đó chỉ là “chuyện riêng tư của cá nhân tổng thống, không thể để tôn giáo của vị tổng thống ảnh hưởng đến quốc gia, và quốc gia cũng không thể áp đặt lên vị tổng thống một tôn giáo nào đó như điều kiện để giữ được ghế tổng thống”.
Đó là cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm về người Công giáo trong đời sống công cộng. Tất nhiên nguyên tắc được Kennedy đưa ra là cả một câu chuyện dài, ngay cả các chính trị gia Công giáo cũng thể hiện điều đó tại những cơ sở Công giáo, như hiện nay, việc bày tỏ thái độ, mang tính chất hoàn toàn cá nhân, đối lập với cái ác trong khuôn viên trường Đại học Notre Dame có lẽ là cách làm ít gây hậu quả nghiêm trọng nhất.
Đó chính là lý do mà 50 năm sau, một chính trị gia Công giáo khác, cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum thuộc bang Pennsylvania, vốn là ứng cử viên tổng thống thất cử, trong bài phát biểu tại trường Đại học St Thomas (Houston), đã phản ứng lại Kennedy.
Ngay mở đầu bài diễn văn, Santorum đã phê phán nguyên tắc do Kennedy đưa ra. Vào thời điểm có nhiều người Mỹ đang hăng hái đòi đổi mới Hiến pháp, thì Santorum lại mô tả nguyên tắc Kennedy là không có cơ sở. Ông nói: “Ý tưởng về sự tách bạch tuyệt đối giữa Giáo Hội và Nhà nước hiện không phải là và chưa bao giờ là một mô hình của nước Mỹ. Đó là một mô hình được sử dụng ở các nước như Pháp và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ. Mô hình này chỉ được một ít người ở Mỹ ủng hộ, cho đến khi được Hugo Black, thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa kỳ, đưa ra trong cuộc tranh luận tại vụ án Everson kiện Hội đồng Giáo dục vào năm 1947”.
Ông cũng thừa nhận: “Trong Hiến pháp không có cụm từ ‘tách bạch Giáo Hội với Nhà nước’, thì ý niệm chính phủ đứng ngoài tôn giáo là chấp nhận được”. Mặc dù trong suốt thời gian dài, ông là người phê phán chủ trương tách bạch Nhà nước và Giáo Hội, và là một nghị sĩ, trong suốt nhiệm kì của mình tại Thượng viện, đã đứng đầu trong việc đưa ra hàng loạt vấn đề, trong đó nổi bật nhất là về sự sống và hôn nhân, nhưng dù vậy, ông Santorum cũng không phải là người chủ trương thần quyền.
Ông Santorum nói tiếp: “Tầm nhìn của các nhà lập quốc Hoa Kỳ không giống người Pháp. Các nhà lập quốc dành cho mọi tín ngưỡng và mọi tín đồ, cũng như mọi người không theo tôn giáo nào, một vị trí tại chiếc bàn đặt nơi công cộng. Madison (tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ, nhiệm kì 1809-1917. Chú thích của người dịch) gọi sự ‘bình đẳng và hoàn toàn tự do’ này là ‘liệu pháp sự thật’.
“Đất nước chúng ta đã không phải luôn luôn đạt đến lý tưởng đó - đặc biệt thái độ tôn trong đối với người Do Thái và người Công giáo, đó lý do chính đáng khiến Kennedy đưa ra trong bài diễn văn của mình. Nhưng những gì Kennedy ủng hộ có vẻ giống Ataturk hơn Madison. Kennedy cho rằng trong các cuộc tranh luận công khai về chính sách, thì chẳng nên đón nhận các tư tưởng tôn giáo và các diễn viên làm gì”.
Kennedy muốn làm giảm bớt sự chú mục của người Tin Lành và những nhóm có liên quan khác đối với ông, một người theo đạo Công giáo. Nhưng ông lại gây ra hậu quả lâu dài còn bi đát hơn. Theo Santorum, Kennedy “đã tiến đến cái triết lí của sự tách bạch nghiêm ngặt giữa Nhà nước và Giáo Hội. Triết lí này sẽ tạo ra một không gian xã hội thuần thế tục, quét sạch mọi minh triết tôn giáo và dập tắt tiếng nói của các tín đồ thuộc những tôn giáo khác nhau. Ông đã đặt nền móng cho các cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Đó là cuộc tấn công của nhóm cánh tả phong trào tục hóa và các phe cánh chính trị như ACLU hoặc phong trào Nhân dân ủng hộ lối sống Mỹ. Điều này đã và sẽ tiếp tục tạo ra những bất đồng và chia rẽ tại đất nước này, khi mà tín đồ các tôn giáo ngày càng cảm thấy mình chẳng khác gì những công dân hạng hai”.
