Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc 2018
UỶ BAN MỤC VỤ DI DÂN – Trong các ngày từ 23 đến 26.4.2018, Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM (TTMV). Hiện diện có Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận TpPHCM, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBMVDD); linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng thư ký UBMVDD cùng nhiều linh mục, tu sĩ đặc trách về di dân tại các giáo phận, dòng tu. Hội nghị còn chào đón những vị khách mời là Đức cha Michel Goro Matsuura - Giám mục giáo phận Nagoya, Nhật Bản; linh mục Bruno Cicero - Thành viên trong Ban Cố vấn Quốc tế về Hàng hải, Giám đốc tông đồ đường biển Quốc tế Stella Maris, thuộc Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ di dân; PGS.TS Giuse Nguyễn Đức Lộc và một số cộng đoàn di dân ngoại kiều.
Vào lúc 15g ngày 23.4.2018, những vị đại diện Ban mục vụ di dân tại các giáo phận đã tề tựu về TTMV để chuẩn bị tham dự Hội nghị. Sau khi nhận phòng, nghỉ ngơi và dùng cơm tối, đến 19g30, các tham dự viên thuộc 3 giáo tỉnh đã tập trung Tại phòng họp để gặp gỡ và giới thiệu về bản thân cũng như công việc mục vụ hiện tại ở giáo phận mình.
Ngày 24.4.2018
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị bắt đầu với thánh lễ khai mạc diễn ra vào lúc 8g, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế. Chia sẻ nội dung Tin mừng, Đức cha chủ tế đã cầu xin Chúa luôn đồng hành với mỗi người trong sứ vụ, nhất là những ngày Hội nghị, để qua bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” thảo luận sắp tới, mọi người có hướng đi giúp cho đoàn chiên nghe được tiếng hướng dẫn này.
Mở đầu cuộc họp, Đức cha Giuse đã lược lại bản báo cáo Ad Limina từ năm 2009-2017 với một số nét chính đi từ tình hình di dân nội địa, di dân ngoại kiều tại Việt Nam; tổ chức nhân sự; những hoạt động mục vụ di dân... và nhắc đến bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân 2017” đã được soạn thảo. Đây là văn bản được đem ra thảo luận, đóng góp trong các buổi họp ở những ngày sau đó.
Sau phần trình bày của Đức cha Giuse, PGS.TS Giuse Nguyễn Đức Lộc đã trình bày bài nghiên cứu gần đây nhất của mình về tình hình đời sống việc làm, nhu cầu, khả năng tiếp cận hệ thống phúc lợi xã hội của công nhân nhập cư đang làm việc tại Tp.HCM. Đồng thời, ông còn chú ý đến những trở ngại, chênh vênh trong đời sống đạo của người xa quê, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, PGS.TS cũng giới thiệu cho các tham dự viên trang ican.com, dành cho anh chị em di dân và việc khảo sát di dân đang thực hiện trên những giáo xứ thuộc Tp.HCM thông qua ứng dụng trên web này.
Trước khi kết thúc buổi sáng, Hội nghị được nghe chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của cha Bruno Cicero trong 11 năm làm mục vụ cho thủy thủ và ngư dân tại Philippines, 13 năm tuyên úy cảng Cao Hùng, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và vùng Đông Nam Á. Qua bài chia sẻ kéo dài khoảng 1 giờ, cha Bruno đã đem khái niệm về tông đồ hàng hải (AOS - Apostleship of the Sea) đến gần hơn với các linh mục, tu sĩ. Theo đó, tông đồ hàng hải là một tổ chức phục vụ những thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ trên toàn thế giới với sự hiện diện ở 261 cảng, trên 55 quốc gia và với 200 tuyên úy. Cha Bruno đã gửi tặng các tham dự viên cuốn “Cẩm nang mục vụ tông đồ hàng hải” và logo của AOS. Ngài cũng đã đặt ra một số câu hỏi về ngư dân tại địa phương cũng như những khó khăn mà họ đang đối diện để các vị đặc trách cùng nhìn lại khía cạnh mục vụ này nơi giáo phận mình.
