Hội nghị báo chí Công giáo: Vai trò của báo chí Công giáo trong xã hội

Hội nghị báo chí Công giáo: Vai trò của báo chí Công giáo trong xã hội

WHĐ (09.10.2010) – Trong bài giảng thánh lễ đồng tế được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô hôm 06-10, trước 230 đại diện Truyền thông đến từ 85 quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế báo chí Công giáo, do Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Truyền thông xã hội triệu tập, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, văn phòng Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố: các nhà báo Công giáo, “như các người khác, được kêu gọi, và có bổn phận góp phần vào việc loan báo Đức Kitô và mở lòng xã hội đón nhận Thiên Chúa”.

Đức Hồng y cũng mời gọi các nhà báo làm sao để người đọc có thể thấy được rằng “có thể có mối quan hệ giữa lý trí và lòng tin khi đối diện, trong tinh thần tôn trọng và thẳng thắn, với các lập trường khác nhau trong cuộc tranh luận công khai”. Tuy nhiên, cũng không thể nhường bước trước các cám dỗ phó mặc cho các quyền lợi có tính cách phe phái -chính trị, kinh tế thậm chí tôn giáo,- hoành hành, để có thể phục vụ, trong sự trung tín, điều Mazoni gọi là ‘thánh trong các sự thánh’, tức chân lý.

Ngài nói tiếp: “Đây là một nhiệm vụ to lớn, nhất là khi chúng ta nghĩ tới các nguồn lực nghèo nàn chúng ta có trong tay. Nhưng đó lại chính là cách thức Nước Thiên Chúa thực hiện đường đi của mình. Sự giàu sang và sức mạnh của quý vị nằm trong chính Tin Mừng quý vị truyền đạt, và Thiên Chúa là Đấng hỗ trợ của quý vị. Do đó, hãy dành chỗ cho Ngài”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bảo vệ chỗ đứng của báo viết

Các tham dự viên Hội nghị báo chí Công giáo cũng đã được Đức giáo hoàng tiếp kiến tại Vatican. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Giáo Hoàng khẳng định: “Báo viết phải mang tính thực tế và hiệu quả trong một xã hội trong đó truyền thông qua truyền thanh và truyền hình ngày càng gia tăng”.

“Tính cách Công giáo của báo chí viết bao hàm trách nhiệm phải trung tín với chân lý một cách minh nhiên cũng như về nội dung, và trong từng bước đi hằng ngày. Các ký giả Công giáo có bổn phận phải tìm kiếm sự thật, với trái tim và trí óc của mình, và đồng thời với tính cách nghề nghiệp và với sự hỗ trợ của những phương tiện hữu hiệu”.

Nhấn mạnh đến sức nặng ngày càng lớn của thế giới hình ảnh, Đức Thánh Cha nói là “cho dù có mang tính tích cực, hình ảnh cũng vẫn có nguy cơ tách mình khỏi thực tế để phục vụ cho một thế giới ảo, đặc biệt tạo nên nguy cơ của thái độ thờ ơ đối với chân lý”. Mặt khác, mọi thông tin đều có thể được trình bày một cách ngoạn mục, nghĩa là chẳng dẫn đến một suy tư nào.

Do đó, Đức giáo hoàng tuyên bố, “báo chí Công giáo được mời gọi thể hiện mọi khả năng của mình. Đây là một sứ vụ không thể đảo ngược. Lòng tin có một điểm chung với truyền thông ở chỗ các phương tiện truyền thông và sứ điệp cắt chéo nhau. Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể, vừa là thông điệp về sự cứu độ vừa là phương tiện thực hiện sự cứu độ. Đây không phải là một công thức đơn thuần mà là một thực tại dành cho mọi người. Lời đã đến được với con người qua một bản văn là Thánh Kinh. Là thành phần cấu tạo của truyền thông, được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau và một cách nào đó, thuộc nền văn minh hình ảnh, lời vẫn duy trì được mọi giá trị của mình”.

Kế đó, ngài nói: “Người Kitô hữu không thể không biết đến cuộc khủng hoảng niềm tin của xã hội” và rằng “cái ý tưởng sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu trở thành nguy hại khi sản sinh ra một thứ chủ nghĩa nhân văn chẳng còn tính người, trong khi thế giới cần sống điều ngược lại. Cuối cùng, nhắc lại các phương tiện truyền thông cần phải “đặt Thiên Chúa ở mức cao nhất trong các giá trị của mình”, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói là sứ vụ của báo chí Công giáo là “giúp con người quay về với Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, là duy trì niềm hy vọng luôn chiếu sáng để có thể sống trong phẩm giá và xây dựng một tương lai tích cực. Bởi vậy, các nhà báo Công giáo phải không ngừng ở trong quan hệ với Đức Kitô, nơi Người, chứa đựng mọi nguồn tinh thần thế giới coi nhẹ nhưng lại không thể thiếu”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top