Phát biểu của Santorum không phải là đầu tiên và cũng sẽ không phải là cuối cùng phản ứng lại diễn văn của Kennedy tại Houston. Bài phát biểu của Mitt Romney tại Houston nói về “Đức tin ở Mỹ” vào năm 2007 là một phần phản ứng đối với cách tiếp cận của Kennedy. Đạo Mormon của Romney cũng gây tranh cãi như đạo Công giáo của Kennedy vậy, và những người đầu cơ chính trị “thông minh” cũng khuyên ông ta nên có một chiến thuật tương tự như của Kennedy.
Ngay cả trước khi phát biểu, Romney đã bộc lộ một khuynh hướng rất khác và rất lành mạnh, hơn nữa lại trung thành với thời lập quốc của chúng ta. Ông tuyên bố: “Tôi biết có một số người tin rằng tôi chỉ đơn giản nói về Giáo hội của tôi tốt đẹp như thế nào. Thú thực tôi không tin Giáo hội tôi tốt đẹp và cũng chẳng hết sức theo đuổi niềm tin ấy. Điều đó sẽ không xảy ra. Tôi tự hào về đức tin của tôi. Tôi yêu mến đức tin của tôi. Đó là niềm tin của ông bà cha mẹ tôi. Tôi làm hết sức mình để sống theo những lời dạy của tiền nhân. Và ông bà cha mẹ đã bằng mọi cách dạy tôi làm theo Hiến pháp, thực hiện các quy định của pháp luật và ý thức về bổn phận đối với đất nước”.
Trong bài phát biểu cuối cùng, ông nói: “Trong những năm gần đây, quan niệm tách Giáo Hội khỏi Nhà nước của một số người đã vượt ra ngoài ý nghĩa nguyên thủy của nó. Họ tìm cách loại bỏ bất kỳ sự thừa nhận nào về Thiên Chúa ra khỏi lĩnh vực công cộng. Tôn giáo được xem là việc riêng của cá nhân, không có chỗ đứng trong đời sống công cộng. Dường như họ đang có ý định lập ra một tôn giáo mới ở Mỹ. Đó là tôn giáo của chủ nghĩa thế tục. Họ đã sai rồi”.
Người Công giáo tại Hoa Kỳ sống Đức Tin của mình: hài hòa Đạo và Đời nhưng khởi đầu là sống mối tương giao với Chúa Giêsu
Đức Tổng giám mục Charles Chaput của giáo phận Denver, một mục tử tốt lành, nổi tiếng về thái độ minh bạch, cũng đã có bài phát biểu tại Houston về đức tin và đời sống dân sự. Vào tháng Ba vừa qua, tại Đại học Baptist ở Houston, ngài tuyên bố: “Tôi có mặt ở đây với hai tư cách, theo thứ tự sau: Kitô hữu Công giáo và công dân. Cả hai bản sắc đều quan trọng. Chúng chẳng cần phải xung đột với nhau. Tuy vậy chúng cũng không đồng nhất. Và cũng không cùng sức nặng như nhau. Tôi yêu đất nước tôi. Tôi trân trọng những cảm hứng toát lên trong các văn kiện khai sinh đất nước và các thiết chế của nó. Nhưng không đất nước nào, dù là đất nước tôi hằng yêu mến, lại có quyền đòi tôi phải trung thành hoặc buộc tôi phải im lặng trong những những vấn đề thuộc về Thiên Chúa hoặc liên quan đến nhân phẩm con người Chúa đã dựng nên”.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nêu lên một số lo ngại tương tự trong bài phát biểu của ngài tại Điện Westminster trong chuyến công du Anh quốc vào tháng Chín vừa qua, đồng thời cũng được Thủ tướng Anh David Cameron nhắc đến.