Buổi chiều, vào lúc 15g, Hội nghị tiếp tục với phần trình bày tổng quát về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân”, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cha Tổng Thư ký Giuse Đào Nguyễn Vũ trình bày. Đây là bản Hướng dẫn Mục vụ Di dân vừa được HĐGM phê chuẩn trong Hội nghị thường niên kỳ II - 2017 diễn ra tại Thanh Hoá từ ngày 9 đến 13.10.2017. Ngày nay, Mục vụ di dân là một thách đố của thời đại. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và công nghiệp hoá, hiện tượng di dân diễn ra khắp nơi, tác động đến mọi giới và mọi lứa tuổi: từ thôn quê lên thành phố để học hành, kiếm kế mưu sinh, từ quốc gia này sang quốc gia nọ để lao động, kinh doanh hoặc kết hôn. Mục vụ di dân vươn qua giới hạn địa giới, vùng miền, chủng tộc, ngôn ngữ và nguồn gốc; vì thế, Bản Hướng dẫn này được xem như một cẩm nang vừa giúp cho các mục tử thi hành sứ vụ vừa giúp các tín hữu thực hành bổn phận đức tin trong cuộc lữ hành trần thế.
Bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” được thử nghiệm trong thời hạn 2 năm, từ 1.11.2017 đến 1.11.2019. Trong thời gian thử nghiệm, Ủy ban Mục vụ Di dân sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, và cùng với Ban Soạn Thảo hoàn thiện tài liệu này để trình HĐGMVN ban hành chính thức.
Trở lại với buổi làm việc, Bản Hướng dẫn được chia thành 6 phần chính, gồm 100 vấn đề khác nhau. Mỗi phần được giải thích cặn kẽ, cha Giuse và Đức cha còn lấy dẫn chứng từ những câu chuyện thực tiễn trong quá trình mục vụ để bổ sung cho các ý cần trình bày. Sau cùng, Đức cha nhắn nhủ các linh mục trong quá trình tìm hiểu Bản Hướng dẫn nếu thấy có điều gì cần thêm bớt, chỉnh sửa thì ghi lại và gửi về cho văn phòng Mục vụ Di dân.
Sau giờ giải lao là thời gian dành cho những đóng góp và phản hồi về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân”. Đa phần các ý kiến nhận xét Bản Hướng dẫn đã giúp ích rất nhiều cho các giáo phận. Cha Raphael Đỗ Minh Tuấn, Đặc trách Di dân của giáo phận Thanh Hoá cho hay, kể từ khi có 2 bản văn là Những quy định, hướng dẫn về học Giáo lý và cử hành Hôn phối của giáo tỉnh miền Bắc và Hướng dẫn Mục vụ Di dân thì việc giải quyết hôn phối hay các việc khác liên quan đến anh em di dân đều giải quyết rất tốt đẹp.
Các cha cũng nêu ra những trường hợp cụ thể từ trong giáo xứ, giáo phận hay nhà dòng mình để mọi người có thêm thông tin cũng như tiếp thu phương cách mục vụ mới. Những khó khăn, khúc mắc trong công tác Mục vụ di dân cũng được Đức cha Giuse và cha Tổng Thư ký giải đáp, tìm hướng đi phù hợp. “Những khó khăn mà chúng ta gặp phải là khó tránh khỏi, nhất là trong thời buổi xã hội hoá hôm nay, tuy nhiên đối với mục tử của Lòng Thương Xót, thì những vấn đề này càng thúc giục ta cố gắng hết khả năng. Không thể giải quyết được hết các vấn đề cùng lúc nhưng chúng ta sẽ đi từng bước một. Giữa các giáo phận hãy thường xuyên liên hệ với nhau để tìm cách giải quyết tốt nhất các vấn đề, để người tín hữu cảm nhận mình luôn được đồng hành”, Đức cha Giuse đúc kết.
Ngày 25.4.2018
Đoàn hội nghị đã có chuyến thực tế (xuất phát vào lúc 7g30 và kết thúc lúc 15g) đến Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đại diện ban giám đốc bày tỏ niềm vui khi các linh mục, tu sĩ đã đến thăm công ty. Trong phần đón tiếp, người đại diện giới thiệu về Công ty giấy Sài Gòn qua hơn 20 năm được thành lập và đời sống, cũng như sự quan tâm của ban lãnh đạo dành cho anh chị em công nhân, đa số là người di dân. Qua đó, các linh mục trong đoàn đã tìm hiểu, trao đổi với công ty về việc quan tâm đến đời sống đức tin của anh chị em di dân Công giáo (chiếm 26% tổng số nhân viên).
