Hỏi-đáp liên quan đến các vụ phong chức bất hợp pháp tại Trung Quốc.
(Zenit 19-7-2011) Tài liệu hỏi-đáp do Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc soạn thảo liên quan đến các vụ phong chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc
"Vì một số lý do nghiêm trọng, linh mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) không được bổ nhiệm làm Giám mục".
Lạc Sơn, Trung Quốc - Đây là một tài liệu hỏi-đáp do Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc soạn thảo, thảo luận tuyên bố ngày 4-7 của Tòa Thánh về việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp diễn ra ngày 29-6 tại Lạc Sơn.
Tài liệu này được công bố trên blog CatholicsInChina của hãng tin Fides. * * * Lưu ý sơ khởi:
- Đây là câu trả lời của Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc cho các câu hỏi được nêu ra bởi các tín hữu tại Trung Quốc, liên quan đến Tuyên bố của Tòa Thánh (4-7-2011) về lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp tại Lạc Sơn (29-6-2011).
- Câu trả lời ở đây là về mối quan tâm mục vụ thuần túy.
- Một số chuyên viên Giáo luật đã được tham vấn trong việc soạn thảo câu trả lời.
---------------------------------
Về Linh mục Phaolô Lôi Thế Ngân.
Hỏi: Giờ đây, Cha Phaolô Lôi Thế Ngân ở trong tình trạng vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) không?
Đáp: Có. Bằng hành động được tấn phong Giám mục mà không có sự chuẩn thuận của ĐTC Biển Đức XVI, Cha Phaolô Lôi Thế Ngân đã mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae, Xem Giáo luật 1382), vốn được Tòa Thánh "tuyên bố" công khai sau đó. Vạ tuyệt thông là một hình thức trừng phạt rất nặng trong Giáo Hội, vốn loại trừ người bị vạ tuyệt thông ra khỏi sự hiệp thông hữu hình của các tín hữu.
Hỏi: Việc tuyên bố công khai hình phạt nặng này có nghĩa là gì?
Đáp: Một tuyên bố công khai về hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) trong Giáo Hội là nhằm nói rõ ràng với người phạm tội rằng người ấy đã vi phạm Giáo luật, và làm cho các tín hữu biết được tình hình phạm luật của người ấy. Trong trường hợp này, nó cũng có nghĩa là kêu gọi cha Phaolô Lôi Thế Ngân sám hối ngay lập tức bằng cách tiếp cận với Tòa Thánh (Giáo luật 1382). Đồng thời, tuyên bố công khai kêu gọi Giáo Hội tại Trung Quốc (cụ thể là các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, và Giáo Dân) có hành động mạnh mẽ chống lại mọi hình thức tấn phong Giám mục bất hợp pháp. Tòa thánh phải đưa ra lời tuyên bố phạt vạ tuyệt thông, nếu hoàn cảnh bắt buộc vào thời gian nào đó, và trên hết, khi lợi ích của các linh hồn bị đe dọa nghiêm trọng.
Hỏi: Người bị vạ tuyệt thông có bị trục xuất khỏi Giáo Hội không?
Đáp: Không. Giáo Hội có cả chiều kích xã hội hữu hình và chiều kích mầu nhiệm vô hình. Người bị vạ tuyệt thông đến một mức độ nào đó bị loại trừ khỏi sự tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng Công Giáo, trong một nghĩa xã hội hữu hình với mọi hệ quả pháp lý của nó (Giáo luật 1331). Nhờ bí tích Rửa tội người ấy vẫn còn là một thành viên của Giáo Hội – Nhiệm thể của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao người ấy vẫn có thể tiếp cận Tòa Thánh, nơi duy nhất người ấy có thể đến để xin sự hòa giải.
Hỏi: Xin cho biết các hệ quả pháp lý của khoản giáo luật 1331?
Đáp: Người mắc vạ tuyệt thông bị cấm cử hành Thánh Lễ, cấm cử hành và nhận lãnh các bí tích, hoặc cấm hành sử bất cứ chức vụ nào trong Giáo hội. Mặc dù được tấn phong Giám mục, người ấy không có quyền cai quản giáo phận. Vì vậy, các linh mục và tín hữu (ngoại trừ nguyên nhân nghiêm trọng, chẳng hạn lúc nguy tử) không những phải tránh nhận các bí tích từ người ấy, nhưng còn không cho người ấy cử hành mọi hình thức phụng vụ hoặc nghi lễ Giáo hội, và đình chỉ người ấy cử hành phụng vụ hoặc nghi lễ, trong trường hợp người ấy không thi hành việc cấm. Tóm lại, hình phạt vạ tuyệt thông làm cho người ấy mất đi một số lợi ích thiêng liêng, để nhờ hình phạt “điều trị” này, người ấy có thể sớm ăn năn hối lỗi thật sự.
Hỏi: Cha Phaolô Lôi Thế Ngân có thể được tha thứ không?