ĐTC nói: “Dù muốn dù không tôi vẫn phải nói lên mối lo ngại về sự gia tăng của thái độ loại trừ tôn giáo, đặc biệt đối với Kitô giáo. Tình trạng này diễn ra ở một số khu vực, nhất là tại các quốc gia vốn rất nhấn mạnh đến lòng khoan dung. Có người sẽ biện bạch: tôn giáo vốn lặng lẽ, hoặc coi đó là việc riêng tư cá nhân. Có những người cho rằng, không nên khuyến khích việc mừng các lễ hội công cộng như lễ Giáng sinh, vì cho rằng, một cách nào đó, việc mừng lễ như vậy có thể xúc phạm đến những người của các tôn giáo khác. Ngược lại, có người lại cho rằng các Kitô hữu phải thể hiện vai trò trong xã hội vào những lúc như vậy, để hành động theo lương tâm của mình. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về sự thất bại trong nhận thức không những về quyền được tự do lương tâm của các tín đồ và quyền tự do tôn giáo, mà còn về vai trò hợp pháp của tôn giáo trong không gian công cộng. Do đó tôi kêu gọi quý vị hãy vận dụng ảnh hưởng của mình mà tìm những phương thế cổ võ và khuyến khích sự đối thoại giữa đức tin và lí trí trong mọi mức độ của đời sống quốc gia… Tôi cũng muốn đưa ra đề nghị thế giới của lí trí và thế giới của đức tin, thế giới của lí tính thế tục và thế giới của niềm tin tôn giáo, cả hai cần có nhau và không nên sợ phải bước vào cuộc đối thoại không ngừng và có chiều sâu, vì lợi ích nền văn minh của chúng ta”.
Đây là một thách đố đối với mỗi người đàn ông và phụ nữ đang đánh liều bước vào chính trị hoặc những người chẳng dính dáng gì đến chính trị, nói thẳng ra là mọi người công dân chúng ta.
Đức Tổng Giám mục Chaput từng nói: “Đời sống người Kitô hữu được khởi sự bằng mối tương giao với Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó, sẽ đơm hoa kết quả trong công lý, lòng thương xót và tình yêu của chúng ta đối với tha nhân”.
Nếu cuộc sống của bạn bắt đầu theo cách đó, thì đời sống chính trị của bạn nhất định cũng khởi sự từ đó. Một người Kitô hữu đích thực, khi thực hiện quyền cử tri hoặc thực thi bổn phận công chức, thì không thể phân rẽ, xem nhẹ hoặc chia cắt đức tin và sự liêm khiết. Chúng ta cần biết ơn tất cả những người mang lại cho không gian công cộng sự minh bạch, đưa tinh thần đạo đức vượt qua cái gọi là bức tường ngăn cách chúng ta và ý nghĩa cuộc sống.
Ông Rick Santorum, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, là người đã giúp chúng ta nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cuộc sống của người nghèo vốn là nạn nhân, bị xúc phạm nhân phẩm bởi hệ thống phúc lợi của chương trình Đại Xã hội (Great Society). Ông đã bảo vệ cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Ông đã từng kiên trì bảo vệ cuộc sống hôn nhân trước khi trước khi đưa thành nội dung tranh cử. Ông không đắc cử tổng thống để có thêm những đóng góp vào việc chứng minh tự do tôn giáo, một yếu tố của đời sống Mỹ, chính là sức mạnh của đất nước Hoa Kỳ.
Như Santorum nêu vấn đề trên trong cuộc phê bình góp ý đối với Kennedy, chúng tôi có “cơ hội để không chỉ bảo tồn, mà còn xây dựng trên tầm nhìn của người kiến tạo nền tự do dựa trên đức hạnh, còn đức hạnh thì được nâng đỡ bởi đức tin sống động, được cả Giáo Hội và Nhà nước củng cố”. Chúng ta cần phải vững tin trong cuộc sống đức tin chân chính của mình, cần hành động khôn ngoan và chính đáng, không nhằm tô vẽ để được an toàn hoặc có lợi về mặt chính trị. Chúng ta không thật sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nếu không trở nên khí cụ của Ngài trong gia đình, nơi làm việc, tại phòng bỏ phiếu, trên tầng họp Quốc hội. Chúng ta có tự do để thực hiện điều đó. Và chúng ta đang thực hành sự tự do.
Kathryn Jean Lopez
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19