Với sự hướng dẫn của phía công ty, thành viên đoàn hội nghị cùng nhau tham quan cơ sở sản xuất rộng 20 ha của Giấy Sài Gòn. Sau đó, Đức cha Michael Goro Matsuura đã chủ tế thánh lễ tại nhà nguyện phía sau hội trường công ty, với sự tham dự của một số anh chị em di dân Công giáo đang có mặt tại nơi làm việc. Trong tâm tình mừng lễ Thánh Marcô, cha Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhắc đến trong bài giảng lễ, hai động từ mà Hội thánh đã ban cho Thánh Marcô là ngài đã ghi chép và rao giảng Tin mừng. Động từ rao giảng đi trước, ghi chép sau. Điều đó khẳng định Thánh Marcô đã sống mầàu nhiệm Đức Kitô trước khi ông viết lại. Từ hình ảnh đó, ngài mời gọi mỗi anh chị em công nhân di dân hãy trở thành một chứng từ cho Tin mừng Phục Sinh, ý thức mình là con cái Chúa để rao giảng và ghi chép lại chứng từ của riêng mình bằng cách sống tốt hơn, lao động tốt hơn và đừng bao giờ mất đi niềm hy vọng.
Sau thánh lễ, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục giáo phận Bà Rịa, đã đến thăm đoàn hội nghị và dùng cơm trưa với anh chị em công nhân.
Tối cùng ngày, các tham dự viên Hội nghị được thưởng thức “Lẩu Tên Lửa” do Ban Mục vụ Di dân sở tại chủ trì.
Công ty Giấy Sài Gòn
Được thành lập từ năm 1997, Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (đóng tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do ông Cao Tiến Vị, một tín hữu Công giáo làm Tổng Giám đốc. Tại đây, trong mọi hoạt động, tinh thần yêu thương luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Về lãnh vực chuyên môn thì hiện nay, công ty đang từng bước trở thành doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các sản phẩm giấy chất lượng hàng đầu khu vực ASEAN. Không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm giấy đạt chất lượng, hơn 20 năm hình thành và phát triển, Công ty Giấy Sài Gòn còn chung tay cùng cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường, tham gia công việc bác ái xã hội. Hằng năm, ngoài thăm và tặng quà cho cán bộ công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, bà con nghèo neo đơn tại xã Mỹ Xuân thì vào các dịp lễ tết, công ty còn hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, phòng khám từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Ngoài các chương trình từ thiện, công ty còn đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên. Trong tổng số 1.100 lao động hiện nay, có khoảng 300 anh chị em là tín hữu Công giáo, do đó định kỳ hằng năm, công ty đều có mời các cha đến giải tội cho công nhân viên và tổ chức các thánh lễ ngay trong công ty. Trong khuôn viên nhà máy còn có tượng Đức Mẹ La Vang để mọi người có thể đến đọc kinh, kính viếng Mẹ bất cứ lúc nào.
Ngày 26.4.2018
Ngày cuối cùng của Hội nghị mở ra với phần thuyết trình về đề tài “Dấn thân xã hội” của phái đoàn Nhật, do Đức cha Michael Goro Matsuura dẫn dắt. Lần lượt, bài thuyết trình đưa Hội nghị đi từ hiện trạng người nước ngoài đặc biệt là người Việt tại Nhật; những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động Nhật và vấn đề vi phạm nhân quyền đang hoành hành đối với người lao động tại đây. Đức cha Giuse, sau khi phái đoàn Nhật trình bày, đã bày tỏ lời cảm ơn khi phái đoàn đến tạo một cầu nối giữa Việt Nam (đặc biệt là những vị đặc trách di dân) với anh chị em di dân Việt tại Nhật Bản. Đức cha đã bày tỏ nhiệt tình sẵn sàng hỗ trợ, cộng tác để người Việt có thể được quan tâm không chỉ về cuộc sống mà còn cả về mặt thiêng liêng. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến mong muốn của UBMVDD Việt Nam là làm sao cho người Công giáo Việt Nam có thể hòa nhập vào giáo hội địa phương tại Nhật. Về phần mình, cha Tổng Thư ký UBMVDD cũng gợi ý một số công việc phía UBMVDD Việt có thể làm để cộng tác với Nhật trong việc mục vụ cho anh chị em di dân, như thông tin qua các phương tiện truyền thông, tổ chức hội thảo giới thiệu luật lao động và mời doanh nghiệp Nhật đến chia sẻ... Tiếp lời, một số linh mục đặc trách di dân tại các giáo phận cũng đóng góp ý kiến riêng của mình trên tinh thần tìm hướng giải quyết cho việc hợp tác lâu dài để phục vụ này.
Thánh lễ tạ ơn của ngày bế mạc Hội nghị diễn ra ngay sau phần thảo luận. Tại nhà nguyện của Trung tâm mục vụ, Đức cha Giuse đã chủ sự thánh lễ. Ở bài chia sẻ trong thánh lễ, qua hình ảnh Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng nhắn nhủ rằng, mỗi thành viên ở đây cũng là những người được Chúa sai đi để phục vụ, vậy chúng ta phải làm thế nào để thực thi ý Chúa cách tốt đẹp nhất. “Vì hoàn cảnh anh chị em di dân phải rời bỏ quê hương đi đến vùng đât khác nhằm chu toàn nhiệm vụ nuôi sống gia đình. Họ chính là những người được Chúa sai đến để chúng ta thi hành sứ vụ của bản thân. Vì như Chúa đã nói, ai đón tiếp kẻ Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy cũng là đón tiếp chính Đấng đã sai Thầy”... Sau cùng, Đức cha nhắc nhở mọi người hãy luôn cầu nguyện cho anh chị em di dân, cầu nguyện cho Giáo Hội Nhật Bản, cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho UBMVDD thuộc HĐGM Nhật Bản và Việt Nam có những bước tiến để phục vụ tốt nhất trong bổn phận của mình.
Buổi chiều cuối cùng của Hội nghị, các tham dự viên đã dành thời gian để tiếp tục đóng góp, phản hồi về bản “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” và gặp gỡ các cộng đoàn di dân ngoại kiều (cộng đoàn tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn và tiếng Nhật), nghe họ giới thiệu về sự hình thành cùng những sinh hoạt, chương trình hiện tại nơi cộng đoàn mình.
Kết thúc Hội nghị, Đức cha Giuse ngỏ lời cảm ơn toàn thể các tham dự viên, đồng thời công bố Hội nghị Mục vụ di dân toàn quốc 2019 sẽ được tổ chức tại giáo phận Long Xuyên.
bài liên quan mới nhất
- Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình
-
Thư Chung Của Hội Nghị Mục Vụ Di Dân 2019 Gửi Anh Chị Em Công Giáo Xa Quê -
Hội Nghị Mục Vụ Di Dân Toàn Quốc 2019 -
Phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về di dân tại Việt Nam -
Chủ đề Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn lần thứ 105 -
Ban Mục Vụ Di Dân -
ĐHY Parolin kêu gọi đáp ứng vấn đề di dân một cách an toàn và nghiêm túc -
Cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn vào Chúa nhật cuối tháng Chín -
Hướng dẫn Mục vụ Di dân -
Hợp tác Mục vụ di dân Việt Nam - Nhật Bản
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Mục Vụ Di Dân
-
Hội Nghị Mục Vụ Di Dân Toàn Quốc 2019 -
Phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về di dân tại Việt Nam -
Chủ đề Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn lần thứ 105 -
Một Giáo hội, Một Nhà, Một Gia đình -
Hướng dẫn Mục vụ Di dân -
Thư Chung Của Hội Nghị Mục Vụ Di Dân 2019 Gửi Anh Chị Em Công Giáo Xa Quê -
Hội nghị Di Dân Giáo tỉnh Sài Gòn 2017 -
Hợp tác Mục vụ di dân Việt Nam - Nhật Bản -
ĐHY Parolin kêu gọi đáp ứng vấn đề di dân một cách an toàn và nghiêm túc