Đáp: Có chứ. “Tuyên bố công khai” có nghĩa chính xác là nhằm cho điều đó. Cha Phaolô Lôi Thế Ngân phải ngay lập tức tiếp cận với Tòa Thánh để xin tha thứ. Kế tiếp, cha phải thực hiện tỉ mỉ các hướng dẫn do Tòa thánh nói với cha. Sau đó, ĐTC Bênêđictô XVI, dựa trên sự ăn năn thật sự của cha, sẽ loại bỏ vạ tuyệt thông cho cha. Cho đến lúc đó, cha sẽ vẫn còn mắc vạ tuyệt thông.
Hỏi: Khi vạ tuyệt thông của cha được xóa bỏ, liệu cha Phaolô Lôi Thế Ngân có được tự động thi hành sứ vụ Giám mục không?
Đáp: Không, cha không thể thi hành sứ vụ được. Việc loại bỏ vạ tuyệt thông là một chuyện; và việc bổ nhiệm Giám mục lại là chuyện khác. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Tòa Thánh đã nói rõ rằng do một số lý do nghiêm trọng, cha Phaolô Lôi Thế Ngân không thể được bổ nhiệm làm Giám mục. Nói cách khác, ngay cả khi bị vạ tuyệt thông của cha được loại bỏ, cha không được hành xử như một Giám mục, không đeo phù hiệu của Giám mục, và không phát biểu như một Giám mục.
------------------------------------
Đối với các Giám Mục chủ phong và phụ phong.
Hỏi: Tình trạng hiện nay của bảy Giám mục tấn phong cho cha Phaolô Lôi Thế Ngân là như thế nào?
Đáp: Các vị đã tự đặt mình vào biện pháp trừng phạt nghiêm trọng do luật của Giáo Hội đưa ra (Tuyên bố ngày 4-7-2011). Điều này có nghĩa rằng "một khi đã có sự vi phạm bên ngoài, thì sự quy trách được suy đoán, trừ khi đã rõ cách nào khác” (Giáo luật 1321, § 3). "Sự quy trách được suy đoán" có nghĩa là có một lý do đầy đủ để xác định rằng các Giám mục thực sự phạm một lỗi nặng của vô kỷ luật, qua việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp, và do đó, được suy đoán là bị vạ tuyệt thông, trừ khi được chứng minh ngược lại.
Hỏi: Các vị có thể tiếp tục sứ vụ Giám mục bình thường không?
Đáp: Không, các vị không thể làm như vậy, bao lâu mà "sự quy trách được suy đoán” của các vị không được loại bỏ.
Hỏi: Các vị nên làm gì?
Đáp: Trước hết và trên hết, nhiệm vụ của các vị là tiếp xúc ngay với Tòa Thánh để xin tha thứ, và để giải thích các lý do mà họ đã tham gia lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp, và chờ câu trả lời của Tòa Thánh.
Hỏi: Nếu một Giám mục tấn phong, trong lương tâm của ngài, cho rằng ngài không bị vạ tuyệt thông, thì sao?
Đáp: "Lương tâm" là một nơi thiêng liêng, nơi đó vị Giám mục liên quan phải thành thực với Chúa. Tuy nhiên, những người khác không thể nhìn thấy qua lương tâm của ngài. Bao lâu "sự quy trách được suy đoán” chưa được loại bỏ, vị Giám mục liên quan phải tránh tất cả các sứ vụ công khai. Trong khi đó, ngài vẫn buộc phải tiếp cận Tòa Thánh.
Hỏi: Các linh mục và tín hữu nên tránh lãnh nhận các bí tích do các Giám mục này ban không?
Đáp: Có, họ nên tránh, không phải vì các linh mục và tín hữu ở một vị trí để xét đoán lương tâm của vị Giám mục liên quan, nhưng vì "sự quy trách được suy đoán" chưa bị loại bỏ.
Hỏi: Các linh mục và tín hữu có thể làm gì khác, khi "sự quy trách được suy đoán" của một Giám mục liên quan chưa bị loại bỏ?
Đáp: Trước hết, họ cần phải kiên vững trong đức tin của họ, và tiếp tục duy trì sự hiệp nhất của cộng đoàn. Đối với vị Giám mục của họ có "sự quy trách được suy đoán", các linh mục và tín hữu được khuyến khích nhiều để cầu nguyện cho ngài, và để nhắc nhở ngài, khi cần thiết, giáo huấn của Giáo Hội. Việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp này không chỉ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật hoặc xáo trộn giáo lý của Giáo hội, nhưng trên hết làm tổn thương sự hiệp thông của Giáo Hội.
Việc cầu nguyện là quan trọng nhất để cho các mục tử của chúng ta luôn luôn được vững mạnh, và đi theo Chúa. Trong thực tế, ở Trung Quốc có các Giám mục đáng ngưỡng mộ. ĐTC Biển Đức XVI nói: " Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện cố định này - không phải là không có đau khổ- của các Giám Mục đã nhận phép truyền chức phù hợp với truyền thống Công Giáo, nghĩa là có thông công với Đức Giám Mục Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, và được đặt tay trên đầu bởi Giám mục được tấn phong hợp pháp theo như nghi thức của Giáo Hội Công Giáo”. (Số 8, Tông Thư của ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo Hội tại Trung Quốc).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh