Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
Lc 1, 39-45
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Học hỏi:
1. Tại sao Chị Maria lại lên đường vội vã đến thăm bà Êlisabét ? Nhà bà này ở đâu, cách nhà Chị Maria bao xa ?
2. Chị Maria đi với ai và đem theo những gì khi đến thăm bà chị họ của mình?
3. Khi Chị Maria chào bà Êlisabét thì những điều gì xảy ra?
4. Nhờ Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét biết được điều gì? Bà Êlisabét gọi Đức Maria là gì? Ai được gọi là "Chúa" trong Lc 1,6.9.11.15.16.17.25?
5. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu trước khi phục sinh, có hay được gọi là Chúa không? Xem Lc 2,11; 7,13; 10,1; 11,39; 12,42; 17,6; 18,6; 19,8. 31; 24,3. 34.
6. Đọc Lc 1,42 và Lc 1,45. Đức Maria hai lần được Bà Êlisabét coi là người phụ nữ có phúc vì lý do nào? Bạn thích mối phúc nào của Đức Maria hơn? Xem thêm Lc 11,27-28.
7. Bạn nghĩ gì về bầu khí của cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ đang mang thai và hai người con trong bụng.
8. Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Bà Êlisabét , mỗi vị đã nhận được gì từ vị kia?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có bao giờ chiêm ngắm việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu trong chín tháng không? Con Thiên Chúa lớn dần lên trong lòng mẹ. Bạn nghĩ gì về việc Con Thiên Chúa quyền uy nay lại sống nhờ một người phụ nữ bình dân và khiêm hạ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Chị Maria vội vã lên đường đi thăm bà Êlisabét, vì khi đến Nadarét để truyền tin cho Chị, sứ thần Gáp-ri-en đã cho Chị biết bà Êlisabét, người chị họ, đã mang thai trong lúc tuổi già. Bà vốn bị coi là hiếm muội, vậy mà nay đã mang thai được sáu tháng (Lc 1,36-37). Nhà bà Êlisabét ở “miền núi” (Lc 1,39), hầu chắc là ở khu vực gần Giêrusalem. Có truyền thống cho rằng nhà bà này ở vùng A-in Ka-rim cách Giêrusalem 6 km về phía tây. Nếu thế Chị Maria phải đi hơn 120 km mới đến thăm bà chị họ được, đi từ Nadarét ở Galilê phía bắc, lên Giêrusalem ở phía nam. Sứ thần không hề gợi ý để Chị Maria đi thăm. Việc đi thăm bà chị cao niên, đang mang thai, bắt nguồn từ sự quan tâm của Chị Maria đối với nhu cầu có thực của người khác. Chị Maria có sự nhạy bén ở đây, như sau này ở tiệc cưới Cana.
- Khi thăm bà Êlisabét, Chị Maria không đi một mình. Chị đi với một mầm sống đang từ từ lớn lên trong lòng chị. Chị biết mình đã được chọn làm Mẹ để sinh ra Con Đấng Tối cao (Lc 1,32), làm Mẹ của Đấng Mêsia là một vị vua thuộc dòng Đavít (Lc 1,32-33), làm Mẹ của Đấng Thánh, của Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Chị Maria tin Thánh Thần vẫn luôn ở với Chị, và quyền năng của Đấng Tối Cao vẫn luôn che phủ trên Chị (Lc 1,35). Như thế, có thể nói, Chị đi đường xa với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngoài ra, Chị còn mang theo trái tim yêu mến, và đôi tay muốn phục vụ bà chị họ trong mọi nhu cầu khi bà sinh con. Chị muốn chung vui với bà chị họ trước ơn lạ lùng Chúa ban cho bà. Ơn này cất khỏi bà nỗi ô nhục mà bà phải gánh chịu bao năm trước mặt người đời, chỉ vì không có con (Lc 1,25).
- Trong vai em, Chị Maria ngỏ lời chào trước khi gặp bà Êlisabét. Tiếng chào của Chị Maria lập tức tạo ra những hiệu ứng bất ngờ. Khi nghe tiếng Maria chào, thai nhi trong bụng của bà Êlisabét nhảy lên vì vui sướng (Lc 1,41.44), và bà được đầy Thánh Thần (Lc 1,41). Gioan đang ở trong bụng mẹ đã nhận ra trước những người đang đến thăm nhà mình: chính Đấng mà sau này mình sẽ làm chứng, và Mẹ của Ngài. Bà Êlisabét được đầy Thánh Thần như chính Gioan con của bà (Lc 1,15.17), như ông Dacaria khi hết câm (Lc 1,67). Thánh Thần ngự trên Chị Maria (Lc 1,35), trên ngôn sứ Simêôn (Lc 2,25), và trên Đức Giêsu (Lc 3,22; 4,18).
- Nhờ Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét mới nhận ra cô em của mình đang mang thai. Hơn nữa, đây lại là một thai nhi cao trọng, được Thiên Chúa chúc phúc. Chính vì thế, bà biết cô em của mình đã được một ơn mà không phụ nữ nào có được: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,42). Bà Êlisabét đã gọi cô em Maria là “Thân Mẫu của Chúa tôi” (Lc 1,43). Như thế bà coi thai nhi trong bụng Đức Maria là “Chúa” (kyrios) của bà. Cũng nên nhớ, nhiều lần trong chương 1, Luca dùng từ “Chúa” để nói về Thiên Chúa (Lc 1,6.9.11.15.16.17.25.38.45.49).
- Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu trước khi được phục sinh đã được gọi là “Chúa” rồi. Xem Lc 2,11; 7,13; 10,1; 11,39; 12,42; 17,6; 18,6; 19,8.31; 24,3.34. Đây là một nét đặc biệt của Tin Mừng Luca, vì thường thì chỉ sau phục sinh, Đức Giêsu mới được gọi bằng tước hiệu “Chúa.”
- Khi được đầy Thánh Thần, bà Êlisabét nhận ra Cô em mình là người được Thiên Chúa chúc phúc (eulogêménê) hơn mọi phụ nữ vì Cô đang cưu mang Đấng được chúc phúc (Lc 1,42). Chính việc được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Đấng Mêsia, Mẹ của Con Thiên Chúa, đã khiến Chị Maria được chúc phúc hơn mọi phụ nữ khác, như ta vẫn đọc trong kinh Kính Mừng.
Trong Lc 1,42 bà Êlisabét “kêu lớn tiếng” và nói trực tiếp với Maria để ca ngợi. Còn trong Lc 1,45 bà Êlisabét lại nói cách gián tiếp: “Phúc (makaría) cho kẻ tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với kẻ ấy.” “Kẻ ấy”ở đây chính là Chị Maria. Chị có phúc vì đã dám tin lời thiên sứ nói và đón lấy lời ấy như một nữ tỳ của Chúa (Lc 1,38).
- Bầu khí gặp gỡ là bầu khí tràn ngập niềm vui của Êlisabét và Gioan, tràn ngập Thánh Thần nơi hai người mẹ. Bà Êlisabét ngỡ ngàng khi biết mình được Mẹ của Chúa đến thăm (Lc 1,43). Bà quên mất niềm vui được làm mẹ của mình, chỉ ca ngợi hồng phúc Chúa ban cho cô em. Còn Maria thì vội vã đến, chào, và ở lại phục vụ. Khi Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ ca ngợi Thiên Chúa (Lc 1,46). Khi Mẹ nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1,38), thì Mẹ trở nên nữ tỳ cho bà chị họ (Lc 1,56).
- Trong cuộc gặp gỡ giữa bà Êlisabét và Chị Maria, cả hai đều đã nhận được nhiều điều. Bà Êlisabét được Chúa và Thân Mẫu của Chúa đến thăm và ở lại phục vụ trong ba tháng. Lời chào của Maria đã đem đến cho bà Thánh Thần, và niềm vui cho thai nhi Gioan. Ngược lại, Maria thì vui vì thấy chuyện mình mang thai một cách kín đáo lại được bà chị họ nhận ra nhờ Thánh Thần, như thế đức tin của Maria lại được vững vàng hơn. Maria còn vui vì được bà chị họ ca ngợi, chúc phúc trước bao hồng ân Chúa ban cho mình.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Hiển Linh -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Sẵn sàng đón Chúa lại đến
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 8 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Thường Niên năm C